HỔ THẸN
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)
Trong lúc người khác tiến bộ hơn chúng ta, chúng ta phải tự biết hổ thẹn. Cũng như người khác dùng sức mạnh đàn áp, vì muốn tránh nghiệp bất lành hay vì chưa đủ sức chống chỏi lại, chúng ta đành nhẫn nhịn, song trong lòng lấy làm mắc cỡ. Tại sao người được tiến bộ hơn chúng ta, chúng ta tự thấy hổ thẹn? Bởi lẽ người kia cũng mình vóc tóc da,cũng cơm ăn, áo mặc như mình, tại sao họ được tiến hóa, được mở mang, có những việc làm ngay ngắn phúc lợi cho đời, còn mình lại lùi bước, chưa làm được những gì xứng đáng, vì thế mà chúng ta phải hổ thẹn?Có những xét nghĩ nơi lòng như vậy, rồi tự biết hổ thẹn thì trên đường đạo đức hay việc làm ở thế gian sẽ đem lại cho mình những kết quả đúng theo lòng tốt của mình đã muốn. Nhược bằng thấy người tiến hơn mà không biết hổ, kẻ húng hiếp mà không biết tủi, con người sống như búp bê, có xác không hồn, sống như cái máy cho người khác xài, thì kiếp số ngấy vô ích cho đời và uổng công sanh thành của cha mẹ. Tại sao thế? Vì là nếu con người không biết hổ thẹn lúc người tiến hơn mình, hay chẳng buồn khi kẻ hiếp mình,thì không khi nào danh giá mình được nổi bật lên trong đám quần chúng và cũng không làm việc gì tốt đẹp cho cha mẹ, lợi ích cho nhơn sanh, nhứt là không được đề tên trong kỳ công lịch sử.
Nhắc lại một lần nữa, việc hổ thẹn không những dùng trong trường đời mà còn dùng trong trường đạo nữa: ngay các vị Bồ tát còn hổ thẹn. Các Ngài hổ thẹn khi nhớ lại các vị Phật trước kia cũng như chúng sanh, song các Ngài sớm cắt ái, ly gia lo việc tu hành mà được chứng quả; còn mình lại mãi vấn vương tục lụy, đeo đắm lợi danh, chôn xác vô số trong cõi u đồ. Như thế có phải là điều nhục nhã chăng? Các Ngài còn có điều thẹn hơn nữa là thấy con người đẹp đẻ như thế nầy, mà không một ai chẳng từ trong chỗ ô uế sanh ra, các Ngài còn nghiên cứu để tìm hiểu tại đâu con người có sanh? Khi chết rồi về đâu? Khi các Ngài hiểu được con người do tâm tạo mà sanh ra và khi chết do nghiệp tạo mà đi đầu thai ở thế giới vui hoặc khổ, bây giờ muốn cho không sanh không diệt nữa các Ngài xem lại bản tâm, vạch lối giải thoát, tiến mạnh vào việc đạo đức, quyết lên thuyền Bát nhã qua bờ giác ngạn, dứt rồi biển sanh tử luân hồi.
“Đứa hai lòng sao chẳng hổ ngươi,
Đáng thùa thẹn với cây cùng cỏ”.
Đoạn nầy Đức Thầy trách thiện kẻ hai lòng: thấy cơm nói theo cơm, thấy cá nói theo cá, đến người nọ chống lại người kìa, đến người kia chống lại người nọ; đối với đất nước họ không làm điều nào xứng đáng, đối với đạo lý họ không hướng dẫn một ai; ngước lên Trời họ không thẹn mình đã hưởng yến sáng, gội giọt sương mỗi ngày đưa lại; dòm xuống đất họ không thẹn mình từng nhờ cây cỏ lá rau cung cấp; ngó lại người, họ không hổ mình chịu ơn rất nặng mà mình chưa làm được công ích gì đáng kể, họ là hạng người buôn dân bán nước, là kẻ sâu mọt của đồng bào, họ chỉ ngồi không thủ lợi, tiên chiếm địa vị giàu sang sung sướng không hề biết hổ thẹn việc quấy của mình, nên mới bày những trò xấu xa thế ấy.
Hổ thẹn là mỗi khi nơi mình có làm điều gì tội lỗi sái quấy thì mình tự thấy xấu xa thẹn thùa, dòm đến người lấy làm ngượng, xét lại mình lấy làm hổ. Ngượng và hổ như thế nào? Ngượng ở chỗ mình rất dối trá với người và không làm việc gì được bằng người, mặc dù việc mình làm người kia không biết song mình tự xét lấy mà hổ thầm.
Người quân tử lúc nào họ cũng biết hổ thẹn họ coi việc hổ thẹn là việc lớn của đời họ. Và chính vì biết hổ thẹn mà họ gây được lòng kính mến của kẻ xung quanh, giữ còn giá trị và làm cho tên tuổi của họ nổi bật bên trong đám dân chúng.
Với kẻ có những chí hướng to lớn: cứu nước cứu dân hay muốn lợi sanh hoằng pháp mà được thêm lòng biết hổ thẹn thì chẳng khác nào mình đi thuyền được gặp nước trôi thuận, gió thổi xuôi chiều, sẽ giúp con thuyền mình từ chỗ nầy đến chỗ kia một cách mau lẹ. Sự lợi ích của nó như thế đó, nên người trong trường học Phật, cũng như kẻ đang đứng trong thế đạo đều phải biết hổ thẹn.
Người ta biết hổ thẹn, khi đọc đến sách sử, thấy những vị anh hùng, các bậc chí sĩ từng tạo được nhiều hạnh phúc cho đời, làm lắm việc lợi ích cho dân tộc, còn chính mình đã hưởng thụ sự giúp đỡ của đời rất nhiều mà chưa tiến hành được việc gì cho đất nước thiệt lấy làm hổ.
Có biết hổ thẹn như vậy, mới làm cho chí hướng của mình nảy nở, trí hóa mở mang; trái lại con người trơ trẻn: đặng không mừng mất không lo, nước nhà hưng vong không nghĩ đến, đạo giáo bị suy đồi cũng không lo chấn chỉnh,phong hóa tồi bại chẳng liệu cách hưng phục lại, cứ như thế thì kiếp sống của mình chỉ choán cho chật đất, chớ ích lợi cho ai.
Và con người mà theo cái đà sống vô ích ấy, thì đối việc các bực anh hùng tiền bối, với các chí sĩ ngày xưa há mình chẳng tự thẹn, chưa làm được một việc nhỏ nào của các Ngài.
Hổ thẹn có sáu khoản:
1–Lẽ thứ nhứt, mỗi khi mình trông thấy người kia được có tài, có đức hơn mình rất nhiều thì chính mình tự xét rằng: người kia họ cũng sống trên mặt đất như mình, cũng cha sanh mẹ đẻ như mình, họ được tài đức như thế mà mình chẳng làm được việc gì xứng đáng thì lấy làm hổ thẹn mà cương quyết lên, cố gắng lên để tiến kịp người, hầu nhìn người khỏi phải hổ thẹn nữa.
2–Lẽ thứ hai, mỗi khi lời mình nói ra hay làm ra có ẩn điều gian dối với kẻ bề trên của mình, hay lừa phỉnh người dưới tay của mình, thì chính mình tự lấy làm hổ: không trọn lòng thành thật thờ kẻ trên, chẳng treo gương mẫu cho kẻ dưới mình cho họ bắt chước giữ sự chơn chánh; trái lại mình nỡ nhân chỗ không biết của người trên mà bày điều dối gạt; thừa lúc kém thiếu của kẻ dưới mà kiếm chuyện lừa phỉnh, nếu họ hay được chẳng những họ không phục, trở lại họ còn bắt mò theo đó sẽ tai hại về sau. Huống chi với người trên, mình ở bất hiếu, bất trung, thì không khi nào mình làm được việc lớn trong xã hội, vì còn ai ủng hộ cho mình làm nên việc ấy. Nghĩ như thế cần sửa chữa lòng mình được thành-thật ở mỗi việc đối với bề trên hay cấp dưới mình.
3–Lẽ thứ ba, khi tâm trí mình vọng khởi những điều xằng bậy, quay quần những tư tưởng nhơ xấu, mặc dù kẻ khác không hiểu, nhưng chính mình tự hiểu mà hổ thẹn; và cho ý nghĩ đó, mơ mộng đó như khói dầu hôi sẽ làm mờ trí óc của mình, nếu mình không sớm trừ diệt nó thì nó sẽ gây tai hại cho mình hay người khác nữa. Song muốn trừ diệt cái tư tưởng xấu, mình phải trừ diệt nó từ ngày nầy đến ngày khác, chừng nào thấy lòng như nhiên trong sạch mới thôi.
4–Lẽ thứ tư, mỗi khi việc của mình đã làm hoặc đang làm, thấy nó có đặc tánh ích kỷ đê tiện, chỉ làm lợi cho mình chớ không giúp kẻ khác được một điều nào, thì mình lấy làm hổ thẹn mà chừa bỏ. Nhứt là khi trông vào người khác, thấy họ biết giúp kẻ nghèo đói từ món ăn thức mặc, giúp kẻ bịnh hoạn những thuốc men, cho đến họ còn giúp người cùng quẫn không nơi cư trú được nhà ở, thì mình lấy làm hổ không bì được họ, mà rán lo đào thải đầu óc nhơ xấu, tánh nết nhỏ mọn của mình đi, để đổi lại lòng rộng rãi biết giúp đỡ mọi người được hưởng mọi sự đầy đủ như mình.
5–Lẽ thứ năm, mỗi khi lời mình nói ra độc ác, dối mị hay có ẩn ý tà tịch trong ấy, khiến cho người khác nghe đến họ bịt tai, lánh mặt, nghĩa là họ lấy làm xấu xa khó chịu câu nói ấy, thì mình biết hổ thẹn chừa bỏ ngay, thà câm không nên nói lời láo khoét dữ dằn. Được như thế thì lời nói của mình sẽ dịu dàng chơn thật và trong câu chuyện khác cũng được chánh đáng.
6–Lẽ thứ sáu, mỗi việc làm nào của mình thấy có lợi ích, không hại việc đạo đức, nghĩa là một việc đáng làm và cần phải làm, mà lòng mình chần chờ không làm đến, hoặc làm miễn cưỡng không cương quyết. Không cố gắng, theo lẽ việc làm ấy thành công dễ dàng mà mình để nó gãy đổ, thì mình phải biết hổ thẹn. Và tự hỏi tại sao kẻ khác làm được mà mình có phương tiện hơn họ lại không làm được? Liền đó mình hãy đánh bạt cái ý chí nhu nhược ấy đi, để đổi lại lòng quả cảm cho công việc làm sẽ tới được viên mãn.
Ngoài các điều đã kể qua, với những việc làm khác như: lời nói, xử sự hay niệm tưởng mình cũng luôn luôn biết hổ thẹn điều quấy phạm, nhơ xấu, lần lượt chùi lau trau sửa lại cho đến khi nào được toàn thiện toàn mỹ. Nhờ ở lòng biết hổ thẹn mà các điều xấu xa nơi mình đã được trừ bỏ, không khi nào trở lại được.
Nhưng chúng ta phải hiểu người biết hổ thẹn được lợi ích bao nhiêu, thì chúng ta cũng tự đoán biết kẻ không biết hổ thẹn sẽ có tai hại bấy nhiêu; người biết hổ thẹn là kẻ biết tiến, kẻ không biết hổ thẹn là kẻ thụt lùi và kẻ ấy nằm sát đáy biển tục trần không khi nào họ trồi lên được.
Hơn nữa, về sự hổ thẹn người học đạo cần có, và lòng thương xét ngoài cõi Ta Bà nầy có bao nhiêu cõi thanh tịnh vô biên mà mình không đến được, cứ vùi thân trong cõi trược, không những một kiếp nầy mà đã nhiều kiếp trước rồi cứ chuyển chuyển luân luân, lên lên xuống xuống chịu mọi nỗi: sanh, tử, già, bịnh chưa ra khỏi. Bây giờ mình phải xả thân cầu đạo, lánh tục tầm Tiên để đoạn xong cuộc sanh tử mới được.
Tóm tắt mục hổ thẹn nầy, dạy chúng ta cần phải biết so sánh giữa mình với người khác, nếu thấy người khác lành hơn mình thì mình sửa cho bằng họ; thấy người khác sáng hơn mình thì mình cũng tiến cho kịp họ; hay lời nói người khác dịu dàng hơn mình thì mình cũng sửa theo. Nghĩa là bất tất việc gì mình thấy thua kém hơn người thì mình tự cố gắng làm cho bằng họ. Được như vậy sẽ thấy nơi mình đối với người khác chẳng thua kém họ nhiều.