Ba Ngôi Thờ Cúng - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Ba Ngôi Thờ Cúng

BA NGÔI THỜ CÚNG CỦA TÍN ĐỒ PGHH

I. BA NGÔI THỜ CÚNG CỦA TÍN ĐỒ PGHH BAO GỒM NHỮNG GÌ?

Theo truyền thống dân tộc, người Việt Nam chúng ta đều sùng ngưỡng Tam Giáo: Phật, Thánh, Tiên. Vì thế, trong nghi thức thờ cúng, Đức Thầy dạy: nơi tư gia của mỗi tín đồ có 3 ngôi thờ cúng là để tượng trưng cho Tam giáo. Đó là:

1- BÀN THỜ PHẬT HAY NGÔI TAM BẢO

Cũng gọi là “Ngôi Tam Bảo”. Nơi đây tôn thờ vị Giáo chủ Đạo Phật trong cõi Ta Bà và mười phương chư Phật, Pháp, Tăng, cùng Phật Tổ, Phật Thầy… Bàn thờ nầy đặt ở giữa nhà, cao hơn bàn Cửu Huyền Thất Tổ, có ý nghĩa tượng trưng cho Phật Đạo.

Lúc mới khai Đạo (1939), Đức Thầy dạy tín đồ trang trí ngôi Tam Bảo một bức trần điều, là vì noi theo truyền thống của Đức Phật Thầy Tây An. Đến tháng 2 năm Canh Thìn (1940), Đức Thầy cho toàn thể trong Đạo đổi lại bức trần màu dà, với lý do được Ngài giải thích như sau: “...gần đây có nhiều kẻ thờ Trần Điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu dà ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.”

2- BÀN THỜ ÔNG BÀ hay CỬU HUYỀN THẤT TỔ (九 玄 七 祖)

Tượng trưng cho Thánh Đạo. Nơi đây là tôn thờ Tổ Quốc và Ông bà Cha mẹ từ vô lượng kiếp. Bàn nầy đặt giữa ngay giữa nhà, thấp hơn ngôi Tam Bảo, hoặc dưới ngôi Tam Bảo, nếu nhà nhỏ thì làm nhị cấp.

Là một nền Đạo xuất phát trong lòng dân tộc, người tín đồ PGHH với tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” không thể thiếu bàn thờ Ông bà được.

3- BÀN THÔNG THIÊN

Có ý nghĩa: bàn thờ thông lên Trời, cũng gọi là bàn thờ Cộng đồng Tam Giáo, dùng để tưởng niệm bốn phương Trời Phật. Nó hàm chứa tinh thần tín ngưỡng Phật Trời muôn thuở, của người dân Việt Nam chúng ta. Bàn Thông Thiên còn có ý nghĩa tượng trưng cho Tiên Đạo.

Tóm lại, với cách thiết trí 3 ngôi thờ cúng gồm đủ Phật, Trời, Tiên, Thánh trong mỗi gia đình, người tín đồ PGHH thường quan niệm rằng tư gia của mình ví như một ngôi chùa nho nhỏ.

Trong bài góp ý nầy, chúng tôi xin cùng quý đồng đạo thảo luận về Ý nghĩa của bốn chữ CỬU HUYỀN THẤT TỔ. Đồng thời, cũng nên tìm hiểu chữ nầy có từ lúc nào và do đâu mà tín đồ PGHH phải tuyệt đối phượng thờ.

Như vừa trình bày, hầu như tư gia của người tín đồ PGHH nào cũng có bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ và bốn chữ nầy luôn được người tín đồ nhắc nhở mỗi ngày qua hai thời cúng lạy:

“Cúi kính dưng hương trước Cửu Huyền,
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh ngộ quy y Phật,
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên.”


II. GIẢI NGHĨA " CỬU HUYỀN THẤT TỔ (九 玄 七 祖)" QUA SỰ PHÂN TÍCH CỦA CÁC VỊ ĐỒNG ĐẠO

A. NGHĨA CỦA " CỬU HUYỀN THẤT TỔ " THEO CỐ ĐỒNG ĐẠO THIỆN TÂM

Trước hết, đây là lời giải thích của Cố Đồng đạo Thiện Tâm trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ Chú Giải:

CỬU HUYỀN THẤT TỔ
Thành ngữ chỉ cho Ông Bà Cha Mẹ từ vô lượng kiếp đến giờ.

1. CỬU HUYỀN

Theo Nho giáo (Hán học) thì Cửu huyền là Cửu tộc, gồm có: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Có nghĩa trên mình bốn bực là: ông Sơ, ông Cố, ông Nội, Cha, giữa là mình và dưới mình bốn bực là: Con, Cháu, cháu Chắt, cháu Chít.

Xưa, đời Hạ Võ bên Tàu có đúc 9 cái đỉnh bằng đồng để thờ Tổ Tiên tộc họ. Triều đình nhà Nguyễn Việt Nam cũng có tạo ra Cửu đỉnh đặt tại nhà Thái Miếu, có ý để tưởng nhớ Tổ Tiên nòi giống. Tuy nhiên, nên nhớ là thờ lạy bốn bực trên đã qua đời, còn sự cứu độ và liên đới trách nhiệm thì cả luôn bốn cấp dưới.

2. THẤT TỔ

Theo Phật giáo (Phật học) thì Thất Tổ là Tổ Tông bảy đời, do chữ “Thất Thế Phụ Mẫu”. Có nghĩa là mỗi lần sanh ra một xác thân đều có Tổ Tiên cha mẹ, mà bảy đời như vậy gọi là “Tổ Tông bảy đời”. Theo phong tục ở Ấn Độ, con số 7 là con số tượng trưng cho số nhiều (Vô lượng).

Bởi từ vô thỉ tới giờ con người chết đi rồi sanh lại không biết bao nhiêu lần, cho nên Thất Tổ là chỉ cho Ông bà Cha mẹ từ vô lượng kiếp.

Điều nầy, Đức Thầy đã bảo:

“Chừng nào đắc được lục thông,
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời.”


Căn cứ theo hai lý giải trên, tựu trung ”Cửu Huyền Thất Tổ” là một thành ngữ ghép cả hai từ ngữ Cửu Huyền (Hán học) và Thất Tổ (Phật học). Ban sơ là tiếng cầu chúc lẫn nhau (chúc cho Cửu Huyền Thất Tổ Nội Ngoại), sau thành thói quen, nên dùng làm thành ngữ chỉ chung cho Ông bà Cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

“Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp.”

Và:

“Đầu cúi lạy Cửu huyền Thất tổ,
Ngõ đáp ơn báo bổ sanh thành.”

B. PHẦN GIẢI NGHĨA CỦA ĐỒNG ĐẠO NGUYỄN VĂN CHƠN TRONG QUYỂN TỪ ĐIỂN ĐẶC DỤNG

CỬU HUYỀN THẤT TỔ có thể hiểu theo hai nghĩa thông dụng:

1.- Để chỉ Ông bà Cha Mẹ

đã nhiều kiếp cho đến bây giờ. Ngoài ra còn có nghĩa: Tổ tiên nòi giống trải qua bao thế hệ, bao đời nay.

Theo Nho Giáo gọi Cửu Huyền là Cửu Tộc: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Thất Tổ: Phật Giáo gọi Thất Tổ là Tổ Tông bảy đời, do câu “Thất thế phụ mẫu”. Mỗi lần sanh ra một thân xác đều có Tổ Tiên cha mẹ, bảy đời như vậy gọi là Tổ Tông bảy đời.

Ấn Độ gọi con số 7 là số tượng trưng cho số nhiều. “Cửu huyền thất Tổ”, con số tượng trưng để chỉ Ông bà Cha mẹ hoặc Tổ Tiên nòi giống trong nhiều kiếp đến bây giờ.

2.- Cửu Huyền còn gọi là Cửu Tộc

Cao Tổ, Tằng Tổ, Khảo Tổ, Nội Tổ, Phụ, Tử, Đích Tôn, Tằng Tôn, Huyền Tôn.

Cửu Tộc là chín lớp người trong tộc họ: Bản thân, Cha, Con, Ông Nội, Cháu Nội, Ông Cố, Cháu Tằng Tôn, Ông Sơ, Cháu Huyền Tôn.

Thất Tổ: Phật Giáo thuyết “Thất thế Phụ mẫu” (Phụ mẫu Bảy đời).

Riêng về PGHH, Đức Thầy có giao cho Ông Hương Hào Phỉ nguyên văn bài giải thích Cửu Huyền Thất Tổ như sau: “Cửu Huyền là Cửu Tộc, nghĩa là chín đời trong gia tộc mình, đếm từ Cao Tổ, Tằng Tổ, Khảo Tổ, Nội Tổ, Phụ, Tử, Đích Tôn, Tằng Tôn, Huyền Tôn. Còn Thất Tổ là Bảy lớp Tông Tộc của mình trong bảy kiếp, vì Phật nói chúng ta sanh ra vô lượng kiếp, như mà dạy cầu nguyện trong bảy lớp Tông Tộc mà thôi; nên gọi là Cửu Huyền Thất Tổ".

C. PHẦN THUYẾT GIẢNG CỦA CỐ ĐỒNG ĐẠO LÊ VĂN PHÚ TỰ THO VÀ CÁC VỊ KHÁC:


Chữ CỬU là số Chín (không nghĩa nào khác).
Chữ HUYỀN là đen tối, sâu kín (cho nên gọi là Huyền Bí, Huyền Diệu…).
Chữ THẤT là số Bảy (không nghĩa nào khác).
Chữ TỔ là Ông Bà Tổ tiên.

Bốn chữ nầy là con số tượng trưng, vì chữ CỬUTHẤT còn ám chỉ cho bên Nam và bên Nữ (Nam thất, Nữ cửu). Ai trong chúng ta cũng có Ông Bà quá vãng tức là có Nam, có Nữ. Chữ HUYỀN là sâu kín, ám chỉ không biết bao nhiêu đời Ông bà. Cho nên Đức Thầy có dạy: “Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp” nghĩa là ơn sâu của Cha mẹ là con số vô lượng đếm không hết được.

Nho giáo dùng chữ Cửu Tộc để giải thích cho chữ Cửu Huyền là không đúng, bởi vì không ai đem con cháu mà thờ chung với Ông bà Tổ tiên bao giờ.

Năm 1939, Đức Thầy viết bốn chữ nầy đem lên để trên Bàn thờ Ông bà, tín đồ lui tới Tổ đình thấy vậy nên bắt chước, về nhà cũng viết bốn chữ nầy đặt lên bàn thờ Tổ tiên, thờ phụng cho đến ngày nay.

Quý Đồng đạo vừa theo dõi sự giải thích của các cao đồ PGHH về ý nghĩa bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ, sau đây chúng tôi giới thiệu thêm sự giải đáp của nhà sư Thích Giác Hoàng cũng về bốn chữ nầy để mở rộng tầm hiểu biết.

Không biết bốn chữ nầy được xuất hiện trong văn bản nào sớm nhất, nhưng theo chỗ chúng tôi biết, bốn chữ này xuất hiện trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải (1628 - 1715) được Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã dày công biên khảo và dịch lại, cho in chung trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải. Phía sau cuốn sách có in toàn bộ tác phẩm và ngữ lục của Thiền sư bằng chữ Hán. Tác phẩm Sự Lý Dung Thông cũng nằm trong phần phụ lục này, có đề cập đến bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ trong hai câu thơ:

"Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương”.


(Ðại ý là Giáo lý Đức Phật Thích-Ca hóa độ chúng sanh để thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, và có khả năng cứu thoát cửu huyền và thất tổ được siêu thăng).

Có lẽ vì câu trên quá cô đọng nên bản Việt ngữ của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát vẫn giữ nguyên như vậy, và phần dưới có chú thích ngắn gọn về bốn chữ "Cửu huyền Thất tổ" như sau:

"Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ."

Mặc dầu trong các Từ điển, chúng tôi không thấy có chữ "huyền" nào có nghĩa là "đời" cả, nhưng qua quá trình Việt hóa, chữ nầy được hiểu như là "đời", và có lẽ nên dịch là "thế hệ" thì chính xác hơn.

Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời.

Ngoài ra, có một vị Hòa Thượng đã giải thích rằng, sở dĩ gọi chữ "Huyền" ở đây vì chữ "Huyền" trong "Cửu Huyền" này vốn có nghĩa là "đen", vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly, trả về cho tứ đại, những chất tinh tủy xương máu và thịt tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là "Huyền". Bởi chín thế hệ vần xoay, sống chết như vậy nên gọi là "Cửu Huyền".

Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ.

Như vậy, chữ "cửu huyền" bao quát hơn chữ "thất tổ". Vì "thất tổ" chỉ cho các thế hệ đi trước, còn "cửu huyền" không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là "Nhà Thờ Cửu Huyền" (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" (viết bằng chữ Hán).

Ngoài ra, Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ cũng có ý kiến về các chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” như sau:

Theo thiển ý của tôi là Cửu Huyền tức 9 đời và Thất Tổ tức 7 tổ?

Bởi vì, con số 7 và 9 ở đây để phân biệt nam và nữ như đã dẫn ở trên. Đó là ý kiến, xin quý bậc cao minh bổ túc chỉ dạy thêm.

Cửu Huyền hay Cửu Tộc hoặc Cửu Đại tức dòng họ gồm 9 đời tính từ cao đến thấp đối với dòng họ trong gia tộc, được tính từ đời Ông Bà Sơ trở xuống đến các Chút như sau : Ông Bà Sơ (Huyền tổ), Ông Bà Cố (Tằng tổ), Ông Bà Nội hay Ngoại (Tổ phụ/Hiền tổ), Cha Mẹ (phụ thân), bản thân, các con (tử), các cháu (tôn), các chắt (tằng tôn) và các chút (huyền tôn).

Có người nói: Cửu Huyền gồm 9 bậc, nghĩa là mình đứng ở giữa có trên 4 bậc và có dưới 4 bậc tức là: Cao, Tằng tổ, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng tôn, Huyền tôn.

Còn Thất Tổ là gì? tức là tổ tông 7 đời, bởi có câu Thất Thế Phụ Mẫu cũng căn cứ sự dẫn chứng ở trên, được tính từ Ông Bà Nội trở lên đến Ông Bà Kỷ: 
1.- Ông Bà Nội (Tổ Phụ/ Hiền tổ), 
2.- Ông Bà Cố (Tằng tổ), 
3.- Ông Bà Sơ (Huyền tổ), 
4.- Ông Bà Sờ (Lai tổ), 
5.- Ông Bà Sẩm (Côn tổ), 
6.- Ông Bà Cẩm (Nhưng tổ) 
7.- Ông Bà Kỷ (Vân tổ).

Do vậy, Ông Bà mình thờ Cửu Huyền Thất Tổ là thờ cả dòng họ nhiều đời từ Ông Bà Kỷ (Vân Tổ) đến các Chút trong thân tộc, đáng cho người hậu thế như chúng ta noi gương. Bởi vì, đó là căn bản đạo đức của dân tộc Việt-Nam đáng ngưỡng mộ và biết ơn tiền nhân, không khác:

“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,
Uống nước nhớ kẻ đào giếng.”

(Trích dẫn từ trang 838 đến trang 853 quyểnTử-vi & Địa-Lý Thực-hành).

Tóm lại, bốn chữ “CỬU HUYỀN THẤT TỔ” đã được nhiều cao đồ trong hàng ngũ PGHH giải thích rất rạch ròi, vở lẽ, ngay cả những nhà Sư hoặc nhà văn cũng đã bỏ công sưu tầm, nghiên cứu để tìm hiểu nghĩa lý. Chúng tôi hy vọng qua những ý kiến được trình bày, chư quý đồng đạo cũng được ít nhiều thỏa mãn.

Đã là tín đồ PGHH, ai cũng mang nặng Tứ Đại Trọng Ân và ai cũng mong có ngày đáp trả; trong đó ơn Tổ tiên Cha mẹ, cũng chính là ơn Cửu Huyền Thất Tổ lại đứng hàng đầu. Do đó, muốn đáp đền công ơn Cửu Huyền Thất Tổ không gì khác hơn là phải lo tu hành chân chánh, nhất là phải hành theo những gì mà Đức Thầy đã chỉ dạy:

“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,
Vọng Cửu-Huyền sớm tối mới mầu.”


Hay:

“Đầu cúi lạy Cửu-Huyền Thất-Tổ,
Ngõ đáp ơn báo-bổ sanh-thành."


Do đó, “Mỗi khi ăn cơm với mắm muốn chi cũng vậy đều nguyện vái Cửu-Huyền, Thất-Tổ, Ông bà Cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo.” Đặc biệt là phải làm sao để:

Tu cho kẻ bạo khâm nhường,
Đẹp lòng cha mẹ Cửu-Huyền chờ trông.”

Bởi vì:

“Nay con quy Phật tu-hành,
Cửu-Huyền Thất-Tổ lòng lành chứng tri.”


Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó chẳng hạn như “phải ở chung đậu với người khác không có tu hiền hay không cùng một Đạo với mình hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ phượng thờ, thì đến giờ cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng.” Xin đừng để Đức Thầy phải buông lời than trách:

“Cửu-Huyền Thất-Tổ chẳng thờ,
Để thờ những Đạo ngọn cờ trắng phau.”


Ngoài ra, nếu chúng ta cố gắng chuyên tâm tu hành cao công quả, sẽ cứu vớt được Cửu Huyền Thất Tổ đang còn đọa sa nơi chốn Diêm đình:

“Tu cầu yên nước lợi nhà,
Cửu-huyền Thất-tổ Diêm-la thoát hình.”


“Rán tu đắc-Đạo cứu Cửu-Huyền,
Thoát chốn mê-đồ đến cảnh Tiên."


“Thất-tổ Cửu-huyền nơi chín suối,
Mỉa-mai xa-lánh sáu đường duyên.
"

“Thất-Tổ Cửu-Huyền nơi chín suối,
Những mong hậu-tấn biết tâm chay."

Đồng thời, chúng ta cần lo trau thân hành Đạo, bố thí trì chay để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho Tổ tiên dòng họ được siêu thăng Tịnh độ, thoát khỏi sự khổ não trong luân hồi lục đạo. Trong bài nguyện trước bàn thờ Cửu huyền mà người Tín đồ phải sớm chiều hai buổi thường hành, Đức Thầy có dạy:

“Nguyện đem công quả tu hành,
Cứu trong Tông Tổ vãng sanh liên đài.
Về Phật quốc ngày ngày an lạc,
Cả giống dòng giải thoát luân trầm.”


Nam Mô A Di Đà Phật!

Cư sĩ Văn Hiệp.


Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…

XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
0

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật