Tứ Ân Hiếu Nghĩa - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Tứ Ân Hiếu Nghĩa

  TỨ ÂN HIẾU NGHĨA

(Đức Bổn Sư Ngô Lợi)


1.SƠ LƯỢC ĐỨC BỔN SƯ – KHAI ĐẠO TỨ ÂN HIẾU NGHĨA

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời tháng 5 năm 1867 tại Cù lao Ba (nay là huyện An Phú, tỉnh An Giang) do ông Ngô Lợi sáng lập. Đức Bổn sư Ngô Lợi sinh giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Tân Mão (1831) tại làng Trà Tân (Mỏ Cày, Mỹ Tho), là sỹ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho – Tiền Giang, bị giặc truy nã, ông chạy vào vùng Thất Sơn – An Giang ẩn thân. Tại đây ông chính thức truyền đạo thu nhận tín đồ với tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đến tháng 9 năm 1870 ông thụ phong danh hiệu Đức Bổn Sư.

Khi mới ra đời, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được ông Ngô Lợi gọi là đạo Thờ ông bà, sau này tín đồ gọi đạo của mình là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Việc truyền đạo được ông thực hiện qua việc chữa bệnh, khi bệnh dịch đang hoành hành. Sau này, ông gắn việc truyền đạo với quá trình tập hợp nông dân khai hoang lập ấp, xây dựng căn cứ cách mạng.
Đầu năm 1876, ông dẫn tín đồ vào núi Tượng khai hoang năm 1879 ông lập thôn An định nơi đây được xem là Thánh địa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại vùng thung lũng giữa núi Tượng và núi Dài.

Cùng với quá trình khai hoang lập ấp, đấu tranh chống xâm lược vừa vận động nhân dân tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống. Ông đẩy mạnh việc truyền đạo thu nhận tín đồ. Sau mười năm truyền đạo đức Bổn Sư Ngô Lợi đã mở rộng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

2.TỨ ÂN HIẾU NGHĨA HOẰNG HOÁ TỪ PHẬT GIÁO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG


Tôn chỉ hành đạo của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “Hành Tứ ân – Sống hiếu nghĩa – Vì đại đoàn kết dân tộc”. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy đạo hiếu làm đầu, không thừa nhận ly gia cắt ái, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ. Cũng giống như giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là Tu nhân – học Phật, nhưng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã hoằng hoá và phát triển ở nhiều khía cạnh và cụ thể hoá hơn. Các giáo lý phật học được thông qua các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ dưới dạng Sấm giảng với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ và điều kiện hoàn cảnh của nông dân Nam Bộ.

a.Về tu nhân

Đức Bổn sư Ngô Lợi­ dạy tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải tu nhân vì phải trau dồi đạo đức thì mới hoàn thành tốt công việc và sống tốt với mọi ngư­ời trở thành ng­ười có ích cho xã hội. Tu nhân có nghĩa là phải thực hiện tứ đại trọng ân: ân cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào (Hành Tứ ân – Sống hiếu nghĩa – Vì đại đoàn kết dân tộc).

Ân tổ tiên, cha mẹ: 

cha mẹ là ngư­ời có công sinh thành d­ưỡng dục ta, vì vậy đền đáp công lao trời biển ấy mới xứng đáng là đạo làm ngư­ời. Đồng thời phải biết ơn ông bà, tổ tiên là thế hệ đã sinh thành ra cha mẹ. Để đền đáp công ơn tổ tiên, cha mẹ ta phải làm những điều tốt đẹp, làm vui lòng cha mẹ, tránh những điều xấu ảnh hư­ởng đến tổ tiên, ông bà. Bên cạnh đó, ta phải biết chăm lo cúng giỗ tổ đ­ường. Chính xuất phát từ việc phải báo hiếu cha mẹ, ông bà nên đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không chủ trư­ơng ly gia cắt ái để đi tu.

Ân đất nước: 

đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng tổ tiên, cha mẹ và chúng ta, ai cũng có quê hư­ơng đất nước – nơi chôn nhau cắt rốn và nuôi dư­ỡng mỗi chúng ta. Vì vậy, phải có bổn phận bảo vệ quê hư­ơng, đất nư­ớc mỗi khi có giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Ân tam bảo: 

phải đền ơn tam bảo gồm Phật, Pháp, Tăng bằng cách noi theo những lời Phật dạy, truyền bá đến mọi ng­ười để loại trừ lòng ham muốn hẹp hòi, cùng hướng tới chân, thiện, mỹ.

Ân đồng bào, nhân loại: 

phải biết sống với đồng bào bằng tình huynh đệ vì đó là những ng­ười cùng màu da, cùng chung cảnh ngộ, cùng chia sẻ buồn, vui. Ngoài ra, mỗi chúng ta còn chung sống với nhân loại trên trái đất, vì vậy không được phân biệt màu da, chủng tộc, phải sống trong hoà bình.

b.Về học Phật

Của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là những lời giáo huấn đ­ược viết bằng chữ Hán của Đức Bổn sư Ngô Lợi, trong đó có ba bộ kinh chủ yếu là: Bà-la-ni Kinh, Kinh pháp bửu trường sanh và Kinh siêu độ. Mỗi cuốn kinh có nội dung riêng cho từng vấn đề, có thể nêu một số cuốn kinh phổ biến sau:

– Cuốn kinh đầu tiên là Bà-la-ni Kinh được dùng tụng niệm nhiều trong các dịp cúng lễ.

– Cuốn thứ hai là Linh Sơn Hội Th­ượng Kinh, là cuốn kinh mà tín đồ phải thuộc vì nó hướng dẫn rõ nội dung, nghi thức các bước cúng dường và một số bài kinh tụng hàng ngày.

– Hiếu nghĩa kinh là cuốn nói về hiếu nghĩa ở đời.

– Siêu thăng kinh là cuốn kinh mang nội dung cầu siêu cứu độ vong kinh các vị tiền nhân có công với đạo, với làng.

3.CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC VÀ THỦ TỤC NHẬP ĐẠO

a.Chức sắc

Người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được gọi là Đức Bổn sư. Đức Bổn sư gọi tín đồ là Bá gia. Dưới Đức Bổn sư là các đại đệ tử, còn gọi là các cao đồ. Trong số các cao đồ được phân ra những chức năng cụ thể khác nhau: những người phát huy ý tưởng của Đức Bổn sư được gọi là ông Trò; những người thay mặt Đức Bổn sư chăm lo việc đạo của một nhóm tín đồ được gọi là ông Gánh.

b.Chức việc

Giúp việc cho Trưởng gánh có Thông tín, Cư sỹ Thủ lễ.

Thông tín là người thông báo các ngày lễ, các sự việc như tang ma, cưới hỏi, ốm đau cho mọi người trong Gánh biết và đứng ra quyên góp tiền bạc, phẩm vật khi cần thiết. Mỗi Gánh có 1 đến 2 Thông tín.

Cư sỹ là người có nhiệm vụ soạn sớ, điệp, tụng kinh, thỉnh chuông, mõ trong các buổi cúng lễ. Tuỳ theo số lượng tín đồ, mỗi Gánh có từ 2 đến vài chục Cư sỹ.

Thủ lễ có nhiệm vụ chuẩn bị bàn ghế, bố trí công việc, thắp hương và dâng cho các Trưởng gánh nguyện hương trong các buổi cúng lễ.

c.Thủ tục nhập đạo

Việc gia nhập đạo là hoàn toàn tự nguyện, không phân biệt, lựa chọn hay hạn chế các đối tượng gia nhập, miễn là người đó thực hiện được những quy định của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Người muốn vào đạo trước hết phải tìm đến Đức Bổn sư, các đệ tử của ông hoặc sau này là ông Trò hay ông Gánh để tìm hiểu và biết cụ thể hơn về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Khi đã chấp nhận thọ giáo thì người đó đến gặp một trong những vị nói trên để được tiến hành các thủ tục nhập đạo. Tín đồ nào thọ giáo với vị Trưởng Gánh nào thì trở thành thân bằng của Gánh đó. Thông thường đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức thọ giáo cho tín đồ vào ba dịp trong năm là Lễ Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Lễ Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Lễ Hạ nguyên (rằm tháng Mười). Người được thọ giáo phải đến chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa cúng lạy, sau đó vái ở bàn thờ Tam Bửu gia để khẳng định mình đã thuộc về Gánh đó. Vị Trưởng gánh phát cho tín đồ mới bộ Lòng phái gồm có: Lòng phái, Thế độ, Thái kiệt, Tiên sinh và Trần Điều. Sau 3 năm kể từ ngày thọ giáo, tín đồ được Trưởng gánh cho nhận thêm Bùa đời. Bộ Lòng phái là báu vật của tín đồ, đối với họ, nó không những có ý nghĩa xác nhận tín đồ là thành viên của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mà còn là bảo linh được mang trước ngực lúc sống và mang theo người lúc chết để phù hộ cho người đó.


4.SỰ PHÁT TRIỂN ĐẠO TỨ ÂN HIẾU NGHĨA HIỆN NAY

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nguyên lý của đạo được nhấn mạnh nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về nòi giống, kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất nước, bảo vệ những thành quả mà cha ông đã gây dựng. Do vậy, phong trào chống Pháp của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nổi lên mạnh mẽ.

Có thể nói, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một đặc tr­ưng văn hoá Nam bộ. Quá trình phát triển đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng ở vùng đồng bằng Nam bộ. Với đường hướng hành đạo là tu nhân học Phật, lấy đạo hiếu làm đầu, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ cùng với khả năng tổng hợp, hoà đồng các quan niệm cũng như các đối tượng thờ cúng của 3 tôn giáo: Phật, Lão, Nho và tín ng­ưỡng dân gian, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã tạo nên sự phong phú, thăng bằng trong đời sống tâm linh và là tôn giáo đặc trưng của nông dân Nam bộ.

Trải qua 150 năm hình thành và phát triển, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh cũng như trong đời sống văn hoá – xã hội của một bộ phận nông dân Nam Bộ.
Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo-Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố hiện nay có khoảng 78.000 tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, phân bố tập trung ở các tỉnh Tây Nam bộ như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, An Giang là trung tâm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

5.CHÙA TAM BẢO (TAM BỬU TỰ)

Chùa Tam Bửu do sư tổ họ Ngô, húy là Lợi mà trong đạo gọi là Đức Bổn Sư, lập ra. Cụ Ngô Lợi còn có tên là Hữu, sanh năm Canh Dần (1829) tại Dội (gần biên thùy Châu Đốc). Cụ Ngô Lợi dẫn hơn bốn trăm hộ gia đình khắp Nam kỳ lục tỉnh lên núi Tượng (Liên Hoa Sơn) “trảm thảo khai hoang”, ngoài việc thiết lập nên kiểng chùa này còn thiết lập thôn ấp mới gọi là thôn An Định. Cuối tháng Giêng năm Bính Tý - 1876, cụ khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy làm tổ, giữ tứ ân, trọng hiếu nghĩa. Tín đồ khá đông mà toàn thể đều được dạy tôn thờ Phật đạo, dạy cư sĩ tại gia. Cụ là người ghét Tây, mến những bậc trung lương ái quốc, nên trong bốn ân đó có ân Tổ quốc. Cụ liên lạc với cụ Quản Thành, một đại đệ tử của Phật Thầy và là một lãnh tụ kháng Pháp. Pháp có mấy lần tìm nhưng không bắt được cụ. Cụ Ngô Lợi viên tịch vào năm Canh Dần (1890) trong lúc không đau ốm gì. Truyền rằng xác cụ được một mãnh hổ cõng vào giấu trong một hang núi và xác ấy khô lại, không hôi thối.

Theo quyển “Cẩm nang du lịch An Giang” (Ban tổ chức lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Châu Đốc - An Giang, 2001), thì chùa Tam Bửu được xây dựng vào năm 1882. Chùa nằm về phía Đông vách núi Tượng, cách chân núi hơn mười thước. Khởi thủy, chùa được cất bằng cây lá đơn sơ và đã trải qua nhiều lần bị lính mã tà đốt phá với 7 lần pháp nạn. Người xưa kể, bọn lính cho rằng đây là vùng căn cứ tự trị do ông Ngô Lợi cầm đầu nên vào thôn đánh đuổi dân làng, cướp giật nhiều thứ từ vật dụng quý cho đến heo, gà... suốt thời gian từ 1876 đến 1888. Theo tư liệu của tủ sách sưu khảo Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương do Hà Tân Dân biên soạn và một số vị cao đồ địa phương, thì đến năm 1885 chùa được tái thiết. Đến tháng 2 năm 1888, khi chính quyền Pháp cho thôn An Định sáp nhập xã Ba Chúc (tỉnh Châu Đốc thời bấy giờ) thì chùa Tam Bửu mới được trùng tu khang trang.

Cứ tưởng chùa đã hết “pháp nạn”. Năm 1978, khi bọn Pôn Pốt đánh sang biên giới nước ta, nhân dân khắp nơi trong xã chạy vào chùa trú ẩn. Ngày 13-4-1978, quân Pôn Pốt bắn phá vào hậu liêu của chùa, làm một mảng tường hư sụp, khiến 40 người chết và 20 người bị thương.

Người bị thương và người chết nằm chồng chất lên nhau. Đến ngày 20-4-1978, bọn Pôn Pốt tràn vào chùa lần thứ hai, bắt hơn 700 người đem ra khỏi chùa, cướp hết đồ đạc rồi phân ra nam, nữ.
Nam đưa về hướng cánh đồng Lạc Quới, nữ đưa về hướng kinh Năm Xã, còn lại những người già yếu bệnh tật không đi nổi, chúng lôi vào nhà khách bắn chết, sau đó đốt chùa. Riêng 700 người bị bắt chỉ có 2 người sống sót trở về, còn bao nhiêu chúng hành hạ, hãm hiếp phụ nữ và giết hết ngoài cánh đồng gần chùa.

Thăng trầm trên 100 năm, ngày nay chùa Tam Bửu vẫn còn nét cổ với nhiều mái, nhiều gian, lợp ngói với nóc chóp cao. Chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng trên 3ha. Ngoài ngôi chính điện còn có nhiều gian phụ như nhà khách, nhà tiếp tân, nhà bếp và nhà nghỉ có sức chứa hàng trăm người. Chùa hiện có khoảng 30 bàn thờ từ chính điện ra đến tận cột phướng.
Trong chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân, Hội đồng Thượng Phật, Cửu huyền bá tánh, Thập vương, Hộ pháp, Chánh tăng, Phật vương, Phật thầy, Phật trùm... Tiền sảnh tạc 4 con rồng vào 4 trụ, gần cột phướng thờ Thiên, Địa thần, Thổ trạch. Việc cúng bái với rất nhiều nghi lễ, ngoài rằm và hăm chín, ba mươi hằng tháng, còn những đại lễ khác như: Đức Bổn Sư viên tịch (13-10 âm lịch), rằm tháng bảy (Trai đàn), cúng hội Chánh đán, Đoan ngũ, giỗ tập thể...
Chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vừa có kiến trúc cổ vừa mang dấu ấn lịch sử thời khẩn hoang, đã được Nhà nước công nhận di tích kiến trúc cấp quốc gia hơn 20 năm qua. Hiện nay mỗi ngày chùa thu hút hàng trăm người trong và ngoài nước đến hành hương.



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
Đăng nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật