CỦA MỘT TÍN ĐỒ P.G.H.H
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)
“Sống tranh đua khi chết cũng xương tàn
Mượn đuốc huệ đánh tan mùi tục lụy”.
“ Muốn cho rắn đặng hóa cù
Xả thân làm phước Diêm phù vượt qua”.
Mỹ ý Đức Thầy muốn nói rằng: “Con người trong lúc sống, dầu có cực lực tranh đấu với mọi người, đem lại những thắng lợi tiền của dẫy đầy, chức tước cao sang, đến ngày bỏ xác cũng bỏ hết, chỉ còn lại một nắm xương tàn tạ dưới nắm mồ che kín vậy thôi. Thử hỏi từ trước đến nay, biết bao nhà triệu phú, cũng lắm bực oai hùng nhưng có một tay nào thoát khỏi vòng hái của tử thần chăng? Thật ra không một người nào khỏi cả. Nếu chết thì mọi vật đều hết, chỉ còn cái tội phước đem theo một kiếp khác nữa, để tùy đó mà hưởng quả vui hoặc khổ thôi. Đã biết kiếp con người ngắn ngủi, dầu lắm sức tranh đấu hơn thua với mọi người cũng chẳng ít gì, chi bằng sớm mượn ngọn đuốc huệ chiếu phá cảnh u mê, xông khói thiền cơ đánh tan mùi tục lụy.
Khói thiền cơ thơm dịu lâu dài; mùi tục lụy chua cay ngắn ngủi, kẻ nào ô nhiễm nó sẽ chết vì nó. Trái lại vượt khỏi nó sẽ được hưởng một kiếp sống trường miên vĩnh cửu ở cõi Niết Bàn”Tuy nhiên, chớ chuyên tâm vào việc tu huệ không mà cần phải thêm tu phước, vì nếu tu huệ không chỉ được hưởng phần sáng suốt, nhưng kém phần phước lợi, là một khuyết điểm về phương diện cứu giúp người đời. Song muốn làm phước cần nhứt là phải quên lợi riêng của mình đi, mới có thể đem tiền của vật thực của mình để giúp kẻ khác. Cũng như con rắn phải nhả được viên ngọc quý trong miệng mới có thể hóa thành cù. Nhược bằng còn tiếc ngậm viên ngọc ấy mãi thì chẳng hóa cù được. Người tham tiền của nhiều chẳng đem giúp đỡ cho ai, thì khó mà qua cửa Diêm phù.
Vì bởi vọng tâm của chúng sanh không số lường, nên pháp giáo của Phật cũng không số lường, để cùng có đủ pháp đối trị lại cái vọng tâm ấy. Đó chẳng khác nào bịnh với thuốc, vì bịnh có nhiều thành ra thuốc phải có nhiều, để tùy theo bịnh nào thì có thuốc nấy điều trị. Nói rõ hơn là bởi tạo nghiệp của chúng sanh rất nhiều, nên Đức Phật phải có nhiều phương pháp để tùy theo mỗi tạo nghiệp mà chỉ cho mỗi phương pháp, cho chúng sanh mượn đó đặng trừ diệt.
Thế chỉ là một phương tiện trong việc phổ độ chúng sanh, nhưng dầu bao nhiêu pháp, bao nhiêu môn cũng không ngoài hai lẽ tu phước và tu huệ.
- Tu phước: Nghĩa là làm những việc phước. Việc phước ấy là đem của cải ra cấp phát cho những người nghèo khổ; lập ra những viện chẩn tế cho kẻ bần nhơn được hưởng nhờ manh quần tấm áo, nhỏ nước bát cơm; xây cất những gian nhà nuôi hộ những người già cả yếu đuối không con cái phụng dưỡng; dựng lên những viện lãnh trẻ nít mồ côi cha mẹ để nuôi dạy tử tế; mở ra những nhà thương thí có đủ thuốc men để điều trị những bịnh nhân nghèo nàn không đủ tiền mua sắm dược liệu để điều trị lấy; tạo lập những nhà bảo sanh để hộ sanh những sản phụ chửa hoang đẻ lạnh, hoặc thiếu điều kiện sanh sản tại nhà vì họ quá nghèo; thấy chùa tháp miễu môn hư sập, xúc động lòng tôn kính Trời Phật liền mua sắm nguyên liệu để tu bổ lại kín đáo, khiến trên dinh đài không bị dột đổ, hương khói không phai mờ ;
gặp đường sá hư hao cầu kỳ gián đoạn lo bồi đắp cất bắc lại cho mọi người dễ bề lưu thông. Đó là những hạng người có tiền bạc dư giả nhiều, có thể làm những lợi ích lớn lao cho xã hội. Còn đối với những người ít tiền bạc cũng có thể làm việc bố thí được. Ví dụ: Gặp người ăn xin, cho một bát cơm hay một cắc bạc, mà lòng mình muốn sao có tiền nhiều để giúp họ nhiều hơn mới thỏa lòng. Thì một bát cơm, một cắc bạc ấy sẽ có giá trị bằng vựa lúa to, đống bạc lớn vậy. Như thế thì người thí ít thật lòng, người thí nhiều không thật lòng, chưa chắc rằng người thí nhiều có phước hơn người thí ít.
Theo sự ghi tội phước, chỉ ghi lòng tốt hay không trong sự bố thí, chớ không ghi vật bố thí nhiều hay ít. Ví dụ: mình cầm cắc bạc cho người, trong lúc đó lòng mình khởi lên ý nghĩ: phải chi có hai chục đồng cho người, thì chư Thần ghi hai chục đồng, chớ không ghi một cắc. Còn người cho kẻ khác hai chục đồng mà khi người đi rồi, lại có ý tiếc muốn cho một cắc thì chư thần ghi một cắc, chớ không ghi hai chục đồng. Thấy đó đủ biết việc làm phước chẳng phải đợi có của nhiều mà chỉ do lòng từ thiện hay không từ thiện vậy thôi.
- Tu huệ: nghĩa là lo trau giồi trí huệ. Muốn cho phần trí huệ được phát triển, thì cần phải mượn giới luật làm hàng rào ngăn chận những điều lầm lỗi. Kế đó trong mỗi ngày hãy dành được nhiều thì giờ tu tập pháp Thiền định, nghĩa là hoặc ngồi lại quán tưởng tướng hảo Đức Phật, hoặc ngồi lại lóng lặng vọng tâm, không móng sanh những ý nghĩ xấu xa bất thiện, hoặc suốt ngày lẫn đêm nơi lòng luôn luôn giữ mãi sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” khiến lòng chẳng còn một mảy nghĩ ngợi nào khác hơn niệm Phật. Niệm Phật cho được thuần phục nơi lòng như mặt nước hồ một màu trong vắc, chỉ còn một mặt trăng hiện ra trong ấy. Được như thế, chẳng bao lâu sẽ mở khai trí huệ, tự mình, được thấy rõ chơn tâm của mình, cũng như thấy một vật để trước mặt.
Ngoài ra còn bao nhiêu sự vật trên thế gian mình sẽ dùng lấy trí huệ ấy, soi phủng tận nguồn gốc của nó.
Về phần tu huệ thì cả mọi người, ai cũng có thể tu được, vì nó không tốn của cải, không luận sức khỏe nhiều hay ít, nó thuộc về phần lý tánh, chỉ ai biết soi lại tâm trí mình và biết giữ gìn nó được lặng lẽ tốt lành, thì sẽ được mở trí huệ.
- Tu huệ: nghĩa là lo trau giồi trí huệ. Muốn cho phần trí huệ được phát triển, thì cần phải mượn giới luật làm hàng rào ngăn chận những điều lầm lỗi. Kế đó trong mỗi ngày hãy dành được nhiều thì giờ tu tập pháp Thiền định, nghĩa là hoặc ngồi lại quán tưởng tướng hảo Đức Phật, hoặc ngồi lại lóng lặng vọng tâm, không móng sanh những ý nghĩ xấu xa bất thiện, hoặc suốt ngày lẫn đêm nơi lòng luôn luôn giữ mãi sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” khiến lòng chẳng còn một mảy nghĩ ngợi nào khác hơn niệm Phật. Niệm Phật cho được thuần phục nơi lòng như mặt nước hồ một màu trong vắc, chỉ còn một mặt trăng hiện ra trong ấy. Được như thế, chẳng bao lâu sẽ mở khai trí huệ, tự mình, được thấy rõ chơn tâm của mình, cũng như thấy một vật để trước mặt.
Ngoài ra còn bao nhiêu sự vật trên thế gian mình sẽ dùng lấy trí huệ ấy, soi phủng tận nguồn gốc của nó.
Về phần tu huệ thì cả mọi người, ai cũng có thể tu được, vì nó không tốn của cải, không luận sức khỏe nhiều hay ít, nó thuộc về phần lý tánh, chỉ ai biết soi lại tâm trí mình và biết giữ gìn nó được lặng lẽ tốt lành, thì sẽ được mở trí huệ.
Đức Phật cho trí huệ như chiếc thuyền rất bền chắc, không có một lượn sóng dục tình nào đánh đắm được, nó giúp người lướt khỏi cái biển khổ: sanh, già, bịnh, chết để sang qua bến giác. Nó như là một ngọn đuốc có sức sáng to lớn, chiếu phá được cảnh tối tăm màn lớp vô minh, hiện rõ những hình ảnh chơn thật cả mọi việc, nói rõ hơn, là được hiện rõ cái chơn trí diệu minh của chúng sanh. Nó cũng như một món thuốc thần sẽ chữa lành thứ bịnh thất tình, lục dục của các giới chúng sanh, khỏi phải bị quay cuồng siết bó trong cảnh ấy nữa. Nó cũng như một lưỡi búa có sức bén thép cực kỳ, sẽ ruồng phá những gai góc, những sắn bìm, những lòng si mê tà kiến của tâm vọng chấp nhơn chấp ngã, của sự luyến ái nơi cõi hồng gian.
Bởi trí huệ có năng lực siêu mầu như thế, nên khi người mở trí huệ lẽ cố nhiên đã diệt xong các phiền não, khô cạn bể ái dục, nơi lòng lúc nào cũng được lặng lẽ yên vui, chẳng hề bị một mảy trần ai trói buộc. Đức Phật bảo: “kẻ có trí huệ, họ soi tỏ được tất cả sự vật, không một vật nào mà họ không hiểu nguyên nhân kết quả, tuy rằng họ còn đương mang xác thịt như bao nhiêu người khác, song chính họ là bực đại nhân đầy đủ sáng suốt, họ có thể nối ngôi chư Tổ để tiếp độ quần sanh sau nầy, chẳng nên thấy họ còn mang xác thịt như mình mà đem lòng khinh mạng."
Theo thói thường của mọi người từ trước đến nay, hễ lo tu phước thì quên tu huệ, lo tu huệ thì quên tu phước, vì vậy mà kết quả bị chênh lệch. Người lo tu phước không, thì ngày kia có của tiền nhiều, danh vọng to, con cháu đông đảo, nhưng kém phần thông minh sáng suốt và cũng còn trong bánh xe luân hồi. Còn người lo tu huệ không thì ngày kia trí hóa thông minh sáng suốt hơn bao nhiêu người khác, nhưng họ phải chịu nghèo, vì kiếp trước không bố thí cho ai.
Thế thì hai cái phước, huệ rời nhau sẽ kết quả chênh lệch, như: người giàu có mà ngu ngốc, kẻ thông minh mà nghèo nàn, thì cái giàu có ấy đâu ấy gì làm sung sướng, còn cái thông minh kia sẽ thiếu phương tiện giúp đỡ kẻ thiếu hụt.
Thế nên người tu cần gồm cả hai việc tu phước và tu huệ, để ngày kia có kết quả đủ hai phương diện phước trí. Về phần phước thì được đầy đủ cách ăn, mặc, ở; về phần trí thì được đầy đủ sáng suốt, để đủ cách giúp cho người khác tránh việc tội lỗi; và hậu lai của họ sẽ được hưởng phần giải thoát.
Nói rõ hơn, đối với người muốn cứu đời, thì cần phải có đủ phước lẫn huệ để tùy theo lòng của chúng sanh muốn những gì, mình được có những nấy để giúp họ. Ví dụ: họ muốn được cơm tiền, bô vải, thì mình có cơm tiền, bô vải giúp họ; họ muốn được phương pháp mở trí huệ thì mình có phương pháp mở trí huệ giúp cho họ, mỗi mỗi việc gì của họ muốn thì mình đều có giúp họ hài lòng thích ý, hầu vui vẻ phát tâm Bồ đề, mong cầu đạo giải thoát. Đó là một việc mà ngày xưa Đức Phật Thích Ca thường làm và các vị Tổ kế đây cũng từng thiệt thi các việc ấy để giúp mọi lợi ích cho nhơn sanh.
Kết luận bài hôm nay mỗi người của chúng ta muốn thực hiện được tinh thần từ bi hỉ xả, lẽ cố nhiên không để cho sự tu của mình bị hạn chế vào một ranh giới nào làm cho chênh lệch, mà là cần phải làm cho đạo hạnh được tròn đủ mọi bề. Nếu muốn cho đạo hạnh được tròn đủ thì trong đạo chúng ta cần phải tu cả phước và huệ. Phần tu phước thì nên đem của cải của mình đang có giúp cho người, phần tu huệ thì phải trau giồi trí huệ cho sớm được khai thông. Khi trí huệ được khai thông thì đem chỗ nhận thấy của mình chỉ lại cho đời hiểu rõ mỗi kết quả của mỗi hành động trong nhân gian, khiến họ vui lòng bỏ điều tội ác. Như thế, mình đã có đủ phương tiện giúp đời và chính đó là một tinh thần tự giác, giác tha của người hành đạo.