Luận Việc Tu Hành - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Credit

Luận Việc Tu Hành





LUẬN VIỆC TU HÀNH

Tu hành dương-thế cậy đồng tiền,
Phật-Giáo vì tiền phải ngửa-nghiêng
Bát-nhã chẳng đưa người tội ác,
Thuyền-từ nào rước lại Tây-Thiên
Trần-gian đầy-dẫy người làm dối,
Đạo cả nào trông đến cảnh thiền
Đoái thấy người đời lòng bắt chán,
Dương-trần lầm lạc đáng ưu-phiền
Muốn đặng về Thần với Thánh-Tiên,
Kỹ xem cõi thế thấy kia liền
Cư trần bất nhiễm là người Thánh,
Lẫn tục đừng mê chứng bực hiền
Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
Tham danh phế đạo chí đâu yên
Sao bằng cửa Phật vui thanh-tịnh,
Lánh cõi trần mê giải nghiệp duyên
Tiếc vì không đức, tiếc chi tiền,
Phật Thánh xưa kia sách vẫn biên
Bác-ái xả thân tầm Đạo chánh,
Độ người lao khổ dạ không phiền
Mình vàng Thái-Tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông-cung tước phế liền
Xem đó hỡi người mau lập chí,
Tu hành khá nhớ giữ cho nguyên
Muốn đặng thành Thần với Phật Tiên,
Rán tu ân đức chớ tu tiền
Lợi danh chớp-nháng như luồng gió,
Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền
Sớm thức tỉnh tâm tầm đạo chánh,
Sau nầy về Phật với ngôi Tiên
Lập thân giúp thế nên cộng-quả,
Muôn kiếp danh hiền sách vẫn biên

H.H. năm Kỷ-Mão

1. XUẤT XỨ

Khoảng đầu mùa Thu năm Kỷ Mão (1939) Đức Giáo Chủ sáng tác bốn bài thi bát cú Đường luật. Ngài không ghi ngày giờ và tựa bài chỉ biết Ngài viết sau bài “Thiên lý ca” và trước bài “Tam hùng trổ mặt”. Sau nầy, ban sưu tập căn cứ vào ý nghĩa của bài mà tạm đặt cho tựa đề là “Luận Việc Tu Hành”.

2. VĂN THỂ

Đây là một bài vận văn, thể bát cú Đường luật, loại văn Nghị luận và thuyết giáo. Khởi đầu bằng câu:

“Tu hành dương thế cậy đồng tiền,”

Và chấm dứt bởi câu:

“Muôn kiếp danh hiền sách vẫn biên”.

3. NỘI DUNG

Hiện tình trong thế gian, người thiệt tu thì ít kẻ giả đạo lại nhiều. Xưa nay có số tu hành vì ham tiền bạc danh vị mà làm cho nền đạo phải đảo điên xáo trộn.

Đức Giáo Chủ cho biết: Thuyền từ bi và bát nhã chỉ đưa rước người chơn tu chớ chẳng bao giờ chở kẻ giả tu được, vì kẻ giả tu đã nhận sai chơn lý và luôn gây tạo nghiệp ác.

Thấy thế, khiến cho các bậc chơn tu thêm buồn chán, nhưng vì lòng từ bi, quá thương xót nhân sanh, nên các Ngài cũng cảm kính mà tìm phương cứu độ.

4. CHỦ ĐÍCH

Đức Giáo Chủ cảnh tỉnh những người tu giả dối ấy và khuyên tất cả nên thật tâm noi gương Đức Thích Ca và chư Phật Thánh lo tu hành chân chánh, đúng chân lý của Đạo Phật để sau nầy được trở về với ngôi vị Phật Tiên.


CHÁNH VĂN (Bài I)

1.- “Tu hành dương-thế cậy đồng tiền,
Phật-giáo vì tiền phải ngửa-nghiêng.
Bát-nhã chẳng đưa người tội ác,
4.- Thuyền-từ nào rước lại Tây-Thiên.
Trần-gian đầy-dẫy người làm dối,
Đạo cả nào trông đến cảnh thiền.
Đoái thấy người đời lòng bắt chán,
8.- Dương-trần lầm lạc đáng ưu-phiền”.

1. LƯỢC GIẢI

Bài “Luận việc Tu hành I” được phân làm bốn đoạn. Qua hai câu mở đề (1 và 2) Đức Giáo Chủ cho biết trong hiện tình có số người tu chỉ nặng vì tiền bạc hơn là lo tu thân hành đạo; khiến cho nền đạo Phật bị lu mờ, xuống dốc, tín đồ giảm lòng tin, người đời biếm nhẻ.

“Tu hành dương thế cậy đồng tiền,
Phật giáo vì tiền phải ngửa nghiêng”.


-Đến hai câu trạng (3 và 4), chư Phật lúc nào cũng đầy lòng từ bi, bác ái, quyết dùng thuyền từ bi và trí huệ cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Song vì luật công bằng bình đẳng của đạo Phật mà thuyền từ và bát nhã ấy chỉ đưa rước những người thật tâm tu niệm chớ không thể nào rước những người giả tu hay còn gây tội ác cho được:

“Bát nhã chẳng đưa người tội ác,
Thuyền từ nào rước lại Tây Thiên”.


-Đến cặp luận (5 và 6) Ngài bảo hiện tình trong cảnh trần biết bao người hành đạo giả dối, tu đã sai lạc chơn lý thì làm sao đạt được cái lý sắc không của đạo.

“Trần gian đầy dẫy người gian dối,
Đạo cả nào trông đến cảnh thiền”.


-Hai câu kết (7 và 8) bởi nhận biết số người tu sai lạc như vậy nên lòng các bậc cứu đời bắt chán ngán, nhưng vì tâm từ bi các Ngài lúc nào cũng thương cảm họ, bởi lòng còn quá mê nên phải lầm lũi mãi trong sáu đường luân hồi sanh tử.

“Đoái thấy người đời lòng bắt chán,
Dương trần lầm lạc đáng ưu phiền”.


2. CHÚ THÍCH

TU HÀNH: (Xem CT STTĐ, trang 399, Q.2)
DƯƠNG THẾ: (Xem STTĐ, trang 106, Q.1, cột 1)
PHẬT GIÁO: (Xem CT STTĐ, trang 311, cột 2)
BÁT NHÃ: (Xem CT bài Thiên lý ca vừa giải).
THUYỀN TỪ: Thuyền từ bi của chư Phật. Bởi lòng từ bi của Phật có diệu năng đưa chúng sanh sang bờ giác, cũng như thuyền Bát nhã. Đức Thầy từng nói:

“Thuyền từ bi thẳng cánh lướt sang,
Qua đông độ vớt người hữu đức”.

(Diệu pháp Quang minh)

TÂY THIÊN: (Xem chữ TT trong STTĐ, trang 434, Q.1, cột 2).
ĐẠO CẢ: Đạo rộng lớn, cũng gọi là đạo Phật, hay chánh đạo.
CỬA THIỀN: Cửa đạo, ý nói những người tu đã đạt được đạo, hoặc đắc đạo:

“Ấy mới vừa đắc đạo hoàn toàn,
Và lần bước phô trương độ chúng”.

(Khuyến Thiện, Q.5)

CHÁNH VĂN (Bài II)

9.- “Muốn đặng về Thần với Thánh-Tiên,
Kỹ xem cõi thế thấy kia liền.
Cư trần bất nhiễm là người Thánh,
12.- Lẫn tục đừng mê chứng bực hiền.
Phú quí tạo đời thêm mệt xác
Tham danh phế đạo chí đâu yên.
Sao bằng cửa Phật vui thanh-tịnh,
16.- Lánh cõi trần mê giải nghiệp duyên”.


1. LƯỢC GIẢI

(Từ câu 9 tới câu 16)

Bài “Luận việc tu hành II” cũng chia làm 4 đoạn. Quan hai câu mở đề (1 và 2) nhận thấy Đức Giáo Chủ cho biết người đời muốn hiểu rõ ai là bực Phật Tiên hay Thần Thánh. Hãy xem kỹ người sống trong cõi đời là hiểu ngay.

“Muốn đặng về Thần với Thánh Tiên,
Kỹ xem cõi thế thấy kia liền”.


Đến cặp trạng (3 và 4) thấy rằng nếu người sống giữa cõi trần mà không bị cõi trần trói buộc, sai khiến làm ô nhiễm, đó là bậc Thánh, cũng như người sống giữa cõi tục mà không bị các điều tục lụy làm mê nhiễm, chính người đó là bậc đại Hiền.

“Cư trần bất nhiễm là người Thánh,
Lẫn tục đừng mê chứng bậc Hiền”.


-Đến cặp luận (5 và 6) Ngài bảo rằng những cuộc giàu sang vinh hiển hay danh vị bạc tiền dầu ta cố tình gây tạo, cũng chẳng ích chi lại làm lao thân mệt trí thêm. Bởi nó là vật hữu hình tạm giả không hưởng thụ lâu dài được:

“Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
Tham danh phế đạo chí đâu yên”.


-Tới hai câu kết (7 và 8) đại ý Ngài dạy: chi bằng ta nương theo cửa Phật (cửa không) tu hành giải thoát nghiệp trần mê, luân hồi sanh tử, hầu tiến tới Niết Bàn, Cực lạc. Chính đó mới là nơi an vui tịch tịnh, vĩnh cửu trường tồn:

“Sao bằng cửa Phật vui thanh tịnh,
Lánh cõi trần mê giải nghiệp duyên”.



2. CHÚ THÍCH 

THẦN: Bậc khác hơn người thế tục, lượng xét không cùng tột, linh diệu oai mãnh, thông suốt không bị chướng ngại. Là bậc bá tánh thường tôn trọng kính thờ. Hiền thần có 4 bực: Phật thần, tiên thần, thánh thần, quỉ thần. Song chữ Thần ở đây là chỉ cho bực Phật thần, tức là bậc tu hành đã siêu thoát sanh tử, chứng được lục thông trở lên. Đức Thầy có câu:

“Tâm linh mắt thánh xem ba cõi,
Tánh hiển tai thần lóng bốn phang”.

(Tỉnh bạn trần gian)

PHẬT TIÊN: Bậc tu hành đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát sanh tử, tiêu diêu tự tại. Vì chữ Tiên ở đây đứng chung với chữ Phật, nên không thể hiểu như chữ Tiên Thần còn luân hồi trong tam giới. Đức Giáo Chủ từng viết: “Đời cùng Tiên Phật hạ phàm gian”. Và:

“Phật Tiên vận chuyển lọc lừa,
Kiếm con hữu phước mà đưa trở về”.

(Đến làng Nhơn Nghĩa)

CÕI THẾ: Cõi đời chúng ta đang sống.
CƯ TRẦN:
Ở trong cõi trần gian.
BẤT NHIỄM: Chẳng còn ô nhiễm mọi vật chất trong cõi trần, như: tửu, sắc, tài, khí và danh, lợi, tình v.v.. Đức Thầy từng bảo:

“Rứt trần bất nhiễm mới là yên”.
(Tỉnh bạn trần gian)

NGƯỜI THÁNH: Bực đã siêu phàm thoát tục, hoàn toàn giác ngộ như Phật Thánh. Thơ ông Bán Chiếu tặng Đức Thầy có câu:

“Đại Thánh là Phật Thích Ca,
Người còn khinh báng huống ta phàm trần”.


LẪN TỤC ĐỪNG MÊ: Ở chung với người thế tục mà không mê đắm mùi tục lụy trong trần.
BẬC HIỀN: Bậc đại hiền, ngang hàng với chư Phật, vì đã trong sạch như hoa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. (Ca dao) Xưa người ta xưng tụng Đức Thích Ca là bậc Đại hiền.
PHÚ QUÍ: (Xem CT trong STTĐ, trang 1 (?)…).
THAM DANH: Ham muốn danh vị tước quyền.
PHẾ ĐẠO: Bỏ đạo, không nương theo nữa.
CỬA PHẬT: Cửa đạo, nơi đưa người tu đến chỗ giải thoát sanh tử.
THANH TỊNH: (Xem CT trong STTĐ, Q.1, cột 1).
NGHIỆP DUYÊN: (Xem CT trong STTĐ, Q.1, cột 1).

CHÁNH VĂN (Bài III)

17.- “Tiếc vì không đức, tiếc chi tiền,
Phật Thánh xưa kia sách vẫn biên.
Bác-ái xả thân tầm đạo chánh,
20.- Độ người lao khổ dạ không phiền.
Mình vàng Thái-Tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông-cung tước phế liền.
Xem đó hỡi người mau lập chí,
24.- Tu hành khá nhớ giữ cho nguyên”.


1. LƯỢC GIẢI

Bài Luận việc tu hành thứ ba gồm có bốn đoạn. Qua hai câu mở đề (1 và 2) Đức Giáo Chủ khuyên các hành giả hãy lo mình không có đủ đức hạnh, chớ đừng lo thiếu tiền tài. Bởi tiền của là thứ tạm giả tiêu xài thời gian rồi cũng hết, chỉ có đức hạnh mới đưa mình đến chỗ thành công trên bước đạo. Vấn đề nầy xưa nay kinh sách đều có chép biên chỉ dạy:

“Tiếc gì không đức tiếc chi tiền,
Phật Thánh xưa kia sách vẫn biên”.


-Đến cặp trạng (câu 3 và 4) Ngài cho biết Đức Phật xưa vì đầy lòng bác ái nên xả thân tìm ra chánh đạo cứu rỗi chúng sanh khỏi vòng mê khổ, dù gian lao vất vả Ngài cũng chẳng phiền lòng:

“Bác ái xả thân tầm đạo chánh,
Độ người lao khổ dạ không phiền”.


-Tới cặp luận (5 và 6) Ngài còn dạy thêm: Thái tử Sĩ Đạt Ta khi xưa lên đường xuất gia tầm đạo Ngài sẵn sàng lìa bỏ cung vui, ngôi báu vợ đẹp, con ngoan, để đổi lấy trí huệ siêu mầu ban bố khắp trần thế:

“Mình vàng Thái tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông Cung tước phế liền”.


-Phần 2 câu kết (7 và 8) Ngài khuyên mọi người hãy noi gương Đức Phật sớm lập chí tu hành, và trên đường hành đạo nên rán gìn giữ cho tròn giới hạnh, mới mau kết quả:

“Xem đó hỡi người mau lập chí,
Tu hành khá nhớ giữ cho nguyên”.



2. CHÚ THÍCH

ĐỨC: (Xem chữ Đức Ân hoặc Đức mầu trong STTĐ, trang 132-133).
PHẬT THÁNH: Đức Phật và Thánh nhân, nhưng chư Phật Thánh ở đây chỉ cho Đức Thích Ca. Vì thời đó người ta xưng tụng Ngài là bậc Đại Thánh:
“Đại Thánh là Phật Thích Ca”.

BÁC ÁI: Lòng thương yêu chúng sanh rộng lớn không ngằn mé. Đức Thầy có câu:

“Lòng bác ái động tình rơi nước mắt”.

Hay:
“Lòng quảng ái xót thương nhân chủng”.

XẢ THÂN: Liều bỏ xác thân để đánh đổi cái quí hơn, hoặc dồn hết tâm tư trí não để cứu độ chúng sanh:

“Xả thân tìm kiếm ma ha,
Chẳng nài viễn vọng dẹp tà nơi tâm”.

(Cho ông Tham tá Ngà)

MÌNH VÀNG THÁI TỬ: Xác thân của con cháu các nhà quí phái được xem quí như vàng ngọc. Đây là chỉ cho Sĩ Đạt Ta.
VÓC NGỌC ĐÔNG CUNG: Con của vua được phong là Đông Cung Thái Tử, để sau nầy nối ngôi. Nhưng Sĩ Đạt Ta vẫn giũ bỏ để ra đi tìm đạo.

CHÁNH VĂN (Bài IV)

25.- “Muốn đặng thành Thần với Phật Tiên,
Rán tu ân đức chớ tu tiền.
Lợi danh chớp nhoáng như luồng gió,
28.- Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền.
Sớm thức tỉnh tâm tầm đạo chánh,
Sau nầy về Phật với ngôi Tiên.
Lập thân giúp thế nên công-quả,
32.- Muôn kiếp danh hiền sách vẫn biên”.
H.H. năm Kỷ-Mão.

1. LƯỢC GIẢI

Bài Luận việc Tu hành IV cũng phân làm bốn đoạn. Đoạn thứ nhứt qua hai câu mở đề (1và 2) ý Đức Giáo Chủ dạy các giới tu hành ai muốn sau nầy chứng được Thần Thánh hay Tiên Phật thì hãy thi ân đức cho vạn loại chúng sanh, chớ chẳng nên lợi dụng tiền bạc để sống:

“Muốn đặng về Thần với Phật Tiên,
Rán tu ân đức chớ tu tiền”.


-Đến đoạn hai cặp trạng (câu 3 và 4). Ý dạy rằng dù ta có tạo ra tài lợi và danh vị tước quyền cũng không hưởng đặng lâu dài, bởi kiếp sống của con người quá ngắn ngủi, mới thấy đó rồi mất đó:

“Lợi danh chớp nhoáng như luồng gió,
Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền”.


-Tới hai câu luận (5 và 6) đối với hai câu trên, Đức Giáo Chủ khuyên mọi người sớm giác tỉnh nương theo chánh đạo (Đạo Phật) tu hành để sau nầy chứng đạt ngôi vị Phật Tiên, giải thoát sanh tử luân hồi:

“Sớm thức tỉnh tâm tầm đạo chánh,
Sau nầy về Phật với ngôi Tiên”.


-Phần hai câu kết (7 và 8) Ngài dạy hành giả đã quyết chí lập thân hành đạo phải có lòng vị tha, giúp thế độ đời. Công quả ấy dù trải qua muôn kiếp sách sử vẫn còn ghi chép.


CHÚ THÍCHÂN ĐỨC: Cũng gọi là đức ân (Xem Sấm Thi Từ Điển, trang 134, cột 2, tập 1)
LỢI DANH: (Xem STTĐ, trang 205, Q.1, cột 1).
ĐẠO CHÁNH: Cũng như chữ chánh đạo hay Đạo Phật. (Xem STTĐ, trang 192, cột 2).
GIÚP THẾ: Giúp đời, ban bố các phương tiện cho mọi người được hạnh phúc an vui mà lòng bất vụ lợi. Đức Thầy từng khuyên:

“Lánh thế chẳng bày danh Lão Sĩ,
Ngày nay các chỗ ngộ cuồng ca”.

(Cho ông Tham tá Ngà)




Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
0

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật