Năm Pháp Thanh Tịnh ( Ngũ Tịnh Pháp)
Năm Pháp Thanh Tịnh,Ngũ Tịnh Pháp, Từ Điển Phật Học
Năm Pháp Thanh Tịnh
( Ngũ Tịnh Pháp)
- gồm: Pháp giới thanh tịnh, Đại viên kính trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí.
- - Pháp giới thanh tịnh: Chỉ cho pháp thân thanh tịnh, hay bản thể chân thật bất sanh, bất diệt của chư Phật. Ấy là tự tánh chân như hay Tự tánh Như lai tạng. Pháp giới thanh tịnh là nơi nương tựa hết thảy công đức của thế gian và xuất thế gian. Theo Phật Địa Kinh Luận 3, thì thanh tịnh pháp giới là công đức chân như vô vi. Theo Thất Phật Kinh, thanh tịnh pháp giới là trí giác ngộ chân thật, biết rõ hết thảy các pháp.
- - Đại viên kính trí: Trí xa lìa mọi sự phân biệt; trí thấy rõ tất cả tánh và tướng của muôn pháp một cách như thực. Tánh và tướng của trí hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn không tạp nhiễm, ví như tánh sáng của tấm gương lớn, soi rõ xuyên suốt mọi hiện tượng của muôn vật một cách tự nhiên. Trí này do chuyển hóa thức A-lại-da hay thức thứ tám mà thành tựu.
- - Bình đẳng tánh trí: Trí thấy rõ bản tính của các pháp, tự tha đều bình đẳng. Nên, khởi vận tâm đại bi cứu độ hết thảy chúng sanh một cách bình đẳng. Trí này do chuyển hóa thức Mạt-na hay thức thứ bảy mà thành tựu.
- - Diệu quan sát trí: Trí quán sát một cách tinh tế, mầu nhiệm đối với tự tướng và cộng tướng của vạn hữu, để ứng cơ thuyết pháp một cách vô ngại, tự tại. Trí này do chuyển hóa ý thức hay thức thứ sáu mà thành tựu.
- - Thành sở tác trí: Trí do chuyển hóa năm thành phần nhận thức gồm: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức mà thành tựu. Trí có tác dụng làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh bằng ba nghiệp thanh tịnh.