Ông Hồn Quyên (Ở Sài Gòn) Vào Chiến Khu Phỏng Vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ
|
ÔNG HỒN-QUYÊN (Ở SÀI GÒN) VÀO CHIẾN-KHUPHỎNG-VẤN ĐỨC HUỲNH-GIÁO-CHỦ
Vấn.- Ông có thể cho chúng tôi biết về tổ-chức quân-sự và hành-chánh trong đoàn-thể của ông chăng ?Đáp.- Tôi không thể nói cho ông rõ tất cả những chi-tiết của tổ-chức ấy. Nhưng về đại-cương tôi có thể nói rằng cách chừng sáu tháng nay, những chiến-sĩ trong hàng-ngũ của tôi, khi họ nghe tôi còn sống, họ bắt đầu tập-họp lại thành những bộ-đội kháng-chiến ở khắp các tỉnh miền Tây. Tuy không trực-tiếp liên-lạc với Chánh-phủ Trung-Ương nhưng họ cũng lấy tên là Vệ-Quốc Đoàn để tỏ rằng lúc nào họ cũng theo sự hướng-đạo của Chánh-Phủ mà tranh-đấu. Từ nay về sau các bộ-đội ấy liên-lạc trực-tiếp vơi các khu-trưởng trong vùng của họ để nối hệ-thống thành đạo quân chánh-qui của nước Việt-Nam.
Về hành-chánh chúng tôi không có tổ-chức nào riêng biệt. Chỉ có những tổ-chức để ủng-hộ cuộc kháng-chiến, trong các làng-mạc. Hiện thời chúng tôi đã ra chỉ-dụ cho các tổ-chức ấy phải xem xét chương-trình tổ-chức chung của Chánh-Phủ để sáp nhập vào các cơ-quan chánh-thức của Chánh-Phủ.
Vấn.- Chúng tôi nghe nói hình như ở Hậu-Giang còn vài cuộc rắc-rối do tín-đồ ông gây ra. Có phải vậy không ?
Đáp.- Từ trước tới nay, tôi đã nghe rất nhiều lời phê-bình của một số đồng-bào về những hành-động vô ý-thức của một nhóm tín-đồ tôi. Hôm nay nhơn-dịp gặp ông, tôi xin thanh-minh và đính-chánh về những lời đồn-đãi đó. Tôi quả-quyết với ông rằng: Tất cả tín-đồ có học-thức và những người hiểu biết được rõ-ràng một vài phần trong giáo-lý chơn-chánh của đạo Phật thì trong thời đã qua họ đã thiệt hành được lời dạy bảo của Đức Phật là lấy lòng nhơn-hậu mà đối-đãi với sự thù-oán mặc dầu trong đó họ bị đau khổ nhiều.
Còn riêng về những cuộc xô-xát vừa qua là do sự phẩn-uất của một nhóm võ-sĩ mà tôi đã kết nạp vào hàng-ngũ Bảo-An Đội, bởi vì cửa Phật luôn luôn mở rộng cho bất cứ một chúng-sanh nào muốn trở về với Đạo mà tôi thấy họ rất cần-thiết cho phong-trào tranh-đấu để giải-phóng dân-tộc.
Hiện nay, nếu quả thật như lời ông nói, còn một vài cuộc rắc rối là do những bọn bất lương mà trong tất cả thời loạn nào cũng có, mượn danh-nghĩa của ông Trần-văn-Soái tự là Năm-Lửa để bóc lột lương dân. Nhưng chính ông Năm Lửa đang nỗ-lực tiểu-trừ bọn ấy và cũng đang phải đối-phó với những bọn phản-động trong hàng ngũ binh-đội Pháp, sau ngày 30-10, ở một vài nơi còn tiếp-tục khủng bố chúng tôi và dân-chúng, như 16 người trong hàng ngũ chúng tôi bị bắn và đánh chết trong lúc ban đêm tại Lấp-Vò chẳng hạn. Còn toàn thể đều tuân theo lịnh ngưng-chiến theo tinh-thần của Thỏa-Hiệp-Án 14-9.
Vấn.- Vậy sau khi ông tham-chánh tình-hình tín-đồ của ông ở Hậu-Giang thế nào ?
Đáp.- Một năm qua, tôi mất hẳn liên-lạc trong sáu tháng đầu. Từ tháng hai, sau khi tôi có vài liên-lạc gián-tiếp thì những xung-đột dữ-dội ngừng dứt rõ-rệt. Tuy vậy, không tránh khỏi vài sự xung-đột nhỏ giữa hai bên. Nó có tánh-cách cá-nhơn hơn là tánh-cách toàn-thể như trước, vì tôi và những người cấp trên Việt-Minh không gặp-gỡ nhau nên những huấn-lịnh nghiêm-trị của một bên không được hiệu-lực toàn-vẹn. Theo những báo-cáo mấy hôm nay thì sau khi tôi tham-chánh, quần-chúng của tôi bắt đầu có một sự tín-nhiệm ở nơi sự hiệp-tác giữa đôi bên và sự tham-chánh của tôi cáo-chung những tuyên-truyền láo-khoét, phao-vu từ trước tới giờ. Những sự tuyên-truyền đó đã làm cho toàn-thể bị tủi-nhục.
Vấn.- Trong việc tham-chánh, ông có đại-biểu cho một chánh đảng nào không ?
Đáp.- Về dĩ-vãng, sự hoạt-động của tôi xuất phát trong địa-phận Phật-giáo và kết nạp được hơn triệu tín-đồ. Thể theo tinh-thần đại đoàn-kết của toàn dân, tôi thay mặt cho đám quần-chúng đó mà tham-gia hành-chánh về mặt tinh-thần. Nhưng trong sự hoạt-động để kiến-thiết quốc-gia về mặt chánh-trị thì tôi sẽ là đại-biều cho chánh đảng nào có một chương-trình dân-chủ xã-hội.
Vấn.- Như vậy xin ông cho biết lý-tưởng chánh-trị của ông có liên-quan với giáo-lý nhà Phật không ?
Đáp.- Theo sự nhận-xét của tôi về giáo-lý nhà Phật do nơi Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật đã khai-sáng lấy Chủ-nghĩa từ-bi bác-ái đại-đồng đối với tất cả chúng-sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách-mạng triệt-để về tư-tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng-sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình-đẳng với chúng-sanh”.
Đã có những sự bình-đẳng về thể-tánh như thế mà chúng-sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình-độ giác-ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến-hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn-gian nầy còn có chúng-sanh tiền-tiến áp-bức những chúng-sanh lạc-hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo-lý chơn-chánh ấy. Giáo-lý đó, Đức Thích-Ca Mâu-Ni không áp-dụng được một cách thiết-thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã-hội Ấn-Độ xưa không thuận-tiện. Thế nên
Ngài chỉ phát-dương cái tinh-thần đó mà thôi. Ngày nay, trình-độ tiến-hoá của nhơn-loại đã tới một mức khả-quan, đồng thời với tiến-bộ về khoa-học thì ta có thể thực-hành giáo-lý ấy để thiệt-hiện một xã-hội công-bằng và nhơn-đạo. Thế nên với cái tâm-hồn bác-ái, từ-bi mà tôi đã hấp-thụ, tôi sẽ điều-hòa với phương-pháp tổ-chức xã-hội mới, để phụng-sự một cách thiết-thực đồng-bào và nhơn-loại.
Vấn.- Trước khi từ-giã, xin ông cho biết đời sống ở bưng-biền có ảnh-hưởng chi tới sự hành Đạo của ông chăng ?
Đáp.- Với sự hành Đạo của tôi cảnh sống nào tôi cũng có thể sống được. Cái hành Đạo đúng theo ý-tưởng xác-thực của nó là làm thế nào phát-hiện được những đức tánh cao cả và thực-hành trên thiệt-tế bằng mọi biện-pháp để đem lại cái phước-lợi cho toàn-thể chúng-sanh thì đó là sự thỏa-mãn trong đời hành Đạo của mình, chớ những sự tùy-tiện về vật-chất đối với tôi, không có nghĩa lý gì hết.
(Trích lục Báo “Nam Kỳ” ngày 29-11-1946).