Đức Phật Thầy Tây An

Đức Phật Thầy Tây An, Bửu Sơn Kỳ Hương
Đức Phật Thầy Tây An 
ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN


BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên
SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền
KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc
HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên

THAY LỜI TỰA

Trong sách Thiền uyển kế đăng lục có chép lịch-sử các vị tổ Việt-Nam cho đến triều vua Tự-Đức, chỉ thấy gọi danh-hiệu là thiền-sư hay hòa-thượng chớ chưa thấy xưng tụng một vị nào là Phật cả.
Thế mà trong vòng một trăm năm mươi năm trở lại đây, ở miền Nam nước Việt có một vị siêu-phàm ra đời, hoằng pháp lợi sanh, gây nên một phong-trào đạo-hạnh chưa từng thấy. Vị siêu phàm ấy được thế nhân xưng tụng là Đức Phật-Thầy.
Phải chăng sách Thiền uyển kế đăng lục chỉ kể những vị cao tăng từ triều Tự-Đức trở về trước và từ vùng Bình-Thuận trở lên, cho nên chưa đề-cập đến các bực tu-hành từ triều Tự-Đức trở về sau và từ Bình-Thuận trở xuống miền Nam đó chăng?
Nếu thế, thì đây là một tài-liệu về Đức Phật-Thầy Tây-An mà chúng tôi xin cung-hiến để góp một phần nào vào lịch-sử Phật-giáo Việt-Nam.

Sở-dĩ vị siêu-phàm ấy được xưng tụng là Phật-Thầy, là bởi Ngài đã đạt được quả vị đẳng-giác, thấu rõ cơ-huyền, vưng lịnh Phật-Tổ xuống độ dân cứu thế, mà ngay trong sám giảng của Ngài, người ta được thấy lắm lời phát-lộ.

Như trong sám giảng của Đức Phật-Trùm, một chuyển kiếp của Ngài có nói:

Tuy là phần xác của Mên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời
.

Hay trong Sám-giảng của ông Sư-Vải Bán-Khoai, cũng một chuyển-kiếp của Ngài, có nói:

Ta nay phần cốt ở trần,
Phần hồn Phật khiến xa gần phải đi.


Hay trong Sám-giảng của Đức-Huỳnh Giáo-chủ, cũng một chuyển-kiếp của Ngài có nói:

Ta thừa vưng sắc lịnh Thế-Tôn,
Khắp hạ-giái truyền khai đạo pháp.


Với sự hoằng-hóa của Ngài, trên thì nói Phật-pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, dưới dùng phép huệ-linh độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh, mà Ngài đã gây nên một tôn phái: phái Phật-Thầy Tây-An cũng gọi là phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương, có mười hai vị đại đệ-tử liểu ngộ và có phép thần-thông với hàng vạn tín đồ qui-ngưỡng, kể ra không kém hai phái Lâm-Tế và Tào-Động như hiện nay còn thấy lưu-truyền ở Trung Bắc.

Đã gây nên một phong-trào đạo-hạnh dường ấy, đã nên danh một tôn phái như thế, nhưng nếu có ai hỏi phong-trào đạo-hạnh ấy thế nào và phái Phật-Thầy Tây-An ra làm sao thì cơ-hồ không biết phải dựa vào đâu để kêu-cứu cho đúng.

Có người giới-thiệu cho bộ Giảng Tòng-Sơn như đã thấy cốt truyện đăng trên mặt báo một độ nọ, nhưng đến khi khảo-sát lại thì những tài-liệu trong bộ giảng ấy không đúng sự thật.

Ngoài bộ Giảng Tòng-Sơn, còn nhiều Sám-giảng mà chúng tôi được dịp đọc đến, nhưng tựu-trung cũng không khác bộ Giảng Tòng-Sơn kia, đã mất hẳn tánh-chất thực-tế mà lại còn không phù-hợp nhau giữa tài-liệu của quyển nầy với quyển khác.

Trạng-thái bất-nhứt ấy sở-dĩ có, cùng do nhiều nguyên-do:

1- Noi theo giáo-pháp vô-vi của Phật Thích-Ca, Đức Phật-Thầy không chịu làm việc gì có tánh-cách hữu-vi. Cũng như Phật Thích-Ca, Ngài chỉ thuyết chớ không viết. Ngay như ngôi mộ của Ngài, trước khi tịch Ngài cũng dạy sau nầy để bằng cho người trồng tỉa.

2- Phần nhiều Sám-giảng được lưu-truyền là do môn-đệ của Ngài chép lại sau khi nghe Ngài thuyết hay lấy ý của Ngài mà viết lại. Do đó mà người đời nay thường nhận lầm là của môn-đệ viết, như mười bài thơ liên-hoàn đăng ở phần Phụ-lục mà nhiều người cho là của cậu hai Lãnh tục danh cậu hai Gò-sặc sáng tác, nhưng thật ra, cậu hai Gò-sặc chỉ thừa lịnh chép lại mà thôi.

3- Ở miền Nam nước Việt không có cái lệ làm gia-phả. Bởi thế, nếu cần khảo-cứu một nhơn-vật lịch-sử nào thì con cháu của vị ấy, mỗi người theo ký-ức của mình hay do theo lời truyền-khẩu của tiền-nhơn mà kể lại mỗi người mỗi cách khác nhau.

Đứng trước tình-trạng hỗn-độn ấy, muốn khảo-cứu lịch-sử về Đức Phật-Thầy Tây-An là một việc hết sức khó-khăn.

Muốn cho không xa sự thực, chúng tôi phải làm lại công việc của nhà khảo-cổ hay địa-chất-học, tự đi đến chỗ tìm lại dấu vết xưa, như bi-ký, mộ-bia, sắc chỉ... Chúng tôi phải mất nhiều thì giờ đi đến những nơi mà Đức Phật-Thầy và môn đệ của Ngài còn để di-tích lại, như chùa Tây-An Cổ-tự ở Long-kiến, chùa Tây-An ở núi Sam, trại ruộng ở Thới-sơn, Bửu-Hương-Các ở Láng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đi đến chùa Bồng-Lai ở Bài-bài của ông Đạo-Lập chùa Bửu-Hương-Tự ở Láng của ông cố Quản Thành và cậu Hai Nhu, chùa Long-Châu-Thới ở Cái-dầu của ông Đạo Xuyến... để tìm di-tích của các ông Đạo, môn đệ của Phật-Thầy, cho được tận tai nghe, tận mắt quan-sát.

Nhưng biết đâu chẳng còn có chỗ sai-siển.

Xưa kia, Phật tịch-diệt không bao lâu đã có người đọc sai bài kệ trong kinh Pháp-cú như vầy:

Nhược nhơn sanh bách tuế,
Bất kiến thủy-lão-hạc.
Bất như sanh nhứt nhựt,
Nhi đắc kiến liễu chi.


Có nghĩa:

Nếu người sống trăm tuổi,
Mà không thấy con thủy-lão-hạc:
Chẳng bằng sống một ngày,
Mà được thấy rõ vậy.


Thật ra thì bài kệ ấy như vầy:

Nhược nhơn sanh bách tuế,
Bất kiến sanh diệt pháp:
Bất như sanh nhứt nhựt,
Nhi đắc kiến liễu chi.


Có nghĩa:

Nếu người sống trăm tuổi,
Chẳng thấy pháp sanh diệt:
Không bằng sống một ngày,
Mà được thấy rõ vậy.


Ông A-Nan khi đi ngang qua nghe tụng sai như vậy thì than rằng: Chánh-pháp của Phật sao mà dứt sớm quá vậy!

Cách Phật tịch-diệt chẳng bao lâu mà còn truyền tụng sai như thế, huống hồ là cách xa Đức Phật-Thầy Tây-An gần một trăm năm mươi năm thì sự sai lạc mới biết bao nhiêu nữa.

Mong rằng các thức-giả nhận thấy chỗ sai-siển mà chỉ-giáo, thì không còn chi quí hóa bằng.

Thượng-tuần tháng trọng-hạ năm Quí-Tỵ.

1.TÌNH HÌNH XÃ HỘI VIỆT NAM TỪ NĂM ĐỨC PHẬT THẦY RA ĐỜI.

Trước khi nói đến hành-trạng của Ngài, tưởng cũng nên biết qua tình-hình xã-hội Việt-Nam trong khoảng thời-gian 50 năm ấy, có những biến-cố gì xảy ra và sự giáng-lâm của Ngài có quan thiết gì đến nhơn-sanh thế-tục chăng?

Từ trước đến nay, người đời đã có cái quan-niệm rằng: các bực thánh-nhân siêu-phàm, giáng lâm luôn luôn trong những lúc nhơn dân đau khổ, tai nạn dập dồn, tình-hình xã-hội rối beng, nhơn-tâm ly tán. Như Đức Phật Thích-Ca ra đời là lúc nước Ấn-độ, về phương-diện chính-trị, chia ra hàng trăm nước nhỏ, mỗi nước có một vị tiểu-vương, tranh-chấp lẫn nhau; về phương-diện xã-hội chia ra đẳng-cấp rất sâu-sắc khuynh-loát lẫn nhau; còn về phương-diện đạo-đức thì các tà-pháp khởi lên lôi cuốn con người vào đường dị-đoan mê-tín.

Đến như Đức Khổng-tử cũng thế, Ngài ra đời trong lúc nước Tàu ở trong tình-trạng Xuân-Thu chiến-quốc, các nước chư-hầu khởi lên tranh quyền tranh lợi, làm cho muôn dân đồ thán, vận nước đảo-điên. Đức Phật-Thầy giáng-lâm cũng không ngoài cái thông-lệ ấy.

Mà thật thế, tình-hình xã-hội Việt-Nam trong lúc Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày Ngài tịch, không thua gì tình-hình nước Ấn-độ trong lúc Phật Thích-Ca ra đời, hay tình-hình nước Tàu trong lúc Đức Khổng-Tử đản-sanh.

Vào năm 1807, nghĩa là năm Đức Phật-Thầy ra đời, trong nước vua Gia-Long đã thống-nhứt sơn-hà, dẹp được cái nạn Nam-Bắc phân-tranh, cốt-nhục tương-tàn, không đến đổi chia ly như hồi Xuân-Thu chiến-quốc của Đức Khổng-Tử ra đời, nhưng về phương-diện đối-ngoại, nhứt là cuộc-diện ở miền Nam thì vẫn còn ở trong tình-trạng rối rắm.

Nước Việt-Nam, lúc bấy giờ khốn khổ về việc ủng-hộ nước Chơn-lạp chống lại mọi sự dòm ngó của Tiêm-la.

Trong lúc dân nước vừa thoát khỏi nạn cốt-nhục tương-tàn trong mấy mươi năm gây chiến với Tây-sơn, nhà tan cửa nát chưa kịp xây dựng lại thì chỉ vì việc bảo-vệ cho vua Nặc-ông Chân về nước mà vua Gia-Long, năm 1813, sai quan Tổng-trấn thành Gia-định là Lê-văn-Duyệt đem 10.000 quân lên Nam-vang. Rồi khi điều-đình cho quân Tiêm-la rút lui, vua Gia-Long còn sai Nguyễn-văn-Thụy đem 1.000 quân ở lại bảo-hộ nữa.

Chẳng những thế, muốn ngừa giặc Tiêm-la, ông Nguyễn-văn-Thoại vưng lịnh triều-đình khởi công đào kinh Vĩnh-tế vào tháng Chạp năm 1819, hàng vạn dân đến làm xâu. Nhơn dân bỏ công ăn việc làm, khốn khổ về việc đào con kinh nầy không sao kể xiết. Thì ra, chỉ vì giành với Tiêm-la cái quyền làm đàn anh nước Chơn-lạp mà dân chúng Việt-Nam phải lao mình vào vòng khói lửa với quân Tiêm. Năm 1833, Tiêm-la sai quân thủy-lục chia làm 5 đạo sang đánh Việt-Nam. Đạo binh thứ nhứt là thủy-quân có hơn 100 chiến-thuyền tiến đánh Hà-tiên.

Đạo binh thứ nhì là lục-quân sang đánh Nam-vang rồi tiến đánh An-giang. Quân Việt do Trương-minh-Giảng, Nguyễn-Xuân đem quân từ Gia-định lên đánh ở mặt An-giang. Chỉ trong một tháng, quân ta lấy lại Hà-tiên và tiến lên đánh thành Nam-vang đưa Nặc-ông Chân về nước, rồi sau đó Trương-minh-Giảng được lịnh triều-đình rút binh về.

Thế cũng chưa yên. Em của Nặc-ông Chân là Nặc-ông Đôn qua cầu viện quân Tiêm-la về chống lại anh. Người Chơn-lạp lại cầu viện với quân ta; vua bèn sai Vũ-văn-Giai vào Gia-định hợp cùng Nguyễn-tri-Phương, Doãn-Uẩn, Tôn-thất-Nghị tiến đánh quân Tiêm-la lấy lại thành Nam-vang cho Nặc-ông Chân, rồi kéo binh về thủ An-giang.
Thế là cũng vì bảo-hộ nước người mà dân-chúng Việt-Nam phải đem thân ra lằn tên mũi đạn, kẻ thì bỏ mạng nơi chiến-trường, người thì phiêu-linh đất khách.

Việc ngoài nước đã làm cho dân-chúng khốn-khổ như thế mà đến việc trong nước cũng làm cho dân-chúng nguy-khốn khôn cùng.

Năm 1833, Lê-văn-Khôi khởi loạn ở Gia-định khiến cho lương-dân phải trãi qua một cơn khủng-khiếp vì sự đàn áp, họa lây.

Ngoài cuộc tao-loạn của Khôi, trong nước từ Bắc chí Nam chỗ nào cũng có giặc-giã nổi lên. Nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc nên từ năm 1834 đến năm 1838, có nhiều giáo sĩ và đạo-đồ bị giết.

Đến năm 1841 lại có bọn Lưu-Sâm ở Trà-vinh hiệp với bọn thầy chùa nổi lên làm loạn. Nhà vua phải phái ông Nguyễn-công-Trứ và Nguyễn-tiến-Lâm đến dẹp mới yên.

Chẳng bao lâu, quân Pháp đến bắn phá Đà Nẵng ngày 14-4-1847, mở màn cho cuộc công-hãm của quân Pháp các đồn lũy của ta. Thế là dân chúng Việt-Nam, vừa khốn khổ trong trận giặc huynh đệ giữa nhà Nguyễn và Tây-sơn, nay lại lâm vào tình-trạng chiến-tranh thê thảm giữa Pháp và Việt.

Nhìn tổng-quát lại tình-hình xã-hội Việt-Nam từ năm 1807 đến 1856, nghĩa là từ ngày Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày Ngài tịch, chẳng có lúc nào dân-chúng được ở yên. Bao nhiêu cuộc tao-loạn trong nước, rồi tiếp đến cuộc công-hãm của quân Pháp, thêm vào những cuộc chiến-tranh với Tiêm-la để bảo hộ nước Chơn-Lạp, làm cho đời sống của dân-chúng vô cùng khốn-khổ. Cửa nhà tàn phá, ruộng đất bỏ hoang, gia-đình tan-tác, thử hỏi trong tình thế nguy-khổn ấy, tinh-thần đạo-đức của dân trong nước phỏng còn có hay chăng? Cái thời rực-rỡ của Phật-giáo ở đời Lý, đời Trần bắt đầu tàn-tạ từ đời Hậu-Lê. Sống trong hỗn-loạn, trong giặc-giã, trong đau khổ, dân-chúng đã mất dần tin-tưởng về đạo-đức.

Xưa nay, người đời có cái quan-niệm rằng: Trong những lúc sanh-linh đồ-thán, bại-hoại cang-thường, nhơn-tâm điên-đảo, thì luôn luôn có Thánh-nhơn lâm-phàm độ thế cứu dân.

Có phải chăng, do cái định-lệ ấy mà Đức Phật-Thầy ra đời giữa lúc nhơn-tâm xao-xuyến, vận nước khuynh nguy?

2- Hành vi và thân thế buổi đầu của Ngài

Đức Phật-Thầy Tây-An chính danh là Đoàn-Minh-Huyên, sanh vào giờ ngọ ngày rằm tháng mười năm Đinh-mão (1807), nhằm năm Gia-Long thứ sáu.

Ngài quê ở làng Tòng-Sơn (1), tổng An-Thạnh-Thượng, tỉnh Sađéc. Tổ phụ ở đó từ lâu, nhưng tên họ là gì ngày nay không ai biết được. Chỉ biết trong thân-tộc của Ngài, thuở Ngài mới ra đời, còn có hai người (anh chú bác) là Đoàn-văn-Điểu và Đoàn-văn-Viên (2) mà thôi. Về sau, khi hai ông nầy mất đi, con cháu vì trải qua nhiều lần tao-loạn trong nước nên hoặc chết, hoặc xiêu lạc đi nơi nào mà hiện nay ở Tòng-Sơn không còn thấy roi truyền miêu-duệ.

Chú Thích (1) Khi xưa là làng Tòng-Sơn, đến hồi Pháp thuộc thì ba làng Mỹ-An, Mỹ-Hưng và Tòng-Sơn bị sáp-nhập tại gọi là Mỹ-An-Hưng. Hiện nay cũng gọi là Tòng-Sơn.
(2). Có người nói là Đoàn-văn-Thuyên, không rõ tên nào đúng.

Căn-cứ vào nhiều bậc bô-lão ở đây cho biết chắc-chắn thì Đức Phật-Thầy bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ lắm. Ngài đi đâu và làm gì, cả trong làng cho đến những người thân-thuộc của Ngài cũng không ai hiểu được. Lần hồi, ngày lụn tháng qua, tên tuổi và hình-dạng của Ngài chôn sâu vào thời-gian, người ta không còn nhớ một mảy-may gì về Ngài nữa.

Một hôm, khoảng đầu năm Kỷ-dậu (1849), Ngài quá-giang với một chiếc ghe buôn từ miệt trong (?) về. Lúc đến vàm rạch Tòng-Sơn. Ngài lên bộ lần theo bờ rạch mà đi (thuở ấy đuôi làng Tòng Sơn ngang làng Tịnh-Thới (Sađéc), chớ không phải lỡ còn nhỏ quá như ngày nay). Khi đến gần đình làng, gặp lúc có cây da trốc gốc ngã bật xuống sông, lấp cả đường nước, ghe xuồng qua lại đậu dồn chật cả một khúc sông, dân làng đang rũ nhau xúm lại thật đông, cột dây để kéo cây da vào bờ. Công việc nầy hì-hục đã ngót nửa ngày rồi mà vẫn vô hiệu, người ta định giải tán. Kịp khi Đức Phật-Thầy vừa tới, Ngài thấy vậy bèn ngỏ lời với dân làng xin để Ngài kéo hộ:

-Các ông hãy cột dây lại, tôi sẽ ra sức tiếp tay với các ông.

Đám dân làng cười xòa:

-Chúng tôi lực-lưỡng và đông-đảo như thế nầy mà kéo không đi, ông ốm yếu quá, làm sao tiếp nổi ?

Đức Phật-Thầy cười:

-Bà con thử cột xem, tôi liệu có cách kéo được.



Thấy lời nói ôn-tồn và vẻ mặt quả-quyết của “người khách lạ”, mấy người dân làng lội xuống nước, cột dây lại, và sắp hàng hai bên để chờ xem ông khách bộ-hành nầy định kéo thế nào.

Đức Phật-Thầy đứng giữa giơ tay lên, hô to:

-Hè . . . hãy kéo lên !

Hai hàng dây của hai tốp người vừa hơi căng thẳng, cây da từ từ xếp ngọn vào bờ, khỏi phải hè-hụi ó-la và nhọc công ra sức chi hết.

Những ghe xuồng đậu lại mấy hôm nay thấy trống được đường nước thì mừng rỡ ra đi. Mấy người dân làng vì mệt nhọc suốt buổi nay cũng uể-oải kéo nhau về. Họ quên xem người khách bộ-hành ấy về đâu, và cũng không buồn nghĩ đến chuyện cây da vì sao mà kéo vào được dễ-dàng như vậy.

Xong việc, Đức Phật-Thầy lại ra đi. Khi đến đình thần làng Tòng-Sơn, Ngài ghé vào. Từ ấy người ta thấy Ngài ngụ luôn tại đây, ở mái hiên sau, ngày thì chặt sậy, làm cỏ, đêm đến lại quét lá da để nấu nước uống.

Được ít hôm, ông từ đình làng nầy thấy vậy có lòng lo sợ cho sự rủi-ro xảy ra hỏa hoạn, vì đình thuở ấy lợp bằng tranh, mà đêm đêm Đức Phật-Thầy cứ đốt củi lửa lên hoài, nếu có bề nào thì sẽ khổ cho ông về phần trách-nhiệm. Ông bèn đem ý-kiến ấy mà bày tỏ cùng Đức Phật-Thầy, và xin đừng đốt lửa ban đêm nữa.

Ngài điềm-tĩnh niệm Phật mà trả lời:

-Tôi ở đâu thì sẽ giữ cho đó được bình yên, xin ông đừng ngại.

Năm ấy thời hành dịch-tả nổi lên nhiều nơi, ở làng Tòng-Sơn cũng bắt đầu có lai-rai bịnh ấy. Chức-việc làng và dân-chúng thấy vậy lo sợ, họ xúm nhau lại đình, làm heo gà cúng vái và đóng bè để “tống gió” ra khỏi làng.

Nghe biết được việc ấy, Đức Phật-Thầy ra trước chức-việc làng. Ngài tỏ ý không muốn có công việc sát sinh hại vật mà tống gió, vì theo ý Ngài thì hãy tin-tưởng Phật Trời cho thành lòng còn hơn, chứ tống như thế nầy, nếu thật có linh-nghiệm thì cũng chỉ là một việc làm ích-kỷ. Mình khỏi họa mà người khác mang tai thì sao ?

Nhà chức-trách trong làng không tin, cho là lời nói nhảm. Ngài buồn-bã trở vào hiên sau, vừa đi vừa than:

-Các ông tống thì tôi xin rước!

Những lời biện-giải đầy đạo-đức và sáng-suốt ấy của Đức Phật-Thầy đã không đem lại được kết quả, mà trái lại, chức việc làng cho là một điềm gở, nên vài hôm sau, họ cử ông Thị-sự (3) đến truyền lịnh không cho Ngài ở nữa, lấy cớ rằng trong làng không có quyền chứa-chấp những người lạ mặt.

Chú Thích(3). Chúng tôi không hỏi được tên họ ông Thị-sự nầy. Chỉ biết ông có người cháu tằng-tôn là ông Hương-giáo Tố mới chết mấy năm nay ở Tòng-sơn.

Đức Phật-Thầy nhận lời, nhưng trước khi đi, Ngài yêu-cầu ông Thị-sự mua hộ cho Ngài một đôi đèn sáp để Ngài làm lễ khai lý-lịch cho làng và dân-chúng nghe đã.

Vì tính háo-kỳ của ông Thị-sự, và lòng tin tưởng của một ít người ở chung quanh đình, thấy Đức Phật-Thầy có nhiều cử-chỉ nửa hư nửa thực, nên cuộc lễ được tổ-chức một cách rất mau lẹ.

Sau khi lên đèn nhang làm lễ, Đức Phật-Thầy kể rõ ông bà cha mẹ mình là ai, bà con dòng họ có những người nào, bỏ nhà ra đi từ bé để tu-hành và ngày nay được tỏ ngộ như thế nào, và sau rốt, Ngày tự xưng mình là Đoàn-Minh-Huyên.

Chức-việc và dân làng nhiều người nửa tin nửa ngờ. Họ tính ra thì trong số thân-thuộc mà Đức Phật-Thầy đã kể, có ông Đoàn-văn-Điểu và Đoàn-văn-Viên hiện còn sống, và đang ở trong làng nầy, nên liền cho người mời đến.

Khi giáp mặt, ông Điểu cũng không nhận ra được Đức-Phật-Thầy. Ngài phải đem công việc gia-đình đầu đuôi từ lúc ra đi thế nào mà thuật lại một mạch. Nghe xong, ông Điểu ôm Đức Phật-Thầy mà khóc oà lên và sau khi chấm dứt câu chuyện hàn-huyên, ông Điểu khuyên Ngài nên ở lại quê-hương làm ăn với ông, đừng đi đâu nữa để đến phải thân hình tiều-tụy, già nua trước tuổi như ngày nay (4).
Chú Thích (4).Đức Phật-Thầy tuổi Mẹo, tính ra tới năm trở về Tòng-Sơn thì mới có 43 tuổi, thế mà nhiều cụ già nghe kể lại thì Ngài hồi ấy râu tóc như một ông già cho nên anh em ông Điểu không nhận ra được.

Bấy giờ ai nấy đều bừng tĩnh, vì thấu được ý-nghĩa hay-ho trong lẽ đạo mà Đức Phật-Thầy vừa giải, nên chi tất cả đồng yêu-cầu Ngài ở lại.

Đức-Phật-Thầy không chịu. Ngài nhứt định ra đi. Ngay khi ấy, bịnh dịch đã tràn lấn tới-tắp trong làng Tòng-Sơn.


3. Đức Phật Thầy Vào Rạch Trà Bư

Xuống chiếc xuồng bần, bơi bằng một miếng tre nhỏ, Đức Phật-Thầy đi ngược lòng rạch Tòng Sơn, đổ lên Cái-Tàu-Thượng.

Thầy cầm cọng không được nữa, anh em ông Điểu và mấy người dân làng dọn xuồng đi theo Ngài. Trong chuyến đi nấy, Ngài cho người ta thấy một điều kỳ diệu nữa, là: lúc xuống đi theo Ngài thì năm người bơi năm giầm, trong khi ấy thì Ngài chỉ có một mình, lại chỉ bơi chẫm-rãi bằng một miếng tre, thế mà xuồng Ngài vẫn cứ đi trước và biệt biệt xa dần, năm người nầy dù đã cố hết sức bởi nhưng cũng không tài nào theo kịp.

Khi đến rạch Trà-Bư (thuộc làng An-Thạnh Trung, gần ranh hạt Sađéc–Long Xuyên, cách xa chợ Cái-Tàu-Thượng lối bảy ngàn thước), Ngài lên bờ, vẹt đế sậy che một cái lều con, rồi ở luôn tại đó. Ông Điểu và mấy người dân làng Tòng-Sơn khi theo dõi đến nơi, hết sức khẩn-thiết yêu-cầu, lạy mà xin Ngài trở về để cứu hộ cho bá tánh đang cơn hoạn nạn.

Đức Phật Thầy trả lời:

– Tuy tôi đã đi khỏi làng chớ hiện giờ vẫn còn để lại “cây thẻ năm ông” tại sau hiên đình. Mấy ông cứ về thỉnh đó mà uống và tin Trời tưởng Phật thì đau căn, bịnh gì cũng mạnh.

Ông Điểu và ai nấy rất mừng, trở về thì quả thật Ngài còn để lại tại đình Tòng-Sơn một cây cờ ngũ sắc.

Người ta tuyên-bố ra, một đồn mười, mười đồn trăm, thiên-hạ lúc đầu tới đình thỉnh còn được cờ, vài hôm sau hết cờ, họ đẽo tới cán cờ đem về thiêu, rồi hòa với nước mà uống, uống đâu hết đó.

Hết cờ hết cán, dân-chúng kéo nhau vô Trà-Bư yêu-cầu Đức Phật-Thầy chữa trị. Mấy hôm đầu còn có giấy vàng phát ra về sau Đức Phật-Thầy chỉ cho bằng tro nhang mà không đủ. Số người kéo đến, xuồng ghe đậu chật cả một khúc sông. Trên bờ, lau sậy bị giậm rạp bằng cả xuống mặt đất. Một cảnh tấp-nập đông-vầy bỗng nhiên hiện ra giữa chốn hoang-vu rừng bụi, không ai ngờ được.

4. Khi Đức Phật Thầy đến Xẻo Môn

Mùa thu, tháng 8 năm Kỷ-dậu (1849), dân-chúng ở quang vùng Trà-Bư như Hội-An, Mỹ-An và Tòng-Sơn … nhờ có Đức Phật-Thầy cứu độ nên bịnh thế đã yên, Ngài nghe đồn ở làng Kiến-Thạnh bịnh dịch mới phát lên bạo-hành lắm; động mối từ tâm, Ngài rời Trà-Bư, bơi xuồng lên rạch Xẻo-Môn (trước là làng Kiến-Thạnh, nay đổi lại là Long-Kiến, tỉnh Long-Xuyên), để độ dân, tế thế (5).
Chú Thích (5).Khi còn ở Tòng-Sơn, Đức Phật-Thầy có lúc băng xuồng ngang qua rạch Cái-Dứa rồi ngược dòng vào làng Bình-Đức (ngày nay làng Bình-Đức đã sáp nhập cùng hai làng Phú-Xuân và Tân-Phước, gọi là Bình-Phước-Xuân, thuộc Cù-lao Giêng Long-Xuyên), rẽ sậy che lều ở đó ít lâu để phát phù trị bịnh. Nơi đây Ngài có thâu mấy vị đệ-tử mà chúng tôi còn nghe biết là ông Chánh-Bái Nguyễn-văn-Duyên và ông Nguyễn-văn-Kỉnh (đạo hiệu Thần-Tự-Kỉnh), tu niệm rất chí tâm. Khi Đức Phật-Thầy qua Xẻo-Môn rồi bị bắt lên An-Giang triều đình ra lịnh xuống tóc, Ngài có gởi về Cù-lao Giêng cho hai ông nầy mỗi người một lọn. Ngày nay con cháu ông Duyên không thấy còn ai, không biết bảo-vật ấy về đâu, còn ông Kỉnh thì lưu truyền mớ tóc ấy được đến bấy giờ, hiện cháu huyền-tôn của ông là ông Nguyễn-Ngọc-Chơi còn giữ. Vì không rõ được nguyên cớ và ngày tháng Đức-Phật-Thầy qua đây, nên chúng tôi không dám chép ở phần trên.



Một sáng kia, tại đình làng Kiến-Thạnh (hồi trước ở tại vàm Chưn-Đùn, chứ không phải chỗ đình Long-Kiến ngày nay) khi ông từ vào dâng hương trên bàn chánh, bỗng trông thấy một người lạ mặt chễm-chệ giữ bàn Thần, ông từ hồn bất thủ xá, vừa la vừa chạy. Người ngồi trên bàn Thần thấy vậy kêu lên và ngoắt ông từ trở lại.

Xa xa nhìn lại, ông từ xem thấy người ấy mặt mũi có về hiền lành, không có chi đáng sợ-hãi, bèn chậm chậm rề lại và hỏi:

– Ông là ai, ở đâu mà dám đến đây ngồi trên bàn Thần như vậy?

Người lạ mặt ấy đáp:

– Ta là Phật-Thầy, giáng thế đặng cứu nguy cho dân-chúng!

Ông từ suy-nghĩ một chút rồi hỏi:

– Ông xưng là Phật, vậy dân ở trong làng nầy hiện nay đang mắc bịnh ôn-dịch mà chết rất nhiều, ông có thể cứu sống người ta được không?

– Được chứ, ai mắc bịnh ấy đâu, đem lại đây, ta cứu dùm cho !

Lúc ấy, trong làng, người bị bịnh dịch chẳng thiếu chi. Ông từ cho hay ra, đang lúc ở gần đó có ông Thuông (6) bị ỉa mửa gần chết, người nhà xin cứu, quả nhiên Đức Phật-Thầy trị được.
Chú Thích
(6). Ông Thuông lúc đó còn nhỏ, sau lớn lên làm Hương-cả nên người ta gọi là ông Cả Thuông.

Tiếng đồn lan ra khắp làng, người ta đến xin cứu bịnh mỗi lúc một đông, đông hơn ở Trà-Bư gấp bội, vì bịnh dịch đang lộng hành ở đây.

Ba hôm sau, chức-việc-làng thấy người ta đến rần-rộ quá sợ bị quan trên quở phạt, bèn xin Đức Phật-Thầy dời về cái cốc của ông Kiến (xéo rạch Xẻo-Môn, chỗ cất chùa Tây-An Cổ Tự ngày nay), cho tiện việc chữa bịnh và thờ Phật ở đình.

Cũng giấy vàng, tro nhang như ở Trà-Bư mà phát ra hoài không đủ được, Đức Phật-Thầy phải dùng đến áo nhang, nước lã. Thiên-hạ chen-chúc đến đông-vầy, nhiều người chờ đợi đôi ba ngày mới thỉnh được thuốc, có người không chen vào được, phải lễ-bái ở ngoài sân.

Hoạt-cảnh nầy đã được giảng xưa diễn ra rất rõ:

Dầm trời thiên-hạ như mưa,
Ban mai đến tối phát chưa rồi bùa.
Người đi tới trước vô chùa,
Mấy người tới trễ lạy đùa ngoài sân
.

Chẳng những bịnh dịch mà thôi, ngoài ra bất luận bịnh chi Ngài cũng trị được, chỉ trừ một ít người tận số:

Nói cho bá tánh tỏ tình,
Mấy người tới số Thầy xin đặng nào.
Muôn ngàn thiên-hạ xiết bao,
Đau căn Thầy độ bịnh nào cũng an.


Nơi đây, Ngài bắt đầu chỉ-dạy cách tu hiền cho những người mộ Đạo, và dựng lên nghi-thức thờ phượng trang-hoàng, mở rộng chùa-chiền, cùng thâu nhiều đệ tử.

5. Khi Ngài Bị dời về An Giang

Từ khi Đức Phật-Thầy dời sang cốc ông Kiến về sau thì bịnh nhơn đến xin thuốc càng ngày càng đông, người theo về tu niệm mỗi lúc mỗi nhiều, danh tiếng đồn ra vang-dội khắp nơi. Người ta mừng rỡ bảo nhau: Đức Phật-Thầy quả là một vị Phật sống, lâm-phàm trợ thế.

Lúc ấy nhà chức-trách huyện Đông-Xuyên (ngày nay là tỉnh Long-Xuyên) rất kinh-động, vì thấy lòng người hầu hết trong huyện đã hướng theo Đức Phật-Thầy, ấy là chưa kể đến các vùng phụ cận. Họ nghĩ rằng nếu cứ để như vậy, rủi Ngài có chủ-trương nổi lên một cuộc bạo-động nào thì không phương gì dập tắt được, nên liền mật báo về tỉnh An-Giang xin quan Tỉnh liệu định lẽ nào cho họ khỏi bề trách-nhiệm.

Quan Tổng Đốc tỉnh An-Giang bấy giờ là Huỳnh-Mẫn-Đạt (7) cũng có hay biết việc ấy, nhưng chưa rõ đích-xác, nay được mật tin ở huyện Đông-Xuyên báo lên quả quyết thì lấy làm lo sợ, e có sự xảy ra như vụ Lâm-Sâm và nhóm thầy chùa làm loạn ở Trà-Vinh trước đây mấy năm (Thiệu-Trị nguyên niên 1810) đó chăng ! Nên ông chẳng chút chần-chờ, cấp tốc sai linh-tráng xuống vời ngay Đức Phật-Thầy về tỉnh.
Chú Thích
(7).Khi Pháp vào Nam-Kỳ thì Huỳnh-Mẩn-Đạt vì già yếu nên xin hồi hưu, đổi Phan-Khắc-Thân lên thay ở An-Giang

Hôm ấy vào lúc giờ Ngọ; bá-tánh đến thỉnh thuốc đông-đảo, nhưng giờ nầy ai nấy đều im lặng, để cho Đức Phật-Thầy sửa-soạn thời cúng. Bỗng từ ngoài sân có tiếng kêu vang:
 
– Có ông Đạo ở nhà đây không ?

Đức Phật-Thầy từ trong cốc lên tiếng:

– Có. Ai hỏi tôi có việc chi ?

– Có lịnh quan Tổng-đốc An-Giang đòi, ông Đạo phải sửa-soạn đi liền theo chúng tôi bây giờ đây !

– Mấy ông nán cho tôi cúng ngọ một chút, được không ?

– Không được, chuyện gấp lắm !

Thế là Đức Phật-Thầy không kịp giã-từ bổn-đạo, theo chân mấy tên lính xuống thuyền vượt thẳng lên An-Giang. Trong bọn nầy, nghe đâu có Cai Trung và Đội Bồng chỉ-huy, nhưng Cai Trung thì xử đối với Đức Phật-Thầy ôn-hòa lễ-độ nên không sao, còn Đội Bồng vì xấc-lấc vô lễ, nên sau đó ít ngày phải á khẩu rồi chết.

Khi giáp mặt quan Tổng-đốc An-Giang, sau những câu hỏi chận đón để buộc tội Đức Phật-Thầy là gian đạo-sĩ, họ bày ra đủ cách để thử thách Ngài. Theo như những bài lịch-truyền nói về Ngài và nhiều bậc phụ-lão thuật lại thì nào là lót tượng Phật Quan-Âm dưới chiếu rồi bảo Ngài ngồi lên, trong khi có nhiều tăng sãi khác đã ngồi rồi trên chiếu ấy (8). Nào là dọn cơm chay để lẫn cơm mặn rồi bảo Ngài ăn v.v… song nhứt nhứt Ngài đều ứng-đáp trôi chảy, khám-phá ra được hết.
Chú Thích (8).Giảng xưa có chép chuyện quan Tỉnh An-Giang mời Đức Phật-Thầy ngồi trên chiếu, trong khi dưới chiếu ấy có lót tượng Phật. Ngài trả lời đại ý như vầy:
“Bẩm tôi xin đứng dưới nầy,
Hòa thượng Thầy-sãi ngồi rày hai bên.
Tham ăn thấy thác một bên,
Dưới tượng Phật-Bà Hòa-thượng ngồi trên”.

các Hòa-thượng nghe nói ngã lăn.

Thử Thách Đức Phật Thầy Tây An
(Ảnh: Ở Dinh Quan Thẻ Vĩnh Hanh)

Có lần người ta thử Ngài bằng cách cùng ngồi liều với các vị Hoà-thượng khác, xem ai đủ đức tính nhẫn-nại hơn. Ngài bảo rằng ngồi liều bằng ngại-diệp không có chi lạ, hãy dùng chuông nướng đỏ rồi úp lên đầu, như thế mới xem được có kiên tâm hay không. Các Hòa-thượng nghe nói thất đảm, song Ngài thì vẫn điềm-nhiên, đốt chuông đặt lên.

Sau khi tìm hết cách thử-thách nhà chức-trách tỉnh An-Giang đã đem lòng khâm-phục Đức Phật-Thầy, nhưng cũng phải tạm lưu-giam Ngài để đợi lịnh triều-đình định đoạt. Trong lúc lưu-giam ấy, Ngài muốn ra vào tự ý, đội cai không tài nào ngăn- cản được. Thế nên mấy lúc sau, người ta cho Ngài được ở ngoài tự-do, không ràng buộc nữa.

Thể theo đề-nghị của quan Tổng-Đốc tỉnh An-Giang, Đức Phật-Thầy được triều đình chính-thức công-nhận, được tự-do hành-đạo, nhưng buộc Ngài phải xuống tóc như hàng tăng sãi tu Phật ở cửa thiền.

Tương truyền rằng trước khi Ngài thế-phát, người ta có sấm sẳn cho Ngài một cái mặt kiến, một cây kéo và một cái mâm, để tỏ lòng trọng kỉnh.

Khi xuống tóc rồi, Đức Phật-Thầy chia ra gởi cho các môn-nhơn đệ-tử có tâm-chí giữ làm kỷ-niệm. Tóc ấy hiện giờ mặc dầu đã trải qua hơn một trăm năm, vẫn còn nhiều người giữ được.

6. Đức Phật Thầy Vào núi Sam

Sau khi Đức Phật-Thầy được tha, để tránh sự hoài-nghi của nhà cầm quyền, Ngài vào núi Sam ở chung một ngôi chùa sẵn có do giáo-phái Lâm-tế lập ra và đã được triều-đình chứng nhận. Chùa nầy nhờ Phật cốt, gõ mõ tụng kinh, không giống cách trần-thiết và nghi-thức hành đạo của Ngài.

Lúc đầu, khi Đức Phật-Thầy mới vào đây, vị sư trụ-trì trong chùa xem Ngài như một người thường mới vào qui-y thọ phái nhưng sau đó ít lâu, vì thấy được những đạo pháp lạ thường của Ngài, các sư mới tỏ ý khâm-phục và đồng xin tôn Ngài lên bậc sư-trưởng. Ngài từ chối, cho rằng trước sau như vậy, vả lại có như thế, cơ phổ-hóa quần sanh của Ngài mới được phương-tiện thi-hành (9).
Chú Thích (9). Do đó mà khi Đức Phật-Thầy tịch, người ta mới khắc vào bia, cho rằng Ngài ở trong giáo-phái Lâm-Tế như ngày nay ta còn thấy tại mộ-phần của Ngài ở núi Sam. Và cũng chính thế mà vị Hòa Thượng Lâm-Tế hồi ấy được dân chúng suy-tôn là Hòa-Thượng Tổ hay Hòa-Thượng Cố.

Từ ấy, cái bối-cảnh ở Xẻo-Môn trước kia đã như tàn tạ, nay bỗng nhiên được phu-diễn lại nơi đây. Người ta rầm-rập tới lui, xin phù thỉnh thuốc và thọ phái quy-y.

Để thực hiện cho kỳ được cái giáo-pháp vô-vi chân truyền mà Ngài đã mở ra từ buổi trước, Đức Phật-Thầy bắt đầu tìm những nơi hẻo-lánh xa-xôi.

Để lập ra những cơ-cấu tôn-giáo – mà thuở ấy Ngài cho gọi là trại ruộng – để đem bổn-đạo tới đó vừa tu niệm vừa làm ăn. Bằng cách ấy, Ngài đã biểu-thị tinh-thần Phật-Giáo vị nhân-sinh, lúc nào cũng vì đời vì người mà dùng Phật đạo để cứu khổ giác mê chớ không hề bi-quan yếm-thế.

Bởi vậy các trại ruộng, trại gỗ lần lần được dựng lên quanh vùng Thất-Sơn như ở Thới-Sơn, Láng-Linh, và Ngài phái các vị đại đệ-tử ở đó chăm lo săn-sóc công việc. Nghi thức thờ phượng thì đặc-biệt theo giáo phái của Ngài là thờ trần điều, cúng nước lã, bông hoa mà thôi, chứ không phải như ở núi Sam.

Lúc nầy Đức Phật-Thầy tuy tiếng ở núi Sam chứ thật ra thì Ngài luôn luôn vân-du đây đó để tùy cơ phổ-độ quần-sanh. Khắp vùng Thất-Sơn không đâu là Ngài không bước đến. Thỉnh-thoảng Ngài đến những trại ruộng để truyền dạy đạo-pháp cho tín-đồ, các ông Cố-Quản, Đạo-Xuyến, Đạo Lập, Đinh-Tây, Tăng Chủ, cậu hai Lãnh v.v… đều có được Ngài truyền cho bí-pháp. Bởi vậy, về sau tín-đồ của các vị nầy phần nhiều cũng được đắc đạo cả.
Ngài thọ được 50 tuổi, tịch tại núi Sam vào giờ Ngọ ngày 12 tháng tám năm Bính-Thìn (1856), trong lúc không bịnh chi lắm, tinh-thần vẫn bình-tĩnh, sau khi đã nhắc-nhở đạo-đức và dặn-dò công việc cho các tín-đồ.

Ngày nay, trong bổn đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đến ngày 12 tháng 8 hằng năm tổ chức cúng giỗ Đức Phật Thầy Tây An, cũng là dịp các bổn đạo hành hương trở về nơi gốc đạo.

7. Giáo lý căn bản

Để cho được thích hạp với trình-độ và căn-cơ của quần-chúng trong thời-kỳ Hạ-nguơn, Đức Phật-Thầy chủ-chương đem pháp-giáo vô-vi của đạo Phật mà truyền dạy trong dân-gian. Ngài không cho trần-thiết tượng cốt, tụng đọc ó la như trong nhà thiền đã làm. Tại ngôi tam-bảo chỉ thờ trần điều, tiêu-biểu tinh-thần vô-thượng của nhà Phật mà thôi.

Ngài đặc-biệt quan tâm đến vấn-đề đưa ra những giáo-thuyết về việc học Phật tu nhân, bởi hầu hết tín-đồ của Ngài hồi ấy là hạng tại gia cư-sĩ.

Về học Phật, ta thấy Ngài gom vào ba điều căn-bản trong Phật pháp là Giới, Định, Tuệ.

Giới: là những sợi dây buộc ta vào chánh đạo, không cho ta phạm vào những lầm-lỗi xấu-xa và để ta đừng làm những điều tàn-ác vô-minh nữa.

Định: Suy-nghĩ đến những lạc thú ở đời, cho nó đều là mỏng-manh, giả-ảo; diệt trừ ham muốn và nghĩ đến cuộc đời vô-thường, tập trung tư-tưởng để quan-sát lý đạo, tìm hiểu chánh chân.

Tuệ: Hiểu thấu lý vô thường và sự khổ của con người, không bao giờ bị vô-thường và sự khổ-não chi phối mình nữa, nên bao nhiêu sự đau khổ đều được diệt trừ, thấy được Phật tánh (bản-lai diện mục).

Vì Ngài đã có nói:

Lọc lừa thì đặng nước trong.
Ma Phật trong lòng lựa phải tìm đâu.


Hay là:

Cam-lồ rửa được tánh mê,
Nước trong thì thấy nguyệt kia xa gì.


Và:

Dốc lòng niệm chữ từ-bi,
Lấy dao trí-tuệ cắt đi cho rồi.


Ngài quyết đem lại cho quần-chúng thấy được ánh sáng của cuộc đời là sống an vui, sống với lòng yêu thương nhau thân-thiết chứ không phải sống để hành hạ nhau. Bởi vậy Ngài luôn luôn ở bên cạnh quần-chúng để tế-độ và hướng dẫn họ tới chỗ nhận thức rõ-rệt sứ-mạng đạo Phật không cho quần-chúng hiểu lầm rằng Đạo Phật là chỗ đễ trốn nợ Đời, hay chỉ sống im-lìm một mình đặng chờ ngày về cõi Niết-bàn riêng hưởng sự an vui.

Tất cả các giáo-lý ấy chứng tỏ rằng Ngài có óc thực-tiễn khác thường.

8.Về tu nhân.

Đức Phật-Thầy thường khuyến-khích các môn-nhân đệ-tử nên đền-đáp tứ đại trọng ân.
Ngài nói:

Loài cầm thú còn hay biết ổ,
Huống chi người nỡ bỏ tứ-ân.


Bốn điều ân ấy, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có kể ra và giải nghĩa rất rõ-rệt:
1.– Ân tổ-tiên cha mẹ
2.– Ân đất nước
3.– Ân tam bảo
4.– Ân đồng-bào và nhân-loại
(với kẻ xuất-gia thì ân đàn-na thí chủ).

1.Ân tổ-tiên cha mẹ:

Ta sanh ra cõi đời được có hình-hài để hoạt-động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ chịu biết bao khổ-nhọc, nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ-tiên nên khi biết ơn cha mẹ cũng có bổn-phận phải biết ơn tổ-tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ đang sanh-tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta ráng chăm-chỉ nghe lời, chớ nên xao-lảng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân-đạo, ta ráng hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn-cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi-dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa-hảo trong đệ-huynh, tạo hạnh-phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa-mãn: ráng cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước-thọ. Lúc cha mẹ quã-vãng, hãy tu cầu cho linh-hồn được siêu-thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm-luân.

Còn đền ơn tổ-tiên, đừng làm điều gì tồi-tệ, điểm-nhục tông-môn, nếu tổ-tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu và hy-sinh đời ta làm điều đạo-nghĩa, rửa nhục tổ-đường.

2.Ân đất nước:

Sanh ra, ta phải nhờ tổ-tiên cha mẹ; sống ta cũng nhờ đất nước quê-hương. Hưởng những tấc đất ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ-dàng, giống nòi được truyền-thụ, ta cảm thấy có bổn-phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm-lăng giày đạp Ráng nâng-đở xứ-sở quê-hương lúc nghiêng-nghèo, và làm cho trở nên được cường-thạnh. Ráng cứu-cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống-trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc-gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài sức, nỗ-lực hy-sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài-lực đảm-đương việc lớn, chưa gặp thời-cơ giúp-đỡ quê-hương, ta phải ráng tránh đừng làm việc gì sơ-xuất đến đỗi làm cho đất nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại-địch gây sự tổn hại đến đất nước.

Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.

3.Ân tam-bảo:

Tam-bảo là gì? – Tức Phật, Pháp, Tăng.

Con người nhờ tổ-tiên cha mẹ sinh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương-diện vật-chất.

Về phương-diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp-đỡ của Phật-Pháp-Tăng khai mở trí óc cho sáng-suốt. Phật là đấng toàn-thiện, toàn-mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu-vớt sanh-linh ra khỏi vòng trầm-luân khổ-hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo-pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng đặng đem nền Đạo của Ngài ban-bố khắp trần-thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại-đệ tử của đức Phật vậy. Bởi vì đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần-sanh thoát miền mê-khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin-tưởng và tín-nhiệm vào sự-nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư tăng cho biết. Tổ-tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm-mầu, lòng quảng-ái của Phật đối với chúng-sanh, đã kính-trọng sùng-bái Ngài, đã hành-động đúng theo khuôn-khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền Đạo được phát triển thêm ra, xây dựng một tòa lâu-đài Đạo hạnh vô-thượng vô-song rồi truyền mãi mãi với hậu thế.
Nên bổn-phận chúng ta phải noi theo trí-đức của tiền-nhân hầu làm cho trí-tuệ minh-mẫn đặng đi đến con đường giải-thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai-thông nền đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

4.Ân đồng-bào và nhân loại:

Con người vừa mở mắt chào đời, đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp-đỡ của những kẻ ở xung-quanh và cái niên-kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ-nhõi càng tuần-tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong-vũ. Vui-sướng: ta đồng hưởng với họ. Hoạn-nạn: họ cùng chịu với ta. Họ và ta cùng một màu da, cùng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một: ấy Quốc-gia đó. Họ là ai ? Tức những người ta thường gọi bằng đồng-bào vậy ?

Đồng-bào ta và ta cùng chung một chủng-tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch-sử vẻ-vang oanh-liệt, cùng tương-trợ lẫn nhau trong cơn nguy-biến, cùng chung phận sự đào-tạo một tương-lai rực-rỡ trong bước tiền-đồ của giang-san đất nước. Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng-bào hay có đồng-bào mà không có ta. Thể nên, ta phải ráng giúp-đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào ta còn có thế-giới người đang cặm-cụi cần-lao cung-cấp những điều nhu-cầu cần-thiết. Họ là nhân-loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa-cầu. Nếu không có nhân-loại, thử hỏi dân-tộc ta ra như thế nào ? Ta có đủ vật-liệu để dùng chăng ? Nói tóm lại, ta có thể lẻ-loi đương đầu với những khi phong-vũ nhiệt-hàn, với những lúc ốm đau nguy-biến, giữ vững cuộc sống còn nầy chăng ? Hẳn không vậy. Thế nên, dân-tộc ta phải nhờ đến Nhân-loại nghĩa là nhờ đến dân-tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như nghĩ đến mình và đồng chủng mình.

Vả lại, cái tình từ-bi bác-ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức rất thâm-huyền quảng-hượt. Cái tình ấy, nó không bến không bờ, không phân-biệt màu da, không phân-biệt chủng-tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa hết các từng lớp đẳng-cấp xã-hội và chỉ đặt vào một: Nhân-loại Chúng-sanh.

Thế, ta không có lý-do gì chánh-đáng để vì mình vì đồng-bào mình gây ra tai hại cho các dân-tộc khác. Trái lại hãy đặt vào họ một tư-tưởng nhân-hòa, một tinh-thần hỉ-xả và hãy tự xem mình có bổn-phận giúp-đỡ họ trong hoạn-nạn.

Xét qua giáo-lý và hành-động của Đức Phật Thầy, ta có thể mạnh-bạo mà nói Ngài là một nhà cách-mạng tôn-giáo tiền-phong trong lịch-sử Phật Giáo Nam-Việt. Vì trong lúc Ngài ra đời, đạo Phật đang đi sâu vào chỗ lu mờ suy đốn, do một số nhà sư làm lệch-lạc, sai xa với Pháp-giáo chơn truyền. Chính Ngài, trước hơn ai hết, đã cương-quyết đứng lên thực-hành chánh pháp, phổ-hóa quần-sinh, gây nên một phong-trào đạo hạnh sôi-nổi và lan-tràn mà từ xưa, lịch-sử đã chứng-minh chưa từng có.

Một ông Nguyễn-văn-Xuyến với chánh-pháp thần-thông, hóa dân trợ thế, – một ông Phạm-thái-Chung với pháp thuật cao kỳ, hoằng dương mối đạo, – Một Đức Cố-Quản Thành với tràn đầy lòng trung-liệt, vì nước quên mình, – một ông Nguyễn-văn-Thới với mênh-mông hồn ưu-ái giang-sơn tổ-quốc…, ngần ấy điều-kiện, há không đủ chứng tỏ rằng giáo-lý của Đức Phật-Thầy là một giáo-lý cao-siêu vô-thượng, không quên đạo, chẳng bỏ đời (“đời đạo liên-quan rạng chói…”) đó sao ?

9. Những di tích có liên hệ đến Đức Phật Thầy

A. Ở Tòng–Sơn

Từ chợ Cái-Tàu-Thượng (Sađec) đi đổ xuống rẽ sang lộ đất lối hai ngàn thước, du khách sẽ trông thấy xa xa một ngôi đình lợp bằng ngói, ẩn hiện sau mấy chồm cổ thụ như trôm, dầu… đó là đình làng Tòng-Sơn, một dấu-vết ở quê-hương của Đức Phật-Thầy, nơi mà xưa kia, Ngài về nương-náu sau mái hiên, sau bao nhiêu năm xa cách.

Trải mấy lần đất lở, đình nầy phải dời đi cất lại đến chỗ ngày nay. Trong đình, tại bàn chánh thì thờ trần điều, còn bàn Thần thì đặt ngay một hương-án ở chính giữa phía trước. Hai bên: tả ban thì thờ cửu-huyền, hữu ban thì thờ Đức Phật-Thầy, trên bàn có một tấm biểng bằng cây, sơn son thiếp vàng, lớn độ một thước bề ngang, một thước rưởi bề đứng, có khắc sâu những chữ: Đoàn Phật Sư ở giữ, và một đôi liễn kiến hai bên đề:

Tòng-Sơn đắc ngộ Phật,
Tây-An quả giác Sư.


Hằng năm đến ngày 12 tháng 8 là ngày vía của Đức Phật-Thầy, đình nầy có cúng kiếng long-trọng như các chùa chiền vậy.

B. Ở Cái–Nai

Mộ Phật-Mẫu (thân-mẫu của Đức Phật-Thầy) hiện ở rạch Cái-Nai (thuộc thôn An-thạnh-Trung Quận Chợ-Mới, tỉnh Long-Xuyên). Rạch nầy cách chợ Cái-Tàu-Thượng lối năm ngàn bốn trăm thước. Từ vàm rạch vào đến mộ chừng hai trăm thước nữa, chung quanh mộ có trồng ô-môi và có cất một cái nhà thờ, có người ở đây lửa hương phụng-tự.

Tương truyền rằng khi chưa có người coi giữ mộ nầy, trâu bò cũng không dám đến gần; có khi người ta đi cho trâu ăn khuya lỡ lạc gần đó thì trâu bỗng nhiên nghinh lên rồi thục lui mà chạy, chừng như nó thấy được ai chận đuổi nó vậy. Bởi thế nên ngôi mộ nầy đến nay, dù đã trải nhiều mưa nắng, nhưng đất vẫn gò lên khách đi thuyền qua đây dòm lên còn thấy cao hơn các chỗ khác.

C. Ở Long-Kiến 

Chùa Tây An ỡ Long Kiến

Tại làng Long-Kiến (tổng Định-Hòa, Long-Xuyên), phía hữu ngạn sông Ông Chưởng, khách đi đường sẽ trông thấy một ngôi chùa lộng lẫy nguy-nga, trước sân có một cây dầu, chung quanh có xây bồn bằng gạch, ấy là chùa Tây-An Cổ-Tự, một di-tích của Đức Phật-Thầy. Ngày xưa Ngài có về đây để phát phù trị bịnh cho đến khi bị vời về An Giang. Nơi nầy trước kia là cái cốc của ông Kiến. Tuy đã qua mấy bận hư-hao và một lần bị cháy, người ta đều sửa lại cho có chỗ thờ-phượng. Đến năm 1952, chùa nầy mới được dựng lại và sửa-sang đồ-sộ như ngày nay.

D. Ở Núi Sam

Từ chợ Châu-Đốc đi vào năm ngàn thước thì tới núi Sam, rẽ sang phía tả, nhìn lên thấy ngôi chùa lồng-lộng nằm trên triền núi, ngoài ngõ có đề ba chữ Tây-An Môn, ấy là chùa Tây-An (tục gọi là chùa chánh) ở núi Sam. Đây là nơi Đức Phật-Thầy nương-náu để độ dân cho đến ngày tịch diệt. Trong chùa, Phật cốt rất nhiều, vì chùa nầy là của giáo-phái Lâm-Tế như đã nói ở đoạn trước, nên không có chi là dấu-vết của Đức Phật-Thầy.
Chùa Tây An ỡ Núi Sam

Sau chùa, về phía đông, có một vòng thành vuông rộng 5 thước 45 bề dài, 4 thước 75 bề ngang, nằm trên chín cấp nấc gạch, ấy là mộ của Đức Phật-Thầy.
Mộ không có đắp nấm, trước mộ có một tấm bia khắc những chữ:

Nguơn sanh Đinh-mão niên, thập ngoạt, thập ngũ nhựt, ngọ thời chú sanh.

Tự Lâm-Tế gia chư thiên phổ chánh-phái tam thập bát thế, thượng pháp hạ tạng tánh Đoàn; pháp-danh húy Huyên, đạo hiệu Giác-Linh chi vãn tọa.
 
Tịch ư Bính-Thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch-diệt “.

E. Ở Thới-Sơn.

Trại ruộng ở Thới-Sơn cách xa núi Sam trên 10 ngàn thước. Ngày xưa, khi lập xong, Đức Phật-Thấy giao cho ông Tăng-Chủ và ông Đình-Tây ở giữ. Nơi nầy có hai di tích: Phươc-Điền Tự và Thới-Sơn Tự. Hai chùa nầy cách nhau độ 2 ngàn thước. Khi Đức Phật-Thầy mới vào đây, Ngài để trâu (ông Sấm ông Sét) và làm ruộng tại Phước-Điền, còn Thới-Sơn (ngày xưa là trại ruộng Hưng-Thới) thì cất để thờ-phượng và ở mà thôi.

Chùa Phước Điền hoặc Trại Ruộng ỡ Thới Sơn

Tại Phước-Điền Tự còn có hai đôi liễn thờ ở bàn chánh và dán ngoài cửa ngõ. Người ta bảo là của Đức Phật-Thầy chỉ cho tín-đồ viết và lưu truyền đến ngày nay.

Liễn ở cửa ngõ:

Nhứt trần bất nhiễm bồ-đề địa,
“Vạn thiện đồng quy bát-nhã môn”.


Liễn thờ ở bàn chánh:

Phước bảo thiền quang thanh-tịnh vô-vì thường phổ chiếu,
“Điền kinh công đức viên dung bát-nhã biến thông truyền”.


Và một linh vị:

Nguơn sanh Đinh-mão niên, thập ngoạt, thập ngũ nhựt, ngọ thời hưởng dương ngũ thập tuế.

“Cung thỉnh Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế, thượng pháp hạ tạng, tánh Đoàn, pháp danh húy: Minh-Huyên, đạo-hiệu Giác-Linh chứng minh.

“Vãng ư Bính-thìn niên, bát ngoạt, thập nhị nhựt, ngọ thời nhi chung.


Về sau, khi ông Đình-Tây tịch, trại ruộng Thới-Sơn được sửa-sang lại thành một ngôi chùa nguy-nga, nhưng bao nhiêu lần dâu bể, chùa ngày nay chỉ còn mấy nếp lợp thiếc và lá mà thôi. Gần chùa còn có mấy ngôi mộ của ông Tăng-Chủ và ông bà Đình-Tây là những người có công-nghiệp rất to-tát trong việc mở-mang làng xóm dân cư ở đây ngày xưa.

G. Ở Láng–Linh

Từ vàm kinh xáng Vịnh-Tre đi vô độ mười ngàn thước thì tới trại ruộng Bửu-Hương Các ở Láng-Linh (thuộc làng Thạnh-Mỹ-Tây, tổng An-Lương, Châu-Đốc). Chỗ nầy là một di-tích mà Đức Phật-Thầy xưa đã rẽ đất rạch hoang để mở cơ hoằng pháp. Ngài giao trại ruộng nầy cho Đức Cố-Quản Trần-văn-Thành coi giữ. Ngày nay, qua nhiều trận hư-hao, nơi đây được chấn-chỉnh lại trang-hoàng, lợp ngói, vách gạch và có ông Nguyễn-văn-Tịnh, một đệ-tử cũ của ông Hai Trần-văn-Nhu ở giữ gìn phụng-tự.

Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


1 nhận xét

  1. Nặc danh
    Nam Mô A Di Đà Phật
Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật