Đức Phật Trùm

Đức Phật Trùm, Bửu Sơn Kỳ Hương
-
Lượt Xem

Đức Phật Trùm
(? - 1875)


TIỂU SỬ : ĐỨC PHẬT TRÙM BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Bửu Sơn Kỳ Hương có nghĩa là mùi thơm kỳ diệu trên đỉnh núi thiêng liêng. Có bốn câu thơ sấm truyền rằng:


Chữ “Bửu” là chữ Phật Vương
Chữ “Sơn” Phật Thầy tin tưởng phước dư
Chữ “Kỳ” là hiệu Bổn Sư
Chữ “Hương” Phật Trùm bốn chữ phải mang.

Chúng ta tìm hiểu đôi nét vị Phật thứ tư trong Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ứng với chữ Hương cuối cùng là vị Phật thứ tư, là đức Phật Trùm.

1- Hành vi và thân thế buổi đầu của Ông Đạo Đèn hay Đức Phật Trùm

Ngài tên là Tà Paul sinh năm nào chưa tìm ra được. Quê ở sóc Lương Phi, núi Tà Lơn, núi này trong vùng Thất Sơn, ở góc núi Dài về phía núi Tô, gần kinh Tám Ngàn) thuộc Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngài vốn thật là người Campuchia, lúc còn là thường nhân đầu cạo trọc, ăn mặc theo lối Miêm, nhưng khi thành đạo, Ngài để tóc và ăn mặc theo người Việt. Ngài có vợ và 4 người con gái, hiện nay miêu duệ còn tại chùa Phật Trùm ở Tà Lơn.

Chữ Thum trong tiếng Khmer có nghĩa là Ông Lớn, Bề Trên, có lẽ người dân nghe Ngài xưng là được Ông Lớn của Phật sai xuống cứu đời, nên gọi Ngài là Đức Phật Trùm. Lại thấy ngài trị bệnh hay dùng sáp đèn cầy để chữa bệnh nên người ta cũng gọi ngài là ông Đạo Đèn.

2- Đức Phật Trùm tỏ ngộ và trị bệnh cứu đời

Năm Mậu Thìn (1868), quanh vùng Tà Lơn nhân dân bị bệnh dịch và chết vô số. Khi ấy ngài cũng mang bệnh rồi chết. Về đêm, gia quyến ngài định quàn lại sáng hôm sau sẽ đem ra hỏa táng, không ngờ trời rạng đông, ngài tự nhiên sống lại và đi đứng mạnh giỏi như thường. Nhiều người Campuchia thấy vậy xúm lại mừng rỡ hỏi thăm, Ngài không trả lời bằng tiếng Khmer mà chỉ nói tiếng Việt. Ngài còn bảo vợ con từ nay hãy ăn ở nói năng theo phong tục người Việt. Vài hôm sau, ngài bắt đầu nói giọng nửa hư nửa thực, hỏi tại sao thì ngài trả lời bằng hai câu thơ rằng :

Ở đời hạ giới yêu ma,
Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.
Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.


Từ ấy Ngài bắt đầu trị bịnh, ban đầu còn cứu người về bịnh dịch tả, sau bịnh này êm rồi thì người ta đem đến bịnh chi ngài cũng trị được. Tiếng đồn vang dội khắp nơi, thiên hạ đến để bái sư cầu đạo mỗi ngày một đông không xiết kể.

3- Đức Phật Trùm bị bắt và bị đày đi

Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo ông đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm Xà Tón (Tri Tôn) vu cáo là ông mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền bắt Ngài về Châu Đốc và không cần xét hỏi hư thực, người ta đem giam ngài vào ngục.

Theo lời ông Nguyễn Phước Còn, tục gọi ông Bảy Còn ở tổng Định Hòa (Long Xuyên) đã nghe kể lại thì trường hợp này cũng gần giống như trường hợp bị bắt của Phật Thầy Tây An. Mặc dù ngài bị bắt giam cầm trong ngục thất, nhiều người vẫn thấy ngài thong thả dạo chơi như người vô sự ở ngoài phố chợ. Bởi vậy, nhà cầm quyền Pháp hết sức nghi nan, họ bắt ngài bỏ vào cũi sắt rồi đem liệng dưới sông, thế mà khi khiêng đến bến, ngài vẫn điềm nhiên ngồi trong cũi hút thuốc như thường.

Nhiều người tín đồ của Ngài giả dạng khách thương buôn để đến thăm dò tin tức, thấy thầy bị hành hạ như thế họ đau lòng hết sức, nghĩ bụng rằng Ngài không còn tài nào sống được. Nhưng trái lại, một chặp sau họ thấy Ngài xả tóc ung dung đi đứng trên đường.

Người ta thử đủ cách mà ngài vẫn không chết, có lần họ bỏ ngài vào vạc dầu sôi, ngài an nhiên không chút sợ sệt, và khi đem ra ngài không bị vết phỏng nào.

Thấy như vậy, người Pháp tuy có mến phục tài năng, nhưng thâm tâm còn sợ nếu thả ngài ra thì quần chúng càng tin tưởng thêm, mà chính cái tin tưởng ấy sẽ gây ra cho ngài một thế lực mạnh mẽ, vì thế họ cho đày Ngài ra hải ngoại. Trong lúc ở hải ngoại, người ta bắt Ngài đi làm việc và chăn heo, cũng như những tội nhân thường phạm khác. Vào mỗi buổi sáng sớm, mỗi người phải lùa lên núi hai con heo cho ăn, rồi chiều lại lùa về.

Khác hơn các tù phạm khác, Ngài chỉ gọi hai con heo lại mà dặn nó sau khi đi ăn rồi phải quay về. Thế là hai con heo răm rắp vâng lời, khỏi phải phiền Ngài đi theo giữ như kẻ khác.

Ở đấy một thời gian, ngài bị nhà chức trách Pháp cho uống nước có pha a xít (eau régale) là một chất độc chết người, mà ngài vẫn thêm mạnh. Sau xét thấy ngài hiền lành, không có gì đáng cho là nguy hiểm lắm, họ bèn tha ngài về.

Trước khi xuống tàu về xứ, có người tù phạm tên là Quăng, bấy lâu nay cũng bị đày như ngài than thở rằng không biết phận của y sẽ ra sao, và bao giờ mới được về quê quán. Ngài thấy vậy bảo Quăng đừng lo gì cho nhọc, nội trong bảy ngày nữa cũng sẽ được tha ra như ngài vậy. Quả thật đúng y như lời ngài nói, một tuần sau Quăng được tha về.

4- Đức Phật Trùm Trở về núi Tà Lơn

Sau lúc trả tự do, Ngài được người Pháp phát cho một cây súng hai nòng để đi săn chơi, song họ buộc Ngài mỗi một tuần lễ, cứ lệ ngày thứ hai thì phải có mặt để trình diện, Ngài tuy nghe theo lệnh nhưng vẫn còn có thì giờ trở về sóc ở Tà Lơn mà cứu độ bệnh nhân và nhắc nhở cho người đời sớm lo tu tỉnh. Nơi đây Ngài thường lên núi lấy sáp đem về để xe đèn trị bệnh. Người ta không biết sáp ở đâu mà cứ mỗi lần Ngài đi lấy thì những người đi theo không tài nào gánh hết được.

Cũng nơi vùng Thất Sơn, có một lần cúng tế có đông đủ tín đồ. Người nhà than rằng không thể nào lo được chén bát để dọn ăn cho đủ. Ngài bảo rằng không hề chi, trên non không thiếu những vật ấy. Thế rồi hôm sau, Ngài cho ít người môn đệ đem gióng gánh theo chân Ngài lên núi để mượn đồ. Ngài dẫn đến một nơi nọ có hầm sâu, cây cối chung quanh sum xuê, rồi chỉ cho họ lấy, và dặn muốn lấy bao nhiêu tùy ý, nhưng hãy đếm để về sau hòng trả lại cho đủ. Khi xong đám, mấy người tín đồ quảy gánh chén bát lên núi để trả lại chỗ cũ, nhưng có điều rất lạ là họ cố tìm mà không gặp được chỗ hầm đã lấy, họ đành phải gánh trở về. Sau phải nhờ Ngài dẫn lên chỉ chỗ mới trả được. Cứ nhiều lần như vậy, nên trong tín đồ của Ngài có người đưa ý kiến chặt cây và cột gút cỏ lại để làm dấu, rồi đợi khi vắng Ngài, họ lén lên tìm coi. Nhưng họ cũng thất vọng, những chỗ họ đánh dấu hôm trước không sao kiếm được, mặc dù họ là đám người quen thuộc đường rừng đó.

Để cho phân biệt được tín đồ của Ngài và tín đồ của tôn phái khác, ngài phát cho mỗi người đệ tử một cái bâu áo có 2 khuy, 2 nút, còn những người đến trị bệnh thì Ngài chỉ cho áo một khuy một nút mà thôi.

5- Đức Phật Trùm tịch

Ngài hành đạo giáo hóa được 7 năm thì tịch diệt nhằm ngày 21 tháng 11 năm Ất Hợi (1875). Ngài còn lưu lại cho đời một bản Sấm Giảng khuyên đời tu niệm và tiên đoán việc thiên cơ. Lúc ngài tịch, có xảy ra một việc rất lạ, tưởng không thể bỏ sót được. Một hôm, trước ngày tịch diệt, ngài cho vợ con, tín đồ biết trước rằng Ngài sẽ về cõi Phật, thế rồi ngài bỏ nhà lên núi mà không trở về. Sau mấy hôm đến ngày trình diện mà không thấy Ngài đến, quân Pháp cho lính vào tận sóc Lương Phi tìm kiếm, và khi nghe nói Ngài đã tịch rồi, họ nhứt định cho là nói dối, bèn bắt hết cả vợ con của Ngài giải về Châu Đốc hoặc phải có mặt Ngài thì họ mới thả vợ con ra.

Trước tình trạng rắc rối ấy, có người tín đồ trung thành của ngài tên là Ông Việm, hết lòng nguyện vái rồi lặn lội lên vùng Thất Sơn để tìm Ngài mà cầu xin giải cứu. Sau mấy hôm tìm kiếm hết sức vất vả, ông Việm mới gặp được Ngài đang ngồi trong hang đá đang nói chuyện với những bậc thánh nhân ở cõi trên. Thấy ông Việm đến, chưa đợi ông nầy tường thuật Ngài tự nhiên đã biết chuyện. Ngài bảo ông Việm hãy về trước rồi Ngài sẽ theo sau, và dặn rằng Ngài chỉ ráng độ cho một phen nầy, sau không còn Ngài thì tự lo liệu lấy. Khi về đến nhà, Ngài bảo tín đồ đóng cho một cái hòm rồi tự mình trải vào một cái khăn bằng vải rất rộng, xong Ngài nằm trong đó sai người đậy nắp lại cẩn thận, rồi đi báo cho Pháp hay.

Được tin đã kiếm được xác Ngài, quân Pháp kéo vào xem xét, nhưng họ chưa tin rằng chết thiệt, bảo cứ gác nắp hòm rồi để đó, vài ba ngày thì họ vào một lần để mở ra khám nghiệm. Sau khi đã khám nghiệm đủ cách mà vẫn không thấy Ngài còn có chút gì là người sống, mặc dầu xác vẫn không hôi thối, nhà cầm quyền Pháp bèn thả hết vợ con Ngài ra rồi ra lệnh đem chôn Ngài trước mặt cho họ trông thấy. Từ ấy về sau, Ngài không còn trở về nhà nữa. Nhưng thỉnh thoảng Ngài có hiện cho người ta xem thấy Ngài còn lảng vảng trong vùng Thất Sơn.

Nghe đâu Ngài còn có một nữ tín đồ ở tại sóc Tức (1972) tục gọi là bà Bảy. Sống hơn một trăm tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh, lại cứ một ngày một trẻ dần, đọ với con bà người ta thấy trẻ hơn nhiều. Nghe nói bà có xin phép “ở trên” để đi vào viếng cảnh trong ruột núi Cấm, nhưng chưa được lệnh, chẳng biết có quả thật như vậy không? Trong khi đi sưu tầm tài liệu cho quyển sách nầy, vì tình thế khó khăn không cho phép, nên chúng tôi chưa đến gặp mặt bà được, xin chờ một dịp sau.

Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Tà Lơn, một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Tà Lơn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mộ không đấp nấm, theo chủ trương của Bửu Sơn Kỳ Hương.

(Theo Thất Sơn Mầu Nhiệm)

Tác Phẩm

Giảng Xưa Dưới Bóng Cội Tùng



Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật