của Đức Phật Thầy Tây An
NGUYỄN VĂN HẦU Phiên Âm,
Viết Tựa NGUYỄN HỮU HIỆP
Sưu Tầm, Chú Thích
TỰA SÁCH QUYỂN TIỀN GIẢNG
Ngài tên thật là Đoàn Minh Huyên, sanh giờ ngọ, ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, tổng An tịnh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh thanh (nay thuộc xã Mĩ An Hưng, tỉnh Sa Đéc). Đoàn Phật Sư là một đạo hiệu được ghi khắc trên biển thờ, trên các bài vị tại các chùa chiền hoặc trong các thư-tịch cho có vẻ văn hoa, chớ thật ra, Ngài được nhân dân tôn xưng là Phật Thầy, Ngài còn được ghép thêm hai tiếng Tây An mà thành ra Phật Thầy Tây An. Vậy gọi là Đoàn Phật Sư, hoặc Đức Phật Thầy Tâu An, đều là xưng gọi theo một danh từ mà dân chúng tôn xưng (thế tôn) chứ không do Ngài tự đặt ra như ta từng gọi theo tự, hiệu của các thi nhân văn sĩ khác.
Thuở nhỏ học hành làm sao, sinh hoạt thế nào, không biết. Lớn lên, rời quê quán đi tu. Chặng đời Ngài từ khi mới sanh cho đến năm 36 tuổi, không ai biết gì. Năm Giáp Thìn (1844), sau lúc trụ trì tại Long Quang Tự ở Gò Công không rõ là bao lâu Ngài vân du giảng chúng. Từ Mương Điều, Cầu Ngang, Cả Ván, Mõ Cày, Bến Tre và Trà Vinh, nơi nào cũng có mặt Ngài. Sau đó, đến Cần Chông, hiệp cùng Thầy Đồng (dạy nho và làm thuốc) và Nhiêu Nguyên (một người đỗ Nhiêu học tên Nguyên) là hai bạn học cũ để rồi cùng đến Ba Xuyên.
Tứ ấy cư du hóa mãi. Vàm Tấn, Sóc Trăng, Bạc Liêu, chợ Miễu, Cà Mau: gặp bịnh thì chữa bịnh, gặp người thiện duyên thì thuyết pháp dạy tu. Khi đến làng Tân Sơn, Ngài dừng lại một năm để nhận nhiệm vụ giáo tập (Thông sự) để dạy học trò vì có cảm tình đặc biệt với mấy vị hương chức ở làng này. Năm sau Ngài đến Giồng Riềng và từ ấy trên một chiếc tiểu thuyền làm bằng cây dông, Ngài đi giảng đạo các nơi: Trà Niên, Cù Là, Rạch Giá, rồi theo kinh Lạc Dục qua Ba Thê, Núi Tổ, Núi Cấm, Láng Lớn, Châu Đốc và Mặc Cần Dưng.
Cho đến năm Kỷ Dậu (1849), Đức Phật Thầy đã có mặt tại quê nhà nơi làng Tòng Sơn. Tại đây không còn ai nhận diện được Ngài. Ngài nghèo nàn cô độc, một mình hiu quạnh nương tựa mái hiên sau của ngôi đình làng Tòng Sơn cũng nghèo nàn như Ngài.
Năm ấy bịnh dịch tả truyền nhiễm tràn lan. Người chết trông kinh khủng. Đức Phật Thầy chận đứng được con bịnh tại bất cứ nơi nào có Ngài hiện đến. Tại Trà Bư, Mỹ Hưng, Cái Dứa, Cái Tre bóng dáng Ngài thoạt đó thoạt đây. Cá nhân Ngài gắn liền với đám dân cùng khổ. Ngài an ủi, cứu trợ, khuyên dỗ, thương xót họ như tình thương bao la của mẹ đối với con.
Bệnh dịch tả lại hoành hành dữ tại thôn Kiến Thạnh, huyện Đông Xuyên, Ngài vội vàng đến đó và dân chúng theo Ngài như nước tràn bờ : Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương được mở ra từ ấy.
Thuở ấy miền lục tỉnh tuy trù phú về vật chất nhưng tinh thần thì sa sút quá lắm. Cờ-bạc, rượu chè, đàng điếm đầy nơi. Mê tín thì đều khắp với những đồng bóng và phù phép. Tôn giáo cũng suy bại trầm trọng, chùa chiền chỉ còn là nơi bói xin cầu cúng và kí bán con không hơn kém. Ngài nhất định đứng ra nhận lấy sứ mạng chấn chỉnh xã hội, cải cách tôn giáo.
Chánh quyền huyện Đông Xuyên thời Tự Đức phát sợ trước uy tín của Ngài, nên báo về tỉnh An Giang.
Cùng thuở ấy, nhà nước rất ghét các cuộc tập trung dân chúng, nhứt là do các tăng sĩ đứng đầu. Bởi vì trước đó, từ 1820, Sãi Kế dậy giặc tại Định Tường. Kế đến 1841, Đột và Cố làm loạn trên Miên, lan tràn xuống kinh Vĩnh Tế. Rồi sau nữa, Sãi Sâm lại dấy lên đánh phá Lạc Hóa mà phần đông bọn chỉ huy là tăng sư.
Vậy để chận đứng phong trào dân chúng, nhà nước cho lịnh bắt giữ Phật Thầy, nói Ngài là gian đạo sĩ. Người ta chỉ trích cách tu mới mẻ của Ngài và thử thách Ngài bằng đủ cách. Sau đó họ không đủ yếu tố buộc tội Đức Phật Thầy, nên tha ra. Tuy nhiên để tiện theo dõi, kiểm soát Ngài, chánh quyền bắt buộc Ngài phải thế phát và phải vào tu tại chùa Tây An do Tổng Đốc Doãn Uẩn tạo tác trước đó vài năm.
Nên biết chủ trương của Đức Phật Thầy qua tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương: đó là một đạo Phật không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiếng chè xôi và tu đâu cũng được. Theo triết lý đó thì người ta cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm thanh tịnh, quyết tâm tin Phật và hằng thực thi bốn ân lớn: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại.
Từ đó, trên phương diện pháp-lý, Đức Phật Thầy là một nhà sư của chùa Tây An. Ngộ biến tùng quyền mặc dù trong một hình thức trái với chủ-trương cải cách tôn giáo của Ngài, Đức Phật Thầy vẫn ẩn nhẫn tùy thời để thực thi sứ mạng lập tông hành giáo.
Tại chùa Tây An núi Sam, thiên hạ ùn ùn kéo đến với Ngài đông hơn lúc trước. Người ta tôn Ngài là hoạt Phật và sẵn sàng lãnh giáo qua những lời Ngài nói. Nhưng Đức Phật Thầy tiên liệu là khó tránh được sự khủng bố của chánh quyền nếu cứ tiếp tục truyền giáo tại đó theo chủ trương của mình. Cho nên Ngài ra lịnh di tản tín đồ đi khai hoang tại nhiều nơi. Các vùng đất cực xa xôi hoang vắng, là chỗ tốt để dựng lên các cơ cấu Bửu Sơn Kỳ Hương.
Các cơ cấu tôn giáo ấy được mệnh danh là trại ruộng, tất cả tín đồ trong đó đều cư sĩ tại gia, râu tóc không cần cạo. Vừa nỗ lực khai hoang để tự túc vừa tinh tấn tu hành. Các ông đạo, tức các đại đệ tử của Phật Thầy, trông nom về việc thuyết giáo, hướng dẫn Phật pháp. Vậy, theo Bửu Sơn Kỳ Hương, trại ruộng là một loại chùa; còn các ông đạo thì là một loại tăng sĩ mới.
Trong năm 1851, từng đoàn tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chia nhau đi khai hoang. Dấu tích của các cuộc khai hoang ấy hiện còn thấy được nhiều nơi, đã thành làng xóm trù mật hoặc trở nên đất thuộc, tại các vùng Thất Sơn và Tháp Mười.
Tuy tiếng là ở núi Sam, nhưng Đức Phật Thầy Tây An chu du giảng hóa khắp chỗ. Miền lục tỉnh cũng như nhiều hạt trên Miên, đều có tín đồ Đức Phật Thầy Tây An. Đặc biệt nhứt là những lời truyền của Ngài, đã được chép thành kinh, và những kinh ấy đã ăn sâu và tâm hồn dân chúng.
Đưa một cái nhìn tổng quát vào Đức Phật Thầy và Bửu Sơn Kỳ Hương, người ta thấy nổi bật ngay các đặc điểm:
- Cách mạng tôn giáo và dùng tôn giáo cải thiện xã-hội.
- Góp phần to lớn vào công cuộc khai hoang trường kỳ và vĩ đại của dân tộc.
- Dùng tiếng Việt để viết kinh, bác bỏ sự tụng niệm bằng chữ Phạn và chữ Hán.
Ngài viên tịch tại chùa Tây An núi Sam vào giờ ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856).
Qua những bước đi chói rực hào quang của một nhà Văn Hóa lớn mà chúng ta vừa ôn lại trên đây, trong đó các sự nghiệp kinh tế, văn học, tôn giáo đều gồm trùm, chắc ai cũng nhận rằng lịch sử không khá bỏ quên. Chẳng những không quên được mà còn phải chép nhiều, chép kỹ và phê phán đúng mức để định đặt giá trị cho nhằm. Vậy mà tiếc thay! Trong mọi lãnh vực văn học, sử học và phật học, người ta có thấy được những gì?
Từ sách Quốc triều chánh biên toát yếu đến các sách Việt Nam sử lược, Việt Nam cổ văn học sử và sách Việt Nam Phật Giáo sử lược của Quốc Sử Quán và các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Đổng Chi, Mật Thể, viết bằng Hán Văn và Việt Văn, đều có ai nói đến Phật Thầy, cho dẫu chỉ là vài câu!
Điều ấy là một sự kiện đáng buồn cho một nền học dân tộc. Lỗi không ở các tác giả dẫn thượng mà do một nền văn sử học thiếu cổ lệ, đặc biệt là cổ lệ địa phương, và cũng bởi tại địa phương – đây riêng chỉ miền Lục Tỉnh – từ xưa cũng không mấy ai cố công khai thác.
Những năm gần đây, may quá, nhờ tìm ra trong dân gian một số câu vãn điệu vè, một ít bi ký thần chú, một số truyện tích khẩu truyền mà có thể viết về Đức Phật Thầy Tây An. Tuy vậy vẫn có khiếm khuyết, vẫn còn những tài liệu thất tán, lâu lâu lại tìm được thêm ra.
Cho đến nay, các nguồn tài liệu dùng tham khảo để viết về Đức Phật Thầy, chắt mót lại, đã thấy có:
1) Những khẩu truyền của dân gian:
Điều này rất dễ bị sai lầm mà người cầm bút lâu nay hết sức thận trọng trong việc cân nhắc so sánh. Bởi truyền khẩu thường có thêm thắt và thường bị ảnh hưởng từ các tin tức, các tài liệu nào đó, chưa được phối kiểm. Đặc biệt về trường hợp của Phật Thầy, truyền khẩu là quan trọng, bởi vì Ngài là Giáo Tổ của một tông phái, lại là một tông phái mới, nên không được Quốc sử quán cũng như các bộ sách xưa của một danh bút nào nói đến.
2) Những chứng tích cụ thể:
Một mộ chí cắm tại mộ phần của Đức Phật Thầy, một bài vị thờ Ngài đặt tại Tây An Tự ở núi Sam (Châu Đốc), một biển thờ và một tấm Trần Đỏ còn giữ được tại Tòng Sơn (Sa Đéc), xác nhận nhiều sự kiện thực tế và quan trọng trong đời sống tôn giáo của vị Giáo tổ.
3) Tài liệu chép trên giấy trắng mực đen:
Bằng văn nôm, ít nhứt là năm bản:
a) Tòng Sơn căn gốc:
Có cả thảy 1375 câu. Câu khởi đầu là
“Tòng Sơn căn gốc ông bà;
Mua đất tạo lập tại làng Cần Chông”
và câu cuối cùng là
“Cầu cho ông Thánh Tây An;
Sau đây có Phật thế gian lưu truyền”.
b) Giảng Phật Thầy:
có 24 câu. Câu khởi đầu là : “Ngồi buồn tưởng lại lời Thầy; Hồi năm Kỷ Dậu đông tây nhộn nhàng” và câu cuối cùng là :
“Mặc tình trai gái trẻ già;
Tùy lòng niệm Phật đừng mà cười chê”.
c) Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy:
Không rõ có bao nhiêu câu. Câu khởi đầu và câu cuối cùng cũng không còn ai nhớ. Bổn này chắc là xưa nhất, vì ông Nguyễn Văn Kỉnh ở thôn Tân Phước (nay thuộc xã Bình Phước Xuân) là đệ tử của Phật Thầy, có chép làm gia bảo và cháu nội ông là ông Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ đến 1947. Hiện đã thất truyền. Một ít người còn nhớ, nhưng chỉ rời rạc đây đó năm ba câu. Thí dụ như trường hợp quan Tổng đốc An Giang thử các sĩ tăng bằng cách bày cỗ trên chiếu mà bên dưới có hình vẽ Phật, rồi mời các sĩ tăng ngồi lên. Trong khi các sĩ tăng khác trèo lên an tọa trên chiếu thì Phật Thầy từ chối, đáp rằng:
Bẩm tôi xin đứng dưới này,
Hòa thượng thầy sãi ngồi rày hai bên.
Tham ăn thấy thác một bên,
Phật Bà ở dưới ngồi lên đặng nào!.
Hoặc thí dụ như trường hợp tiên tri của Phật Thầy, được dẫn lại:
Đờn bà sung sướng vô hồi
Ngày sau may vá chỉ thời khỏi xe.
d) Giảng Giáp thìn Thầy ở Gò Công:
Có cả thảy 269 câu. Câu khởi đầu là:
“Giáp thìn Thầy ở Gò Công; Thần linh giáng thế chiếu thông xa gần” và câu sau cùng là: “Con cháu hỏi han; Đặng mà nói lại”.
e) Mùa đông phưởng phất gió tây:
Toàn tập ba bổn. Gồm 106 câu cho bổn đầu. Khởi đầu bổn là câu : “Mùa đông phưởng phất gió tây;
Bâng khuâng tưởng nhớ tiếng Thầy thuở xưa”
và chấm dứt bởi câu:
“Năm trai còn những một phần; Năm gái còn những hai phần mà thôi”.
Bổn đầu nói qua gốc tích của Đức Phật Thầy và những thiên cơ do Ngài hé lộ. Còn hai bổn sau thuyết về Năm Ông và giảng về Mười sầu, trong đó hối thúc dân chúng tu hành để tránh oan khiên nghiệp chướng phần lớn do thiên tai và chiến họa gây nên.
Giảng Mùa đông này do ông Nguyễn Văn Thửa tìm ra được tại ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, vốn của ông Huỳnh Văn Quân còn giữ được. Nguyên bà nội của ông Quân khi xưa tu theo phái Phật Thầy nên có nhờ Đông y sĩ Lê Văn Hứa chép từ năm 1915 để bà coi đó mà tu và cho đến khi bà mất, thì nó được chuyền xuống con cháu. Quyển này chép bằng chữ Nôm, ngoài đầu bìa có ghi :”Kinh này Phật Thầy truyền cho người lành thỉnh đặng rõ trong việc đời – Nhứt tập sanh tam bổn”.
Tất cả các bổn trên đây đều không rõ do ai là tác giả.
Tuy tục kêu là “Giảng” nhưng kỳ thật thì đây đều là những bổn chép về một ít gốc tích và một số lời nói của Đức Phật Thầy mà các tác giả đời sau nghe truyền miệng lại chớ họ không đích thực nghe thấy rồi ghi chép như các đệ tử hoặc các đại đệ tử của Ngài trong đương thời. Vì vậy mà sự kiện thường mâu thuẫn, thời gian thường đảo lộn. Nghe sao chép vậy, rất ít có dấu hiệu kiểm chứng.
Quyển Giảng xưa hiện được coi như thất truyền. Quyển Giảng Phật Thầy nay còn lưu hành, rất có giá trị về cả hai mặt: lời văn và sử liệu. Còn quyển Tòng Sơn thì tầm thường về lời ý, và về sự kiện thì mang không biết bao nhiêu chỗ sai lầm. Có thể nói sự sai lầm trong đó lên đến 30% tính theo các sự kiện chứa đựng trong nội dung tác phẩm. Điều làm cho giá trị xác thực của tác phẩm nầy bị sụp đổ là trong đó chép tên Đức Phật Thầy là Lê Hướng Thiện và chép chuyện Đức Phật Thầy được mời cứu bệnh cho một bà đầm vợ viên Chánh tòa người Pháp.
Bởi vì mộ chí của Đức Phật Thầy đã chép rõ tên Ngài là Đoàn Minh Huyên, và năm diệt độ của Ngài là 1856. Tấm biển tại chùa Tòng Sơn hiện còn ba chữ Đoàn Phật Sư, cũng như chính sử đã xác nhận chắc chắn là 1862 Pháp mới chiếm được ba tỉnh miền Đông và năm 1867, ba tỉnh miền Tây mới có sự hiện diện của họ. Vậy Đức Phật Thầy làm sao có thể là Lê Hướng Thiện và thực dân Pháp làm gì có mặt ở xứ nầy thời Phật Thầy còn tại thế!
Quyển Giáp thìn Thầy ở Gò Công viết theo thể lục bát và vãn tư, nói lai lịch Phật Thầy từ năm Giáp thìn (1844) về sau. Cũng như các quyển khác trong loại nầy, nó không là Sám Giảng, chắc chắn cũng không do các đại đệ tử của Phật Thầy viết, mà là của người sau chép theo một số sự kiện truyền khẩu. Nội dung có chỗ mơ hồ, thiếu căn cứ, nhưng cũng có chỗ đóng góp được cho ta một số dữ kiện để so sánh, tìm hiểu gốc tích.
Riêng quyển Mùa đông, tuy tiếng là của “Phật Thầy truyền” (theo lời ghi), nhưng sự thật thì nội dung vẫn nói qua một ít chi tiết về lai lịch Phật Thầy và mấy điều Ngài tiên-tri, dặn dò bổn đạo. Xem kỹ thì bổn nầy viết sau khi Phật Thầy viên tịch khá lâu, có một số chi tiết không được coi là chính xác.
Tuy nhiên, nói chung, nhờ có các bổn ấy mà một phần gốc tích của Đức Phật Thầy và một số lời giảng hóa của Ngài được truyền lại, cho đến ngày nay để giúp chúng ta lượm lặt nghiên cứu, so sánh và rộng đường tìm hiểu để kiểm chứng sự thật.
Tất cả các bổn vần vè nói về lai do Đức Phật Thầy nói trên, tôi từ lâu có ý nghĩ là nên cho chép kỹ lại để giữ làm tài liệu tham khảo. Riêng quyển Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy, phải cố công tìm dò cho được. Nhưng vì quá bận việc, không đủ thì giờ sưu tầm khảo sát bổn còn thất lạc hoặc duyệt qua các bổn đã có, nên đành bỏ qua.
Hôm này, anh Nguyễn Hữu Hiệp, một cây bút trẻ nổi tiếng tích cực và nhiệt thành, mang đến tôi bổn Giáp Thìn (tức quyển Tiền Giảng Đức Phật Thầy ) đã đánh máy kỹ lưỡng, có chú thích nữa, để xin tôi lời tựa trước khi đem in. Tôi sẵn có phiên âm từ chữ Nôm ra Quốc Ngữ bổn Mùa Đông phưởng phất gió tây khoảng một năm nay nhân khi có dịp biên khảo về quyển Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An (1.Tòng Sơn xb, 1974.) liền trao ra để xếp thêm vào đây cho được phong phú.
Theo tôi, việc chú thích không mấy cần mà việc tập trung cho đủ cả năm bổn vãn vè nói về lai do Phật Thầy lại là một điều cần hơn: Tòng Sơn căn gốc, Giảng Phật Thầy (2. Ông Vương Kim trong quyển Đức Phật Thầy Tây An từ 1954, có in kèm bổ này dưới nhan đề Giảng xưa về Phật Thầy. Nội dung có chút ít chi tiết sai biệt với bổn in trong quyển này. ), Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy, Giáp Thìn và Mùa Đông. Nhưng có bao nhiêu là hay bấy nhiêu. Được vẫn hơn là không vậy.
Nhờ chịu tốn của, tốn công của anh Nguyễn Hữu Hiệp tôi mừng vì kể chắc rằng từ đây mấy bổn Giáp Thìn, Mùa Đông sẽ không sao mai một được.
Bồ Đề Trang, 28 tháng 8 năm 1974
NGUYỄN VĂN HẦU
THƯA
Trong “Tài Liệu Tu Học Sơ Cấp”, phần Giáo Lý Căn Bản, chúng ta chỉ thấy ghi:
“Năm Kỷ Dậu (1849) Đức Phật Thầy Tây An (chính danh Đoàn Minh Huyên) sau khi chu du nhiều nơi. Ngài trở về nguyên quán Tòng Sơn (Sa Đéc) đúng vào lúc nhân dân đang lâm vào cảnh nguy khốn: bệnh dịch tả bạo hành.
“(…) Theo dõi con đường chu du độ thế của Phật Thầy, người ta thấy Ngài từ Tòng Sơn (Sa Đéc), vào Trà Bư (Lấp Vò), Lên Xẻo Môn (Long Điền) và sang Long Kiến (Long Xuyên). Rồi vì một pháp nạn (người ta cáo Phật Thầy là gian đạo sĩ, thu hút một số đông tín đồ chực cơ làm loạn), nên Ngài bị nhà cầm quyền đưa từ Long Kiến về Châu Đốc. Đi tới đâu, Phật Thầy cảm hóa người ta đến đó, nên sau cùng, chánh quyền triều Tự Đức buông thả Ngài, để cho Ngài tự do truyền giáo.
“ Từ đó Ngài ở tại Núi Sam, lấy chùa Tây An làm nơi thuyết giáo …”.
Trong “Thất Sơn Mầu Nhiệm”, phần Hành Vi và Thân Thế Buổi Đầu của Đức Phật Thầy Tây An, viết:
“… Căn cứ vào nhiều bậc bô lão ở đây cho biết chắc chắn thì Đức Phật Thầy bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ lắm. Ngài đi đâu và làm gì, cả trong làng cho đến những người thân thuộc của Ngài cũng không ai hiểu được. Lần hồi, ngày lụn tháng qua, tên tuổi và hình dạng của Ngài chôn sâu vào thời gian, người ta không còn nhớ một mảy may gì về Ngài nữa”.
“Một hôm, khoảng đầu năm Kỷ Dậu (1849), Ngài quá giang với một chiếc ghe buôn từ miệt trong (?) về …”.
Và cuốn “Đức Phật Thầy Tây An” trong chương nói về Hành Trạng của Đức Phật Thầy, cũng không thấy nói gì về thân thế Ngài từ năm Kỷ Dậu (1849) về trước. Nghĩa là trong khoảng thời gian nầy không biết được Ngài làm gì và ở đâu.
Do đó, trong mấy năm gần đây, chư tôn độc giả nào có theo dõi thường xuyên các chương trình truyền thanh và truyền hình PGHH, hẳn cũng thấy rõ cái thiếu sót đó mỗi khi có dịp trình bày về Ngài trong những chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm ngày Đức Phật Thầy Tây An viên tịch. Đó chẳng phải là chúng tôi thờ ơ với công nghiệp của Phật Thầy, mà chính vì không có tài liệu đặc biệt nào mới để cống hiến quý khán thính giả, nên đành phải nhắc đi nhắc lại những điều mà hầu hết đều có dịp nghe qua.
Nay, nhờ cuốn “Tiền Giảng” nầy nói về một đoạn tiểu sử của Đức Phật Thầy Tây An, không rõ tác giả là ai, chúng tôi mới phăng ra được thêm về hành trạng Ngài từ năm 1844 (Giáp Thìn), tức biết thêm được sáu năm vân du hóa Đạo của Ngài từ trước năm 1849 (Kỷ Dậu) – Xem tiểu sử Đức Phật Thầy ở bài Tựa đầu sách, còn hành trạng Ngài trước năm 1849, xin mời xem nguyên văn trong Tiền Giảng.
Đối với tiền nhân, bổn phận người sau chẳng những phải bảo tồn cơ nghiệp, mà còn phải đề cao và tuyên dương với tấc lòng thành kính để từ đó tìm một hướng đi đúng, tốt, cho bản thân, tập thể và cộng đồng dân tộc. Ý thức về nguồn là để học tiền nhân hầu vạch phá một hướng nhắm tới thích ứng với trào lưu sau khi đã phối hợp kinh nghiệm bản thân để xây dựng quan niệm sống cho chính mình.
Do vậy, mặc dù đã trải qua khoảng thời gian trên trăm năm, với biết bao biến cố thăng trầm bởi các nạn can qua máu lửa trong những năm tàn thoát gôm cùm xiềng xích của “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” rồi lại phải chịu nỗi nhục nhã dưới đế giày xâm lược Thực Dân, “một trăm năm đô hộ giặc Tây”, và kể từ ngày nền quân chủ cáo chung, đất nước lại phải chấp nhận một chuỗi thời gian dài sòng sọc “hai mươi năm nội chiến từng ngày”.
Đó là nỗi thống khổ triền miên đè trùm lên dân tộc bất hạnh của một quốc gia rách nát, èo uột và đen tối … , thế mà những cổ vật và kỷ tích của Đức Phật Thầy đã dần dần tìm gặp, bằng mọi cách dưới nhiều hình thức, các di tích của Ngài đều được công bố và phát hành lần lượt để công chúng có dịp trông thấy, nghe lại và biết đến … Âu cũng là một cơ duyên do Ơn Trên vận chuyển!.
Riêng về phương diện văn hóa, các tác phẫm cỗ về thi, văn, viết bằng chữ Nôm, chữ Hán và Quốc ngữ khởi từ nguồn Bửu Sơn Kỳ Hương, cho đến nay đã tìm được một số như Tứ Bửu Linh Tự, Đạt Đạo Ngao Du, Bát Nhẫn (chữ Hán), Giác Mê, Thập Thủ Liên Hườn Thi (chữ Nôm); Sấm Giảng Người Đời, Ngồi Buồn, Ngọc Hải Quỳnh Lâm, Thừa Nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Vân Tiên (chữ Quốc Ngữ) … phần lớn đã in và đang lưu hành sâu rộng.
Đó là những tác phẫm mà các nhà sưu khảo về tôn giáo, sau khi đã nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ, đều đồng cùng xác nhận trong niềm thán phục sâu xa tin kính, đồng thời cho một nhận định chung đại thể Bửu Sơn Kỳ Hương là một triết thuyết được kiến trúc một cách có hệ thống, mạch lạc và cấp tiến, vừa sát và đúng với kim ngôn, thánh chỉ của Phật Tổ Thích Ca, vừa điều hợp được với mọi điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt tín chúng ở quãng thời gian cuối trong chu kỳ lập Đời của Tạo Hóa.
Gần đây hơn, tác phẫm nôm cổ “Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An” của Bửu Sơn Kỳ Hương mới vừa tìm được (do học giả Nguyễn Văn Hầu khảo cứu, phiên âm và chú thích) là một tác phẫm siêu xuất, có giá trị vượt xa và vượt cao mọi áng văn kiệt tác từ xưa. Đồng thời giải quyết dứt khoát những nghi vấn mà từ lâu đã gây bất nhất trầm trọng về húy danh Ngài, về giáo pháp Ngài, về những sự kiện liên quan giữa hai tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo và nhứt là những hành trạng chuyển kiếp giữa Đức Phật Thầy Tây An và Đức Hoạt Phật Huỳnh Giáo Chủ.
Và cho đến nay, nhờ vào cơ duyên vận chuyển, chúng tôi lại bắt gặp một tác phẫm nữa, cũng từ nguồn Bửu Sơn Kỳ Hương, đó là cuốn “Tiền Giảng” chép thêm một đoạn ngắn nữa về tiểu sử của Đức Phật Thầy gồm 277 câu. Cuốn nầy viết bằng thể văn vần, loại thượng lục hạ bát, duy có phần giữa là viết theo lối vần vè, bốn chữ một câu. Cứ vào bản thảo sao lại của Ông Mười, trụ trì chùa An Hòa Tự.
Đây là tập bản thảo quốc ngữ (sao lại của một bản thảo khác) được viết thật kỹ bằng ngòi viết mực, tuy nhiên sai chính tả rất nhiều, trên giấy báo (nhựt trình trắng – journal) đã mềm mục và ngã sang màu cháo lòng mối mọt ăn khá nhiều, bìa làm bằng bao xi măng, sống đóng bằng nẹp tre toàn cuốn 42 trang, viết trên hai mặt giấy (khổ 18x30). Trong đó phần lớn chép về Sấm Giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, một bổn “Giảng Xưa” cũng nhắc tích Phật Thầy, đã có lưu hành lâu nay. Riêng về quyển Tiền Giảng mà chúng tôi sắp trình bày sau đây chiếm hơn 5 trang, có cả thảy 277 câu.
Quyển “Tiền Giảng” viết theo lối văn bình dị, gọn và sáng, được chia làm hai phần. Phần đầu (trên sáu dưới tám) nói về bước đường chu du khắp nơi của Đức Phật Thầy từ năm Giáp Thìn (1844), 61 câu. Phần sau là Kệ Vân (bốn chữ), kể rõ sự gian nan trong những ngày đầu khai cơ độ chúng; sự trị bịnh; nhà cầm quyền làm khó dễ; khuyến tu chơn chánh, 216 câu.
Như có nói trên đây, trong tập 48 trang chép bằng quốc ngữ của Ông Mười ở An Hòa Tự, còn có bổn “Giảng Xưa” nhắc tích Phật Thầy, cũng không rõ tác giả là ai. Bổn này tuy đã được lưu truyền bằng cách chép trao tay và từ mươi năm trở lại đây, được in ra phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, trong bổn lưu hành đó so với bổn chép của Ông Mười cũng có lắm chỗ dị biệt.
Chúng tôi cũng dám xin chú thích theo sức hiểu biết thô thiển của mình để giúp các bạn trẻ tuổi có khả năng khiêm tốn, đỡ phải lúng túng khi đọc và khỏi mất thì giờ tra cứu. Vả lại đây cũng là một việc làm đắc xích thủ xích đối với các nguồn tài liệu cổ xưa, tưởng rằng không phải là điều vô bổ.
Như đã nói phần trên, bản chép tay quyển “Tiền Giảng” nầy vì sai trật chính tả quá nhiều, cho nên người viết gặp phải nhiều trở ngại trong phần chú thích, do vậy, trong phần này chúng tôi chắc chắn có sai trật khá nhiều. Tuy vẫn biết “sai một ly đi ngàn dặm”, nhưng chúng tôi không biết làm sao hơn. Đó là một sự việc ngoài ý muốn.
Vì tha thiết với sự tích cao quí vô giá của người xưa nên chúng tôi làm công việc mà đúng ra với số tuổi đời quá ư thấp nhỏ, tuổi Đạo hãy còn ít ỏi, khuyết hám, cộng cùng khả năng thiển bạc như chúng tôi, tưởng rằng không bao giờ nên làm.
Tuy nhiên, “thà thắp ngọn đèn dầu le lói còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, với phương châm “biết đến đâu tâu đến đấy”, chúng tôi không mong gì hơn được tiếp nhận sự bổ chính quí báu của tất cả qua những chỗ còn khuyết nghi.
Nhân đây, xin ghi lại lòng biết ơn chân thành tất cả quí bằng hữu đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều phương tiện để cuốn sách được thành hình tốt đẹp. Đặc biệt, Ông Chánh Thư Ký Dật Sĩ đã vui lòng xem qua bản thảo và chỉ giáo cho nhiều điều bổ ích, chúng tôi xin thành thật nhớ ơn lòng ưu ái đặc biệt nầy.
Mọi người đang đua nhau làm công việc nầy như một cao trào. Chúng tôi cũng xin kính cẩn đặt viên sỏi nhỏ vào bả hồ đang trộn.
Thánh Địa Hòa Hảo, ngày 12. 8. Quí Sửu (1973)
NGUYỄN HỮU HIỆP
ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VỚI BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
Nói đến Bửu Sơn Kỳ Hương là nói đến một ý chất kỳ diệu bay tỏa hương lạ khắp mười phương, thu đạt một kết quả rực rỡ khả quan từ những tâm hồn tin yêu Phật pháp của Phật Giáo đồ. Bởi họ là những Phật Tử vừa thuần thành với đạo pháp vừa trung kiên với đấng Giáo Chủ Phật Thầy. Họ xa lánh và ghê tởm những trò huyễn hoặc, dị đoan, như xa lánh và ghê tởm địa ngục.
Họ là những Phật giáo đồ cấp tiến trong một xã hội đầy dẫy những bất công và phong kiến, nhờ triết thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương được xây dựng trên căn bản khôi phục truyền thống Phật Giáo nguyên thủy và thiết lập tư tưởng phục hưng trong tinh thần cải mới hầu khế hợp với trào lưu đi ngược giữa nền văn minh vật chất đang thạnh huống và sự xuống dốc cùng độ của đời sống tinh thần.
Nhắc đến Đức Phật Thầy Tây An là trang trọng nhắc đến tôn danh Ngài cùng sự ngưỡng ái vô lượng của toàn thể. Ngài là một bực chơn tu đại giác, có bên cạnh mười hai đại đệ tử, vừa trung liệt anh hùng vừa đại ngộ giáo pháp.
Thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy là những người đã góp tay làm nên những trang lịch sử vẻ vang dân tộc và cũng là những người làm chói sáng nhiều trang Phật sử Việt nam từ trên 100 năm nay.
Đức Phật Thầy Tây An là vị chân tu duy nhất khôi phục nền thạnh huống đạo Phật đời Lý, Trần với nhiều hình thức chấn hưng Phật đạo xây dựng nền tảng tu Nhân để dìu người trở lại với nguyên thủy thiện hòa, một đại việc cần làm song song với công cuộc hướng đưa đến mục đích cuối cùng và tối thiết là giải thoát về cõi an vui.
Đức Phật Thầy đã thành lập một giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương với một hướng đi mới, vừa phấn phát tinh thần dân tộc, vừa phù hạp với căn cơ chúng sanh thời mạt pháp. Cho đến nay, Bửu Sơn Kỳ Hương đã đánh mạnh vào tâm tư mọi người một cuộc cách mạng Phật Giáo lớn cận đại, đã hướng thiện được lớp người quần cư tứ chiến, đã ổn định tình thế và nhân tâm trong vùng ảnh hưởng.
Ngài là người đầu tiên trong Phật sử Việt Nam đã cương quyết đứng lên hô hào khai mở, canh tân Phật pháp để giản dị hóa mọi tập tục thờ cúng rườm rà và đưa ra phương thức tu hành hợp lý chóng đắc cho hành giả tại gia cư sĩ.
Bài trừ dị đoan mê tín là mối ưu tư hàng đầu của Đức Phật Thầy Tây An, cho nên các hình thức đồng bóng, múa võng, xá phướn, lấu kho, đốt giấy tiền vàng bạc .. là những hình thức không thể chấp nhận được trong sự sinh hoạt đạo Phật.
Bên cạnh cái hại dị đoan là cái hại bày đặt vô căn cứ của các Tăng Sư. Hiện tượng nầy do ở các bàn tay mê hoặc của thầy cúng, thầy pháp, thầy chùa bất chánh chỉ vì tư lợi và ngu dốt nên đã phân thành nhiều dòng tu riêng rẽ, sau lưng họ là chùa cao sân rộng. Họ cố tình làm hoa mắt thế gian để người đời thích tới lui dâng cúng bạc tiền, bằng nhiều hình thức phiền toái, lể mể … Các hình thức nầy càng ngày càng được đẩy mạnh để rồi trở thành những tập tục vô căn cứ. Trước hiểm họa đó, Đức Phật Thầy đã thẳng thắn và mạnh dạn bác bỏ toàn diện.
Song song với công việc bài trừ dị đoan và bác bỏ các điều tà mị, thêm thắt, Đức Phật Thầy đã quy nguyên lại giáo lý Phật Giáo chân truyền bằng cách đưa ra nhiều tiêu chuẩn thờ cúng giản dị, những tập tục tu hành đúng cách, những giáo chỉ thích thời và cần thiết mà trước kia chính Đức Phật Tổ Thích Ca khuyến dạy. Theo đó, những hình thức có tính cách sắc tướng thinh âm hoặc dụ gạt của thế đều được Ngài giải quyết một cách dứt khoát, lấy tiêu chuẩn vô vi và vị nhân sinh thay vào.
Chủ ý của Đức Phật Thầy là khuyến dạy mọi người sớm lo tu tâm sửa tánh, sớm chiều tưởng nhớ Phật Trời, lo tu hành chơn chất để được giải thoát về sau. Vì vậy, Ngài không kêu gọi mọi người ly gia cắt ái, không bao giờ răn dạy tín đồ phải mài râu cạo tóc, vì nghĩ rằng đó là những hình thức không cần thiết. Trái lại, Ngài hướng dẫn mọi người chỉ nên tu học tại nhà, tích cực làm ăn sinh sống, chọn nghề lương thiện làm kế mưu sinh. Bởi đa số môn nhân đều cư ngụ trên vùng phù sa mầu mỡ nên Ngài đã đặc biệt khuyên tất cả sống nghề ruộng rẫy.
Ngài đã thành lập nhiều đoàn khai hoang, dựng ruộng tại các thung lũng vùng Thất Sơn dẫy đầy thú dữ bên chân núi Két; tại vùng Láng Linh nước đọng quanh năm; tại vùng muỗi to đỉa đói lừng danh như Cần Lố, Trà Bông, Ông Bường ở Đồng Tháp Mười; tại Cái Dầu sình lầy hoang lâm chằng chịt…
Ngài đưa dân vào định cư ngay trong những vùng sình lầy thâm u cô tịch đầy hiểm nguy và buồn tẻ để khai phá, trồng tỉa. Đây là những vùng định cư khởi thủy của những Khu Dinh Điền, Khu Trù Mật về sau.
Ngài khai thác và tận dụng mọi tài nguyên để làm phồn thịnh nền kinh tế tự lực và tự cường, biến miền Tây hoang dã thành vựa thóc quốc gia, cung cấp lúa gạo đều đặn nhân dân các miền, đồng thời tạo mức sống phồn vinh sung mãn cho người Hậu Giang tay lấm chân bùn.
Cuộc Nam Tiến dân tộc thành công, mọi người đều đổ xô về mạn Nam lập nghiệp, cho nên vùng đất mới miền Tây là nơi quần cư tứ chiếng, đủ hạng người, đủ thành phần xã hội gặp nhau, phần lớn đều là những tay giang hồ phiêu bạt, tánh nết không mấy thuần hậu, thế mà Đức Phật Thầy đã hóa cảm lớp người đa diện của một xã hội đa tạp trong vòng trật tự và biến cải thành những mẫu người hiền lương nhơn ái, vui sống với kinh kệ sớm chiều có tôn ti, lễ nghĩa … tưởng là một việc làm ít ai ngờ được.
Nhìn giáo thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy, người ta thấy có hai nét chính, hai điều cơ bản bắt buộc tín đồ phải hằng gìn. Đó là Học Phật và Tu Nhân.
Sau nhiều thế kỷ thất truyền, đạo Phật Việt Nam được phục hồi sinh khí do sự chổi dậy của Bửu Sơn Kỳ Hương.
Chính Ngài đã làm một cuộc về nguồn vì sau khi nghiên cứu tín điều, chúng ta thấy Đức Phật Thầy Tây An chỉnh trang lại phong độ Phật Giáo Việt Nam đang trên đà tuột dốc, Ngài lấy Giới, Định, Huệ làm nền tảng, lấy Mật Tông để phù trợ cho pháp môn nầy, một tông chỉ huyền bí đã bị thất truyền từ lâu. Đó là phép tu đặc biệt chuyên dùng phù chú để hóa độ quần sanh và trao truyền tâm ấn cho các giáo đồ.
Với nền tảng trên đây Đức Phật Thầy đã cố công làm sống lại tinh thần của Phật Giáo Việt Nam, và chính Ngài đã làm cho Bửu Sơn Kỳ Hương mang những tương hợp với thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ thời Đinh, Lê, Lý, Trần.
Bởi ý thức rằng “loài cầm thú còn hay biết ổ, huống chi người nỡ bỏ tứ ân” nên Đức Phật Thầy đã đặc biệt lưu tâm và đề cao tứ đại trọng ân như một tính chất cần thiết và quan trọng của nhân đạo trong giáo điều Tu Nhân Học Phật của Bửu Sơn Kỳ Hương.
Giáng trần nhằm thời nước non binh biến nên Đức Phật Thầy chủ trương các tín đồ thực hành nhân đạo theo chiều hướng cứu nguy nòi giống đang bị xâm lăng giày đạp và cương quyết trung thành với quốc vương thủy thổ.
Tất cả những điều này được thể hiện qua bốn ân lớn mà Ngài khuyến khích các môn đệ hành trì, đó là:
1- Ân Tổ Tiên Cha Mẹ.
2- Ân Đất Nước.
3- Ân Tam Bảo.
4- Ân Đồng Bào và Nhân Loại.
Đây là những giáo điều căn cốt mà bất cứ một Phật Giáo đồ Bửu Sơn Kỳ Hương nào cũng phải khắc ghi và chu toàn, nhứt là trong khía cạnh giao tế, xử sự. Theo đó, mọi người đều phải dấn thân đền trả bốn ân lớn ngay từ khi vừa mở mắt chào đời cho đến ngày xác thân trả về Tứ Đại.
Do vậy, đối với những sự kiện thuộc về hình thức và bên ngoài, Đức Phật Thầy đã không hề chấp trước mà còn tỏ cho thiên hạ thấy rằng giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương là một giáo lý chẳng những không rườm rà nhiêu khê mà còn thể hiện được ý chất thích thời, cấp tiến.
Cho nên không ai lấy làm lạ khi Đức Phật Thầy cho tín đồ được tự do để tóc, để râu, khuyến khích dựng vợ gả chồng, hòa đồng phong cốt như người đời song song với công cuộc trao sửa thân tâm, tu hành chơn chất. Lúc đất nước đang hồi thịnh thái thì an nhiên kinh kệ, khi quốc gia hữu sự thì họ đều là những chiến sĩ can trường, những anh hùng đởm lược mà nay còn lưu lại những gương sáng chói như ông Nguyễn Đa, Đức Cố Quản Trần Văn Thành, cậu Hai Lãnh v.v. …, cho nên tứ ân là bốn điều tâm nguyện hằng mang của người cư sĩ tại gia thuộc tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Đức Phật Thầy Tây An, chẳng những là một vị Giáo Chủ chân tu, hoạt Phật đã hơn một lần thay đổi dòng Phật sử Việt Nam đang hồi đình đốn từ gần 150 năm nay, mà còn là một nhà trị bịnh đại tài.
Nhắc lại, khởi đầu khoảng năm 1848 – 1849 tức ngay trong những niên hiệu đầu tiên triều Tự Đức, tình trạng xã hội lúc bấy giờ đã được các sử gia mô tả là cực kỳ hỗn loạn. Giặc nghèo đói hoành hành các giới nông gia, thợ thuyền khắp các miền xa đô thị.
Loạn lạc nổi lên được coi như cùng khắp bởi quan lại hà lạm, bất xứng. Giữa lúc lương dân cùng đinh lâm cảnh bần hàn thì dân chúng lại mắc phải bịnh dịch tả bạo hành và đạo Phật cũng đang lâm cảnh bế tắc suy đồi … Ngôi vị quốc giáo đã mất hết ý nghĩa và dần dần tụt xuống một mực độ nguy khốn đáng tiếc.
Kẻ thức thời không khỏi bàng hoàng, thổn thức. Người có trách nhiệm phải hơn một lần xót dạ đau lòng. Đúng lúc đó, Đức Phật Thầy Tây An, bậc chân tu đại giác, sau nhiều năm tháng chu du vất vả khắp các miền xa như Gò Công, Mõ Cày, Ba Giác, Cần Giuộc, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Ba Thê, Thất Sơn, Mặc Dưng, Láng Lớn … Ngài trở lại quê quán Tòng Sơn (Sa Đéc) vào các thôn hẻo lánh như Trà Bư, Xẻo Môn, Long Kiến … nơi mà người bịnh và người chết vì dịch tả càng phút, càng giờ, đếm được càng nhiều trong khi thuốc, thầy trở nên vô hiệu trước những cơn rên khóc thảm thê của những con bịnh thiên thời!
Đức Phật Thầy ra tay tế độ. Với lời khuyên lòng thành tưởng nhớ Phật Trời, Đức Phật Thầy đã trị hay và trị dứt các chứng nan y kể cả bịnh dịch tả thiên thời! Ngài luôn miệng khuyến tu và dạy cách tu giản dị: lấy tâm thành làm gốc; lấy thuần phong nước nhà làm tập tục lễ bái; lấy đạo Nhân của Nho hòa với giáo thuyết Từ Bi của Phật trang bị hành trang căn bản cho mỗi tín đồ Phật Giáo cư sĩ tại gia, Bửu Sơn Kỳ Hương quả là một sản nghiệp tinh thần vô giá mà ai ai cũng đều công nhận và kính phục công đức vô lượng của Đức Phật Thầy. Bởi Ngài chẳng những chặn đứng mối vong đạo đang trên đà suy sụp mà còn kịp thời phục hồi uy thế Đạo Phật với uyên nguyên chánh truyền của Đức Phật Tổ Thích Ca.
Ngoài ra, chỉ với công cuộc khẩn hoang lập ấp, chọn nông nghiệp làm nền kinh tế căn bản quốc gia, tận dụng tài nguyên đất đai mầu mỡ vùng đất mới miền Tây làm nguồn lợi phồn vinh dân tộc, tưởng cũng đã quá đủ để nói lên sự đóng góp ngay trong thời kỳ phá thạch khai sơn của Đức Phật Thầy mà cho đến nay, dù đã gần 150 năm, chúng ta hãy còn đề cao và theo đuổi đại công Ngài.
Tinh thần vị nhân sinh của Đức Phật Thầy Tây An mãi mãi in sâu vào lòng mọi người trong niềm cảm phục vô biên và tri ân sâu xa hậu thế.
GIẢNG GIÁP THÌN
Hồi cựu tràoGiáp Thìn (1) Thầy ở Gò Công (2)
Thần linh (3) Giáng thế (4) Chiếu thông (5) Xa gần.
Chú Thích
GIÁP THÌN: là một trong những niên biểu chiếu theo lịch Đông Phương. Là tiếng ghép của hai phần Can và Chi. Giáp là chữ thứ nhất trong Thập Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí) Thìn là chữ thứ năm trong Thập nhị Chi (Tý, Sửu, Dần, Mẹo (hay Mão), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).Chữ Giáp là can niên mà số tận cùng theo công nguyên là 4. Khởi đầu niên biểu Giáp Thìn là 44, rồi cứ 60 năm thì trở lại 1 chu kỳ: 104, 164, 224 v.v… Năm Giáp Thình trong câu này là năm 1844 tức năm Thiệu Trị thứ tư (1841-1847).(2) GÒ CÔNG:Địa danh của một tỉnh, được xếp trên bộ tịch về số ghe là tỉnh thứ 18 ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Kể từ 1956 do sắc lịnh số 134/VN ngày 22.10.1956 của Ngô Đình Diệm, tỉnh Gò Công bị sáp nhập vào tỉnh Mỹ Tho để trở thành tỉnh Định Tường bây giờ.
(3) THẦN LINH: Vị Thần hiển linh.
(4) GIÁNG THẾ: xuống thế gian.
(5) CHIẾU THÔNG: Loan truyền cho mọi người hay biết.
Giao hòa (3) Chùa cũ xóm làng tựu đông
Giờ Ngọ (4) Thầy xuống mé sông
Thú dữ chẳng sợ thẳng xông lâm toàn (5)
Mương Điều (6) Cả ván Cầu Ngang (7)
Chú Thích
(1) GIAO LONG: Tức con thuồng luồng, một loại rắn lớn, mình dài và có hoa sặc sỡ, thường ở biển hay sông hồ. Hồi xưa thời vua Hùng Vương thứ nhất, dân ta làm nghề chài lưới thường bị thuồng luồng làm hại, nên họ lấy chàm vẽ mình để giống ấy lầm lẫn đồng loại mà không làm hại (nếu giải Giao Long là sự tác hợp của loài rồng e không đúng. Hoặc nghĩ Giao Long có nghĩa bóng để chỉ thời gian chuyển tiếp của hai vì vua thì càng không đúng, vì năm Giáp Thìn 1844 như trên đã nói là năm Thiệu Trị thứ tư trong khi Ông trị vì liên tục 7 năm; sự kiện này càng xác nhận rõ là hai chữ Giao Long không phải người chép sai hay đọc trại thành chữ Gia Long, bởi năm trị vì cuối cùng của Gia Long là năm Nhâm Tuất 1819 ( thời gian cách biệt quá xa so với năm Giáp Thìn vừa dẫn).(2) LẬP TỰ LONG QUANG: Dựng cất lên ngôi chùa tên là “Long Quang Tự”.
(3) GIAO HÒA: Giao thiệp, hòa hảo với nhau. Ở đây có lẽ là chữ giao hoàn bị chép sai?
(4) GIỜ NGỌ: Khoảng 11 đến 13 giờ trưa theo chế độ cũ (bây giờ là thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ).
(5) LÂM TOÀN: Hay lâm truyền là rừng suối. Ý nói nơi tu hành ẩn dật.
(6) MƯƠNG ĐIỀU: Mương ở làng Tân Duyệt, ăn thông với sông cửa lớn gần làng Tân Thuận, Cà Mau.
(7) CẦU NGANG: Một địa danh khá quen thuộc của Phú Vĩnh gần cửa sông Tiền Giang.
Các nhà năn nỉ không nghe
Thầy ra ngoài biển trở về Trà Vinh (3)
Cửa chùa mở rộng thinh thinh
Qua đò không ở lộ trình (4) thẳng xông
Ba ngày đi tới Cần Chông (5)
Tới nhà bạn học thầy Đồng, Nhiêu Nguyên (6)
Hai người đưa tới Ba Xuyên (7)
Chú Thích
(1) MÕ CÀY: Quận thuộc tỉnh Kiến Hòa tức Bến Tre có 29 xã nằm trên liên tỉnh lộ 6 và 30.(2) BA GIÁC: Tên quận thuộc tỉnh Kiến Hòa cách Tỉnh lỵ khoảng 37 cây số.
(3) TRÀ VINH: tức tỉnh Vĩnh Bình bây giờ, một tỉnh ở Miền Nam, nơi có đa số người Việt gốc Miên, tên nguyên thủy là PRÉAH TROPÉANG có nghĩa là Phật nổi, các cụ đồ nho dịch là Chà Văn hay Trà Văn, sau đọc trại là Trà Vinh gồm 7 quận là: Châu Thành, Càn Long, Trà Cú, Long Toàn, Cầu Ngang, Cầu Kè, và Tiểu Cần.
(4) LỘ TRÌNH: Đường đi.
(5) CẦN CHÔNG: Cần giuộc (?) một quận nằm trong tỉnh Gò Công giữa Cần Đước và Nhà Bè nằm trên liên trục lộ 5.
(6) THẦY ĐỒNG, NHIÊU NGUYÊN: Ông thầy nho hoặc thuốc tên Đồng và ông nhiêu học tên Nguyên.
(7) BA XUYÊN: Nguyên là tỉnh Sóc Trăng và một phần tỉnh Bạc Liêu hồi Pháp thuộc. Thành lập từ năm 1955, đông giáp Vĩnh Bình, tây giáp Kiên Giang và An Giang, nam giáp biển Nam Hải, bắc giáp Phong Dinh. Diện tích 5867 km2. Dân số khoảng 857.145 có một phần lớn người Việt gốc Miên sinh sống.
Hai bên ruộng rẫy lăng xăng
Vô chùa ở đó làm ăn ít ngày
Thần linh vận chuyển (2) kéo dài
Vô chùa Phú Lộc bảy ngày quạnh hiu
Tính bề đi xuống Bạc Liêu (3)
Đi lên Chợ Muối (4) Chệt Tiều (5) rất đông
Ngó lên ruộng rẫy minh mông
Đi qua mấy lần dòm thấy Cà Mau (6)
Chú Thích
(1) VÀM TẤN: Con kinh tương đối lớn đi lại dễ dàng, nằm trong địa phận tỉnh Cần Thơ.(2) VẬN CHUYỂN: Linh động. Xoay vần chuyển động như một trục lăn đi.
(3) BẠC LIÊU: Tên tỉnh cũ gần miền cực Nam. Thời Pháp thuộc được xếp vào tỉnh thứ 20 thuộc địa phận Nam Kỳ, gồm các quận Giá Rai, Cà Mau, Thới Bình, Quản Long, Tan Bang, Năm Căn Tây, Năm Căn Đông, và Vĩnh Châu. Từ năm 1956, quận Giá Rai nhập với Sóc Trăng thành Ba Xuyên, còn các quận kia thành tỉnh An Xuyên. Bạc Liêu là chữ dịch tên do người Miên đặt là PO LOEUH (có nghĩa là Cây Da Cao).
(4) CHỢ MUỐI: Một ngôi chợ thuộc tỉnh Bạc Liêu.
(5) CHỆT TIỀU: Những khách trú thuộc bang Triều Châu.
(6) CÀ MAU: Tỉnh cực Nam nước Việt, tiếng Miên gọi là TUK KHMAN (nước đen). Từ năm 1956 cùng với vài quận khác ở tỉnh Bạc Liêu cũ (trừ Giá Rai) trở thành tỉnh An Xuyên, đông giáp Ba Xuyên, tây giáp Vịnh Thái Lan, nam và Tây Nam giáp biển Nam Hải, bắc giáp Kiên Giang. Diện Tích 4906 km2, dân số 256.442.
Bóng Thầy (2) chạy hết bốn ngày không ăn
Trong nhà giàu có lăng xăng
Thấy Thầy lạ mặt hỏi phăng (3) đôi lời
Chú nầy người ở xa nơi
Tùy thân có thuốc cứu người đại ơn
Thầy bèn nghe rõ nguồn cơn
Ở đây có tiệm tán đơn một liều (4)
Mặt trời vừa lúc nửa chiều
Cúi đầu lạy Phật đệ phù (5) thần linh
Uống vào giáng hỏa (6) tâm kinh (7)
Mặt trời gần lặn nghiêng mình trở ra
Chú Thích
(1) HƯƠNG GIÁO: Một của 12 chức của ban Hội Tề hồi xưa, chức thứ sáu sau chức Hương Chánh và trước chức Hương Bộ.(2) BÓNG THẦY: Chỉ chung những người trị bịnh bằng bùa phép, múa bóng lên xuống (thầy pháp) và những người trị bịnh bằng cách căn cứ vào y lý và y dược.
(3) PHĂNG: Tìm hiểu cho đến rốt ráo vấn đề.
(4) TÁN ĐƠN MỘT LIỀU: Toa thuốc tán (thuốc bột) một lần uống.
(5) ĐỆ PHÙ: Đưa bùa linh vào cổ họng bịnh nhân.
(6) GIÁNG HỎA: Hạ hỏa khí làm cho bớt nóng, xuống nhiệt độ trong người.
(7) TÂM KINH: Kinh mạch thuộc về tâm. Y gia có câu:
“Tả thốn tiểu trường cập tâm kinh,
Tả quan can đảm cập nhơn nghinh.
Tả xích bàng quang kiêm thận bộ,
Vi sư đương biện thử mạch hình”.
Phát thinh ra nói vậy mà đòi ăn
Vợ con mừng rỡ lăng xăng
Sáng ra bình phục (2) mạnh bằng như xưa
Bây giờ con bóng đương trưa
Có tên Bảy Thống bạn vừa cùng nhau
Tớ Thầy hẩm hút tương rau
Ở đi không sợ ốm đau không sờn
Làng nầy mỹ hiệu (3) Tân Sơn (4)
Cả chủ Đại Hườn (5) tử tế lâu nay
Chọn người quảng bút (6) tài hay
Cử làm thông sự (7) dạy rày trẻ thơ
Thầy bèn nghe nói ngẩn ngơ
Chú Thích
(1) CANH BA: Canh: Một khoảng thời gian độ 2 tiếng đồng hồ kể từ khi trời sụp tối. Canh ba là khoảng thời giờ nửa đêm từ 11 giờ cho đến 1 giờ khuya.(2) BÌNH PHỤC: Khỏe hẳn, hết bịnh.
(3) MỸ HIỆU: Tên đẹp
(4) TÂN SƠN: Tên xã thuộc tỉnh Định Tường (Mỹ Tho)
(5) CẢ CHỦ ĐẠI HƯỜN: Hương cả Đại và Hương chủ Hườn Hương cả là người cầm đầu Ban Hội Tề trong xã, cùng với Hương chủ thống quản các viên chức khác, kiểm soát sự làm việc cho có quy củ theo tục lệ, quản thủ tài sản, lập đề án công tác và kiểm soát sổ chi, thu.
(6) QUẢNG BÚT: Có văn bút cao xa rộng rãi. Chỉ người viết văn giỏi.
(7) THÔNG SỰ: Chỉ một chức vụ dành cho người có trách nhiệm hoặc hiểu biết nhiều về chữ nghĩa. Thông sự còn có nghĩa người chuyên dịch đơn từ, giấy má từ chữ nước nầy sang chữ nước khác. Đây chỉ chức Giáo tập, Thầy giáo.
Khai trường mười sáu tháng giêng
Hai lăm tháng chạp bãi trường hồi xuân (3)
Chiều buồn lòng lại bâng khuâng (4)
Trông cho mãi tết sang qua Giồng Riềng (5)
Đốn dông (6) tạo tác (7) tiểu thuyền (8)
Đặng thầy đi giảng Trà Niên (9) Cù Là (10)
Chú Thích
(1) TỜ CỬ: Tờ cử chức. Ý nói lập bản văn đặt để chức vụ phải làm.(2) LƯỠNG BIÊN: Hai bên.
(3) HỒI XUÂN: Ngày xuân trở về. Khi bãi trường thì tết đến.
(4) BÂNG KHUÂNG: Bùi ngùi, ray rứt trong lòng.
(5) GIỒNG RIỀNG: Một quận cũ thuộc tỉnh Rạch Giá, giao điểm của liên tỉnh lộ 8 và 31, khoảng giữa Rạch Giá – Vị Thanh.
(6) DÔNG: Tức dông đồng, một loại cây lớn, thân có gai, lá giống như lá gòn nhưng lớn hơn, thường trồng hoặc mọc theo mé sông rạch.
(7) TẠO TÁC: Làm ra, gây dựng ra.
(8) TIỂU THUYỀN: Xuồng nhỏ.
(9) TRÀ NIÊN: Hay Tà Niên, còn gọi là Vĩnh Niên, một địa danh thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp tỉnh Kiên Giang, nổi danh với nghề dệt chiếu bông, ruộng tốt. Ở Tà Niên dân cư đông đúc, đình làng uy nghi gần Rạch Sỏi và tỉnh lỵ Rạch Giá.
(10) CÙ LÀ: Tên một xóm ở gần rạch Tà Niên, Kiên Giang.
Ra kinh Lạc Dục gần miền Ba Thê (2)
Núi Tô (3) núi Cấm (4) song kề
Đi ra Láng Lớn (5) trở về Mặc Dưng (6)
Chú Thích
(1) RẠCH GIÁ: Tức tỉnh thứ tư của Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Năm 1956 nhập với Hà Tiên và đảo Phú Quốc để thành tỉnh Kiên Giang. Bắc giáp Châu Đốc, đông giáp An Giang và Vĩnh Long, nam và tây nam giáp An Xuyên và Vịnh Thái Lan, Tây giáp Kamphuchea gồm các quận Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương.(2) BA THÊ: Tên xã cũ (nay là xã Vọng Thê) nằm trong quận Huệ Đức thuộc tỉnh An Giang, xã Ba Thê có núi Ba Thê. Xưa là vùng Thủ Đô của vương quốc Phù Nam (Founan), một trong những vương quốc lớn của nền văn minh cao thời cổ.
(3) NÚI TÔ: Tức núi Cô Tô hay Ông Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, là một trong bảy núi vùng Thất sơn, Châu Đốc, cao 644m.
(4) NÚI CẤM: Tức núi Ông Cấm hay núi Gấm, còn gọi là Thiên Cẩm Sơn, là một trong bảy núi ở vùng Thất Sơn, Châu Đốc, cao 710m. Cứ vào các Sấm Ký lưu truyền thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo thì núi Cấm là nơi hứa hẹn một sự linh thiêng huyền nhiệm nhất sau này.
(5) LÀNG LỚN: Tức Láng Linh, nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, quận Châu Phú, Châu Đốc.
(6) MẶC DƯNG: Hay Mặc Cần Dưng, gọi theo tiếng Miên, một địa danh thuộc xã Bình Hòa trong quận Châu Thành Tỉnh An Giang.
GIẢNG XƯA VỀ PHẬT THẦY
Từ năm Kỷ Dậu đông tây nhộn
Lúc đương dịch bắt (2) muôn ngàn
Thiên hạ sảng hoàng (3) làng xóm thất kinh
Trời xuôi tai nạn thình lình
Thầy thấy động tình quyết độ cho an
Cứu trong bá tánh lâm nàn (4)
Khi ấy Thầy xuống tại làng Tòng Sơn (5)
Xóm làng chưa rõ nguồn cơn
Tưởng là dân thứ (6) giả chơn (7) không tường
Động lòng Thầy mới chạnh (8) thương
Cứu người dương thế khỏi ương (9) trong đời.
Chú Thích
(1) NHỘN NHÀNG: Lộn xộn, rối rắm.(2) DỊCH BẮT: Dịch là một chứng bịnh làm chết người một cách nhanh chóng. Người xưa tin rằng do một thứ âm binh làm ra bịnh nầy nên gọi là dịch bắt, tức là nói âm binh bắt đi.
(3) SẢNG HOÀNG: Kinh hãi, sợ hết hồn hết vía.
(4) LÂM NÀN: Lâm nạn, mắc nạn.
(5) TÒNG SƠN: Nay là xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, là quê hương của Đức Phật Thầy Tây An.
(6) DÂN THỨ: Thứ dân, người dân tầm thường.
(7) GIẢ CHƠN: Giả thiệt.
(8) CHẠNH: Cảm động, tưởng đến và buồn.
(9) ƯƠNG: Tai họa.
Đem cho Thầy cứu bịnh thời cũng thuyên (1)
Phù linh (2) hay tợ thuốc tiên
Bịnh chi Thầy trị cũng yên muôn ngàn.
Hết bùa Thầy bước lại bàn
Thỉnh bông cúng Phật tro nhang làm phù
Thu đông xuân hạ bốn mùa
Gần xa đề tựu thỉnh bùa độ thân
Thầy ngồi lời mới tỏ phân
Cứu trong bá tánh khỏi dòng gian nan (3)
Độ người bịnh hoạn muôn ngàn
Bông hoa cúng Phật tro nhang làm phù
Rồi đây Ta chịu lao tù
Nói cho bá tánh trước sau ghi lời
Xóm làng nghe nói rụng rời
Lẽ nào Thầy lại chịu thời gian nan
Tiếng Thầy đồn khắp bốn phang (4)
Ho lao cổ xạ muôn ngàn bịnh nhơn
Điên cuồng chí những bịnh đơn (5)
Ho lao thổ huyết (6) nhờ cơn hội (7) nầy
Những người nói mép (8) cũng hay
Chú Thích
(1) THUYÊN: Bớt, giảm bớt(2) PHÙ LINH: Bùa rất linh nghiệm
(3) GIAN NAN: Khó nhọc, cực khổ
(4) BỐN PHANG: Bốn phương
(5) BỊNH ĐƠN: Bịnh cùi
(6) THỔ HUYẾT: Ho ra huyết (máu)
(7) CƠN HỘI: Dịp, lúc, cơ hội
(8) NÓI MÉP: Nói láo, nói thêm bớt ở ngoài miệng chớ không đúng như lòng.
Gặp Thầy thiên hạ hết lo
Trong các chứng bịnh Thầy cho hết rồi
Rùng rùng (3) thiên hạ tới lui
Về chùa Sư Nhựt ở rày hôm mai
Dặn cùng già trẻ gái trai
Gìn lòng tưởng Phật lâu dài đừng quên
Giữ lòng tin tưởng cho thường
Chú Thích
(1) TRÙNG TANG: Chết nhằm ngày Trùng. Hồn người chết trước trở về gây bịnh cho con cháu, dòng họ trong nhà, phá quấy, làm đau ốm để cướp hồn và những người bị chết sau đều đúng vào ngày tháng mà người trước đã chết.(2) THẦN BỐ: Còn gọi là Thằng Bố hay Đàng Bố, là vị thần vô hình theo truyền thuyết thường làm cho người ta bịnh hoạn mê sảng như bịnh tà, điên cuồng. Đàng Bố là tên của một trong những tướng sĩ nhà Minh bị quân nhà Thanh uy hiếp nên phải trốn sang Việt Nam, đậu thuyền tại Đà Nẵng. Vua ta không bằng lòng cho trú ngụ tại đó và ra lịnh cho xuôi thuyền vào Phú Quốc. Đàng Bố sau khi được yên thân trở về Tàu đát bè lũ của hắn qua để toan xâm chiếm Việt Nam. Chàng ta bị bắt và đem ra giết. Vốn là một phù thủy đại tài, Đàng Bố dùng phép thuật của mình để tự vệ nên triều đình giết y không được. Sau có người biết chuyện, mách rằng nên đem y xuống nước mới xử trảm được. Chàng ta vong mạng bằng cách xử ấy. Tuy vậy hồn còn phẩn uất nên vẫn theo phá khuấy, làm dật dờ, đau ốm, xanh xao những phụ nữ yếu tinh thần đi tắm hoặc giặt quần áo dưới sông. Ngày nay người mắc bịnh này thường được gọi chánh tên Đàng Bố là Đàng Dưới.
(3) RÙNG RÙNG: Rầm rầm, kéo đi thật đông.
Khuyên trong bổn đạo nhớ lời
Nhứt tâm (1) niệm Phật, Phật thời cứu cho
Rèn lòng bỏ tánh dặn dò
Đêm ngày niệm tưởng Thầy cho thấy đời (?)
Ráng gìn mối đạo cho rồi
Chí tâm gắng giữ đừng dời đổi hai
Từ đây tới kiếp hậu lai (3)
Tà sư (40 nổi dậy bằng nay (5) thiếu gì
Xưng rằng là đạo tu trì
Trì (6) danh trì lợi trì nay của đời
Chùa am tạo khắp các nơi
Giả danh (7) phát phái (8) râm trời thiếu chi
Chú Thích
(1) NHỨT TÂM: Một lòng, chuyên lo.(2) THẤY ĐỜI: Sống sót coi cuộc phán xét cuối cùng của Phật Trời, tức coi Long Hoa Đại Hội do Trời Phật tổ chức để lập lại đời Thượng Ngươn, diệt người hung dữ, chọn lọc người tu hành hiền đức.
(3) KIẾP HẬU LAI: Kiếp trở lại sau này.
(4) TÀ SƯ: Thầy tu không chơn chánh.
(5) BẰNG NAY: Tiếng đệm, có ý nói chuyện có thật.
(6) TRÌ: Gìn giữ.
(7) GIẢ DANH: Xưng tên họ giả mạo. Ở đây ý nói sau này sẽ có nhiều người xưng là Phật Thầy để lừa gạt dân chúng.
(8) PHÁT PHÁI: Xưa khi dạy đạo, Đức Phật Thầy có phát cho mỗi tín đồ một lòng phái mang bốn chữ BSKH. Ý nói sau này cũng có nhiều người sẽ phát giấy BSKH như Phật Thầy đã phát hồi xưa.
Chủ trì chẳng giữ huống gì người xa
Mình làm mình chịu đọa sa (3)
Xưng rằng giải thoát (4) nghĩa là làm sao
Bá gia (5) hãy ráng ghi vào
Ta truyền hiếu nghĩa thật nào đâu sai
Giữ lòng tụng niệm hôm mai
Thường hành bình đẳng thấu ngoài Tây Phương
Làm lành Trời Phật cũng thương
Lâm chung (6) Phật độ chỉ đường về Tây
Bịnh nhơn đem (7) tới đông đầy
Kêu la tha. khóc lạy Thầy cứu sanh
Thầy đương bày tỏ ngọn ngành (8)
Bịnh nhơn kêu khóc động tình Thầy thương
Vội vàng liền thỉnh tro hương
Để vào bát nước giải đường quỉ ma
Bịnh nằm kêu khóc rên la
Phù Thầy phun giải mạnh mà như không
Rồi Thầy dạo khắp Tây Đông
Chỗ nào cũng bịnh nằm trông Phật Thầy
Chú Thích
(1) LUẬT GIÁI: Giới luật của nhà Phật.(2) ĐIỀU QUI: Qui điều của nhà Phật.
(3) ĐỌA SA: Rơi, sa xuống thấp
(4) GIẢI THOÁT: Ra khỏi. Theo nghĩa nhà Phật thoát chốt trần mê, giải trừ tội khổ
(5) BÁ GIA: Trăm nhà hay trăm họ. Ý chỉ tất cả mọi người
(6) LÂM CHUNG: Chết
(7) ĐAM: Đem
(8) NGỌN NGÀNH: Đầu đuôi câu chuyện.
Người thì phù thủng (1) mặt mày tay chưn
Kẻ thời lớn bụng đau lưng
Người thời đau mắt sưng chưn nhức đầu
Kẻ thời bứu cổ (2) đau hầu (3)
Phù Thầy phun giải đâu đâu cũng lành
Ai ai khắp hết chúng sanh
Tới thỉnh đồ Phật để dành độ yên
Muôn ngàn thiên hạ đều kiêng (4)
Đau chẳng tốn tiền mà mạnh như xưa
Dầm trời thiên hạ như mưa
Ban mai đến tối phát chưa rồi phù
Người đi tới trước đặng vô
Còn người chậm trễ lạy đùa ngoài sân
Kẻ lui người tới rần rần
Hương trà lễ vật biết phân số (5) nào
Hương đèn xông đốt (6) biết bao
Chú Thích
(1) PHÙ THỦNG: Sưng dẩy lên; cũng gọi là thủy thủng
(2) BỨU CỔ: Nổi hạch to ở cổ
(3) ĐAU HẦU: Đau cổ, bịnh yết hầu
(4) KIÊNG: Nể
(5) PHÂN SỐ: Số đếm. Biết phân số nào là nhiều không biết bao nhiêu mà đếm cho hết.
(6) XÔNG ĐỐT: Đốt cháy và hơi bốc mạnh lên. Ý nói đèn hương được đốt cúng quá nhiều, nhiều đến năm nồi bảy trả mà dùng tro đó để phát cho bịnh nhân viên cũng không đủ.
Giấy vàng (3) rọc thẻo ngón tay
Thầy ngồi tưởng Phật phát rày sau lưng
Nhiều người tham lẫn quá chừng
Thỉnh rồi ra khỏi xây lưng trở vào
Chen vai lộn lạo biết bao
Bùa Thầy đương phát lấn vào giựt đi
Thầy ngồi niệm Phật từ bi
Trách trong bá tánh tham chi cho nhiều
Lòng thành một mãng cũng siêu (4)
Mình muốn cho nhiều người khác thì không
Người ta thiên hạ ngàn trùng (5)
Kẻ thời thỉnh đặng người trông tối ngày
Linh thời một chút cùng hai
Mấy người chơn chất tối ngày về không
Phật Trời ngay thẳng chí công
Cây hương cũng độ không trông của nhiều
Bạc vàng Trời Phật chẳng yêu
Lòng thành một mảng cũng siêu nạn mình
Nói cho bá tánh tỏ tình
Chú Thích
(1) NĂM NỒI BẢY TRẢ: (Trả: Nồi bằng đất, miệng nhỏ có lận vành, bụng phình to ra. Một thứ trách nồi lớn). Thành ngữ chỉ sự bộn bề, nhiều.
(2) THỈNH SAO: Không biết làm sao đủ cho người ta thỉnh.
(3) GIẤY VÀNG: Loại giấy màu vàng, giống như giấy pelure mince
(4) SIÊU: Vượt cao, vượt xa
(5) NGÀN TRÙNG: Muôn ngàn trùng điệp, chỉ số lượng thật đông.
Muôn ngàn thiên hạ biết bao
Đau chi Thầy độ bịnh nào cũng an
Tiếng đồn thấu đến tai quan
Bắt Thầy về tỉnh An Giang châu thành
Lúc nầy Thầy chịu nhọc nhành
Ở nơi lao lý (2) ngục hình (3) thảm thương
Ngày sau bá tánh mới tường
Lời Thầy ghi trước mọi điều không sai
Lòng Thầy vui vẻ khoan thai (4)
Cứu trần phải đọa ra ngoài dạo chơi
Xa gần thiên hạ các nơi
Ra vô thăm viếng đều thời lụy sa
“Bởi thầy làm phước cứu ta
Cho nên mắc phải tay ba nạn đời”
Kẻ cầu người lạy Phật Trời
“Xuôi (5) cho quan lớn tha thời Thầy ra”
Nạn Thầy vừa mới xảy qua
Thầy về nương náu (6) ở mà Tây An
Cơn buồn Thầy mới thở than
Thương trong thiên hạ nhiều đàng khổ thay
Người nay tôi mọi cho Tây
Có tôi không chúa chịu rày gian nan
Vỗ đầu chắc lưỡi thở than
Chú Thích
(1) TỚI SỐ: (Tới: đúng, hết; Số: Số phần Trời định cho mỗi người trong kiếp sống ở dương gian) chết.(2) LAO LÝ: Khổ sở, lận đận.
(3) NGỤC HÌNH: Hình phạt ở tù
(4) KHOAN THAI: Thong thả, chậm rãi
(5) XUÔI: Khiến
(6) NƯƠNG NÁU: Ở đậu, ở ẩn.
Ắt là cơ nghiệp (2) về Tây
Việc đời cũng tới gần đây mai chiều
Chúng sanh xin nhớ ít điều
Lời Thầy ghi trước làm nêu để đời
Nam Kỳ (3) lục tỉnh (4) các nơi
Khai kinh bồi lộ (5) thay đời trị dân
Thuế thâu vô lượng vô phần
Chư bang (6) vạn vật không còn món chi
Bất kỳ dưới nước đường đi
Hẹ, hành, cà, ớt món gì cũng thâu
Trên rừng ven núi đâu đâu
Dưới sông ngoài biển bất câu (7) món nào
Lời Thầy ghi trước âm hao (8)
Nay lúc cựu trào (9) ai biết rằng Tây
Ngày sau tàu chạy trên mây
Dưới sông thương mãi ghe đi khỏi chèo
Thung dung (10) bất luận giàu nghèo
Chú Thích
(1) NAM BANG: Nước Nam, Việt Nam(2) CƠ NGHIỆP: Cơ đồ sự nghiệp
(3) NAM KỲ: Nam phần, miền Nam Việt Nam
(4) LỤC TỈNH: 6 tỉnh ở Nam Kỳ dưới thời Minh Mạng. Đó là các tỉnh Biên Hòa, Định Tường, Gia Định, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên.
(5) KHAI KINH BỒI LỘ: Đào kinh (sông), đắp lộ (đường)
(6) CHƯ BANG: Các nước
(7) BẤT CÂU: Không kể
(8) ÂM HAO: Tin tức
(9) CỰU TRÀO: Trào trước, đời vua trước
(10) THUNG DUNG: Thong thả, thư thái.
Gái trai già trẻ đều ưa
Đường đi ngàn dặm (1) xe đưa vài giờ
Chúng sanh nào rõ tri cơ (2)
Lời Thầy nói trước ai ngờ có không
Mấy lời Thầy nói lông bông (3)
Việc nào chưa tới cũng không biết gì
Chúng sanh ai cũng nhớ ghi
Ngày sau may vá chỉ thời khỏi xe
Mang chài mặc lưới le the (4)
Việc đời Thầy nói tai nghe bích bùng (5)
Đờn bà vùi lửa nóc mùng (6)
Chú Thích
(1) NGÀN DẶM: Ngàn: Nghìn; Dặm: Khoảng đường chừng trên một cây số tùy theo ý muốn của tác giả như dặm đường (bộ) thì 350m (ở Âu Mỹ 4.000 m), dặm biển 1.852m. Ở đây chỉ khoảng đường xa dịu vợi.
(2) TRI CƠ: Biết thiên cơ lẽ trời
(3) BÔNG LÔNG: Khơi khơi, không xác định rõ ràng
(4) LE THE: Lưa thưa, rất ít sợi.
(5) BÍCH BÙNG: Kín mít, rất kín.
(6) ĐÀN BÀ VÙI LỬA NÓC MÙNG: Lời tiên tri của Đức Phật Thầy. Xưa, nền văn minh còn thấp kém, muốn có lửa dùng vào việc nấu nướng và soi sáng, người ta lấy hai vật ở thể rắn rất cứng, cọ xát thật mạnh vào nhau, sự cọ xát này sanh nhiệt và nếu cọ xát càng mạnh thì sức nóng càng nhiều, do đó có thể sanh ra lửa. Thường thì người ta dùng đá hoặc sắt, thép đánh mạnh nhau, nhưng ở những nơi không có đá hoặc sắt, thép, người ta dủng hai thẻ tre thật già và cứng chà xát thật lâu và thật mạnh sẽ nẹt lửa vào mớ bùi nhùi (rơm, rác, vật dễ bắt lửa) gần đó để lấy lửa (các nông gia và ngư dân rất thường dùng vì trong đồng và dưới sông ít khi có sắt đá). Dần dần người ta phát minh ra nhiều cách lấy lửa rất thuận tiện như hộp quẹt bằng đá lửa, bằng diêm quẹt, bằng gaz .. vì những hộp quẹt nầy rất nhạy lửa, nếu bất cẩn, trẻ em nghịch phá sẽ gây hỏa hoạn nguy hiểm, nên các bà mẹ phải cất dấu trên nóc mùng để trẻ em không vói lấy được và cũng tiện việc thắp sáng trong đêm hôm tăm tối (chỗ để nhất định ngay trong mùng đang ngủ).
Có cầu có lộ rằng rằng (2)
Theo đường cát đá dây giăng nửa lừng (3)
Nói cho bá tánh biết chừng
Chú Thích
(1) LẠI RA CHẺ ĐÁ ĐẶNG DÙNG MÀ ĂN: Tại sao gọi chẻ đá mà không gọi là đập đá? Tác giả dùng chữ rất đúng, vì có đi vào những vùng núi đá chúng ta mới thấy người địa phương chẻ đá. Với cặp mắt nhà nghề, họ chỉ cần liếc sơ đường vân của đá rồi đục nhẹ ít nhát búa là đã có một tảng đá như ý. Do đó việc chẻ đá ở núi, đối với những người chuyên môn, dễ như chặt nước đá. Vì vậy chúng ta không thấy gì làm lạ khi những cột nống đá vuông vức không đầy hai tấc mà dài một, hai thước tây. Ý cả câu nói rằng, đá núi tuy vô tri, lởm chởm vậy mà sau nầy dân cũng phải nhờ vào nó mới có tiền sinh sống. Mà quả thật, dân núi Sam về sau sống bằng nghề làm đá.(2) RẰNG RẰNG: Ràng ràng, rõ ràng.
(3) DÂY GIĂNG NỬA LỪNG: Chỉ dây thép giăng theo đường đi.
Nói xa ngàn dặm cũng nghe (2)
Bán mua bằng giấy mà khoe tiền ròng (3)
Mất ngôi mất giống mất dòng (4)
Nhưng là tiền kẽm tiền đồng sạch trơn
Bán mua bằng giấy bằng đơn (5)
Chú Thích
(1) NGỰA CÒN HAI CẲNG CHẠY LỪNG TE TE: Xưa, phương tiện giao thông duy nhứt là ngựa. Đức Phật Thầy tiên tri sau này người ta sẽ không dùng ngựa nữa mà sẽ thay thế bằng những phương tiện xê dịch mới, chỉ cần hai bánh mà vẫn có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng (xe đạp và động cơ hai bánh chạy bằng nhiên liệu).(2) NÓI XA NGÀN DẶM CŨNG NGHE: Lời tiên tri về sự tiến bộ vượt bực của ngành truyền thông. Đó là các hệ thống phát thanh bằng đài bá âm, bằng vô tuyến điện hoặc bằng những phương tiện chuyển âm trực tiếp nhờ các vệ tinh nhân tạo.
(3) BÁN MUA BẰNG GIẤY MÀ KHOE TIỀN RÒNG: Xưa xài tiền bằng kim khí. Đức Phật Thầy tiên tri sau nay sẽ có loại tiền mới không cần kim khí mà là những mảnh giấy tầm thường được nhà nước trị giá sẵn.
(4) MẤT NGÔI MẤT GIỐNG MẤT DÒNG: Chế độ quân chủ sẽ bị tiêu diệt nên không có vua Thiên Tử. Các giống dân trên thế giới nhờ sự tiến bộ của khoa học, có dịp gặp gỡ nhau một cách thân mật và đưa đến sự gần gũi trong vấn đề sinh lý nên dòng giống của mỗi dân tộc sẽ bị lai căng, mất giống.
(5) BÁN MUA BẰNG GIẤY BẰNG ĐƠN: Tiên tri sau rằng sau nầy trong việc buôn bán sẽ có một hình thức lạ là không trao đổi trực tiếp bằng tiền mà sẽ được thay thế bằng những tấm chi phiếu (chèque), danh phiếu (chèque nominatif) hay chi phiếu bưu điện (mandatpostal) hoặc những loại giấy tờ tương tự khác.
Thầy ngồi chi xiết (2) thở than
Chừng tiền trở lại mới an tam kỳ (3)
Từ đây sắp đổi (4) suy vi (5)
Nam Tần (6) hai nước Tây thì tóm thâu
Trong rừng ngoài chợ đâu đâu
Ngày sau hai nước chịu sầu lâu năm
Sau Thầy vắng tích biệt tăm
Nay thương bá tánh ngồi nằm chẳng an
Vào ra thấy đá ngổn ngang (7)
Thầy kêu bá tánh xóm làng phân qua
Chỉ cho bá tánh trẻ già
Đá nầy bá tánh sau mà cũng ăn (8)
Chú Thích
(1) TIỀN MA GẠO QUỈ CÒN HƠN BẠC VÀNG: Đồng tiền sẽ biến đổi nhanh chóng (xuống giá); gạo chẳng những ngày càng mắc mỏ mà còn thay đổi hình dạng (gạo nylon). Tiền gạo thay đổi như ma quỷ và mắc mỏ (khó tạo) còn hơn các loại quý kim (vàng, bạc).
(2) CHI XIẾT: Biết bao, nhiều lắm không kể hết được.
(3) TAM KỲ: Ba phần Nam, Trung, Bắc của nước Việt Nam do người Pháp chia để trị (gây chia rẽ và nghi kỵ giữa người miền nầy với người miền khác).
(4) SẮP ĐỔI: Sắp có sự thay đổi.
(5) SUY VI: Sa sút, yếu kém.
(6) NAM, TẦN: Nước Việt Nam và nước Cao Miên (Kampuchea)
(7) NGỔN NGANG: Lộn xộn, không có trật tự, thứ lớp; bừa bãi
(8) ĐÁ NẦY BÁ TÁNH SAU MÀ CŨNG ĂN: Nghĩa tương tự như câu “Lại ra chẻ đá đặng dùng mà ăn” đã giải phần trước.
Ngày sau có lộ thẳng băng giữa đồng
Bây giờ nói chuyện minh mông
Sau rồi các cuộc có không thời tường
Đường nào đi thẳng một đường (2)
Thiên cơ (3) máy tạo (4) lẽ thường đừng mong
Sau đừng phát mộ thinh không
Ắt mang nạn khổ không trông sống đời
Đêm ngày nguyện vái Phật Trời
Mai chiều cũng tới việc đời gần đây
Chốn nầy rừng bụi cỏ cây
Thoàn tàu sau chạy vô đây thiếu gì
Mấy lời Thầy dặn nhớ ghi
Trẻ già trai gái đều thì ngóng trông
Thất sơn (5) làng xóm rất đông
Có thành có thị có sông giữa đồng.
Chú Thích
(1) CỎ SĂNG: Một thứ cỏ tranh. Đây chỉ các loại thảo mộc mọc hoang trong rừng rậm.(2) ĐƯỜNG NÀO ĐI THẰNG MỘT ĐƯỜNG: Thờ kính đạo nào phải trì hành giáo chỉ đạo đó, phải lấy cả tâm và trí đạo mà suy xét tôn thờ, không nên tu cầu vui, cầu danh, hoặc tu một cách mù quáng, vì như vậy rất có hại cho đời mạng hành giả mà còn uổng công tu tập.
(3) THIÊN CƠ: Lý Trời. Những sự biến đổi ở trần gian mà Tạo Hóa đã sắp bày.
(4) MÁY TẠO: Đồng nghĩa với Con Tạo, Tạo Hóa, Hóa Công. Chỉ một bàn tay vô hình có đầy đủ uy quyền và khả năng làm thay đổi mọi sự vật, thời tiết và số mạng con người.
(5) THẤT SƠN: Bảy núi ở Châu Đốc, gần biên thùy Miên Việt. Đó là:
1) Anh Vũ Sơn
2) Ngũ Hồ Sơn
3) Thiên Cẩm Sơn
4) Liên Hoa Sơn
5) Thủy Đài Sơn
6) Ngọa Long Sơn
7) Phụng Hoàng Sơn
Theo tiếng gọi thông dụng của người dân địa phương thì:
1) Anh Vũ Sơn- Núi Két (cao 266m, dài 1.100m, ngang 1.100m)
2) Ngũ Hồ Sơn- Núi Dài Năm Giếng (cao 265m, chu vi 8.751m)
3) Thiên Cẩm Sơn- Núi Cấm hay núi Gấm (cao 710m, dài 7.500m, ngang 6.800m)
4) Liên Hoa Sơn- Núi Tượng (cao 145m, dài 600m, ngang 400m)
5) Thủy Đài Sơn- Núi Nước (cao... 54 m, chu vi 1.070 m )
6) Ngọa Long Sơn- Núi Dài hay Giài (cao 554m, dài 8.000m, ngang 4.500m)
7) Phụng Hoàng Sơn- Núi Tô, hay Cô Tô hay Ông Tô (cao 614m, dài 5.800m, ngang 700m).
Phật Trời không tưởng mà mong tới đời
Lời Thầy dặn bảo chớ rời
Chừng tới việc đời Châu Đốc huyết lưu (3)
Chúng sanh sao chẳng câu ưu (4)
Còn lo dục lợi (5) còn ưu mọi đàng
Lời Thầy nói đã muôn ngàn
Chúng sanh chép để buộc ràng (6) giữ chưn
Ngày sau chí rận quá chừng
Rận to răng bén ăn cùng tóc tai (7)
Ban đêm chẳng khác ban ngày
Lửa không phát cháy đèn rày khỏi khêu (8)
Chú Thích
(1) MÃNG: Mãi(2) LONG ĐONG: Vất vả, rủi ro, thất bại
(3) HUYẾT LƯU: Máu rơi, chỉ sự chém giết, sát hại nhau một cách rùng rợn khủng khiếp.
(4) CẦU ƯU: Ưu tư và cầu nguyện.
(5) DỤC LỢI: tham muốn điều lợi.
(6) BUỘC RÀNG: Bị bó buộc
(7) NGÀY SAU CHÍ RẬN QUÁ CHỪNG, RẬN TO RĂNG BÉN ĂN CÙNG TÓC TAI: Chí rận là hai loại động vật sống ẩn trên lông tóc. Ngày xưa ông bà ta có tục để tóc dài một cách rất tự nhiên rồi cột hoặc bới lại cho gọn. Đức Phật Thầy tiên tri sau nầy mọi người sẽ hớt tóc ngắn lại. Ngài nói “Rận to răng bén” là chỉ những cây kéo, tông đơ (tondeuse) của thợ hớt tóc dùng để cắt tóc ngắn lại (ăn cùng tóc tai).
(8) LỬA KHÔNG PHÁT CHÁY ĐÈN RÀY KHỎI KHÊU: Xưa ông bà ta thắp đèn bằng dầu cá (nấu lấy chất dầu trong con cá), bằng cách đổ dầu vào một cái dĩa rồi nhúng vào đó một sợi dây tiêm bằng vải, rồi mồi lửa vào đầu tiêm, người ta gọi là đèn dầu cá. Đèn này đốt có mùi hôi và phải thường thường gạt (khêu) trên phần tiêm cháy lụn. Phật Thầy tiên tri sau nầy sẽ không còn đốt bằng đèn dầu cá nữa, mà sẽ có một loại đèn thật tối tân, không cần đốt mà vẫn cháy sáng (đèn điện).
Có sắc (1) Thiên Trước (2) triệu (3) Thầy qui lai (4)
Chúng sanh tối mắt điếc tai
Lời Thầy ghi trước có sai đâu là
Sau rồi hỏi mấy ông già
Kể ra mấy chuyện vậy mà có không
Việc đời như mõ (5) đánh dồn
Thiện nam (6) tín nữ (7) ai khôn giữ mình
Nói cho bá tánh tỏ tường
Lời Thầy dặn bảo để dành có nơi
Như xưa hiền Thánh truyền lời
Chú Thích
(1) SẮC: Lời truyền phán của vua. Ở đây có nghĩa lệnh của Đức Thế Tôn.(2) THIÊN TRƯỚC: Thiên trúc, chỉ Tây Phương, nơi Phật ngự
(3) TRIỆU: Gọi, kêu
(4) QUI LAI: Trở về
(5) MÕ: Vật làm bằng gỗ, rỗng phía trong để gõ vào kêu lớn tiếng, thường thì làm bằng tre, dùng để gõ vào khi có việc cần triệu tập hay thông báo một việc cần kíp.
(6) THIỆN NAM: Chỉ tín đồ phái nam
(7) TÍN NỮ: Chỉ bổn đạo phái nữ.
Cũng đừng tiết lậu (2) cơ mưu (3)
Cũng đừng gây oán kết cừu (4) bớ con
Non cao nước chảy đá mòn
Việc đời dầu mất dầu còn mặc ta
Khuyên trong bá tánh trẻ già
Tin thời niệm Phật Di Đà đừng quên
Giữ lòng đinh sắc (5) cho bền
Đường linh (6) trước cửa đừng quên nhang đèn.
GIẢNG MÙA ĐÔNG
Giảng này vốn của Ông Huỳnh Văn Quân ở ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân (An Giang). Bởi bà nội của ông Quân xưa kia tu theo phái Phật Thầy, nên có nhờ Đông Y Sĩ Lê Văn Hứa chép từ năm 1915 để bà coi theo đó mà tu, đến khi bà mất, con cháu giữ làm gia bảo. Dượng tôi, Ông Lê Văn Thửa – thuộc dòng tộc gia đình nói trên – vì tâm đạo, nên dù đã trải qua nhiều biến cố, loạn lạc, nhưng ông vẫn còn giữ được cho đến nay.
Đáng lẽ phải in lại đầy đủ nguyên tác chữ Nôm để quý độc giả rộng đường tham khảo, nhưng vì kỹ thuật ấn loát và thời gian không cho phép nên chúng tôi chỉ xin chụp lại trang đầu quyển Giảng để làm chứng liệu tượng trưng.
Sau đây là nguyên văn bổn Giảng Mùa Đông và Năm Ông Mười Sầu đã được phiên âm:
“Kinh này Phật Thầy truyền cho người lành thỉnh đặng rõ trong việc đời – nhứt tập sanh tam bổn”.
Bâng khuâng tưởng nhớ tiếng Thầy thuở xưa
Từ Thầy ở tại Láng Dài
Lập làng lập xóm ở rày Láng Linh
Thuở xưa quan thượng cho Thầy
Điền thời tám mẫu ở rày Tây An
Chức Thầy Hương Sự thuở xưa
Tân Sơn Thầy lập vậy thời quan cho
Nhà ruộng là nhà của Thầy
Bây giờ Phật đã đổi rày về đây
Bây giờ bổn đạo không tin
Việc đời thuở trước nói rày không sai
Nửa năm thỉnh mẹ Thầy về
Về nơi người cốt vậy mà ở đây
Thuở xưa bổn đạo theo Thầy
Tên là Đạo Thắng theo Thầy thuở xưa
Việc đời Thầy đã nói ra
Bước qua năm Dậu Thầy làm quân sư
Năm Ngọ nước nhỏ đồng không
Bước qua năm Mùi hột ngọc chia ba
Bước qua Thân nọ khô khan
Việc trời việc đất đổi rày người ta
Đổi người đổi vật đổi nhà
Đổi non đổi núi đổi rày sông kia
Thuở xưa Giáo Tập là thầy
Quan trên cho một cây rày quạt lông
Thuở xưa chưa có Tây An
Chừng Thầy về Láng đặt rày Tây An
Lập nơi bổn ở chùa này
Bước qua năm Mẹo Thầy rày về tây
Trời định nước khác trị đời
Thầy ngồi tại chỗ Tây An mà buồn
Bổn đạo vợ chồng chủ Dương
Lập chùa cho Thầy ở lại Tây An
Thuở xưa Thầy có trao lời
Biểu thời bổn đạo tên là Đình Tây
Thuở trước Thầy biểu nhớ lời
Bước qua Thân nọ coi chừng ngạc ngư
Thuở xưa Thầy có tót rày
Chiếu vua đem lại tại rày Tây an
Giao cho cái kéo cái mâm
Biều thời cạo trọc cái đầu mà thôi
Để chừa hàm râu cho Thầy
Mình thời tu hành chẳng phải thế gian
Vợ chồng ông lão có lòng
Thời Thầy để lại tót rày cho ông
Ông chủ nay đã về tây
Bà chủ ở lại coi đời mà thu
Bây giờ Phật sống đã rồi
Bây giờ Phật biểu lập rày Tây An
Tháng tư năm Ngọ mà coi
Mùng năm tháng sáu hào quang chiếu rày
Trên non ngó xuống mà coi
Hào quang của Phật chiếu rày Sa Mao
Láng Linh đổi tại chổ này
Bổn đạo ở tại núi này đừng tin
Bây giờ Phật sống ra đời
Dạy người dương thế vậy thời không linh
Mấy lời Thầy nói trong này
Cháu con bổn đạo nhớ rày mà coi
Để qua năm Dậu trị đời
Trời thời đã định mấy thời thiên cơ
Đừng cho lậu tiếng của Thầy
Bây giờ Phật biều lập rày Tây An
Hễ con bổn đạo tu lòng
Ngày thời niệm Phật niệm Trời mà thôi
Biểu thời bổn đạo mấy con
Tu thời mà vọng mẹ rày thuở xưa
Để sau Phật khác trị đời
Dựng đời thượng nọ vậy thời tháng ba
Mỗi nhà mỗi dựng thiên thần
Trong nhà có Phật tại gia mà thờ
Năm nay năm Ngọ mà coi
Bước qua năm Mùi Trời định không hay
Bổn đạo lóng tai nghe đời
Âm thinh ba tiếng thời trời tới thay
Thiên đình nay đã đổi xây
Đổi thời ba cõi đổi rày không sai
Việc Âm không có động ai
Đời đổi phải động việc dương làm vầy
Có người bổn đạo theo Thầy
Tên là đạo Nọ tên là đạo Kim
Qua nơi Ông Chưởng, Chưng Đùng
Quan trên hay đặng bắt rày về non
Quan trên nay đã bắt Thầy
Mấy cõi mắc dịch thuở xưa làm vầy
Những người Nam Bắc Đông Tây
Năm Thân bước tới đam hồn xuống đây
Mới nghe để xác đổi hồn
Bước qua Kỷ Dậu đổi đời Thượng Ngươn
Thiên đình trả ngọc cho người
Lúa thời một giạ năm tiền chẳng sai
Ai mà còn lại làm mùa
Bước qua năm Mùi y phục cũng không
Đồng cỏ không có người ta
Đóng cửa vậy mà không có những ai
Lóng tai nghe gió phất tây
Thuở trời đam xuống đam hồn nhập vô
Nhập vô mấy người cầu trời
Cầu thời ông đất Phật Thầy thuở xưa
Cầu cho bà mẹ sanh con
Sanh ra mười đứa Phật rày cũng cho
Năm trai còn những một phần
Năm gái còn những hai phần mà thôi.
Kỉnh bái.
Giảng Năm Ông Và Mười Sầu
Nhơn khi bì thuở thừa nhàn
Phật đà ngự chốn cung ly vân đài
Thấy trong thời vận hạ ngươn
Nhơn dân mắc nạn đói phiên khốn nàn
Mới dạy Năm Ông rõ ràng
Kíp xuống hạ giải bảo truyền dân hay
Đến năm Tuất Hợi khiến vì
Trời xuôi ách nạn khốn thay muôn phần
Cám thương thiên hạ phân vân
Khá toan niệm Phật ân cần lo an
Bao nhiêu thói dữ đừng màng
Đêm ngày niệm Phật kỉnh thờ Năm Ông
Nam mô Chí Công Quan Âm
Niệm thì tiêu diệt cổ kim tai trừ
Nam mô Đường Công Chơn Như
Vạn bịnh tiêu trừ đau đớn chẳng âu
Nam mô Bắc Phương Hóa Công
Xuống bảo thiên hạ tùy tùng Phật Kinh
Nam mô Lãng Công Tây Xuyên
Răn trong thiên hạ khá trừ độc hung
Nam mô Bửu Công Phật Vương
Niệm thời đặng thoát tai ươn ngày rày
Khá trừ thói dữ gian tham
Thành tâm trai gái phượng thờ Năm Ông
Sửa nơi thanh tịnh nghiêm trang
Hương hoa trà quả kỉnh tin đêm ngày
Cờ đen vải vàng khá may
Cắm ngay giữa cửa khuyên trai đừng lầm
Hương hoa cúng vườn ngày rằm
Quỉ vương làm hội ắt lâm chẳng lành
Khá tua tính kỉnh chí thành
Trên đầu đã có cao xanh hộ trì
Dạy trong nam nữ kỉnh vì
Sanh nhằm đời loạn thấy nghe giữ mình
Sống xa thác đã thấy gần
Địa Phủ thiên thần mãnh hổ can qua
Người thác vô số hằng hà
Đều khô xương cốt vải ra đầy đường
Bốn phương vườn ruộng bỏ hoang
Chờ trăm dặm đường chẳng người vãng lai
Hồn phiêu phách lạc Huỳnh đài
Thân làm cốt nát không ai phong mồ
Mịt mù sơn thủy tiêu khô
Vườn hoang bỏ hết vợ chồng phiêu lưu
Vạn gia bất kiến nhứt ngưu
Trâu bò lại hết người ta chẳng còn
Đến khi Tuất Hợi một khi
Độc trùng ác thú loạn ly chẳng còn
Vô thường tổn hại người ta
Trong kinh Phật dạy chẳng là phải chơi.
Xem đời mãn thế hết đời
Thấy trong thiên hạ nơi nơi đành rành
Phải toan cải dữ làm lành
Tu nhơn tích đức Phật dành số cho
Dầu ai giàu có ấm no
Cũng đừng khá nói so đo của tiền
Chớ đừng hờn giận vui phiền
Tay không phủi sạch của tiền còn chi
Vận trời đã khiến gian nguy
Đờn bà sanh sự ra làm giặc binh
Chị em ở chẳng thuận tình
Gây nên việc loạn chẳng vì đến ai
Có phước một người cùng hai
Ai mà tích đức khỏi tai khổ nầy
Khuyên trong tín nữ bằng nay
Tụng trong kinh Phật ngày rày mà nghe
Tả nên một bổn ngày rày
Thời trời thêm phước đức nay cho mình
Dầu ai biết đặng sử kinh
Toàn gia cộng hưởng khương ninh thọ trường
Làm người tu đức thì hơn
Phật Trời cũng chứng lòng người thiện tâm
Giữ lòng thường niệm Quan Âm
Dầu ai ác vật loạn tâm cũng vì
Tí, Sửu, Dần, Mẹo một khi
Đế Vương thôi mới tức vì ngôi cho
Từ Tần chí Hớn binh đao
Can qua gác dẹp âu ca thái bình
Kỉnh niệm Quan Âm chí minh
Chúng sanh cũng đặng sửa mình bình an
Thối nguyện thấu đến Ngọc Hoàng
Thương yêu mới đặng cư nhàn âu ca
Phong điều Võ Thuận gần xa
Dân an quốc thới thạnh hòa đôi nơi
Thánh minh Phật Vương ra đời
Một tay vững đặt gây đền quốc gia
Muôn dân thiên hạ âu ca
Vui mừng già trẻ người ta no lành
Gạo thời ba đồng một cân
Thịt cá vô số miếng ăn ê hề
Đành rành truyền để trong kinh
Lòng trừ độc dữ sửa mình cho mau
Thiện nam tín nữ khó, giàu
Nghe kinh Phật dạy cho mau làm lành
Năm Ông phò hộ chúng sanh
Khá toan niệm Phật làm lành bình an
Pháp Phật truyền dạy mỗi đường
Phải truyền cho đủ bốn phương xa gần
Chớ đừng tham phú phụ bần
Giàu sang lại trọng khổ gần nỡ vong
Trong kinh Phật dạy ân cần
Khuyên trong già trẻ mười phần tu nhơn
Thế gian nay mắc tánh sân
Kinh văn giải phế, quá hơn nhiều người
Ai mà chẳng tưởng Phật Trời
Lòng còn nghi hoặc ắt là chẳng nên
Tu lòng nhơn đức dầy dầy
Trời thời y số Phật dành tuổi cho
Ai ai chẳng nghĩ sự đời
Từ năm Ngọ, Mùi, Thân, Dậu đến nay
Nhơn dân đồ khổ lắm thay
Sao chẳng biết nghĩ lại hay tranh giành
Làm người chẳng khỏi gian manh
Giữ lời Phật dạy làm lành an thân
Thể kinh Phật gặp muôn phần
Bảo trong thiên hạ ân cần nhớ chăng
Phật Trời truyền dạy khăng khăng
Xem xét kinh ấy cho hay giữ mình
Năm Ngọ cho đến Mùi, Thân
Qua năm Tuất Hợi nhơn dân khốn nàn
Nhưng từ binh cả dấy loàn
Già trẻ phiêu lạc muôn ngàn khắp nơi
Lên nguồn xuống biển thương thay
Dầu ai tích đức có ngày gặp nhau
Còn nhiều ôn dịch binh đao
Vợ chồng tan nát ly nhau muôn phần
Của đâu đam cúng quỉ thần
Người ta đói rách muôn ngàn khá thương
Xưa truyền có kinh Long Vương
Rõ ràng lời để mỗi phương rành rành
Gặp năm hải yến hà thanh
Xem xét kinh ấy có hành Long Vương
Tháng chín giữa ngày mùng ba
Chư thần giáng hạ gần xa chẳng lành
Nhưng là quỉ mỵ tà tinh
Dặn cho lê thứ giữ mình kẻo oan
Đến khi trong chốn lâm san
Hổ lang ác thú tai nàn chẳng qua
Khuyên hết nam nữ trẻ già
Trong kinh Phật dạy giữ mà thiện tâm
Khuyên hết mấy kẻ tu hành
Truyền để giữ mình kẻo mắc nạn tai
Truyền đặng một người cùng hai
Toàn gia khỏi nạn chư tai khỏi mình
Nhơn dân dầu đặng bình an
Thời Trời nỡ khiến tà tinh làm gì
Tháng giêng ắt có gian nguy
Thiệt có điềm ấy vậy thời khó âu
Dầu mà bịnh hoạn ốm đau
Lấy phù ngũ Phật cho mau độ mình
Huỳnh chỉ châu phê mới lành
Nam tả nữ hữu để dành hộ thân
Trước cúng Trời Phật quỉ thần
Sau kỉnh ôn dịch khao binh mỗi đường
Thời mình mạnh khỏe thọ trường
Khá toan kỉnh Phật niệm kinh làm lành
Dầu ai làm phước hữu tình
Khỏi chương nạn ấy giữ mình mới hay
Giữ lòng niệm Phật ăn chay
Ngàn năm đặng hưởng lẽ nay thọ trường
Đến năm thiên hạ thái bường
Vàng vòng một lượng mãi tiền một quan
Lúa gạo vô số khắp ngàn
Ba tiền một giạ rõ ràng bảo cho
Dầu ai nghèo khó chớ lo
Tu nhơn tích đức Phật cho duyên nhiều
Tin lòng niệm Phật kỉnh Trời
Đặng nhờ phước đức Phật Trời chứng minh
Dầu ai xem thấy Phật kinh
Chẳng tin nghèo khổ vô biên luân hồi
Ốm đau đói khát đòi nơi
Liệt giường liệt chiếu chẳng rời bịnh căn
Chẳng hay tích đức thiện nhơn
Cho nên phải chịu hồng trần lụy thân
Để cho trầm nịch bần thần
Phật Trời đã dạy mấy lần bỏ qua
Ngày nào cho khỏi gian nan
Ốm đau loạn lạc tân toan chịu sầu.
Một sầu cho đến mười sầu
Thời trời vận chuyển chẳng an những là
Hai sầu binh giáp can qua
Đạo tặc đói khát thây thi thôi tàn
Ba sầu lửa cháy khắp ngàn
Vợ chồng ly biệt đều thời mang tai
Bốn sầu nhà chẳng có ai
Anh em phiêu lạc ai hoài kêu la
Năm sầu chẳng thấy mẹ cha
Biết còn hay mất những là khó âu
Sáu sầu thương hết bò trâu
Tốn hao súc vật biết âu lẽ nào
Bảy sầu nắng lửa mưa dầu
Cỏ cây nhơn vật khó âu muôn phần
Tám sầu thiên hạ nhơn dân
Ở chi ác đức sông trần mê man
Chín sầu ruộng nương bỏ hoang
Không ai cày cấy bốn phang cơ hàn
Mười sầu khổ hại nhơn gian
Nước lụt dẫy núi xương tan thịt trầm
Quả chưng không tin Quan Âm
Cho nên mình chịu nổi chìm thây thi
Thiệt rày sống một thác mười
Người ta đói khát bởi trời khiến xui
Âm dương máy đã nhặt xây
Đông tây nam bắc thác rày mỗi nơi
Phải toàn làm phước thấu Trời
Biết đạo làm người phước trời mới dung
Có thân thì phải lo thân
Nhơn từ đức hạnh kỉnh tin hiền lành
Phượng thờ trong sạch tính thành
Cải dữ làm lành Trời Phật mới tha
Bây giờ đại biểu toàn gia
Bao nhiêu niệm Phật Quan Âm cứu nàn
Kẻo mà thiên hạ muôn vàn
Cha con chồng vợ gian nan mấy vòng
Cho nên Phật thấy động lòng
Làm kinh ấy để răn trong đời nầy
Bao nhiêu chúng sanh đặng hay
Nghe trong kinh ấy giữ nay thân mình
Dầu ai tỏ đặng sử kinh
Chẳng chép mà đọc kẻo tình ngổ ngang
Dầu ai tụng đặng ba ngàn
Mỗi đêm mỗi tụng đèn nhang cho liền
Một lòng trai giới kỉnh thành
Phật Trời cũng chứng khỏi rày trần ai
Thấy kinh mà chẳng đoái hoài
Đến chừng lúc thác chớ hề kêu oan
Phật dạy chẳng phải là phàm
Phụng lịnh Ngọc Hoàng thỉnh sổ cứu dân
Dầu ai kinh sử mười phần
Biên đặng mười lần Trời Phật chứng cho
Ai mà thấy chẳng biết lo
Phật Trời đâu chứng để cho cốt tàn
Chẳng sống mà ở dương gian
Thác về âm phủ kêu oan nỗi gì
Khuyên trong phàm tục một khi
Xem kinh để gẫm chớ nghi việc đời
Trẻ già chưa được thảnh thơi
Hạ ngươn nên nỗi thoát lây nhiều người
Noi theo thời trước Thuấn Nghiêu
Nhà không đóng cửa phong điều dân an
Ai ai muốn khỏi cơ hàn
Của rơi đừng lấy giữ nhơn mà làm
Tai nghe kinh luật cho liền
Tu nhân tích đức ắt mình từ bi
Nam mô Thích Ca Mâu Ni
Quan Âm hiển hiện chứng tri cho mình
Người đời ai khỏi tử sanh
Họa thời trở xuống, phước thời đặng lên
Thảo cha ngay chúa chớ quên
Phật Trời cũng vậy lòng đừng dễ kinh
Hạ ngươn thác hỡi thinh linh
Rắn mổ chó cắn yêu tinh báo đời
Ly sầu khắp hết đôi nơi
Sao chẳng tưởng đời còn hởi đua tranh
Trẻ xanh thác trước kẻ già
Vì chưng hung bạo chẳng ai lòng lành
Trao tria lỗ miệng tu hành
Trong lòng dao cắt oán dành cho sâu
Hết thời ba tấc thấy đâu
Người tàn của hết dễ hầu biết chi
Niệm kinh thì lòng từ bi
Làm sao thoát đặng gian nguy nỗi đường
Kỉnh tin Năm Ông ngũ phương
Điều lành thời giữ chớ mong thói tà
Thập sầu kinh dễ sai ngoa
Hạ ngươn nên nỗi thoát sa muôn phần
Từ năm Kỷ Dậu đếm lần
Nhơn dân tan nát chẳng gần bổn hương
Đông, tây, nam, bắc bốn phương
Chúng sanh ngạ tử thảm thương nhiều người
Niệm sầu chặng đặng một vui
Thấy trong thiên hạ nhiều người chẳng không
Làm người chẳng kể quân thần
Phật Trời chẳng kể nghĩa thân khôn nhường
Nên sai ngũ quỉ lục tường
Sanh ra ôn dịch theo đường chẳng không
Đêm ngày tin tưởng Năm Ông
Họa ra đặng thoát khỏi chưng nạn nầy
Thế gian niệm Phật cầu Trời
Năm Ông bảo hộ tri lời kinh trao.
Nam Mô Đông Phương Thánh Đế Chí Công Vương Phật
Nam Mô Tây Phương Bạch Đế Lãng Công Vương Phật
Nam Mô Nam Phương Xích Đế Bửu Công Vương Phật
Nam Mô Bắc Phương Hắc Đế Hóa Công Vương Phật
Nam Mô Trung Ương Huỳnh Đế Đường Công Vương Phật
CHUNG
Quyển Tiền Giảng Đức Phật Thầy Tây An gồm 4 phẩm: Giảng Giáp Thìn, Giảng Xưa Về Phật Thầy, Giảng Mùa Đông và Giảng Năm Ông, Mười Sầu của tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Ghi lại những sự kiện về tiểu sử, hành trạng và giáo chỉ của Phật Thầy trong suốt thời gian Ngài du hóa và lập tông hành giáo. Do Nguyễn Hữu Hiệp sưu tầm và chú thích. Nguyễn Văn Hầu viết tựa, bìa chính tác giả trình bày, nhà Diễm Chi xuất bản lần đầu 2.000 cuốn tại ấn quán Hoa Sen, xong ngày 27-9-74, phát hành ngày 01-10-74 tại 42/1, Chợ Đình, Thánh Địa Hòa Hảo, Châu Đốc. Giấy phép xuất bản số 4657/74/BVDCH/PHBCNT/ALP/TP. Cấp ngày 21 tháng 8 năm 1974.
*Tài Liệu Tham Khảo cuốn Sấm Truyền
Chữ Nôm:
· Đạo Ông Giảng tập của Đặng Công Hứa (văn lục bát, chép tay, không đề năm sáng tác).
· Trần Quản cơ dữ Gia Nghị binh của Vương Thông (viết năm Kỷ dậu (1809)không rõ ai chép lại).
· Cáo thị cổ tích của Trần Quang Nhơn (bị mất đoạn sau, không rõ năm viết và không rõ ai sao chép).
· Mùa đông phưởng phất gió tây – khuyết danh (văn lục bát, do Lê Văn Hứa chép lại năm Ất mão 1915).
Chữ Hán:
· Đại Nam nhất thống chí
· Đại Nam Chánh biên liệt truyện
· Gia Định thành thông chí.
· Mộ chí, bài vị, biển thờ tại núi Sam và Tòng Sơn.
· Bản triều bạn nghịch liệt truyện.
Chữ Quốc Ngữ:
· Sấm Giảng người đời (Sư Vãi Bán Khoai – Nhà in Nguyễn Trung Trực, 1949).
· Kim Cổ Kỳ Quan (Bổn cũ soạn lại, rách mất bìa).
· Bổn chánh Kim cổ kỳ quan (tái bản 1969).
· Giảng Phật Thầy (bản chép tay năm 1941)
· Giảng Tòng Sơn (bản chép tay rất cũ, không đề năm).
· Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ (Đức Huỳnh Giáo Chủ - BPTGLTU, 1965).
· Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo (NVH – Hương Sen x.b.1969).
· Thất Sơn mầu nhiệm (Dật Sĩ và NVH Liên Chính x.b.1955).
· Đức Phật Thầy Tây An (Vương Kim- Đào Hưng, Long Hoa x.b.1954)
· Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (NVH. Tân Sanh x.b.1956).
· Việt khẩn hoang xứ Nam Kỳ dưới triều Nguyễn (Tiên Đàm, Tri Tân từ số 1 đến 29-1941)
Chữ Pháp:
· Les sociétés secretes en terre d’An-nam, G. Coulet, Sài Gòn, Ardin, 1926.
· Monographie de la province de Long Xuyên – Edition du Moniteur d’indochine – Hà Nội 1930.
· Monographie de la province de Châu Đốc (mất bìa)