Ông Ba Thới - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Ông Ba Thới


 Sơ Lược Ông Ba Thới
(1866-1927)


Ông Nguyễn Văn Thới (1866 – 1927)

  • Giới Thiệu
  • Tác Phẩm

A. Thân thế của Ông Ba Thới

Thân sinh của ông là ông Nguyễn-văn-Đỏ, thân mẫu là bà Nguyễn-thị-Buôn, sanh được bốn người con: hai trai hai gái. Người trưởng là Nguyễn Văn Chơi thứ là Nguyễn-Văn-Thới (tức ông Ba đây) rồi thứ nữa là Nguyễn-thị-Tánh và Nguyễn-thị-Kẹo.
Quê-quán ở làng Mỹ-Trà, ấp Long-Hậu, tổng Phong-Thạnh quận Cao Lãnh (Sa Đéc), ông Ba tướng người cao lớn nước da trắng, râu tóc nhiều mỗi khi tóc buông ra thì chấm đất có dư, khi về già râu bạc và dài xuống tới rún. Tánh tình cương quyết, nóng-nảy thích ngắm kiểng xem hoa, thường hút thuốc điếu và một đôi khi cũng có ăn trầu.
Thuở nhỏ ông có học vừa hiểu biết chữ nho, lúc trưởng thành thì làm nghề thợ mộc rồi sau lại, cũng biết làm thợ chạm.
Bởi sống trong một gia-đình cần-lao kiệm-phác cho nên ông Ba đã quen sự chịu khó-nhọc từ buổi thiếu thời. Bình sinh việc chi ông không làm thì thôi, nếu đã làm thì làm cho kỳ được, không hề bỏ dở. Mặc dầu nóng tính, ông Ba vẫn có được một bộ óc thẩm-mỹ cùng đôi bàn tay rất tinh xảo.

B. Ông Ba Phát đạo tâm Quy Y

Mùa đông năm Binh-Ngọ (1906), ông Ba bỗng nhiên phát đạo tâm, ông từ-giã gia-đình rồi thẳng lên vùng núi Sam, vô trại ruộng Thới-Sơn (cạnh Thất-Sơn) để tầm sư học đạo (1). Đâu đâu ông cũng nghe người đời ca tụng đạo-đức cao-siêu của ông Hai Trần-Văn-Nhu. Ông bèn trở xuống Láng-linh để tìm cho tận mặt, và sau khi biết rõ được giáo lý, ông xin quy-y với ông Hai (Ông Trần-Văn-Nhu là con trưởng nam của Đức Cố-Quản Trần-Văn-Thành Đại Đệ Tử của Đức Phật Thầy Tây An Hệ Phái Bửu Sơn Kỳ Hương).

Trở về nhà ăn Tết xong, mùa xuân năm Đinh-Mùi (1907), ông Ba dời cả gia-đình về Láng cất nhà gần chùa Bửu-Hương Tự. Ở đây, ông siêng-năng trau-giồi hạnh đạo, chất-phát làm ăn, được ông Hai coi là đại đệ-tử.

Một ngày nọ, ông Ba phát ra ngây ngây, ông bảo bà Ba dọn-dẹp cho ông một căn phòng sạch-sẽ, rồi ở luôn trong đó. Ngót ba năm dài đăng-đẳng, ông Ba không đi đâu hết. Thậm chí sự tắm rửa hay đại tiểu tiện, ông để đêm đến mới đi ra. Chính trong khoảng nầy, ông cũng viết được ba quyển: Vân-Tiên, Thiện-Từ, Cổ Vãng Kim La, mà ngày nay nhiều người vẫn còn biết.

Ngày mùng một tháng giêng (Tết năm nào không nhớ), ông ba ra khỏi buồng. Trước khi đến viếng ông Hai, ông Ba sắm một bộ khay hộp, trong có để ba trái ớt hiểm và ở trên có để ba cây roi rồi mới bưng vào trước mặt ông Hai mà quì xuống thọ tội, vì lẽ năm qua Ông không làm tròn hiếu-nghĩa đối với Thầy.

Nghiêng vai lãnh bức tờ mây.
Trung vương thổ giã Thầy ở lại (2)


Chú Thích (1). Có thuyết nói ông Ba nhân đi bán cá trên miền Láng, nghe danh ông Hai đạo-đức cao-siêu mà quy-y theo. Nhưng theo lời ông Nguyễn-văn-Tuấn là trưởng tử của ông Ba thì ông tự nhiên phát đạo tâm rồi đi tầm sư học đạo như trên đã nói.
(2). Ý nói ông vì có sứ-mạng phải lãnh bức thư vẽ mây chép sự-trung thành cùng quốc vương thủy thổ cho nên mới phải giã Thầy một thời gian ấy.

C. Bửu-Hương tự bị bao vây Ông Ba Tự sát

Vì có sự tị-hiềm của Nguyễn-văn-Phẩm, nên chùa Bửu-Hương Tự bị nhà cầm quyền Pháp bao vây (ngày 21 tháng 2 năm Quí-Sửu 1913). Lúc ấy tuy ông Ba thoát khỏi được, nhưng ông Hai thì phải xiêu-lạc khổ-sở còn con trưởng của ông là Nguyễn-văn-Tuấn lại bị bắt cùng một một lượt với 56 người đồng đạo đến cúng chùa.

Thấy tình đời đen bạc, vả lại đứng trước cảnh sư đệ rã-rời, phụ tử chia-ly, nên ba hôm sau (24-2-1913), vào giờ ngọ, ông Ba dùng dao cạo cắt họng để tự sát. Vết thương đứt tới phân nửa cuống họng, nhưng ông không chết. Người nhà hốt-hoảng, chiều tối lại chở lên nhà thương Châu-Đốc điều trị. Nơi đây, người ta thấy tóc ông đanh nhiều nên cắt đi cho gọn rồi băng bó thuốc men nhưng ông quyết định không dùng một món chi của người Pháp. Ông cự tuyệt và gỡ bỏ hết.

Độ vài tháng sau liệu bịnh-tình ông Ba không thể chữa được, lương-y cho đem bỏ ông ra nhà xác. Ông trốn được ra ngoài rồi nhờ người nhà chở về.

Thấy chùa Bửu-Hương Tự bị Pháp nghi-nan dò xét mãi, và liệu ở đấy không yên được nên vào khoảng tháng bảy năm Giáp-Dần (1914) ông Ba dời nhà về doi Lộ-Lở (làng Kiến-An, tổng Định Hòa, Long Xuyên), giả dạng người thường, ruộng rẫy làm ăn cho qua ngày.

Hồi nầy, người ta có thấy ông Ba lên xuống nhà thờ Cù-lao-Giêng ba lần để tiếp-xúc với vị Linh-mục nơi đây, và nhờ can-thiệp với nhà cầm quyền Châu-Đốc đặng minh oan cho công việc của Thầy mình (ông Hai Nhu) và anh em đồng đạo (3) đã bị tên Phẩm vu cáo. Nhưng việc ấy nhà cầm quyền Pháp ở Châu-Đốc làm lơ.
Chú Thích (3). Lúc nầy ông Hai Nhu đã tịch rồi ở Trà-Bang, song công việc hành đạo của giáo-phái Phật-Thầy bị dòm ngó rất gắt và bổn-đạo tên-tuổi nhiều người phải bị bắt, bị đày.

D. Ông Ba với chuỗi ngày tàn

Tình Thầy nợ Nước, mênh-mang bao-mối cảm hoài, khiến tâm hồn ông Ba trong chuỗi ngày tàn hầu như tan nát. Ông ký thác lòng mình vào những quyển: Ngồi Buồn, Kiểng Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Tứ-Đại và Thừa Nhàn, mà ngày nay, mỗi khi đọc qua, ta cảm thấy ngập-tràn bao nổi bi-thương ưu-ái.

Dưới đây là một ít lời lẽ về tâm trạng của ông Ba hồi ấy :

Đêm năm canh thổn-thức chẳng yên,
Ngày sáu khắc sầu riêng mỗi đạo.
Tưởng ái quốc cơ-đồ sáng tạo,
Nhìn lẽ dân cường-bạo đa đoan.
Chúa mỏi lòng chúa nghỉ thân an,
Tôi mệt dạ còn mang nạn cả.
Thời quân nhược quả kia báo quả,
Thế thần cường giày-giã trung cang.


Hay là :

Bước chân ra đoái lại nước nhà,
Chim xanh vỡ ổ rừng già thiết tha !
Ai đi,
Nỡ chẳng tưởng quốc gia ngay thảo,
Dạ nào vong Tam-Bảo giáo truyền.
Thầy ôi !
Nước nghiêng-nghèo vận khiến đảo-điên,
Phân ly diện sầu tuôn đoạn đoạn !


Ngoài việc sáng tác những tác phẩm kể trên ra, ông Ba còn đương một tấm thành-vọng (mặt khại), chính giữa có ba chữ triện: Quốc (hàng trên) và Thần Vọng Sư (hàng dưới), dựng ngay trước bàn thờ để biểu-lộ tấm lòng ưu-ái giang-sơn Thầy-Tổ. Tấm thành-vọng nầy ngày nay còn thấy tại nhà con ông ở Láng-Linh.

Sau mười bốn năm, kể từ khi chùa Bửu Hương Tự bị bao vây, vết thương nơi cổ ông Ba vẫn chưa lành hẳn, nó gom lại bằng mút chìa vôi nhưng trong mình ông vẫn mạnh. Một đêm kia, ông Ba kêu người nhà mà hỏi thăm giờ. Người nhà cho biết là mười giờ đêm. Ông bảo: “Bây-giờ đến năm giờ sáng thì còn lâu quá !”

Thế là đúng năm giờ sáng (giờ dần), ngày mùng chín tháng tư năm Bính-Dần (1927), ông Ba tịch. Lúc ấy ông hưởng thọ vừa đúng 61 tuổi, sau khi đã để lại cho đời chín văn phẩm kiệt tác về đạo-đức lẫn văn-chương, và một tấm gương tiết-tháo kiên-trinh bất hoại.

Hiện giờ, mộ-phần của ông Ba còn tại doi Lộ-Lở, được bồi-đắp và có người ở săn-sóc cẩn-thận. Tại nền nhà cũ của ông (cũng ở Lộ-Lở gần ngôi mộ), có dựng lên một cái đền thờ rộng lớp, uy-nghi, hằng năm, đến ngày mùng chín tháng tư thì có hội, bá tánh thập phương đến chiêm-bái rất đông.

PHẦN II: Giới Thiệu Quyển Kim Cổ Kỳ Quang

Ngày 21/2/ Quý Sửu (1913) Tại Bửu Hương Tự, nhân lễ giỗ lần 40 Đức Cố Quản. Pháp đem quân đàn áp bao vây Bửu Hương Tự, theo sự chỉ điểm của Nguyễn Văn Phẩm (người trong thân tộc). Pháp bắt con trai ông Ba là Nguyễn Văn Tuấn và mấy chục nghĩa quân bị cầm tù trong đất liền và một số bị đày ra Côn Đảo. Phẫn uất trước nỗi đau Thầy trò cách biệt, đạo pháp suy vi, nước non đồ thán, mà chẳng đền đáp được gì. Ông Ba dùng lưỡi hái cắt cổ gần đứt lìa để tự vẫn, may có người phát hiện kịp thời cứu chữa nên ông không chết, nhưng cổ đứt không thể lành lại được. Ông tiếp tục sống những chuỗi ngày buồn thảm với một thân thể đau đớn triền miên cho đến cuối đời. Thời gian nầy từ 1914-- 1919, Ông tiếp tục sáng tác thêm sáu bổn kinh nữa cho đủ chín bổn như: Ngồi Buồn, Bổn Tuồng, Giác Mê, Thừa Nhàn, Tiền Giang, và Kiểng Tiên. Lấy tên chung là" Kim Cổ Kỳ Quan".

Ông Ba cho biết sứ mạng của Ông như sau:

Hữu sắc lịnh Ngọc Hoàng phát ấn
Thừa truyền giáo đạo tấn chư bang”


Và:

Ông trở về dạy việc trước sau
Làm đủ chín bổn tóm thâu mối đời


Hoặc:

Phật dạy tôi trước tỏ sau bày
Bút Thần ký tự để rày hậu lai”


Qua tìm hiểu lược sử Đức Ông Ba. Chúng tôi được biết thêm một câu chuyện mầu nhiệm khác, do cụ ÚT HÒA 84 tuổi, hiện còn sống ở gần bên kia cầu kinh 10 (xéo đền thờ Đức Cố Quản) vừa kể lại như sau: Khi Ông Ba viết xong chín bổn, chưa cho ai đọc. Ông bảo người nhà để bộ "Kim Cổ Kỳ Quan" vào chiếc rương nhỏ, rồi treo lên đòn dong trần nhà và dặn: “ Sau này khi nào có lịnh mới được đem xuống phổ biến”.

Từ 1919 cho đến 20 năm sau tức 1939. Lúc Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Có người gần xóm với người con trai thứ sáu của Ông Ba ở Bình Thạnh Đông, đến qui y với Đức Thầy, được Đức Thầy chỉ dạy “Hãy về tìm Kim Cổ Kỳ Quan mà đọc, đó là chung một gốc”. Nghe theo lời dặn của Đức Thầy, người tín đồ ấy cùng con thứ sáu của Ông Ba ở Bình Thạnh Đông, tranh thủ đến nhà cũ của Ông Ba, do người con trai thứ Tám phụng tự ở kinh 12. Được gia đình đồng ý, mọi người cung kỉnh làm lễ hạ chiếc rương xuống.

Lúc ấy ông Út Hòa mới 14 tuổi, nhưng là người có liên quan thân tộc, tình cờ có mặt, nên được cử leo lên cột dây hạ uống. Mọi người giở ra xem quả đúng là bộ Kim Cổ Kỳ Quan bổn gốc, viết bằng chữ Nôm. Hiện bổn gốc nầy được lưu thờ tại phủ thờ Ông Ba ở kinh 12 kinh xáng Vịnh Tre. Bấy giờ, những người có lòng ngưỡng mộ, có trình độ hiểu biết Hán Nôm, tự nguyện chia nhau từng quyển, dịch ra quốc ngữ và từ từ phổ biến rộng đến nay.

Nhận thấy bộ Kim Cổ Kỳ Quan là một phẩm kinh mầu nhiệm, khế lý ứng cơ, đã được Phật Trời cơ huyền sắc chỉ cho ông Ba khai Thần bút cứu đời. Nên chi nội dung bộ kinh nầy, đã biểu hiện những nét đặc trưng thù thắng, nhằm xiển dương mạnh mẽ Tôn chỉ Học Phật tu Nhân của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo. Đồng thời đề cao Tam giáo, vãn hồi Thánh đạo Ngũ luân, hưng truyền Thích giáo, đặc biệt là ông mô tả cảnh Bồng Lai tại thế, thời Thượng ngươn rất là thanh lịch tú kỳ, rực rỡ quang huy, Thầy trò hỷ hạ, Chúa Thánh tôi hiền, Cha con, chồng vợ sum vầy,đạo hạnh thanh cao,nhà nhà giàu sang phú túc, thế giới thái bình âu ca, phàm Thánh đồng cư,Tam cõi giao hòa mừng ngày Thượng ngươn Thánh Đức, khai mở đại Hội Long Hoa.

Tuy nhiên bên cạnh việc giới thiệu cảnh giới Thiên Thai, Ông Ba cũng không quên nhắc nhở người trần thế, lúc đang sinh sống trong đời Hạ ngươn thống khổ loạn lạc, hãy giữ đạo Tam Cang ,Niệm Phật làm lành, giồi trau Trung Hiếu, phụng sự Tứ Ân, hầu có đủ điều kiện để Phật Trời cứu độ cho qua khỏi tai nàn trong những ngày “Biến Thiên, biến Địa, biến Nhơn thay đời” và những chuyển động ầm vang của trận Phong Thần tái thế.

Nhưng cái mong muốn trước hết của Ông là làm sao giúp cho bằng được, kẻ tu hành rán tránh những điều độc ác, đừng nuông chìu theo thói quen tội lỗi lớn nhỏ hằng ngày và nhứt là những tội lỗi vô tình không hay, không biết. Để cảnh giác những điều tội lỗi mà chúng sanh thường mắc phải. Ông Ba không ngần ngại vạch trần lỗi lầm, bằng những ngôn từ hết sức bình dân dễ hiểu, kể cả những từ ngữ thô thiển, mà người trần thường hay né tránh như:

Cái cục cứt còn có đuôi đầu.
Làm người không tưởng để sầu Tổ tông


Điều mà lâu nay tín đồ hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương ngạc nhiên, mỗi khi đọc Kim Cổ Kỳ Quan là: Ông Ba đã rất chịu khó tỷ mỉ liệt kê tám mươi ba tội phổ thông lớn nhỏ và còn bổ sung rải rác hàng mấy chục tội lỗi nghiêm trọng khác nữa và thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tính ra cả thảy có hơn một trăm tội lớn nhỏ, mà hầu như không có kẻ tăng người tục nào hoàn toàn tránh khỏi. Thế mới biết lòng từ bi bác ái của ông Ba cao rộng thế nào! Chỉ vì muốn cứu khổ ban vui, phá mê khai ngộ, khử tà hưng chánh , cải ác tùng lương… mà Ông phải cam chịu khổ nhọc: Nói thật, nói thẳng, có khi nói lời thô kệch, nói cả những việc dục dâm có chánh có tà, khiến cho kẻ thị phi cố chấp hiểu lầm chỉ trích nọ kia.

Ai cấm dâm dục lạ kỳ
Trung thì làm Phật, nịnh thì làm ma
Đem lòng muốn vợ người ta
Loạn tâm nhơn thế, quỉ ma tại lời”


Có nhiều thứ tội, nếu không được Ông Ba vạch ra thì người trần gian, có bao giờ biết được, mà ngăn ngừa hay từ bỏ, để có thể trở nên người Trung hiếu hiền lương…

Nghiên cứu kỹ Kim Cổ Kỳ Quan, chúng ta càng cảm thấy bất ngờ hơn nữa là : Kim Cổ Kỳ Quan, được Đức Ông Ba viết đã ngót một trăm năm qua, lúc ấy đất nước Việt Nam là thuộc địa hãy còn lạc hậu, tệ nạn xã hội tuy có, nhưng không phức tạp như nay. Đời sống tu hành của các tôn giáo cũng ít biểu hiện dối gian, hạng tu trên núi số lượng rất ít so với hiện nay… Nhưng những sự phê phán mặt trái của xã hội người đời, những dối gian của kẻ tu núi, tu chùa, tu am, tu thất, tu chợ hay tu nhà , tu ngoài, tu trong, tu ngôn, tu áo, tu dạng , tu hình…Đã được Đức Ông Ba dùng “hiện thực phê phán”, thẳng thắn phê bình thật chính xác và đầy đủ, y như là Ông Ba vừa mới viết gần đây và đối tượng ông nhắc nhở, gần như là những kẻ tu dối đời nay và đang sống ngay trong xã hội bây giờ vậy. Về điều này xin mời quí vị hãy xem phần trích đoạn sau sẽ cụ thể hơn. Và chắc chắn quý vị sẽ không khỏi, có cái cảm nhận sâu sắc rằng: Trí huệ của Ông Ba đã đạt đến cảnh giới liễu ngộ chứng đắc.

Thưa quí đồng đạo,

Qua nhân duyên trích đoạn Kim Cổ Kỳ Quan lần nầy, thật là hữu duyên kỳ ngộ. Nhớ lại hai mươi năm về trước khoảng thập niên 90. Tôi có vài lần tham khảo Kim Cổ Kỳ Quan, nhưng không sao hiểu nỗi, nên chưa lần nào đọc xong trọn vẹn. Bởi những lý do không dấu diếm sau đây:

- Lời cơ giảng của Ông Ba dùng nhiều từ Hán Việt cao siêu quá, vận thơ lại trắc điệu, khó đọc khó nhớ lại thêm khó hiểu.

- Ông Ba thường viết rất ẩn ý, ẩn từ, đảo ngữ, đối ý, đối câu, có khi một câu có đến cả hai, ba, hoặc bốn ý nghĩa... đôi khi có dùng thêm từ ngữ cổ điển ít thông dụng và dùng các từ địa phương xa lạ. Nhiều câu huyền diệu, lý mầu, khó suy, khó đoán.

- Chẳng thế khi ông viết về Thiên cơ, ông thường dùng những thuật ngữ về can chi, lục nhâm lục giáp, kỳ môn độn giáp, bát quái Ngũ Hành, Dịch kinh, Thần Kinh Thái Ất…khiến kẻ “Phàm nhân nan đắc” khó tường.

- Một sự khó khăn đáng kể nữa, đó là đa phần bộ Kim Cổ Kỳ Quan đều bị “Tam sao thất bổn”, nhà in không kiểm chính tả, in sai từ, sai ý, khiến mất đi ý nghĩa một số câu thơ câu giảng.

-Cái trở ngại sau cùng là, những mặt trái tội lỗi của kẻ tăng người tục được Ông Ba vạch trần, thì rất nhiều và phức tạp. Nhưng lúc ấy, ngoài xã hội hay cá nhân trong gia đình, trong chùa chiền, am cóc các thứ tội lỗi ấy, chưa bị dư luận công khai và sức che dấu hãy còn kín đáo, làn sóng văn minh vật chất chưa đến đỉnh cao, sức lôi cuốn và lòng dục vọng của con người còn ở giới hạn chừng mực… nên thực tế chưa thấy chứng cứ nhãn tiền, khiến dư luận có vẻ lơ là. Nhưng đến thời điểm này (2018), thì những điều Ông Ba vạch chỉ, chẳng sót điều nào chưa có, trái lại còn có nhiều hơn, nhất là trong chùa chiền và các cư sĩ tại gia có điều kiện phóng túng đam mê. Nếu không có cách nào tự giác cải thiện, thì ô hô “ Cứ lươn khươn lỡ đạo lỡ đời” nhứt định phải trôi theo cuộc tẩy trần trong cơ hoại diệt.

Duyên may lần nầy khiến tôi say mê đọc Kim Cổ Kỳ Quan và hăng hái trích đoạn hầu chia sẻ đến quí đồng đạo. Tình cờ một hôm có cụ Tư Hân gần 90 tuổi, là đồng đạo lão thành rất hiền lành, ưa làm việc phước và say mê đọc Kim Cổ Kỳ Quan, cùng ngụ xã Tân Bình, đến nhờ tôi chỉnh lỗi chính tả và kiểm lại những câu từ mà cụ đã dùng đèn pin viết từng chữ để trích đoạn Kim Cổ Kỳ Quan đã in thành quyển dầy 90 trang khổ nhỏ. Muốn chỉnh sửa những sơ suất nêu trên cho tương đối thì cần đọc hết bộ Kim Cổ Kỳ Quan.Vì tình nghĩa tôi không thể từ nan. Và tranh thủ đọc để sửa cho kịp thời gian, vì còn ngại không biết cụ sẽ về Phật lúc nào. Lành thay cho tôi, càng đọc tôi càng say mê và đi đến quyết định, tôi sẽ giúp cụ mãn nguyện. Chẳng những sửa 90 trang, mà tôi sẽ lần lượt trích lục, đợt đầu bốn quyển: Kim Cổ Kỳ Quan, Thừa Nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên, dầy đến hơn 300 trang. Sau này nếu độc giả có nhu cầu, tôi sẽ tiếp tục trích nữa! Vì tôi đang nghiện trích Kim Cổ Kỳ Quan!

Tuy nhiên, dù đang hăng hái say mê, nhưng tôi rất sợ tội!

Vì tự nghĩ, Kinh giảng của bậc “ Vĩ Nhân Đạo Đức” thì câu nào lời nào cũng là chơn lý cả. Cớ sao mình lại mạo phạm câu trích, câu chừa, không phải là có lỗi lắm sao?

Nhưng tôi cũng còn nghĩ lại một lý do, có thể châm chước để khi trích đoạn, mà ít phải bị tội. Đó là: Cả bộ KCKQ là một kho tàng Thiên cơ đạo lý, nghĩa rộng lý mầu, không thể nào có ai hiểu hết. Vậy thì câu nào mình hiểu được và phù hợp với nhận thức và hoàn cảnh tu tập của mình, thì mình trích để hiểu và học thực hành, được bao nhiêu học bấy nhiêu, phòng khi có người hỏi nghĩa, mình sẽ tùy nghi trả lời theo sức hiểu hạn hẹp của mình, còn phần chưa hiểu thì nghiên cứu tiếp. Làm vầy có lẽ, nếu có lỗi chắc cũng được nhẹ bị “Phật hành” phần nào!

Vả lại thời cuộc ngày càng nhiễu nhương cấp bách, thứ thách mỗi lúc mỗi nghiệt ngã cam go, lòng người ngày càng đảo điên vọng ngoại, trí tuệ lu mờ, lòng dõng mãnh yếu ớt. Nay hữu duyên được nương nhờ Hồng Quang Tam Bảo chở che, cậy oai linh cứu độ của Tổ Thầy . Lúc nầy nếu được chú tâm nghiền ngẫm thêm lời thẳng ngay phê phán và khuyến tấn tu hành của ông Ba, ví như thành đồng ngăn tội chướng, lưới báu giữ thiện căn, xét ra thì không còn sự an lành và phước báo nào hơn!

Trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, từ lúc Đức Phật Thầy lâm phàm khai đạo và đã nhiều lần tái kiếp truyền thừa. Đến kiếp chót là Đức Huỳnh Giáo Chủ, thì Ngài đã hệ thống hóa giáo lý hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và đúc kết thành Tôn Chỉ hành đạo cho PGHH, vừa ứng cơ khế lý vừa thích hợp thời kỳ, không còn điều chi phải khẩn đảo ngoại lai. Đã ngót 169 năm hoằng hóa độ sinh, công cuộc vãn hồi đạo Nhân và chấn hưng đạo Phật của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương sắp đến ngày thành tựu viên mãn.

Lúc này những tưởng chúng ta cũng nên tinh chọn pháp môn, bám chặt theo hệ phái chân truyền: gốc là Bửu Sơn Kỳ Hương, và ngọn là Phật Giáo Hòa Hảo nương theo lời nhắc nhở của Đức Thầy: “Nay gặp gốc phải mau tìm gốc
Để gặp Phật ngồi mà than khóc
Gỡ làm sao hết rối mà về
Mắt nhìn xem yêu quái bốn bề
Bởi ác đức nên không ai cứu”


Nguồn triết lý sâu xa của hệ phái BSKH có gốc có ngọn, có chánh có trợ, có Thầy có trò như sau:

I. Đức Phật Thầy và những lần tái kiếp:

- Đức giáo Tổ Phật Thầy Tây An : Có “Sấm truyền của Đức Phật Thầy.”

- Đức Bổn Sư Ngô Lợi: có “Bức Đồ Thư

- Ông Sư Vãi Bán Khoai: có “Giảng Xưa mười một hồi”

- Đức Huỳnh Giáo Chủ: có “Sấm Giảng, Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ”

II. Những hàng đệ tử có viết luận giảng trợ pháp ;

- Cậu Hai Trần Văn Nhu con trưởng nam của Đức Cố Quản; có “Tri Lai Bửu Tích

- Ông Ba Nguyễn Văn Thới, đệ tử của Cậu Hai Nhu: Có “Kim Cổ Kỳ Quan

- Ông Thanh Sĩ, đệ tử của Đức Thầy: có “Chú Nghĩa, Hiển Đạo”…

Bấy nhiêu nền giáo pháp chơn lý nhiệm mầu nêu trên, ví như thuyền Bát Nhã, đủ sức thần thông đưa ta đến Hội Long Hoa hay đến được bên kia bờ giác.

Thưa quý đồng đạo,

Những ý kiến chúng tôi vừa trình bày, nêu rõ mục đích việc trích đoạn Kim Cổ Kỳ Quan, đồng thời giới thiệu đến quý đồng đạo những đoạn giảng chân lý thiết thực của Ông Ba, một bậc “Vĩ nhân đạo đức”, chỉ đơn giản với thiện ý góp phần thuận lợi cho đồng đạo tham khảo bổ sung vào chương trình tu tập hằng ngày, thêm phần bổ ích và thành tựu. Do hạn chế kiến thức về từ ngữ Hán Việt, do trình độ nhận thức về giáo pháp có giới hạn, nên trong việc trích đoạn và xác định từ ngữ, cũng như kiểm tra chính tả, tất nhiên người viết khó tránh điều sơ suất bất cập. Ngưỡng mong quý đồng đạo hoan hỷ châm chế và chỉ giáo thêm cho. Trân trọng và xin đa tạ.

TP SADEC ngày 4/12/Đinh Dậu ( 2018 )
Nguyễn Châu Lang



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
0

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật