Ông Cử Đa

Ông Cử Đa, Bửu Sơn Kỳ Hương
-
Views
Ông Cử Đa
ÔNG CỬ ĐA





A. Thân thế và sự-nghiệp ở trần gian của Ngài Cử Đa:

Ông tên thật là Nguyễn-Đa. Vì đã thi đỗ võ Cử-nhân nên người đời gọi là ông Cử Đa. Lúc mới đến Thất-Sơn, nhiều người thấy tiếng nói của ông phát giọng miền Trung, cho nên cũng gọi ông là Thầy Huế. Quế ông ở làng Phù-Cát (có chỗ chép là Phú-Lạc) huyện Bình-Khê, tỉnh Qui-Nhơn, nơi đã từng hun-đúc bậc đại anh-hùng cứu quốc: vua Quang-Trung Nguyễn-Huệ.

Ông sanh đẽ năm nào và thi đỗ hồi khoa nào không ai được biết, có điều biết rằng khi ông vào tới Thất-Sơn thì chính là lúc ông Nguyễn-Trung-Trực đang thất bại ở miền đông, lui về ẩn náo ở Hòn-Chông, Kiên-Giang (Rạch-Giá), khoảng năm 1867-1868. Hồi ấy, có người phỏng định ông được lối 40 tuổi.

Xét ra trong sử Việt và các sách nói về binh-chế Việt-Nam, thì trong khoảng trước ngày ông Cử vào Nam, thấy có những khoa thi võ vào năm Thiệu-Trị thứ 5 (1845), và năm Tự-Đức thứ 18 (1852), là hai khoa mà với niên-kỷ ông Cử hồi ấy có thể thi được, nhưng không thấy chỗ nào ghi chép tên họ các thí-sinh trúng tuyển. Như vậy, ta có thể hiểu được ông Cử thi đỗ vào một trong hai khoa nầy mà thôi, nhứt là khoa Thiệu-Trị thứ 5 thì có phần đúng hơn.

Từ khi ông Cử thi đỗ và sau, cánh chim bằng không ngớt tung bay đây đó, để mưu-đồ hộ quốc tỳ dân. Khi đến phía Bắc miền Trung, khi vào Thuộc-Nhiêu (1) miền Nam, nhưng đến đâu ông cũng đều gặp phải cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Sau rốt, bước chân giang-hồ mới dừng lại ở Thất-Sơn.

Để hiểu rõ tấm lòng ưu-ái kiên-trinh đối với giang-sơn trong hồi nghiêng đổ, ta hãy xem ông Cử đã bộc-lộ ý-chí của mình trong giảng Tà-Lơn :

Lòng ta luống những ưu-phiền,
Một mình trực tiết không miền gió trăng.
Trong mình cũng biết võ văn,
Trải chơi thế cuộc tiếng văn giang hà.


Hay là :

Anh hùng nghĩa khí trung-cang,
Trải ô thủy-thạch Lãnh trang ít người.
Tang bồng hồ thỉ đổi dời…
Chú Thích (1).Trong giảng Tà-Lơn có đoạn nói:"Quê tôi ngày rày ở tại Thuộc-Nhiêu". Có lẽ khi mới vào miền Nam, ông Cử có ở lại Thuộc-Nhiên một thời-gian, hoặc ông có hiệp sức với ông Thủ-Khoa Huân để kháng-chiến nhiều trận tại Thuộc-Nhiêu cho nên mới nói như thế.

B. Bước đường tu-tỉnh của Ngài Cử Đa:


Thuở ấy tình-thế Nam-Kỳ hết sức rồi-ren nguy-ngập. Một mặt, Pháp bội hứa sự sửa đổi hiệp-ước 5 Juin 1862 (Bonard – Phan-Thanh-Giản); một mặt họ cưỡng chiếm ba tỉnh miền Tây. Thủ-Khoa-Huân bị đày sang đảo Réunion (1864). Trương-công-Định chết ở Gò-Công (20-8-1864). Phan-Thanh-Giản tuẫn-tiết ở Vĩnh-Long (7-8-1867). Chỉ còn ông Nguyễn-Trung-Trực với một ít tàn binh lẩn-lút ở Kiên-Giang, với những giờ phút đầy nguy-cơ, hâm-dọa. Có lẽ vì vậy mà ông Cử không còn cách nào hơn là ẩn danh tu-tỉnh, để chờ ngày trở lại giúp nước và dân. Vì ông đã nói

Sao bằng giữ đặng sạch trong,
Bảng vàng chiếm đặng bướm ong sá gì.
Đem mình về chốn Kinh-kỳ,
Áo cơm khỏi tốn phước thì mẹ cha
.

Và mục-đích hành đạo của ông là:

Hiếu trung hai chữ phụng-thờ,
Lâm tồng dưỡng tánh đặng nhờ tấm thân
.

Khắp các ngọn núi trong vùng Thất-Sơn đều có dấu chơn của ông lui tới. Cuộc đời tu-tỉnh của ông Cử tưởng cũng được yên-ổn nơi đây, nhưng bỗng một hôm, tung-tích của ông bị phát-lộ; quân Pháp ở đồn Cây-Mít (Châu-Đốc) kéo đến bao vây; vì thương dân-chúng vô tội quanh vùng nên ông không nỡ chống lại, bèn từ giã một số đệ-tử chân thành, rời khỏi Thất-Sơn, ra hòn Phú-Quốc (Hà-Tiên) (2).
Chú Thích (2). Có người nói ông Cử đi thẳng qua núi Tà-Lơn, còn ở Phú-Quốc thì trước khi về Thất-Sơn. Chưa rõ thuyết nào đúng hơn. Xin nhờ các bậc thức-giả phủ chính cho.

Việc quân Pháp theo dõi ông Cử để khủng-bố những người tu theo giáo-phái của ông hồi ấy chắc là gắt-gao lắm. Xem như giảng Tà-Lơn đã chép :

Dọn thuyền hai chiếc một khi,
Sắm sửa vậy thì đồ-đạc đem ra.
Hai Võ phân nói thiệt-thà:
"Kinh tệ áo dà để lại chốn dây.
E khi đi có gặp Tây,
Nó coi thấy đặng, sắp bây không còn".
Tính thôi đã một buổi tròn
Xuống thuyền ra biển hỡi còn canh hai !


Ở Phú-Quốc một độ, ông vượt đường qua Giang-Thành rồi lên núi Tà-Lơn. Tại đây, ông Cử được gặp Minh-Sư chân truyền đạo pháp và đặt cho đạo-hiệu Ngọc-Thanh :

Hắc y đổi lại cà-sa,
Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc-Thanh
.

Từ đây, ông Cử có thâu nhiều tín-đồ ở núi Tà-Lơn, và lâu lâu lại trở về Thất-Sơn thăm các đệ-tử cũ. Ông thường dặn bảo tín-đồ rằng nếu không có mệnh-lệnh thì không một ai được bạo-động gì cả.

Thế rồi từ ấy trở đi; không còn ai biết được tăm-hơi gì về ông nữa. Cho đến ngày tháng ông Cử đăng Tiên, cũng không tìm hỏi đâu ra được. Chỉ có lời truyền khẩu rằng từ ngày vắng bóng vị Giáo-chủ, thỉnh-thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, mặt non mơn-mởn, cỡi hổ mun, vượt rừng qua lại trong dãy Thất-Sơn. Người ta thì-thầm bảo nhau: ông già ấy là ông Cử !

C. Môn-nhơn đệ-tử của Ông Cử:

Trong hàng môn-nhơn đệ-tử cùa ông Cử ở vùng Tà-Lơn và Thất-Sơn kể ra cũng nhiều, nhưng chỉ có ông Nguyễn-Ngọc-Minh và ông Trần-Bá-Lương (tục gọi ông hai Lương, quê ở tỉnh Bến-Tre), là được phép bí-truyền nhiều hơn hết, Hiện nay mộ-phần của ông Nguyễn-Ngọc-Minh còn thấy ở điện Kim-quang-Thành (núi Tà-Lơn, phía trên Trung-Tòa độ bốn trăm thước). Những con cháu của tín-đồ ông Cử ngày nay mỗi khi trần-thiết sự thờ-phượng thì không quên đặt bài vị của ông Nguyễn-Ngọc-Minh ở một bên, phía dưới bàn thờ ông Cử. Chắc sinh thời ông Minh đã kế chí Thầy tế-trợ quần sinh nên mới được người đời mãi còn cảm ghi ân-đức như thế.

D. Vài mẩu chuyện thử lòng của Ông Cử:

Những đệ-tử nào có thành tâm tu-tỉnh nhứt lại là người thường bị ông Cử thử-thách nhứt.

Như trường-hợp ông Trần-Bá-Lương (một đại đệ-tử của ông Cử) sẽ kể đây là một:

Ông Lương từ khi rời nhà ra đi, lòng chí dốc tìm chơn sư để học hỏi sự tu-hành, bởi ông đã phát được bồ-đề tâm từ khi còn nhỏ. Ông đi khắp đó đây trong vùng Thất-Sơn, nghe đâu có ông Cử là một bậc siêu-phàm nhưng lúc ấy đã về bên núi Tà-Lơn. Ông không quản-ngại khó-khăn, băng rừng lội suốt, lắm khi hết tiền hết gạo, ông phải làm thuê-mướn dọc đường để kiếm tiền độ thân. Nhưng khi đến Tà-Lơn ông ở đó ngót năm mà không tìm đâu ra được ông Cử.

Tuy thế, ông Lương không hề thối chí, cứ thành tâm khấn nguyện với Phật Trời rồi lang-thang đi tìm mãi. Bỗng một hôm, ông gặp được một cụ già có vẻ đạo mạo đang xuống lấy nước ở bờ suối. Ông Lương mừng lắm, tự nghĩ: quần nâu áo vải, độc thân ở chốn lâm-tuyền lậu-hạn cụ già nầy không phải là Tiên Phật thì còn ai! Bèn xin chỉ dẫn về đường đạo-đức. Cụ già một mực chối từ, bảo rằng cụ cũng là một phàm nhân, không hiểu chi về việc luyện đạo. Ông Lương không nghe, xin cho ở đấy cùng tu và giúp-đỡ những công việc nặng-nề cho ông cụ. Túng lắm, cụ già ấy mới bằng lòng cho ở, nhưng cũng cứ một mực bảo rằng mình không phải là bậc siêu-nhân.

Từ đây ông Lương lấy làm vui dạ, vì tuy chưa được cụ già ấy truyền dạy điều gì, nhưng ông vẫn tin nơi ý nghĩ của mình là đúng nên cứ đặt hết lòng kính-cẩn, yên trí tu-trì, giúp những công việc hằng ngày cho cụ già: nào trồng khoai, gánh nước nào thổi lửa nấu cơm…

Trải một thời-gian như thế ông Lương vẫn vững được lòng. Thình lình một đêm kia, cụ già kêu ông Lương lại, nói rõ gốc-tích của mình từ lúc ở Trung mới vào Nam, bởi theo đuổi một chí lớn mà tấm thân cơ-hồ tan-nát thế nào, và khi đến Thất-Sơn ra sao, nhứt nhứt cụ kể rành mạch, rồi kết luận rằng mình là Nguyễn-Đa, bằng lòng thừa nhận ông Lương từ đây được vào hàng đệ-tử.


Và dưới đây là một cuộc thử-thách có huyền thuật:

Ông Cử có một người đệ-tử (không rõ tên) đạo đức khá cao, cũng không kém ông Trần-Bá-Lương và ông Nguyễn-Ngọc-Minh.

Khi sắp đăng Tiên, ông Cử kêu người đệ-tử ấy lại mà bảo:

- Thầy sắp về nơi tiên cảnh, vậy con ở lại rán cố chí hành đạo, khi nào thông-đạt, Thầy sẽ trở về dẫn-độ con.

Người đệ tử kia rất đổi hài lòng, nằm phục xuống đất van cầu thảm-thiết, xin thầy cho theo.

Trước tình-cảnh sư đệ sẽ phải chia ly và sự thành lòng của kẻ môn-nhơn như thế, ông Cử động lòng từ-bi, hứa sau ba năm sẽ trở về, nếu người đệ-tử nầy hết lòng tu-tỉnh thì ông hóa-độ.

Từ đó, người đệ-tử ông Cử cứ vâng lời Thầy, ở lại cố-gắng tu trì, chuyên lo tĩnh luyện, và ngoài những thời khắc bái sám hành hương, người còn lo phát thuốc cứu đời để biểu-thị cái hành-động tế thế của Thầy, không cho gián-đoạn.

Một hôm, cũng như thường lệ, ở dưới chân núi có chú Khách-Lác (3) lên xin thuốc uống nhưng trái hẳn ngày thường, chú Khách hôm nay với hình dáng mõi-mệt, đói lả. Gặp giờ dâng cơm bữa, người đệ-tử ông Cử bảo chú Khách ngồi chờ, ông cúng xong sẽ xem bịnh và giúp thuốc cho.

Thừa lúc người môn-đệ ông Cử vào nhà sửa soạn đèn hương, chú Khách-Lác bưng cả mâm cơm trên bàn xuống ăn sạch. Khi trở ra người đệ-tử ông Cử thấy thế cả giận, tỏ vẻ bất bình. Ngay khi ấy chú Khách đã không nhận lỗi mình, mà trái lại, còn buông ra nhiều lời cộc-cằn cương-câu là khác. Người đệ-tử ông Cử không dằn được giận, xách roi rượt đánh chú Khách, Chú Khách chạy dài. Khi đến bờ suối, chú Khách bỗng phi thân ngang suối rồi đứng bên kia gộp đá trông qua, kêu lên:

- Hỡi đệ tử, con còn nóng quá ! Hôm nay là ngày hứa hẹn. Thầy định về để dẫn-độ con nhưng sự đã như thế nầy, con hãy rán kiên tâm mà tu-trì thêm nữa mới được !

Nhìn sang bờ suối, chỉ thấy ông Cử nghiêm trang đứng đó mà chú Khách-Lác thì đâu mất tự bao giờ. Người môn-đệ biết mình đã lầm, quì xuống van-lơn. Nhưng ông Cử thản-nhiên biến mất.
Chú Thích 3. Người ta gọi chú Khách-Lác vì ông nầy là người khách-trú, toàn thân đều bị bịnh lác lở-lói.

Ông đã được chơn sư truyền bửu linh và diệu pháp. Ông thấu rõ máy huyền cơ, như đã thổ lộ trong “Giảng Tà Lơn”:

Từ ta lên ở chốn này,
Sớm khuya tích đức, tháng ngày tu nhân.
Cậy nhờ một vật hộ thân,
Để sau cứu độ muôn dân khốn nàn.
Dầu ai tiền của muôn ngàn,
Không bằng diệu pháp, không bằng Ngũ linh.
Đi đâu có gặp yêu tinh,
Xem thấy linh bửu thất kinh chạy dài,
Giữ gìn sớm tối hôm mai,
Một mình ngày tháng non đoài cũng vui.
Gẫm trong thế sự ngược xuôi,
Nghinh ngang một thuở đọa thôi Diêm phù.
Sao bằng non núi ngao du,
Thoát chơn Địa ngục, khỏi tù Diêm la.
Đời này nhiều quỉ nhiều ma.
Cho nên trời đất khiến mà ngửa nghiêng.
Còn nhiều năm lắm chưa yên.
Nói chơi một chút thằng Điên ở rừng.
Ngụy Khôi trước loạn vô cùng,.
Hạ thành sao lại giết người oan khiên.
Đến nay báo lại nhãn tiền,
Ít năm rồi cũng hết phiền lòng dân.
Bây giờ đồ khổ muôn phần,
Thôi thôi chớ nói dương trần làm chi.
Lòng ta còn hỡi hồ nghi
Thiên cơ ai dễ nói đi hết lời.


Mặc dầu không có khoản nào cho biết ông là môn đệ của phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương song nếu đem đối chiếu quyển “Giảng Lan thiên” với “Sám giảng quyển ba của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo, ta không khỏi ngạc nhiên về chỗ chẳng những trùng ý mà còn trùng câu chữ nữa.

Đây là đoạn mở đầu của quyển “Giảng Lan thiên” của ông Cử Đa:

Lan thiên một kiểng chép chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi đùng đùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng lòng mai.
Mùa xuân tới kiểng lầu đài,
Tháng giêng mồng chín thi tài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cảnh hữu danh tu bề.
Kể từ Phú quốc mới về,
Long thoán (1) lên ở dựa kề hai năm.
Dạo chơi mấy điệu tri âm,
Tỏ lời sau trước mấy năm phản hồi.
Phận mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Dương trần húy hiệu tên Đa.
Cõi Tiên vốn thiệt hiệu là Ngọc Thanh
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
Tối về kinh kệ, cửi canh mặc người.


Và đây là đoạn đầu “Sám giảng” quyển ba của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

Ngồi trên đảnh núi liên đài.
Tu hành tầm đạo một mai cứu đời.
Lan thiên một cõi xa chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng lòng mai
Mùa xuân hứng cảnh lâu đài.
Lúc cồn xác thịt thi đài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.
Kể từ Tiên cảnh Ta về,
Non Bồng Ta ở dựa kề mấy năm.
Dạo chơi tầm bực tri âm,
Nay vì dân chúng trần gian phản hồi.
Nghĩ mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Phong trần tâm đã rời ra.
Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh.
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.


Hai đoạn Thơ trùng diệp trên đây đủ chứng minh ông Cử Đa là môn nhơn của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Có lẽ trước kia khi đến Thất Sơn, ông Cử đã có liên hệ hay chịu ảnh hưởng của phái Phật Thầy Tây An nên mới quyết tâm tầm Đạo tầm Thầy:

Lòng ta dốc đạo tầm sư,
Lạy Thầy theo với nên hư nhờ Thầy
.

Càng chứng tỏ ông Cử thuộc phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương là khi đắc đạo cũng tự xưng Khùng Điên, không khác các Ngài Tiên giác trong phái Phật Thầy :

Còn nhiều năm lắm chưa yên,
Nói chơi một chút thằng Điên ở rừng.


Nói tóm lại, khi đến Thất Sơn, ông Cử Đa cũng như ông Nguyễn Trung Trực, mới liên hệ với giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, để rồi trở thành môn nhơn đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Thế nên với tâm hồn để kháng chống ngoại xâm mà pháp môn Tu Nhân Học Phật đã đào luyện, nếu không đủ sức cử đồ đại sự bằng võ lực thì cũng tìm nơi lánh thân ẩn náu, biểu dương tinh thần bất hợp tác hầu giữ vẹn khí tiết của sĩ phu.

E. Tác Phẩm

1. Giảng Tà Lơn
2. Giảng Lan Thiên
3. Tiếng Dội Sông Mê


Post a Comment

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật