Ông Đạo Lập

Ông Đạo Lập, 12 đại đệ tử cửa Đức Phật Thầy Tây An
ÔNG ĐẠO LẬP

A. Lai Lịch

Tên thật là Phạm-thái Chung, pháp danh Sùng-đức-Võ, danh từ Ông Đạo Lập mà người ta quen gọi, là ông có đứng ra thành lập một ngôi chùa mang tên Bồng-Lai tại Bài-Bài, thuộc xã Nhơn-Hưng, quận Tịnh-Biên (Châu-Đốc).

Trong một bài-vị để thờ tại chùa Bồng-Lai, còn ghi thêm, ông Đạo-Lập có một biệt hiệu nữa là Bồng-Lai La-Hồng.

Sinh quán của ông Đạo Lập tại xã Đa-Phước, bên kia thành phố Châu-Đốc, một nơi có phong cảnh nên thơ còn mang một danh xưng khác là Cồn-Tiên.

Khi Đức Phật Thầy Tây-An bị nhà đương cuộc thời Tự-Đức dời về tỉnh lỵ An-Giang, ông Đạo lập đã tìm đến thăm viếng và sau đó, ông quy-y với Đức Phật-Thầy.

Trong số các đại-tử của Đức Phật Thầy, phả nói ông Đạo Lập là một danh-nhân quan-trọng, có tài-ba, huyền-thuật dị-kỳ. Ông có thể đi mây về gió, làm lắm điều khác lạ với thế nhân mà ở quanh vùng Thất-Sơn không mấy ai là không biết danh.

Bóng dáng của ông, từ Hà-Tiên đến Châu-Đốc, từ núi Tà-Lơn đến niềm Đồng-Tháp, thoạt đó thoạt đây, thường xuyên không vắng suốt một thời gian vài mươi năm, khoảng từ 1856 đến 1877.

Đi trên bộ ông đội nóng to vành, phất-phơ đôi tay áo rộng. Đi qua sông, ông thả nón làm thuyền, lấy gậy làm chèo hoặc xăn tay áo mà bơi qua.

Phật-pháp của ông cao thâm. Tín-đồ của ông đông-đảo. Tất cả giáo-điều tu-nhân, học Phật mà ông lãnh-giáo được nơi Phật-Thầy, ông đều đem đi hoằng-dương khắp nơi. Trong những lúc đi vân du hóa chúng, truyền rằng có không biết bao nhiêu huyền-sử kinh-dị bao trùm chung quanh ông. Chúng tôi chỉ xin chọn lọc và kể lại với tất-cả sự e-dè.

B.Ông Đạo Lập canh-bối

Bối là bọn kẻ trộm, thường cỡi xuồng nhẹ, chuyên ăn cắp của ghe thương-hồ đỗ nghỉ vào các bến sông về đêm. Trong các dịp vân-du, ông Đạo Lập thỉnh-thoảng cũng có giang trên một thương thuyền để nghỉ chân trên một vài chặn đường. Theo lời thuật của Mộng-Tuyết Thất Tiểu Muội, thì có một bận, ông Đạo Lập lãnh phần canh bối cho « bạn » ngủ. Có kẻ trộm mò vào, ông cứ để cho chúng cứ tự nhiên. Ông tựa mình vào cửa mui ngồi yên, lim-dim như ngủ. Thấy ông không động đậy, kẻ trộm tự-nhiên dọn đồ qua thuyền. Khi chúng dọn được một mớ và toan lấy thêm, bây giờ ông Đạo mới tằng-hắng, lên tiếng bảo:

-Thôi chớ ! bấy nhiêu đã đủ cho « ở nhà » đền cho chủ ghe rồi !

Kẻ trộm hoảng-kinh, nhè-nhẹ chèo lui mất.

Sáng ra ông kể chuyện cho bạn chèo ghe nghe ai nấy đều hậm-hực, tức vì không bắt được bối, để cho chúng một trận đòn. Nhưng ông đạo cười bảo:

-Các người chớ nóng. Tuy vậy mà từ đây các người sẽ được ngủ yên, khỏi phải thức mà canh chừng bối nữa.

Ai nấy đều tức mình, nhưng không dám cải và cũng chưa biết tại sao từ nay lại khỏi sợ bối !

Nhưng rồi đúng như lời của ông Đạo, không rõ ông đã làm gì mà từ đó lại sau, tuyệt-nhiên trên chiếc ghe nầy không hề bị bối, dù rằng chủ ghe hay bạn ghe đều không có một ai thức canh.

C. Ông Đạo Lập luyện phép và làm phép

Trong lúc vân-du, ông Đạo thường dẫn theo một người đệ-tử tên là Huỳnh-văn-Thiện. Mỗi lần lên núi, ông Đạo kiếm chỗ cho đệ-tử tạm ngụ rồi tự mình tìm chỗ u-tịch ngồi thiền hoặc luyện phép.

Theo lời ông Huỳnh-văn-Thiện thường kể thì có ông Trương-hồ-Ngạc, cũng là một đệ - tử của ông Đạo, có tính hiếu kỳ, nên một lần lén thầy, rình xem coi thầy đã làm gì ở nơi thanh vắng. Ông Ngạc đã trông thấy ông Đạo làm một chiếc tàu nhỏ thả trên mặt nước rồi niệm chú. Ông Đạo có diệu thuật khiến chiếc tàu ấy chạy tới chạy lui theo ý muốn của mình.

Biết được cách đó và học lén được những câu chú của thầy, ông Ngạc mới bắt chước làm theo. Kết quả ông đã thành công. Nhưng liền sau đó ông Ngạc ngã lăn ra chết. Ông Huỳnh-văn-Thiện được chứng kiến cảnh ấy, đau khổ vô cùng vì lúc đó vắng Thầy. Ông phải ngồi thâu canh bên xác ông Ngạc để chờ Thầy về liệu tính xem sao !

Sáng ra ông Đạo về một tay xách gói và một tay xách chiếc đệm bàng. Ông Đạo không chờ ông Thiện trình bày tự-sự đã nói ngay trước:

- Thì ta đã lo sẵn đồ vật, để xem về đây chôn nó !

Những câu chuyện như thế được truyền ra, danh của ông Đạo Lập càng lớn. Người ta đến nhờ ông cứu bịnh và lãnh phái quy-y cùng lúc càng đông. Nên để có chỗ nơi an-trụ và quy ngưỡng, các đệ-tử của ông hợp nhau dựng lên một ngôi chùa. Người ta đến làm công-quả thật đông và nhất là ngày khánh-thành, ghe xuồng đậu chật cả một khúc sông trên kinh Vĩnh-Tế.

Cũng bằng những diệu thuật như trên, ông Đạo từng lấy một cây ếm tại Ton-hon do người Tàu chôn. Cây ếm bằng đá trên mặt có khắc chữ: « Càng-Long, ngũ thất niên trọng thu, cốc dán ». Người ta đã nghĩ rằng cây ếm ấy do họ Mạc đã ếm với mục-đích bí ẩn ! cây ếm ấy bây giờ vẫn còn lại Bài-Bài, miền biên-giới xa-xôi.

D.Ông Đạo Lập qua hải

Theo một bài nhan-đề ông Đạo Lập, tác giả là bà Mộng-Tuyết Thất Tiểu Muội, đã thuật lại một cách tin-tưởng và cho rằng bác của tác-giả, người thường kể lại chuyện ông Đạo-Lập, vốn là người có học, không hề chịu tin những chuyện quàng-xiên, thì ông Đạo đã qua biển một cách dễ-dàng Đầu đuôi câu chuyện được chúng tôi rút gọn như sau:

-Ông cố của tác-giả vốn là nhà hàng-hải, từng đi buôn sang Xiêm. Ông vừa đống xong một chiếc thuyền buôn đặt tên « Minh-Thuận ». và định cho xuất-cảng với những hồ-tiêu, sáp ong, hải sâm, đồi-mồi thì vừa đúng vào lúc ông Đạo Lập ghé chơi nhà. Sau lễ cúng kiếng, ông cố tác giả hỏi xin ông Đạo một điềm may-mắn, một phép bình-an cho chuyến khai-trương đặc-biệt đó.

Ông Đạo Lập đưa ra cho ba lá bùa, nói:

- Chuyến đi nầy rồi cũng may-nắm phát-tài. Duy có vướng chút lo sợ. Nhưng cũng sẽ bình-an vô sự. Vậy bùa nầy, khi ra khỏi cửa Hà-Tiên đốt đi một lá, lá thứ nhì để lúc nào có một con cá to định làm hại thì đốt. Còn là thứ ba dành đốt khi vào cửa sông Bắc Nam.

Tất cả trên thuyền có mười người phần đông là Minh-Hương. Khi thuyền ra giữa vời, thình lình ở trước mũi thuyền sóng chỉ bắn lên cao. Một con cá to nhảy bổng lên khỏi mặt nước bằng một tầm người đứng. Vị thuyền trưởng nhớ lời dặn của ông Đạo Lập, đem lá bùa thứ hai thả tàn xuống biển. Thuyền bình yên, lại vượt khơi trên biển.

Một buổi chiều trước mũi thuyền bổng vụt hiện một vật gì to như hòn đảo. Cả thuyền kinh ngạc tưởng chừng tàu bị lạc vào một đảo hoang nào. Nhưng không, hòn đảo ấy biết cử-động và khi đến gần, mới rõ đó là một cái kỳ của một con kinh-ngư khổng-lồ đang đùng đùng lướt sóng chận đầu thuyền. Khi biết rõ đó là một vật ăn thịt người thì cả thuyền hoảng-kinh bối-rối. Vị thuyền trưởng bây giờ mới sực nhớ lại lá bùa thứ nhì đã đốt là lầm. 

Chắc-chắn nó phải được đốt vào lúc nầy để ngăn chận con kình ngư sát nhân mới đúng. Lúc túng-cùng, vị thuyền trưởng đành phải đem đốt lá bùa thứ ba và nó hoàn toàn vô hiệu. Cá lướt tới càng nhanh hơn, dễ thường cái quẩy nhẹ của-nó cũng đủ làm thuyền lật úp được. Mọi người trên thuyền đều trông rõ được từng cạnh khía của cánh vi cá khổng lồ. Vị thuyền trưởng ra lịnh cho thuyền đảo trịt một bên để tránh vật dữ, nhưng sóng bủa trùng trùng, tràn lên ngập cả sàn thuyền. Cánh vi và cánh buồm thuyền đã song song ngang nhau, cách khoảng không hơn mười thước. Lưng cá cọ và sườn thuyền, mình thuyền nghiêng về một bên. Phút nguy ngập đã tới.

Tuy-nhiên con cá không hành-hung. Đợi khi thuyền qua vừa khỏi, nó quạt đuôi một cái thôi thuyền quay tròn mấy vòng và mọi vật trong thuyền xô đổ. Rồi thuyền mới từ từ yên lại.

Từ hôm ấy cho đến khi trở về, thuyền được bình-yên không có gì trở ngại nữa. Nhưng khi thuyền về tới Mũi-Nai, thuyền trưởng lên bờ, thì đã thấy có ông Đạo-Lập đứng sẵn dưới đám dừa bên mé nước.

Ông Đạo Lập cười nói:

-Ở nhà đoán biết ữa nay cậu thuyền trưởng về, nên ghé lại đón mừng… Chà ! bữa chiều hôm đó, ở ngoài vời Thổ-Châu, cậu thuyền thường sợ đã xanh mặt. Khi đó ở nhà ở trên chót cột buồm chớ đâu! Nếu ở nhà không giữ cho thuyền vững lại và không đuổi con quái-ngư đi, nó sẽ cấn đến và đột lật cho thuyền chìm, thì các người tất đều vào bụng nó rồi ! Các người đã chẳng thấy từ xa nói hướng thẳng về mũi thuyền đó hay sao !

Thuyền trưởng nghe nói thì hoảng-hốt trở lại như hồi đang lâm nguy giữa biển. Còn ông Đạo Lập thì nói tiếp:

- Chỉ tội nghiệp cho con cá bè bỗng dưng chịu chết oan ! Vì lá bùa thứ hai của ở nhà cho, đáng lẽ phải để mà diệt con quái ngư ấy !

Nghe qua tự-sự ai nấy thảy kinh hồn.

E. Ông Đạo Lập ném dao

Vì thích sống giang-hồ, ông Đạo thường không ở nơi nào lâu. Do đó mà ông hay có giang trên các ghe buôn cho đỡ chân. Một lần ông Đạo Lập có giang trên một ghe bán mía. Ngồi buồn trên ghe, ông lấy dao ra róc mía thì gặp phải cây dao lụt quá, róc không sạch vỏ mía. Ông Đạo liền vứt cây dao xuống sông và phàn nàn:

- Dao lụt thế nầy không bỏ còn để làm gì !

Người chủ nghe thấy thế không được bằng lòng nhưng làm thinh không nói

Sáng hôm sau, ghe đến một chợ nhỏ. Bạn ghe lên bờ đi chợ mua về một rỗ cá. Bấy giờ chủ ghe mới có dịp lên tiếng hờn mát.

- Mua cá làm chi? Có dao rựa đâu mà làm cá !

Bấy giờ ông Đạo Lập ngồi trong khoang ghe, lên tiếng :

-Liệng xuống hôm qua chỗ nào thì hãy lặn chỗ đó mà mò lên. Đã mất mát đi đâu !

Nói rồi ông bước ra, chỉ mặt nước, chỗ cách mũi ghe một sãi, bảo người bạn ghe lặn xuống đó mà lấy dao lên. Quả nhiên cây dao yếm mà ông Đạo Lập liệng xuống nước bữa trước được lấy lại. Cần để ý rằng chiếc ghe mía mà ông Đạo Lập có giang, từ chỗ ném dao cho đến chỗ mò dao, cách xa một ngày rưỡi đường, thế mà cứ chỗ đánh dấu của ông Đạo Lập, lại tìm lại được một cách dễ-dàng.

Càng lạ lùng hơn cây dao lụt trước, nay được sáng trưng, bén ngót như có ai mài sẵn.

F. Ông Đạo Lập tàng-hình

Trong buổi đầu thuộc Pháp, không rõ ông Đạo Lập đã góp tay vào các nghĩa đảng thế nào, mà thực dân thường theo dõi tìm bắt ông luôn. Trong các đệ-tử Đức Phật-Thầy Tây-An, ngoài Cố-Quản Trần-văn-Thành chắc-chắn có ông Đạo Lập là người có đứng hoạt-động cứu quốc.

Một lần ông Đạo Lập đến Hà-Tiên, vào thăm nhà quen thì cũng đúng là khi thực dân dò ra tung tích ông Đạo Lập nên tìm đến vây bắt.

Ông Đạo đang ngồi uống trà tại một vườn cam với chủ nhân, chợt nghe có tiếng động, ông liền đứng lên cắp nón, cầm gậy, xô cửa tầu khận - một cái nhà ngoài dùng chứa hàng-hóa - bước vào rồi bảo chủ nhân khóa chặt lại.

Chủ nhân trở vào nhà trên thì một bọn người Pháp đang lục soát kiếm tìm ông Đạo-Lập. Sau khi tìm khắp nơi, họ bắt phải mở tầu khậu cho xem. Và kết-quả là ông Đạo-Lập đã đi đâu mất, không hề một ai trông thấy bóng dáng gì !

Thêm một câu chuyện tàng-hình khác: Trong đảng Cần – Vương, có ông Học-Sanh-Thái người Châu-Đốc. Ông Thái về sau kết thông-gia với nhà Cách-Mạng Nguyễn-Thần-Hiến ở Hà-Tiên. Ông Thái lại cũng có kể một câu chuyện tàng-hình về ông Đạo-Lập như sau:

Khi đảng Cần-Vương còn hoạt-động, ông Thái vốn được trong đãng tín-nhiệm, ông giữ một tờ mật chiếu của Triều-đình. Ông Thái lấy làm lo sợ bại lộ tờ mật chiếu là một tang chứng thật nguy, nên ông mới đem giấu tại một cái miểu thờ Thần Nông bí mật, không một người thứ hai hay biết.

Nhưng ít lâu sau, tờ chiếu mật mất. Một điều lạ là ông Thái rất thận trọng ông đã nhét mật chiếu vào sau tờ giấy đỏ có viết chữ thần to tướng lại bàn chánh rồi dán kỹ lại thì ai biết và ai mà dám động tới chỗ tốn-nghiêm kia ! Ông Học-Sanh Thái rất lo sợ bại lộ cơ-mưu. Nhưng thời-gian qua, vẫn bình-yên không có gì lạ. Một hôm ông gặp ông Đạo Lập. Ông Đạo Lập hỏi ngay

- Chú có làm mất cái gì không?

- Không ! Tôi chẳng có gì mà mất. Ông Đạo Lập nói:

- Thử nhớ lại xem, vật không quý, bỏ thì thương, vương thì tội !

Bấy giờ ông Thái mới nhớ ra và nói rõ nỗi lo âu của mình bấy lâu nay. Ông Đạo Lập cười:

- Ở nhà đốt đi rồi chớ mất đi đâu ! Chúng ta mưu đồ là vì đại nghĩa chứ đâu phải vì bổng lộc !

Bây giờ ông Thái mới tỉnh-ngộ và hỏi:

- Thế sau ông biết tôi giấu ở miễu mà hủy bỏ ?

Ông Đạo Lập không đáp thẳng câu hỏi mà bảo ông Thái cố nhớ lại xem có gì lạ khí đem giấu tờ mật chiếu trong miễu. Ông Thái liền thuật lại là khi giấu xong đi ra, nghe tiếng động dưới cỏ, ông giật mình ngó xuống thì thấy con rắn bò sát bên chân. Ông Đạo Lập cười bảo:

-Ở nhà đó chớ rắn-rít gì. Không hóa rắn, làm sao theo dõi để biết rõ chuyện bí mật của chú được !

Khi trở về già, ông Đạo Lập về Bài-Bài cư-ngụ và tịch-diệt tại đây. Không thấy bài-vị ghi rõ ông mất năm nào. Chỉ biết được ngày 29 tháng 9 hằng năm là ngày cúng vía của ông.

Mộ ông được chôn cất tại xã Vĩnh-Ngương, cũng theo căn-tích của Đức-Phật Thầy, không có đắp nắm.


Hết

1 comment

  1. Huyền Cương Cư Sĩ
    Huyền Cương Cư Sĩ
    Nam Mô A Di Đà
Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật