Ông Sư Vải Bán Khoai

Bửu Sơn Kỳ Hương, Ông Sư Vải Bán Khoai
ÔNG SƯ VẢI BÁN KHOAI

GIỚI THIỆU

Sau khi Đức Bổn Sư tịch diệt độ 11 năm thì ông Sư Vãi Bán khoai ra đời. Ông xuất hiện vào khoảng năm Tân sửu (1901) và năm Nhâm dần (1902) nghĩa là cũng còn trong thời kỳ quân Pháp đang thi hành chánh sách đàn áp gắt gao các tín đồ của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Trước sự khủng bố của quân Pháp. Đức Bổn Sư phải đành thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ lo củng cố chớ không mong gì hành trướng ra được. Để cho nhà cầm quyền Pháp không theo dõi. Ngài phải sửa đổi cách thờ phượng theo nghi thức nhà thiền. Đó là sự bất đắc dĩ. Tình trạng củng cố này nếu mãi kéo dài thì giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương có lẽ phải ngưng trệ và không biết bao giờ mới hoàn thành sứ mạng.

Nhưng với sự xuất hiện của ông Sư Vãi Bán khoai, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã chuyển sang và mạnh tiến vào thời kỳ phổ biến. Đứng trước chánh sách khắc nghiệt của quân Pháp, hẳn ông phải đổi phương lược mới có thể thoát khỏi kềm tỏa của Thực dân.

Với ông Sư Vãi Bán khoai, một kỷ nguyên mới về sự truyền giáo mở ra. Bằng phương pháp giả dạng thay hình, khi thì làm người bán khoai, khi thì làm kẻ bán củi, ông xưng khùng xưng điên, đi nơi này chốn nọ, nhứt là ở vùng Kinh Vĩnh Tế và Cao Miên, khuyến hóa dân sanh lo tu hành niệm Phật. Chẳng bao lâu mà khắp dân gian ở miệt Cao miên cũng như ở vùng Long Xuyên và Châu Đốc. tinh thần Bửu- Sơn Kỳ- Hương được hưng khởi. Mặc dù ông không phát phái hay lập chùa chiền hóa độ, nhưng với quyển Sám giảng người đời gồm có 11 thiên mà ông cho truyền bá trong sanh chúng, không còn ai chẳng nhận ông là bực tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Người ta thấy lại những điều lập thuyết và giáo hóa của Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư phản chiếu trong quyền Sám giảng người đời ấy.

Lập thuyết của phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương, như mọi người đã biết, xây dựng trên lý tam nguơn. Cuộc đời xoay vần theo luật: từ Thượng nguơn, đến Trung nguơn rồi Hạ nguơn, khi Hạ nguơn mãn thì trở lại Thượng nguơn, và cứ như thế mãi mãi.

Cứ theo Đức Phật Thầy thì hiện nay xã hội loài người đã bước vào giai đoạn Hạ nguơn sắp mãn để lập lên cõi đời Thượng nguơn như Ngài đã cho biết :
Hạ nguơn đã cuối người ôi
Nay ta giáng bút để thôi coi đời.

Và Ngài không dứt nhắc đi lại:
Bảo người niệm Phật cho cần
Việc đời đã tới hầu gần đến đây.


Lập thuyết và giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An được ông Sư Vãi Bán khoai hiển thị trong quyển Sám giảng người đời.

Về lý tam nguơn, ông cũng nhận như Đức Phật Thầy:
Tam nguơn nay sắp hết rồi.
Phật Trời hội nghị lập đời Thượng nguơn.

Và ông cho biết:
Trẻ già đừng có nghi ngờ
Việc đòi ngó thấy bây giờ tới đây


Thời kỳ mà ông Sư Vãi Bán khoai ra đời lại nhằm thời buổi cực kỳ kháo khăn (1901) quân pháp đã đặt vững nền đô hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các cuộc kháng chiến cần vương lần lượt bị dẹp tất. Lòng dân đã chán ngán, đâm ra say đắm những quyến rũ của nền văn minh vật chất từ Tây phương mới du nhập. Trước làn sóng duy vật ồ ạt tràn đến, nền đạo đức cổ truyền một ngày một suy vi, thuần phong mỹ tục càng lúc càng bại hoại.

Trong cửa tu hành, những người thiệt tâm phụng sự Phật-pháp thì rất ít còn người ẩn dương nương Phật bày điều dối mỵ thì rất nhiều. ông Sư Vãi Bán khoai phải não lòng mà thốt ra những lời than trách.
Sao dám dối thế ngạo đời
Lên cốt Phật Trời tội đáng hay chưa?
Cạo đầu dối thế nào vừa.
Vào ở nhà chùa gạt chúng nuôi thân.


Hoặc là:

Dối gian quyên tởi của người.
Đem về ăn uống vui cười nghinh ngang.


Cảnh tu hành suy đồi dường ấy thì còn nói chi đến cảnh thế gian. Những người ăn hiền ở lành, noi theo gương xưa tục cổ thì tựa hồ như máy tan trước gió, lần hồi thỏn mỏn, còn kẻ làm gian làm ác, khinh Thánh khi Thần, ngạo đời hại vật thì chẳng khác nào đám người đi hội, càng lúc càng đông. Thấy người tu hành chẳng những không kỉnh vi thì chớ họ còn ngạo báng chê bai, xu phu theo kẻ quyền qui, diễn thành một xã hội đớn hèn đồi bại.

Trong quyển Sám giảng người đời ông Sư Vãi Bán khoai đã mô tả về hạng người ngạo đời hại vật:
Kiêu ngạo cười nói văn vi.
Rủ nhau trâu chó vậy thì làm ăn.
Trần gian lời tục nhạo rằng:
Làm lành đâu có dư trăm tuổi ngoài.
Ăn trộm ăn cắp sống dai
Chửi mắng nó hoài nào thấy chết đâu.

Về hạng khinh Bạc kẻ cơ hàn và xu phụ kẻ quyền quí:
Thấy ai đói khổ cơ hàn.
Thời lại chẳng màng bỏ xó khinh khi.
Chọn người điều đó phương phi.
Dù võng cậu dì chú thím lăng xăng.


Về hạng người lường công cướp của:
Cho vay gạo quỷ tiền ma.
Lấy lời thập bội đi ra cúng chùa.
Đến đâu nói nịnh nói hùa.
Lường công của thế quê mùa hàn vi.
Đói lòng phải ráng mà đi
Công làm thì có, tiền thì vốn không.

Về hạng người chửi Thánh mắng Thần:
Lại thêm hổn ẩu hùng hào,
Mắng nhiếc Trời Phật biết bao nhiêu lần.
Lại thêm chửi Thánh rủa Thần.
Cho nên mắc phải chung thân đọa đày.


Sống trong một xã hội hư hèn như thế, mà muốn thức tỉnh người đời trở lại con đường đạo đức thiện lương là một điều rất khó. Làm sao cho họ biết nhân biết nghĩa khi mà họ chỉ biết có danh có lợi, toan mưu thiết kế để được vinh thân phi gia, thua thiệt, nhục dục. Làm sao cho họ quầy đầu hướng thiện kính Phật kính Trời khi mà họ đã hoàn toàn mất cả đức tin.

Thế mới biết vai tuồng của ông Sư Vãi Bán khoai trong công cuộc chấn hưng đạo Nhân, xướng minh đạo Phật để làm sáng tỏ giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương là việc làm không phải dễ. Phải tùy cơ duyên của chúng sanh mà đưa ra phương pháp cứu độ, cũng như vị lương y phải tùy bịnh mà lập phương. Phật pháp xả diệu là chỗ đó.

Thế nên, mặc dù cũng đồng có nhiệm vụ xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, nhưng tùy ở hoàn cảnh xã hội mà ông Sư Vãi Bán khoai khéo léo áp dụng những phương pháp phổ hóa có khác hơn Đức Phật Thầy Tây An và các vị tiên giác, khái yếu có thể phân ra làm hai phần: 
1- Phần cảnh tỉnh;
2- Phần chỉ pháp tu.

1.PHẦN CẢNH TỈNH

Con người một khi mất cả tin tưởng, tin tưởng có Trời Phật, tin tưởng có quả báo luân hồi, tẩm phải ba cái độc: tham, sân, si thì khó mà thức tỉnh họ bằng những lý lẽ cao siêu, khó hiểu. Tâm trạng của họ ví như kẻ đang chạy mau, dầu có khuyên bảo điều chi, họ cũng không nghe kịp. Vậy muốn cho họ nghe, phải bảo họ dừng lại, cũng như muốn khuyên người làm lành, trước phải ngăn đừng cho họ làm ác nữa, như lời Phật đã dạy răn. Nhưng làm cách nào cho những người mất đức tin, đang giong ruổi trên con đường tội lỗi kia đứng lại?

Ông Sư Vãi Bán khoai đã khéo chặn đứng họ lại bằng cách báo động cho họ biết rằng phía trứơc có cái vực sâu, nếu họ cứ tiếp tục chạy tới mãi thì chẳng khỏi rơi xuống vực. Cái vực sâu mà ông Sư Vãi Bán khoai muốn nói đây là ngày "Phật Trời hội nghị lập đời Thượng nguơn", vì lẽ "Tam nguơn nay đã hết rồi". Và trong những ngày hội công đồng phán xét ấy :
Phật Trời Thần Thánh đâu dùng.
Mấy đứa hung ác còn dung nỗi gì !
Người nào niệm Phật từ bi.
Thần lành theo giữ sợ gì mang tai.
Lung lăng hung ác ỷ tài.
Thời cơ thần dữ theo hoài hai bên.
Khuyên trong thiên hạ gần xa.
Phải suy phải xét trẻ già chớ ươn.
Tôi đã biết hết tỏ tường.
Tội phước hai lẽ không phương nào lầm.
Tu hành thì đặng thiện tâm.
Ác nhơn lại mắc cõi âm luân hồi.


Rồi nhân đó, ông cắt nghĩa lý luân hồi quả báo:
Luân hồi xem thấy mà ghê.
Làm trâu làm chó nhiều bề thiết tha.
Làm tôi làm mọi vậy mà.
Sanh ra heo ngựa, tội ta đền bồi.

Và khi người đời thức tỉnh, nhận rõ con đường tội phước, ông Sư Vãi Bán khoai mới khuyên tu :
Tôi khuyên hết thảy chợ quê.
Ráng mà tu niệm chớ hề nghinh ngang.

Rồi ông biện giải về ích lợi của sự tu hành, của người làm lành lánh dữ:

Nói cho già trẻ đặng làng.
Ráng mà tu niệm Ngọc Hoàng thứ dung.
Bớt bớt việc dữ việc hung.
Lo làm nhơn đức, việc hung đừng làm.
Thời là mới đặng thanh nhàn.
Có thuyền Bát nhã xuê sang rước về.

Ông quả quyết rằng kẻ tu hành thì chắc chắn được thanh nhàn, đắc đạo, vì theo ông:

Thú vật tu hỡi còn thành.
Người sao chẳng biết làm lành tu thân.
Mấy người ác đức bất nhân.
Không coi theo thú trau thân tu hành.
Thú vật cải ác còn thành.
Người cứ làm lành vốn thiệt Như Lai.

Sự tu đã quý báu và chắc chắn như thế, nhưng mà tu bằng phương pháp nào?

2.PHẦN CHỈ PHÁP TU

Giáo lý hay pháp môn hành đạo của ông Sư Vãi Bán khoai có thể tóm lược trong hai câu sau đây:
Niệm Phật phải giữ Tứ Ân
Ơn nhà ơn nước xử phân trọn nghì.


Nghĩa là gồm có hai giáo pháp: Tu Nhân (Tứ Ân) và Học Phật (Niệm Phật).

Về Tứ Ân: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo, và Ân đồng bào nhân loại, ông Sư Vãi Bán khoai cũng như Đức Bổn Sư, đặc biệt biểu dương tinh thần Hiếu hạnh đối với Tổ tiên cha mẹ, và Nghĩa khí đối với quê hương đất nước, như ông thường nhắc nhở :
Minh tâm là sách Hớn đàng
Hiếu chỉ rõ ràng sao chẳng học coi.
Luật Nam nghĩa lý hẳn hòi.
Ơn cha nghĩa mẹ sự vua trung thần.
Thiệt là luân lý Tứ Ân.
Sao không lấy đó xử phân lấy mình!

Ân Tổ tiên

Ông không dứt lặp đi lặp lại:
Cửu huyền thất tổ đừng quên.
Vừa hương bát nước chẳng nên sai lầm.

Hoặc là:
Tu là kính trọng mẹ cha.
Cầu Trời cầu Phật Di Đà cứu an.

Ân đất nước

ông chỉ cho thấy gương những vị anh hùng vị quốc vong thân đã được người đời ghi công dựng miễu:
Không coi mấy vị Thánh Thần.
Trung quân ái quốc nhân dân miễu thờ.

Đến như giáo pháp Học Phật, ông Sư Vãi Bán khoai không chủ trương là Thiền Tịnh song tu như Đức Phật Thầy Tây An hay Đức Bổn Sư, mà chi xiển dương và phát huy pháp môn Tịnh độ, nhứt tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh về Cực lạc.
Ông cực lực tán thán pháp môn niệm Phật, vì theo ông niệm Phật sẽ được nhiều lợi ích như sau :
1. Cải sửa tánh tình :
Niệm Phật phải sửa tánh tình.
Ở ăn ngay thẳng chớ tình phang ngang
2. Diệt trừ tham, sân, si :
Niệm Phật bỏ tánh câu mâu
Thì sau mới đặng một câu thanh nhàn.
3.Giải phiền não:
Niệm Phật vui thú thảnh thơi
Buồn sầu giải hết, mặc người cười chê.
4. Tăng lòng thương người , mến vật :
Niệm Phật hầm hút cháo rau
Thương người tàn tật sang giàu đừng ham.
5. Tiêu trừ tật bịnh :
Niệm Phật tật bịnh tiêu tan.
Như sương tan tát như hồ nước trong.
6. Được thần linh bảo hộ :
Niệm Phật có bốn thần linh.
Thường thường bảo hộ bên mình mộ khan.
7. Được phát vãng lai cứu nạn:
Niệm Phật có Phật vãng lai.
Lâm cơn nạn tám Phật sai cứu mình
8. Cứu được Cửu huyền thất tổ:
Niệm Phật thọ mạng tang long.
Cửu huyền thất tỏ đặng về Tây phương.
9. Được hiển vinh
Ráng mà niệm Phật cứu mình.
Đến chừng lập hội Long đình hiển vinh.
10. Được vãng sanh về Cực lạc
Niệm Phật sen nở đợi chờ.
Cây nào bóng nấy bốn mùa tốt tươi.

Hay là :
Niệm Phật Cực lạc hân hoan.
Ta bà khổ não giàu sang mấy hồi.

Pháp môn niệm Phật đã thù thắng như thế, cho nên ông Sư Vãi Bán khoai khuyên phải gắng công trì niệm, chí thành chí thiết thì chắc chắn được kết quả, chẳng khác người trồng cây thì thế nào cũng đâm chồi nảy tược:

Niệm Phật như thể trồng cây.
Vun phân tưới nước thì cây đâm chồi.
Ai mà niệm Phật thả trôi,.
Cũng như cây bén mà người nhổ lên
Lập vườn muốn lập cho nên,
Đặng nhiều cây nhánh vững bền dài lâu.
Ở đời ít kẻ lo âu.
Niệm Phật ít tiếng, câu mâu nhiều lời.

Sở dĩ ông Sư Vãi Bán khoai về Học Phật và khuyên người chí quyết niệm Phật là vì pháp môn này chẳng những dễ tu mà còn kết qủa lại chắc chắn. Phương chi, người đời lúc bấy giờ tâm trí còn hoang mang, căn cơ còn thiểu bạc, nếu nhứt thiết đem giáo lý cao siêu của Thiền tông chỉ dạy thì không khỏi làm cho họ chán nản.

Vả lại, ông Sư Vãi Bán khoai ra đời trong một thời gian quá ngắn, rầy đây mai đó, không kịp lập quy mô một nền đạo thì thiết tường sự giáo hóa của ông được bấy nhiêu kể cũng nhiều lắm rồi. Với cái hoàn cảnh xã hội như thế, ông không thể làm hơn nữa được, vì ông chỉ có sứ mạng chuẩn bị, đến như công trình chấn hưng giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương phát huy pháp môn Tu Nhân Học Phật trên những quy mô rộng lớn và xiển minh giáo lý siêu mầu của Đức Phật, còn phải chở công hoằng hóa của Đức Huỳnh giáo chủ.

HẾT

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật