TRANG PHỤC CỦA TÍN ĐỒ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Credit

TRANG PHỤC CỦA TÍN ĐỒ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA

TRANG PHỤC CỦA TÍN ĐỒ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA

Một tấm lòng nhàn mây sắc trắng 
Trăm đường lợi tục nước màu xanh

Trang phục của người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là trang phục cổ truyền của người Việt Nam bộ cuối thế kỷ XIX được duy trì đến tận ngày nay. Vì thế, nét riêng của trang phục Tứ Ân Hiếu Nghĩa chỉ có ý nghĩa, gây chú ý từ đầu thế kỷ XX, nhất là sau phong trào Duy Tân (1906 - 1907) và các quá trình chuyển tiếp trong "cái mặc" của thời đại mà thôi...


Trang phục của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, từ hàng ngũ chức sắc như ông Trò, ông Gánh, Cư sĩ, người Quản tự đến mọi tín đồ nói chung đều giống nhau - không có sự phân biệt theo chức sắc, ngôi vị như tôn giáo khác (trang phục của tu sĩ đạo Phật phân biệt qua màu sắc, cách may, tùy vào cấp bậc, chức sắc mỗi người [88 : 133]).
Về thường phục bộ áo quần bà ba đen là trang phục truyền thống xưa nay của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Gọi là áo quần bà ba đen vì chỉ may bằng vải đen, loại thô, áo bốn thân cài khuy ở giữa; ống tay áo, quần rộng [146 : 83]. Ngoài bộ áo quần bà ba đen thường phục, mỗi tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải có tối thiểu một chiếc áo dài đen và chiếc khăn đóng. Khăn đóng, áo dài may bằng vải thường, không dùng hàng lụa, chỉ mặc khi cúng lễ ở chùa, đình, miếu, Tam Bửu gia hay ở nhà thân bằng. Khăn đóng thường dùng cho đàn ông là một dải vải đen dài nhưng hẹp. Khi quấn lên đầu phải đúng bảy vòng (chừa ngấn để phân biệt từng vòng). Phía sau đỉnh đầu để lộ búi tóc.
Khi đến cúng ở đâu, dù là chùa hay nhà thân bằng, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đều đi chân đất, tuyệt đối không mang dép (ngày nay có sự châm chước để thích hợp trào lưu).
Khác với tăng ni Phật giáo, ông Trò, ông Gánh, Cư sĩ và tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa nói chung khi nhập đạo không thí phát, cạo râu tóc. Trái lại, những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không phân biệt chức sắc, đàn ông, đàn bà đều chủ trương để râu tóc mọc một cách tự nhiên. Tóc để dài và bới lên thành búi (kiểu củ hành) sau gáy, lúc lao động thì dùng khăn quấn lại, khi quấn khăn đóng để lộ búi tóc ra như một sự nghiêm túc, cẩn trọng. Theo tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, sở dĩ phải để tóc râu như vậy vì Hiếu Nghĩa kinh của Đức Bổn Sư có câu dạy rằng: "Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất khả hủy thường" (có nghĩa là thân thể mình, da tóc mình là nhận của cha mẹ cho, không nên phá hại, cắt bỏ). Thực ra, quan niệm này có nguồn gốc theo tục Hán - Đường (Trung Quốc) [15 : 3371], nhưng những năm đầu thế kỷ XX trở về trước "để tóc" là đẹp, hiếu và là tục phổ biến của đàn ông Việt Nam [15 : 336], [146 : 82]. Có ý kiến cho rằng tục để tóc của người Việt có từ thời thượng cổ [2 : 194]. Việc để tóc râu như một hành động hiếu thọ đối với cha mẹ được Đức Bổn Sư chép vào kinh, truyền dạy cho tín đồ hẳn là nằm trong quan niệm chung đó, mặc dù bấy giờ ngoài việc chế nhạo cách ăn mặc tân thời của người Việt làm công cho Pháp đã xuất hiện [157 : 59] nhưng vẫn chưa có trở lực nào đáng kể bài trừ tập tục này. Và, điều này trở nên đặc biệt, gây chú ý nhiều hơn khi vào đầu thế kỷ XX, với sự phát triển rộng khắp của phong trào Duy Tân mà trong đó việc cắt búi tóc mang ý nghĩa của hành động chính trị, tiêu biểu cho ý muốn đổi mới của dân tộc [43 : 29], là hành động thiết thực đổi chữ “bất hiếu” lấy "nước nhà phú cường" [71 : 1301], được đại đa số nhân dân từ Bắc chí Nam hưởng ứng, nhưng tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa chẳng những không bị ảnh hưởng của phong trào đó mà còn duy trì việc để tóc một cách phổ biến đến tận ngày nay.
Ngoài phần trang phục đáng lưu ý trên đây, từ các vị có chức sắc đến tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa nói chung không có các vật dụng tùy thân mang tính đặc trưng riêng của tôn giáo (chẳng hạn, như một tu sĩ Phật giáo thường mang bên mình túi xách, chuỗi hạt, bình bát… [88 : 1401]).
Như vậy, điểm đặc biệt trong trang phục của người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (từ áo quần, khăn, tục để râu tóc, không đi dép...) không phải là nét riêng của sự sáng tạo ra kiểu thức mới mà chỉ là sự bảo lưu lâu dài tập tục của dân tộc, cho dù những tập tục đó có lúc đã bị lên án là cổ tục [15 : 336] và ngày nay không còn phổ biến trong người Việt nói chung nữa. Điều này, một mặt thể hiện bản lĩnh trong quan niệm riêng về hiếu thảo của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, mặt khác chứng tỏ tinh thần bảo lưu triệt để truyền thống cha ông xuất phát từ lòng yêu nước [154 : 57] và thể hiện thái độ phản kháng văn minh phương Tây [114 : 56] trong bối cảnh thực dân xâm lược nước ta. Tất nhiên, những quan niệm đầy bản lĩnh trong buổi đầu ấy đã trở nên có sức sống, được duy trì lâu dài trước những đổi thay của xã hội để rồi cuối cùng bộ áo bà ba thường phục, chiếc áo dài đen, khăn đóng, tóc búi tó, đi chân đất… đã trở thành trang phục truyền thống của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

ĐINH VĂN HẠNH





Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
إرسال تعليق

إرسال تعليق

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật