Ông Huỳnh Thạnh Mậu

TIỂU SỬ ÔNG
HUỲNH THẠNH MẬU

Sơ Lược Lại Tiểu Sử Ông Huỳnh Thạnh Mậu Bào Đệ Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo


A. Tiểu Sử Ông Huỳnh Thạnh Mậu

Ông HUỲNH THẠNH-MẬU (mà người ta thường kêu là Sáu Mậu hay Út Mậu) sanh ngày mùng 10 tháng 2 năm Ất –Sửu (1925) tại thôn Hòa Hảo, thuộc quận Tân-Châu, tỉnh Châu Đốc.

Ông Mậu là người có một thân hình mảnh khảnh, không thấp không cao, gương mặt cương-quyết tuy vui vẻ trẻ-trung đôi mắt sáng trong và cặp môi duyên-dáng.

Ông có tánh thông-minh khác thường nên học điều gì cũng mau nhớ hơn người, mà thấy ai làm chuyện gì cũng làm theo y hệt.

Thuở nhỏ, có lần Ông đi xuống Chợ-Đình (Hòa-Hảo) coi Sơn-Đông mãi võ. Khi về nhà, Ông ra sân diễn lại “lớp” ấy một cách vừa hay-ho, vừa giống y điệu-bộ cũng như âm-giọng, làm cho Đức Ông và Đức Bà tức cười nôn ruột.

Đã thông-minh Ông Mậu lại còn là người có tánh dạn-dĩ, không rụt-rè nhút-nhát, nói năng hoạt-bát mà dịu-dàng, và nhứt là có một tấm lòng bác-ái vị-tha đáng kính...

Ông Huỳnh Thạnh-Mậu lúc 8 tuổi đã biết rành chữ quốc-ngữ. Nhưng vì ở trong một gia-đình chịu ảnh hưởng Nho-Giáo nên khi lên 9 tuổi ông lại phải đi học chữ Hán.

Ông nhập-môn (Nho học) tại trường của Ông Thầy Bảy Ngàn ở phía trên chợ Mỹ-Lương (Hòa-Hảo) một đỗi. Sau đó, ông lại từng học với Thầy Ba Đạo, rồi với ông Mười (ở Hòa-Hảo). Sau rốt, ông đến thọ giáo với Thầy Hai Chức tại Phú An.

(mất chữ...) là người có thiên-tư sáng-suốt nên ông (mất chữ...) đủ các sách MINH-TÂM và TỨ-THƠ.

Ông lại sang qua học nghề thuốc Bắc là môn Đông-y cổ-truyền. Ông đã học chẩn mạch rành-rẽ, nhưng vì thời-cuộc biến-chuyển nên năm 1939 ông buộc lòng phải ngưng y-học trong lúc sắp thành tài.

Năm 1943, ông lên Sài-Gòn và tiếp-tục học. Nhưng lần này ông không học chữ Hán, mà lại học chữ Nhựt. Không bao lâu ông nói rất rành và viết rất đúng tiếng Nhựt. Ai ai cũng nhận thấy rằng ông là một người học trò sáng dạ và dạn-dĩ nhứt.Các bạn học của ông thường nhắc câu chuyện dưới đây, đã xảy ra khi ông mới học tiếng Nhựt.

Một hôm, khi giờ học đã mãn, ông Mậu ra đường gặp một sĩ-quan Nhựt, ông không ngần-ngại chận viên sĩ-quan ấy lại và nói toàn tiếng Nhựt. Các anh em bạn học của ông rất ngạc-nhiên vì họ tự hỏi: Ông Mậu mới học tiếng Nhựt đây mà sao lại nói mau lẹ như thế?! Giữa ông và viên sĩ-quan Nhựt lời qua tiếng lại một hồi, bỗng nhiên ông Mậu không nói nữa. Viên sĩ-quan chẳng hiểu tại sao ông Mậu không thèm trả lời mà chỉ gật đầu rồi bỏ đi. Các bạn ông cũng vậy. Ông bèn cười xòa và nói: “Học được mấy chữ thì đem ra nói hết mấy chữ đó rồi thôi, không nói nữa, chớ có ai rầy la gì mà sợ!”

Trong thời-kỳ đi học, ông phải sống một cách hàn-vi, mặc dầu ông là bào-đệ của ĐỨC THẦY.

Tuy đã được 21 tuổi, nhưng ông Huỳnh Thạnh-Mậu chưa chịu lo bề gia thất, vì ông cho rằng cái tuổi thanh xuân của ông còn phải đem giúp ích cho đời, chớ nếu sớm tính việc thê-hoa thì làm sao lo tròn sự “tang bồng hồ thỉ nam-nhi trái?”

Thế là ông chỉ nghĩ đến một gia đình thôi, ấy là đại gia-đình Việt-Nam vậy... Nhưng, để bù đắp vào sự thiếu-thốn ấy, ông có xin một đứa con nuôi, mà đứa con nuôi ấy chính là kẻ viết thiên tiểu-sử này vậy.

Nguyên nhân là trong khi theo đuổi việc học-vấn tại Sài-Gòn, và mặc dầu lúc ấy nhà đương-cuộc Pháp ra lịnh truy-nã ông rất gắt, nhưng lúc nào ông cũng nhắc-nhở đến tôi, một đứa cháu kêu ông bằng chú.

Ông thường nói rằng: “Thiếu-niên là những mụt măng, nếu ta khéo vun-quén uốn-nắn thì sau này chúng nó sẽ là rường-cột của nước nhà. Tôi có một đứa cháu trai học-thức cũng khá. Với sự hiểu biết của nó, nó có thể giúp ích đời, nhưng tiếc vì nó còn nhỏ, trí còn non, mà lại ở trong gia-đình có nghịch cảnh. Biết đâu vì nghịch cảnh ấy, vì trí non-nớt ấy, nó sẽ phán-đoán sai lầm rồi đâm ra liều-lĩnh và sa vào hầm-hố truy hoan thì uổng lắm! nếu có dịp tôi sẽ đem nó theo bên cạnh tôi để chỉ-bảo...”

Một bữa nọ, Đức Ông kêu tôi lại hỏi: “Ông thường nghe nói chú út cháu nhắc-nhở đến cháu luôn, và có ý muốn bảo-trợ, chỉ-dẫn cho cháu nên người hữu-dụng sau này. Vậy cháu nghĩ sao?

- Thưa ông, nếu chú út có lòng tốt như vậy thì con rất lấy làm hữu hạnh. Nhưng biết chú út ở đâu mà tìm cho gặp?

- Cái đó không khó. Nếu cháu muốn như vậy thì đây, ông cho cháu cái giấy giới-thiệu và tiền lộ-phí. Phải coi y theo giấy đó mà tìm. Người ta thì khó, chớ có giấy của ông thì dễ lắm. Ông chỉ giúp cho gặp chú út cháu thôi. Khi gặp rồi thì có chú út cháu đó nó sẽ tính cho”.

Trời đã về chiều. Ông Huỳnh Thạnh-Mậu ngừng xe mô-tô nơi nhà trọ.

Vừa vui mừng vừa ngạc-nhiên, ông vội-vã hỏi tôi: “Ủa, Dữ! Sao cháu biết chú ở đây mà tìm?

- Thưa chú, có giấy của Đức Ông chỉ dẫn.

- À! Phải. Thôi lên đây chú nói chuyện cho mà nghe”.

Rồi đó, ông tiếp: “Chú cũng như cha. Mà chú thấy Dữ không ai huấn-luyện, chỉ-dẫn thì chú lấy làm thương hại. Vậy nếu Dữ bằng lòng nhận sự chỉ-bảo của chú thì chú sẽ xin Dữ làm con nuôi để chú dưỡng nuôi dạy bảo cho Dữ nên người. Vậy Dữ vui lòng hay chăng chớ chú không ép!

- Thưa chú, việc ấy cháu rất bằng lòng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Bởi vì, dầu sao cháu cũng còn là một đứa con trong gia-đình cháu, thì biết Tía cháu có nói gì không?

- Như vậy thì Dữ đã bằng lòng. Ngày mai cháu cứ ở tại đây chờ chú, đến chiều chú sẽ về”.

Sớm tinh sương, ông Huỳnh Thạnh-Mậu xách cặp ra đi, không biết là đi đâu. Đến chiều bữa sau ông mới về.

Ông chưa vô đến cửa là tôi đã nghe tiếng ông cười. Liệng cái cặp trên bộ ván, ông vồn-vã vỗ đầu tôi và nói: “Tất cả mọi việc đều xong-xuôi!

- Chú nói gì, cháu không hiểu? Và chú đi đây bữa nay mới về?

- Chú đi về nhà cháu chớ đi đâu? Chú đã gặp Tía cháu, chú giải-thích cho Tía cháu hiểu mọi lẽ. Rốt cuộc, Tía cháu bằng lòng cho đứt cháu cho chú làm con nuôi. Vậy bắt đầu từ nay, cháu là con của chú vậy! Nhưng, còn điều này: Đã đành từ nay cháu là con của chú. Nhưng xét ra chú cũng không lớn hơn cháu bao nhiêu tuổi. Vậy, về bên trong thì chú cháu cứ kêu chú bằng chú như thường, vì chú cũng như cha vậy”.

Thế là bắt đầu từ ngày ấy, trên bước đường tranh-đấu của ông Huỳnh Thạnh-Mậu, những lúc xa quê-hương xứ-sở xa người quyến-thuộc mến-yêu, ông được an-ủi với đứa con nuôi ở bên mình, vui chung hưởng, buồn chung lo.

Trong quãng đời ấy, ông có cho tôi vào học tiếng Quảng-Đông ở trường Huê-Kiều, tại Long Xuyên. Nhưng vì thời-cơ không thuận tiện nên tôi không tiếp-tục sự học như ý muốn được.

Một ngày nọ, ông Huỳnh Thạnh-Mậu kêu tôi lại dặn:

“Dữ phải ở lại Saigon! Cháu cứ noi theo anh em người ta đó mà làm việc, và cần nhứt là phải làm việc phụng-sự cho Đất-Nước. Tuy chú vắng mặt nhưng không sao, sẽ có ĐỨC THẦY dạy bảo cho...

- Còn chú đi đâu, lại không đem cháu theo?!

- Đành rằng lúc nào chú cháu mình cũng không thể xa nhau. Nhưng nay cháu phải nghe lời chú, ở lại đây đi! Chú về Cần-Thơ vì có sứ-mạng quan-trọng lắm, không thể đem cháu theo được!”

Thế rồi ông từ giã ra đi, đi không trở lại...

B. Giai Đoạn Tranh Đấu - Hy sinh vì Đạo, Tự Do, Độc Lập

Từ 1943 đến 1945, ông Huỳnh Thạnh Mậu cộng-tác với quân-đội Nhựt đang đóng trên toàn cõi Đông-Dương để tiết-chế tinh-thần xâm-lăng của Đế-quốc Pháp. Vì lẽ ấy nhà đương-cuộc Pháp ra lịnh truy tầm ông một cách gắt-gao.

Đêm 9-3-45, quân Nhựt triệt-hạ chánh quyền Pháp ở Đông Dương. Các lực-lượng quân-sự của Pháp hoàn-toàn tan rã. Ở Việt-Nam, quân Nhựt đã chánh-thức nắm quyền cai-trị.

Trong giai-đoạn này ông Huỳnh Thạnh-Mậu hiệp-tác chặt-chẽ với quân Nhựt để giúp đỡ phần nào cho dân chúng bị Hiến-Binh Nhựt bắt bớ (Ông lãnh nhiệm-vụ thông ngôn cho viên thượng sĩ-quan Nhựt, Chỉ-huy miền Tây Nam-bộ).

Điều đáng chú y là: tuy cộng-tác với nhà binh Nhựt, nhưng ông Mậu không hề thọ lãnh tiền trợ-cấp của quân Nhựt vì mục-đích của ông là giải-cứu anh em tín-đồ và đồng bào bị quân Nhựt giam cầm, chớ không phải hiệp-tác vì tư lợi và để làm tay sai cho Nhựt. Bởi lẽ ấy mà quân Phù-Tang không dám khinh-thường trang thanh-niên mảnh-khảnh mà đầy nhiệt huyết ấy.

Trong thời-kỳ cộng tác này, ông Mậu can-thiệp với nhà chức-trách để phóng-thích rất nhiều người Việt đủ các giới đã bị quân Nhựt bắt. Anh em tín-đồ Hòa-Hảo nhờ cậy ông trong việc này không ít.

Tháng 8 năm 1945, Nhựt đầu hàng vô điều-kiện sau khi phe Đồng-Minh liệng xuống Quãng-đảo và Trường-Kỳ hai trái bom nguyên-tử.

Ở Việt-Nam, nhứt là Nam-Việt, các đảng phái, các tổ-chức chánh-trị hoạt-động ráo-riết.

Ngày 14-8-45, Mặt Trận Quốc-Gia Thống-Nhứt thành-lập tại Saigon, có đoàn-thể P.G.H.H. tham gia.

Ngày 24-8-45, các báo tại Saigon đều đăng tin M.T.Q.G.T.N. đã thỏa-thuận gia-nhập Mặt Trận Việt-Minh.

Sáng ngày 25-8-45, Việt-Minh yết thị danh-sách Lâm-Ủy Hành-Chánh Nam-Bộ (gồm có 9 nhân-vật: Trần Văn Giàu và bè lũ của hắn). Không cần nói ra, ai cũng biết rằng đây là một hành-động độc tài, trái với chánh-thể dân-chủ cộng-hòa.

Từ sau ngày 25-8, dư-luận các đảng-phái và các báo-chí đối với công việc làm của Lâm-Ủy Hành-Chánh Nam-Bộ không được tốt. Rồi thì nhiều vụ bắt-bớ đảng-phái đối-lập xảy ra lung-tung, nhứt là sau vụ lộn-xộn trong cuộc biểu-tình độc-lập ngày 2-9-45 và sau khi quần-chúng xôn-xao vì nghe tin 4 sư-đoàn dân-quân bị giải-tán.

ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ tố-cáo một cách khéo-léo rằng Ngài có đủ tài-liệu chứng tỏ Trần Văn Giàu đã có thông đồng với Pháp. Ngài rất đanh thép với danh-từ “Việt-Gian” và “V.M. giả”, “V.M.thiệt” trong khi lập luận, chất-vấn tại hôi nghị, ám chỉ Trần Văn Giàu.

Đứng trước những hành-vi mờ-ám, độc-tài thế ấy, và trong lúc nền độc-lập của Nước Nhà bị hâm dọa, khối tín-đồ H.H có bổn-phận áp-dụng quyền tự-do của người công-dân sống dưới chánh-thể dân-chủ cộng-hòa để phản kháng trước dư-luận quần-chúng.

Vậy nên anh em tín-đồ ở Cần-Thơ được lịnh tổ-chức ngày mùng 3 tháng 8 năm Ất-Dậu (8-9-45) một cuộc biểu-tình khổng-lồ với ba khẩu hiệu:

- VÕ-TRANG QUẦN-CHÚNG
- TẨY UẾ NHỮNG PHẦN TỬ THÚI-NÁT TRONG ỦY-BAN HÀNH-CHÁNH NAM-BỘ
- ỦNG-HỘ TRIỆT-ĐỂ CHÁNH-PHỦ VIỆT-MINH.


Ban Tổ-Chức cuộc biểu-tình này đã có xin phép bữa trước với Ủy-Ban Hành-Chánh Cần-Thơ, thế mà ngày nói trên đây, bọn độc-tài không cho mấy vạn tín-đồ H.H đi biểu tình.

Ba ông Huỳnh Thạnh-Mậu, Nguyễn Xuân-thiếp (tức thi sĩ Việt-Châu) và Trần Ngọc Hoành (con trai ông Trần Văn Soái, đương kim Tổng Tư Lịnh Quân-Đội P.G.H.H.) điều-đình mãi với V.M mà cũng vô hiệu-quả.


Anh em tín-đồ nhẫn-nhịn chờ-đợi tới trưa. Rốt cuộc họ đành tự giải-tán trở về nhà. Nhưng thình-lình bên V.M bắn xả vào đám quần-chúng không võ-trang, bắt ba ông nói trên đây và cả vạn tín-đồ (kể luôn tín-đồ các tỉnh miền Tây nam-Bộ) giam cầm đánh-đập và phao vu đủ điều...

Trong lúc “Giặc Pháp hờm tay trao ách sắt, Dân Nam chờ kẻ vụt roi cu” (lời ông Nguyễn Xuân-thiếp), mà lại có sự chia rẽ nộ-bộ làm suy-giảm lực-lượng kháng-chiến thì ai mà chẳng xót dạ đau lòng. Nhưng tình-cảm của khối P.G.H.H. lúc đó là:

Đành ngó non sông nhuộm máu đào,
Thời-cơ độc nhứt cứu đồng-bào.
Muôn ngàn chiến-sĩ chờ ra trận,
Bỗng vướng gông cùm chốn ngục lao!


(Lời ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ)

Vì là tín-đồ rường cột và cũng là những tay hoạt-động rất đắc-lực nên ba ông Mậu, Thiếp, Hoành đều bị bắt và điệu về khám.

Nơi đây, lần-lượt các ông được gặp mặt các bực trí-thức và các nhân-viên trọng-yếu trong Đạo ở Cần-Thơ, Châu-Đốc, Sóc-Trăng, Bạc-Liêu, Rạch-Giá, Sa-Đéc, Sài-Gòn v.v...

Vài bữa sau, ông Mậu bị Quốc-Gia Tự-Vệ Cuộc (Công-An V.M) đòi. Họ tra-tấn ông một cách tàn-nhẫn, nên khi ông được đưa về khám, anh em phải vận-động mua đường và thuốc rượu cho ông uống để tan máu bầm!

Thuở ấy, vài anh em Thanh-Niên Tiền-Phong có nhiệm-vụ hiệp lực với Cộng-hòa Vệ-binh (lính mã-tà thời Pháp-thuộc, sau theo V.M.) để giữ khám-đường. Họ nhận thấy anh em tín-đồ H.H. mắc hàm oan nên động mối từ tâm, tình nguyện lãnh mua giúp những món cần-thiết đem vô cho anh em trong khám đặng tránh giùm cái nạn mua 1 kí-lô đường giá 20 đồng, một manh giấy giá 15 đồng, v.v... Không ngờ cái nghĩa-cử ấy lại làm cho họ phải bị tình-nghi là thân H.H. nên không được cắt giữ khám nữa.

Suốt thời-kỳ bị giam-cầm trong khám Cần-Thơ, ông Huỳnh Thạnh-Mậu bao giờ cũng tỏ ra có một tinh-thần bất-khuất và một tín-ngưỡng vô song.

Trước cảnh gian-lao nguy-hiểm, ông không hề khiếp-đảm vì V.M., luôn-luôn ông vẫn tin tưởng rằng ĐỨC THẦY có đủ thao-lược mưu-cơ để ứng dụng trong cơn nguy-nàn biến-cố.

Ông nhấn mạnh cho anh em tín-đồ cùng bị giam biết rằng: trong cái dở biết đâu là chẳng có cái hay? Ông cũng nhắc lại lời ĐỨC THẦY dặn toàn-thể bổn-đạo rằng: “Nay mai nếu có xảy ra chuyện gì lớn-lao to-tát phi thường thì cũng đừng sợ-sệt gì hết, hãy bình-tĩnh và tin-vậy nơi sự dìu-dắt và lo toan của Thầy”.

Một hôm nọ, sau khi uống hơi nhiều thuốc rượu nghề võ (thuốc đả thương), ông Mậu say vùi. Trong khi đột-ngột xuất thần (en extase) ông nói một loạt tiếng Nhựt dòn như pháo nổ... Rồi, với một điệu giọng thanh tao trầm bổng như hát, như ca, ông tuôn ra những lời văn lưu-loát, đại ý tiếc mình không được chứng-kiến sự thành-công rực-rỡ của Đoàn-Thể và dịp ca khúc khải-hoàn của Tổ-Quốc Việt-Nam...!

Anh em tín-đồ ai ai cũng chắt lưỡi thương tâm. Một vài người đã đoán rằng đây là những lời văn tuyệt mạng, nên lấy làm lo ngại cho ông...

Lối nửa tháng sau, anh em trong khám vận-động được một tờ báo của V.M. tường thuật về vụ họ khủng-bố P.G.H.H. ở Cần-Thơ và bao vây trụ-sở ĐỨC THẦY tại đường Sohier-Miche ở Sài-Gòn đêm 9-9-45. Báo ấy chứa toàn những điều phao-vu láo-khoét làm dư-luận quần chúng hoang-mang. Ông Mậu bèn thủ-tiêu tờ báo ấy và nói: “Tôi không cố ý binh-vực ĐỨC THẦY bởi tình máu-mủ, nhưng vì tờ báo ấy gồm toàn những chuyện bịa-đặt để tuyên-truyền xấu cho Đạo mình, thì anh em coi làm gì cho rối-loạn đức-tin..”.

Một tháng sau, vào ngày mùng 2 tháng 9 năm Ất-Dậu (7-10-45) lúc tinh sương, bọn độc-tài V.M. cho xe hơi chạy khắp châu-thành Cần-Thơ để rao bằng ống loa cho dân-chúng hay rằng: “3 giờ chiều ngày nay sẽ “xử án đạo” tại sân vận-động Cần-Thơ, ai có đi coi thì đi”.

Tin ấy truyền ra làm cho dân-chúng mười phần sôi-nổi.

Chiều ngày mùng 2 tháng 9 Ất Dậu, bầu trời đang tươi sáng bỗng biến ra ảm-đạm. Mây đen che phủ một góc trời, báo điềm một tai-vạ đau-thương sắp đến cho đoàn-thể P.G.H.H và cho Tổ-Quốc Việt-Nam.

Đúng 3 giờ chiều một chiếc xe hơi mui kín chạy đến vận-động trường Cần-Thơ. Xe vừa mở cửa, người ta thấy ông Huỳnh Thành-Mậu bước xuống liền, theo sau là hai ông Nguyễn Xuân-Thiếp và Trần Ngọc-Hoành. Xe ấy lại cũng có chở theo ba cái hòm...!

Ông Mậu mặc chiếc áo sơ-mi tay ngắn, trông người ốm hơn trước vì bị quá lao-khổ trong cảnh tù đày. Tay ông bị còng nhũng-nhẵng với ông Thiếp và ông Hoành.

Nhìn lên, ta thấy gương mặt ông Mậu lạnh-lùng cứng-rắn, cương-quyết oai-nghiêm... Đôi mắt sáng-quắc lên, ông điểm một nụ cười ngạo-nghễ trước cái chết.

Bọn độc-tài dẫn ông Mậu lên khán-đài. Thấy máy vi-âm, ông chụp ống phát-thanh toan tố-cáo bọn độc-tài trước dư-luận quần-chúng. Nhưng ông bị chúng ngăn-cản. Kế đó họ tuyên bố tội trạng(?!) ba ông Mậu, Thiếp, Hoành, những tội-trạng mà chúng đã tưởng-tượng ra để ghi vào hồ-sơ cho có cớ!

Đoạn chúng đem vải bịt mắt đến, nhưng bị ông Mậu kháng-cự và lớn tiếng sỉ-mạ thậm-tệ. Kế đó, ông dõng-dạc hô to khẩu-hiệu:

VIỆT-NAM ĐỘC-LẬP MUÔN NĂM!
PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO MUÔN NĂM!
ĐẢ ĐẢO BỌN ĐỘC-TÀI KHÁT MÁU!


Một loạt súng nổ, ba vị anh-hùng của Đoàn-thể đã từ giã cõi đời! Tiếng cười ngạo-nghễ của ông Mậu đã lịm dần trong máu đỏ!

Trên không trung, mây giăng đen kịt, bầu trời ảm-đạm phi thường, tiếng sấm-sét gầm thét dữ-dội. Một trận mưa to kéo đến, làm nước tuôn như cầm tĩn mà đổ, tràn ngập cả sông ngòi...

Cái chết của ba ông Mậu, Thiếp, Hoành – ba chiến-sĩ tiền-phong của P.G.H.H. – hẳn đã làm động lòng Trời, Phật, Thánh, Thần!

Sau khi đó, bọn V.M. đem thi-thể ba người mà chúng vừa hành-quyết vào nhà xác trong Dưỡng-Đường Cần-Thơ. Qua bữa sau, chúng mới đem chôn sơ-sài tại nghĩa-địa gần đó.

Hiện giờ mồ-mã của ba vị tín-đồ tử vì Đạo vẫn còn tại chỗ cũ. Để tỏ lòng mến-phục các vị ấy, anh em trong Đạo có xây đúc mả vôi và làm hàng rào chắc-chắn, ngoài cửa mộ phần có hai câu đối:

MAI CỐT BẤT MAI VONG-QUỐC HẬN
HOÁN THÂN NAN HOÁN ĐẠO-TÂM NHƠN


Nghĩa là: chôn hài cốt được chớ không thể chôn mối thù mất nước, làm tan-tác thân-xác được chớ không thể làm tan-tác đạo-tâm được.

Tại sao ông HUỲNH THẠNH-MẬU chết?


Bất kỳ người tín-đồ H.H. nào cũng biết rằng ông chết vì trung-thành với ĐẠO, vì tuân mạng-lịnh của THẦY, vì đã hy-sinh tranh-đấu cho nền độc-lập, tự-do của DÂN của NƯỚC chẳng nệ nguy-hiểm gian-lao, chẳng màng vinh-hoa phú-quí...

Ông Huỳnh Thạnh-Mậu đã hy-sinh tất cả từ tinh-thần đến xác-thể, luôn cả cuộc đời tươi đẹp của ông. Đến ngày tuyệt mạng, chỉ thấy ông mặc một cái quần cũ và cái áo sơ-mi cụt tay, trống trước hở sau, và nhờ vậy mà người ta mới được thấy máu ông chan-hòa với cỏ cây vạn vật để rồi xác-thể ông phải vùi sâu trong lòng Đất Nước Việt-Nam yêu quí.

Ông Huỳnh Thạnh-Mậu quả thật là một tín-đồ, một chiến-sĩ cách-mạng biết “Kiên-trinh mà chịu lúc nàn tai” vậy!

Tâm-đạo, lòng nhiệt-quyết và lòng nhân hậu của ông có thế cụ thể hóa một phần nào bằng sự để lại một đứa con nuôi mà ông đã giáo-hóa. Đứa con nuôi ấy, ông để lại cho Đất-Nước vì hiện nó vẫn noi theo chí-hướng của ông là dấn thân vào con đường phụng-sự Đoàn-Thể và Quốc-Gia.

Tôi xin kết-luận quyển Tiểu-Sử này rằng ông HUỲNH THẠNH-MẬU tuy chưa được thành công nhưng đã được thành nhân.

Và bởi lẽ ấy, ông quả thật là một tấm gương sáng cho muôn ngàn chiến-sĩ cách-mạng soi chung để tranh-đấu chống xâm-lăng, chống độc-tài cho đến giọt máu cuối cùng ngõ hầu giành lại nền độc-lập hoàn-toàn cho:

TỒ-QUỐC VIỆT-NAM
Kính dâng hương hồn
Ông HUỲNH THẠNH-MẬU,
Dưỡng-phụ của tôi.
HUỲNH HỮU-THIỆN tự DỮ

Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…

XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


Nguồn : https://pghh1939.blogspot.com

Post a Comment

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật