Ôn Hòa - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Ôn Hòa

ÔN HÒA
 (Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)

  • Tải Mp3 (trọn bộ Đạo Làm Người)
  • Tải PDF (Đạo Làm Người)

  • Như đã nói ở bài trước, các việc làm của chúng ta đều có cương quyết cả thì sớm muộn gì cũng được kết quả. Nhưng tùy theo trường hợp mà cương quyết ở ý chí, ở hành động của mình cho thích hợp chớ không phải đem đặc tánh cương quyết bày trên dáng mặt hay ở lời nói cho người sợ hoặc để người khen mình mà gọi là có cương quyết đâu. Muốn cho lòng cương quyết được đến một địa hạt dung hòa hơn và có những điều tốt đẹp hơn chúng ta cần phải kèm thêm đức tánh ôn hòa. Đức tánh ôn hòa là một tiểu ban hòa giải tất cả việc làm gay gắt, và nó sẽ làm cho mọi việc được dung hòa nhau, trừ khi trường hợp không còn dung hòa được nữa nó sẽ đưa lại cho lòng cương quyết định đoạt việc ấy.

    “Giá mướn phải thường thường dễ thở,
    Xử ôn hòa niềm nỡ yêu nhau”.

    Đoạn văn nầy, Đức Thầy khuyên người chủ mướn kẻ làm công hãy mướn với giá cả phải được khá hơn để cho người làm thuê được đủ sống. Và người chủ đối xử với kẻ
    làm công phải được ôn hòa và yêu mến họ, giúp đỡ họ trong công việc làm.
    Ôn hòa là tánh của mình không vội vàng nóng nảy,không câu nệ quá khích mà là với công việc gì cũng đều phải lấy lẽ hòa nhã và tuần tự giải quyết cho êm thấm có thể tránh tất cả việc hấp tấp có thể gây ra tai hại. 
    Có lẽ hầu hết chúng ta thường thấy trong thôn mình có nhiều khi giữa anh A với anh B trong cuộc gặp gỡ đàm luận lúc đầu rất vui vẻ thân mật, sau đó có cuộc giận dữ gắt giọng lên; hoặc giữa anh Xoài với anh Ổi lúc đầu có sự lầm giận sơ sài, sau lại kẻ thì quynh tay người lại quynh chơn thoi đá, mắng chửi lẫn nhau thậm tệ, giai do thiếu ôn hòa nhẫn nhịn nhau mà ra cả.
    Thiếu ôn hòa, nên trong khi đàm luận có những lời qua lại đụng chạm nhau mà không nhẫn nhịn được, không dung hòa được, vì thế mới xảy ra cuộc gây ó nặng lời nhau, khiến từ chỗ chích mích nhỏ mọn không xóa bỏ được, không lấy lẽ ôn hòa để giải quyết được, đôi đàng đều muốn có lợi gan mình và muốn được cao gác hơn cho ra vẻ anh hùng mà thành có cuộc chửi bới hoặc dẫn đến cuộc ấu đả ưu huyết đôi bên.
    Bởi con người vì thiếu ôn hòa, thường xảy ra những tai hại. Với kẻ đã am hiểu nhơn tình thế thái, được rõ lòng người rất giàu tự ái tự tôn nên đối với họ lúc nào cũng trước lấy sự ôn hòa, nhứt là những người được biết đạo lý rõ việc tội phước thì không khi nào quên tánh ôn hòa được; nhờ tánh ôn hòa để dung hợp tất cả kẻ thân người sơ, khiến cho giữa hạng ân oán đều được trở lại niềm hòa ái cả.
    Vả lại ôn hòa, nếu mỗi người đều có, thì trong câu chuyện đàm luận không một ai có khí sắc giận dữ, tranh luận nặng nhẹ và trong việc làm đều được dung hợp quyền lợi 
    giữa người nầy với người khác không chinh lịch, không đến đỗi gây thù về cách xử sự.
    Mặc dù trong việc xử thế lúc nào chúng ta cũng ấy tánh ôn hòa để đối xử với mọi người, song trong cái ôn hòa vẫn có sự cương quyết theo ý định của mình, ví dụ: như ý định của ta muốn làm việc chánh đáng cho khắp vùng nầy đến vùng khác, trong lúc đó mình lấy hết lý lẽ êm dịu, hòa ái để giải thích cho mọi người ganh tị và bài bác lý thuyết của mình được hiểu, nếu họ vẫn còn bảo thủ, câu chấp ý định của họ chống báng mình, chừng ấy mình sẽ cương quyết thi hành theo ý định chơn chánh của mình, không vì sự cản đoản của họ mà bỏ công việc làm lợi ích của mình.
    Có điều cần phải có ôn hòa là về việc thu xử trong gia đình và trị lý trong xã hội, quốc gia. Trong gia đình không ngày nầy cũng ngày khác phải có sự bất bình giữa cha mẹ,anh em, vợ con, trong lúc đó nếu mình không dùng lời lẽ ôn hòa hay việc làm từ nhượng để điều giải thì hẳn không tránh khỏi sự chích mác giữa người nầy với người nọ, khiến cho không khí trong gia đình trở thành nặng nề khó thở. Nhứt là người làm cha mẹ phải làm gương mẫu cho con cái, bằng cách đặt đức tánh ôn hòa trước mọi việc, như thế mới có thể điều chỉnh được giữa người trong nhà.
    Sự lợi lạc tánh ôn hòa đại khái như sau:
    1–Lẽ thứ nhứt của tánh ôn hòa là lời lẽ của mình nói ra đều được nhã nhặn êm ái, khiến cho người gần đến kẻ xa, người ân đến kẻ oán đều có thể sanh lòng luyến ái đến mình cả.
    2–Lẽ thứ hai của tánh ôn hòa là mình có sắc mặt vui vẻ tươi cười mỗi ngày, khiến cho người xung quanh, dù có giận hờn buồn thảm cách mấy, họ trông vào gương mặt của mình mà họ nguôi lần được. Nhờ sắc vui tươi ấy, khiến cho gia đình được đầm ấm, chừng như đời sống của toàn cả mọi người đang đứng trong không khí nhẹ nhàng mát mẻ khỏi bứt rứt khó chịu.
    3–Lẽ thứ ba của tánh ôn hòa là thảng hoặc gặp cuộc cãi giữa người nầy với người khác mình dùng lời nhã nhặn,dáng vẻ vui tươi để giải hòa cho đôi đàng rõ lợi hại mà ngượng cuộc gây ó trở lại tha thứ và thân mật giữa nhau được.
    4–Lẽ thứ tư của tánh ôn hòa là với công việc làm hoặc lời nói của mình thường ngày hẳn không hề bị sự quá gấp rút, quá chần chờ , vẫn điều động các việc vừa vặn: cái nào làm trước, cái nào làm sau, mọi công việc cứ điều hòa đến lúc thành công.
    5–Lẽ thứ năm của tánh ôn hòa là sẽ giữ còn được niềm thương mến và câu chuyện dịu dàng giữa cha mẹ,chồng vợ và anh em.
    6–Lẽ thứ sáu của tánh ôn hòa là sẽ giúp cho mình đối với những người trong làng xóm, nghĩa là trong vùng cư trú của mình tránh khỏi sự mích lòng vì việc gà, heo, ranh rấp, ruộng nương, ao hồ, vườn tược; và không sự đụng chạm gây ó từ việc lớn đến việc nhỏ, nhứt là không xảy ra việc giữa người nọ với người kia vác mồm chửi nhau, nói lời thô lỗ.
    7–Lẽ thứ bảy của tánh ôn hòa là sẽ giúp cho mỗi người gây lấy tình nồng nàn thân thiết giữa bạn tác, dù việc lợi lớn hay nhỏ đều có sự chia sớt cho nhau, gặp lúc hữu sự thì kề vai gánh đỡ, đến câu chuyện thường ngày cũng đều trao đổi cho nhau cùng một hiểu biết, khiến cho giữa nhau càng ngày càng thêm rộng kiến thức và lòng tin cậy được chặt chẽ.
    8–Lẽ thứ tám của tánh ôn hòa là sẽ giúp cho người được xứng đáng kẻ thấm nhuần đạo đức, có sự dạy dỗ của cha mẹ, của nhà trường, nghĩa là chỉ tỏ ra con người được có sự uốn nắn của kẻ bề trên.
    Ngoài ra, trường hợp giữa chúng ta cùng người khác hợp lại bàn việc chi, trong lúc đó chúng ta luôn luôn biểu lộ trên khuôn mặt những nét vui tươi, từ câu chuyện nói năng với người vẫn được khiêm từ nhẫn nhịn, nghĩa là mình có đủ đức tánh ôn hòa, có đủ tư chất khoan lượng khiến cho người cùng mình tiến sát câu chuyện đang nói. Lỡ khi người ấy có nói sai, luận trật chúng ta cũng đừng vội lời gay gắt đối chọi lại, hoặc người có vẻ cười không chánh đáng, dáng ngồi đứng thiếu khiêm nhượng, chúng ta cũng đừng lấy đó làm bất bình, tỏ lời phiền hà khiến người nhột nhạt đối kháng lại hay bỏ ra ngoài một cách bẽn lẽn. Lúc đó có phương pháp hay ho hơn hết là chúng ta vẫn giữ cử chỉ tự nhiên để tùy phương tiện, tùy trường hợp mà giải quyết cách êm thắm. Như thế chúng ta sẽ thấy rằng người kia, khi họ nhớ lại cử chỉ sơ suất và câu chuyện thô lỗ của họ đã nói lúc nãy, mà chúng ta không chấp nê, họ tự hổ và ăn năn trở lại bặt thiệp và khiêm tốn như mình vậy.
    Đức tánh ôn hòa là việc làm rất khó đáo để, khó cùng tận, phải người có kinh nghiệm nhiều đã lịch thiệp lắm,thường từng trải việc đời, biết được lòng tự ái của người rất khó đè nén, khó tiêu diệt mới cố gắng dung hòa cho tánh người nầy với người khác trở nên êm nhã với nhau được.
    Như trường hợp của Đức Phật Thích Ca khi thành đạo có kẻ ngoại đạo đến trước mặt dùng lời nhiếc mắng Phật. Phật vẫn làm thinh. Sau Phật nói rằng: “Người kia ! Ví dụ: Ngươi đưa món đồ cho Phật mà Phật không lấy thì món đồ đó còn ở tay ai?” Người kia trả lời rằng: “Đồ ấy còn tay tôi”. Phật nói: “Như thế thì lời mắng nhiếc của ngươi khi nãy Phật không lãnh thì nó còn ở nơi ngươi”.  khiến kẻ ngoại đạo bẽn lẽn trốn mất.
    Với câu chuyện rất ôn hòa và đức lượng từ bi của Đức Phật rất rộng lớn, trong lúc kẻ ngoại đạo hiểu lầm mắng Phật mà Phật chỉ đem câu chuyện khéo léo nói lại, khiến cho người kia phải hổ thẹn ăn năn.
    Tóm tắt mục ôn hòa nầy bảo chúng ta lúc nào cũng cần lấy lời lẽ dịu ngọt, êm ái để đối đáp với mọi người và trong câu chuyện nào cũng từ từ phán đoán cho được ổn thỏa. Đức tánh ôn hòa có năng lực điều giải tánh tình người nầy với người khác rất hiệu quả: nó như nước hòa vôi cát thành hồ xây viên gạch nầy dính viên gạch khác thành cột,thành tượng cất lên được ngôi nhà; nó giúp chúng ta có tư cách đứng đắn trong nền đạo đức, có sự huấn luyện của các đấng phụ huynh và của nhà minh triết. Nếu chúng ta đều có tánh ôn hòa cả, thì giữa kẻ quen thuộc với ngừoi xa lạ sẽ đem lại tình hòa ái chặt chẽ không có sự tranh đua gấu ó với nhau một cách đê tiện.




    Đánh giá bài viết

    4.98/32 rates

    Print Friendly and PDF
    0

    Đăng nhận xét

    Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật