Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp Của Tổ Sư Minh Đăng Quang - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp Của Tổ Sư Minh Đăng Quang


CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG



I. Vài nét về đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng QuangNgười mang hoài bão trong lòng,
Thích-ca Chánh pháp nối dòng độ sanh.

Vào khoảng thập niên 40 - 50 của thế kỷ XX, trên những nẻo đường thuộc địa bàn các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Thủ Thừa, Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó là khắp các tỉnh miền Tây, đồng bằng Nam Bộ… đã từng in dấu chân của một nhà sư khoác tấm y vàng, đầu trần, chân không, tay ôm bình bát khất thực, thuyết giảng giáo lý Đức Phật Thích-ca. Người ấy là ai? Đó chính là Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập ra “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh năm 1923, tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, Ngài xin phép thân phụ qua xứ Chùa Tháp (Nam Vang) để tầm sư học đạo. Cuối năm 1941, Ngài về lại Sài Gòn, sau đó vâng lời thân phụ lập gia đình vào năm 1942. Một năm sau, người bạn đời và đứa con thơ đều thọ bệnh rồi lần lượt qua đời. Vào năm 1943, một lần nữa Ngài xin phép thân phụ lên vùng núi Thất Sơn, ẩn tu tròn một năm.

Năm 1944, Ngài đến đầu gành Mũi Nai, Hà Tiên an trú thiền định 7 ngày đêm và chính nơi đây Ngài ngộ được ý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sinh. Từ đó, Ngài hành cước giáo hóa theo hạnh “Một bát cơm ngàn nhà…”. Một hôm, trên đường vân du hóa đạo có một thiện nam cảm phục đạo phong cao khiết và cốt cách đoan nghiêm nên thỉnh Ngài về giáo hóa ở Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ (Mỹ Tho – Tiền Giang). Nơi đây suốt 3 năm (1944 - 1947), buổi sáng Ngài đi khất thực, đến trưa thọ trai, buổi chiều Ngài giáo hóa, buổi tối tham thiền nhập định, nêu tấm gương sáng về đời sống phạm hạnh thanh tịnh, y theo truyền thống của chư Tăng thời Đức Phật còn tại thế. Đầu năm 1947, Ngài rời Linh Bửu tự, quyết tâm thực hiện tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Từ đó, bóng Ngài trải khắp đồng bằng Nam Bộ. Sau 8 năm tiếp Tăng độ chúng, khuyên tu khuyến thiện, giáo hóa bá tánh cư gia không một ngày dừng nghỉ, vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc xuống Cần Thơ, khi đi ngang qua thị trấn Cái Vồn (nay là huyện Bình Minh), Ngài đã hoan hỷ đi vào “lửa nạn”, vui trả nghiệp quả trong nhiều đời kiếp luân hồi. Thế rồi Ngài vắng bóng, biền biệt cho đến ngày nay đã 60 năm (1954 - 2014). Trong thời gian giáo hóa, Ngài có soạn ra bộ Chơn Lý gồm 69 quyển và tập Bồ-tát giáo. Hai tác phẩm Pháp bảo cao quý còn lại này chứa đựng những tư tưởng đặc thù phát xuất từ suối nguồn tự chứng tự ngộ của bản thân, dựa trên nền tảng Giới – Định – Tuệ truyền thống của đạo Phật.

Tổ sư đã giảng dạy những gì khi mang chí nguyện Nối truyền Chánh pháp Thích-ca?

II. Chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”

1. Hệ thống tư tưởng Phật học của Ngài nội hàm trong bộ Chơn lý

Bộ Chơn lý gồm 69 quyển bao trùm cả thiên nhiên vạn vật. Văn cú trong Chơn lý đơn giản mộc mạc, súc tích; đặc biệt là không dùng âm ngữ của Pali, Hán ngữ mà hoàn toàn dùng tiếng V iệt để cho tất cả chúng ta dễ hiểu, dễ nhớ, cân nhắc suy gẫm nương theo đó mà tu hành.

Mỗi quyển trong bộ Chơn lý đều có ý nghĩa riêng, nhưng xâu kết làm thành một bộ xuyên suốt từ thấp đến cao, từ phàm đến Thánh, là kho báu trí tuệ vô cùng tận, có đủ sự, lý, tâm, pháp, nội, ngoại, trần cảnh, duyên sinh, chân đế, tục đế , thật vi diệu khó nghĩ bàn. Bộ Chơn lý được ví như ánh đuốc cho người đi đêm, là vầng thái dương tỏa ngời ánh sáng hương vị giải thoát.

Giáo lý của Đức Phật Thích-ca được Ngài trình bày theo bố cục như sau:

Khi luận giảng đến phần phát sinh tư tưởng hành động của một con người, Ngài chỉ rõ trong các quyển Công lý võ trụ, Giác ngộ, Khuyến tu, Tu và n ghiệp, Ăn và sống, Hột giống, Sợ tội lỗi, Con sư tử, Sám hối v.v…

Khi luận giảng về đời sống con người, có cuộc sống an vui, xã hội lành mạnh, xây dựng hạnh phúc thật sự tại một xứ T hiên đàng,C ực lạc tại thế gian ,N gài giảng dạy trong các quyển: Trường đạo lý, Đời đạo đức, Nguồn đạo lý, Xứ thiên đường v.v …

Và khi chúng sanh đã có tầm hiểu biết sinh hoạt tại thế gian muốn đi đến sự an tịnh của tâm hồn, đạt được sự giải thoát an lạc đắc đạo, Ngài chỉ cho phương pháp, con đường, giới thiệu pháp môn tu tập trong các quyển: Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Y bát chơn truyền, Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chư Phật, Phật tánh, Chánh pháp, Pháp chánh giác , v.v…

Khi nói về tương quan liên hệ các tông phái và tư tưởng Đại t hừa, Tiểu thừa, sự phát triển của các Hệ p hái Nam t ông, Bắc t ông , Ngài nói rõ trong các quyển: Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp T ạng, Vô L ượng C am L ộ, Qu a n Thế Âm, Đại T hái t hức, Địa T ạng, Pháp H oa , v.v…

Còn lại 9 quyển là phần giới luật của người xuất gia và hàng cư sĩ đã thọ Bồ -tát giới như: Bài học Khất s ĩ, Luật nghi Khất s ĩ, Bài học Sa -d i I, Pháp học Sa -d i II, Pháp học Sa -d i III, Giới Bồ -t át, Giới bổn T ăng, Giới bổn Ni. Ngài dạy: “Người xuất gia, cư sĩ phải có giới buộc ràng, phải có giới ngăn chặn tư tưởng hành động xấu ác phát sinh làm chướng ngại đạo quả”.

Vì vậy 9 quyển Chơn lý sau là thềm thang bước lên Thánh quả, nếu ai muốn đắc đạo, thành tựu mọi công đức lành mà không giữ gìn giới luật thì không bao giờ có được điều mong muốn và sẽ bị ra khỏi biển Phật p háp.

Bởi vì:
“Giới Luật là thọ mạng của Tăng-già,
Là xâu chuỗi Anh Lạc để trang nghiêm Pháp thân”.

2. Pháp yếu thực hiện phương châm

Tổ sư Minh Đăng Quang có một nhơn duyên thù thắng đối với giáo pháp của Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni. Tổ sư sinh ra đời cách Đức Phật trên 2500 năm, vậy mà khi bừng ngộ ra ánh sáng Chánh pháp của Đức Phật, tức thì tâm linh phấn chấn. Tổ sư đã tuyên bố và khẳng định con đường hành đạo phải là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Từ suối nguồn tâm linh vi diệu này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc, sáng lập “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam.

Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hiện truyền thống Giới – Định – Tuệ, phát huy tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, tinh tấn trong tu tập và chu toàn đức giải thoát trên đường hoằng hóa độ sinh. Đối với đời sống cộng đồng, cộng trú tu học trong những ngôi già lam tịnh xá, Tổ sư nêu lên phương châm:

Nên tập sống chung tu học,
Cái SỐNG là phải sống chung,
Cái BIẾT là phải học chung,
Cái LINH là phải tu chung.

(Chơn lý “Hòa bình”)

Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa.

3. Tổ sư đã dùng biểu tượng gì cho Hệ phái Khất sĩ?

Đó là hoa sen và đèn chơn lý.

*Về Hoa sen:
Tổ sư Minh Đăng Quang chọn “hoa sen” và ngọn “đèn chơn lý” làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, hiện nay là Hệ phái Khất sĩ. Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối cho người hữu duyên (ngọn đèn chơn lý). Đó là cách thức phụng thờ Chánh pháp một cách tốt đẹp nhất.

Nếu chúng ta thờ Phật đúng theo tài liệu lịch sử, phải để Ngài ngồi trên tòa cỏ, tại sao ngày nay chùa nào cũng thờ Phật ngồi trên tòa sen? Đây là để biểu trưng con người của Ngài. Vì trước kia là ông hoàng, Ngài cũng nhiễm ô ngũ dục, như mầm sen còn ở trong bùn. Khi Ngài vượt thành xuất gia là mầm sen ra khỏi bùn, mà còn ở trong nước. Lúc Ngài ngồi tu ở dưới cội Bồ-đề và thành đạo là hoa sen ra khỏi nước nở tròn đầy, tỏa hương thơm ngào ngạt. Hoa sen lại tượng trưng cho sự bình đẳng giữa mọi người. Đã là mầm sen thì mầm sen nào cũng có khả năng vươn lên khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi thắm hương thơm ngạt ngào. Đã là con người thì con người nào cũng có khả năng thoát khỏi dục lạc ô nhiễm, thức tỉnh tu hành và đạt thành đạo quả. Phật quả không phải của riêng một người nào, mà của chung tất cả ai có ý chí thoát trần, có quyết tâm đạt đạo. Vì vậy, Phật quả gọi là Vô thượng giác, là giác ngộ không ai trên, không có người bằng; Phật cũng dùng hình ảnh hoa sen để nhắc nhở Phật tử, ở giữa chốn ô nhiễm mà khéo vượt ra bằng trí tuệ sáng ngời của mình.

Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ nơi bờ đầm,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch đẹp ý người.
Cũng vậy, giữa quần sanh,
Uế, nhiễm, mù, phàm tục,
Đệ tử bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với trí tuệ.

(Kinh Pháp Cú, câu 58 - 59)

Hoa sen mọc chỗ nhớp nhúa mà thơm tho tươi đẹp, sống trong đời nhiễm nhơ mù tối, người Phật tử chúng ta phải khéo dùng trí tuệ vượt ra để cứu mình và cứu người. Cái quý của hoa sen là sinh từ chốn bùn lầy mà tinh khiết, cái cao cả của người tu là sống trong mọi dục lạc nhiễm ô mà vượt ra an toàn siêu thoát. Hoa hồng, hoa lan thơm hơn hoa sen, mà không được nhắc tới, vì sinh ở chỗ đất sạch. Nếu Thái tử là người từ trên trời rơi xuống mà đắc đạo thì không có giá trị gì. Chính trong vòng kềm tỏa của dục trần, mà thoát được mới là bậc Đại hùng. Nếu chúng ta sinh ra đã là Thánh thì còn nói gì tu. Chính vì chúng ta mang đầy đủ thói hư tật xấu trong mình, chứa đầy tham sân si trong lòng, cho nên gặp cảnh thì nhiễm, trái ý thì sân, quẳng chúng thoát ra, thật là điều khó khăn trăm phần, ai làm được điều đó rất đáng cho chúng ta chắp tay tán thán. Vì thế, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm bài kệ “xuất trần”:

Tằng vi vật dục dịch lao khu,
Bài lạc trần hiêu thế ngoại du,
Tán thủ na biên siêu Phật Tổ,
Nhất hồi đẩu tẩu nhất hồi hưu.


Dịch:

Ra khỏi bụi hồng
Đã từng ham muốn phải long đong,
Ném quách mà ra khỏi bụi hồng,
Buông thõng bờ kia lên Phật Tổ,
Một lần phấn chấn một lần xong.


Bởi vì chúng ta chạy theo vật dục nhân gian nên phải khổ sở gian nan, nếu can đảm ném phất hết, vượt ra ngoài vòng trần lụy, quả là can đảm phi thường, mới có thể buông thõng tay bước lên ngôi Phật Tổ được. Chúng ta phải mạnh dạn dứt khoát, một lần bỏ đi không thèm ngó lại, chớ đừng học thói nhầy nhụa, dùn dùn thẳng thẳng cắt không đứt, bứt không rời, một chân bước tới hai chân bước lui, không làm nên trò trống gì, chỉ chuốc làm trò cười cho hàng thức giả. Phải can đảm dứt khoát thì việc khó mấy cũng thành công. Chỉ cần chúng ta triệt để ứng dụng sự nhạy cảm của mình để phát chí tu hành, khéo xoay chuyển cái khí khái của mình vào con đường quyết tử cầu đạo. Dám hạ quyết tâm trên đường hành đạo, chúng ta sẽ thu gặt được kết quả chắc chắn không nghi. Chúng ta là những mầm sen phơi mình trên bùn ngũ dục, vươn lên thoát khỏi nó có khó gì? Chúng ta đâu có cung vàng điện ngọc, đâu có cung phi mỹ nữ… mọi dục lạc tìm cầu rất khó, nếu thoát nó lại hết sức nhẹ nhàng. Chỉ cần một cái nhảy nhẹ đã ra khỏi rồi, thế mà chúng ta cứ chần chừ không ưng nhảy. Đây là yếu điểm muôn kiếp chịu trầm luân của chúng ta.


*Về Đèn chơn lý:
Bài kệ “Lễ Phật” trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ viết:

“Kính lạy Phật từ bi cứu thế,
Đem đạo lành phổ tế chúng sanh,
Trần gian biết nẻo tu hành,
Nhờ đèn trí tuệ quang minh soi đường”.


Tổ sư khẳng định con đường mình đi là theo bước Đức Thích-ca Mâu-ni, lấy trí tuệ làm ánh sáng soi đường. Quả thật, cả cuộc đời hành đạo qua gương hạnh từ bi, hỷ xả của Tổ sư đã đủ nói lên điều đó, bởi có trí tuệ mới có từ bi và hỷ xả.

Như vậy, biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chơn lý chính là lý tưởng, là hoài bão của Tổ sư về một quốc độ, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó, người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.

III. Những thành tựu của Hệ phái sau 70 năm hành đạoCó hai yếu tố dẫn đến sự thành tựu của Hệ phái này:

1. Hình thức giống như Đức Phật thời còn tại thế

Tổ sư Minh Đăng Quang khai mở giáo pháp từ năm 1944 nhưng đến năm 1948 thì những bước chân hoằng hóa của Tổ sư và đoàn Du Tăng mới xuất hiện ở vùng Chợ Lớn – Sài Gòn – Gia Định. Ngay từ buổi đầu, những nhà sư đầu trần chân đất, từng bước hóa duyên, thanh bần đơn giản đã gây ngạc nhiên cho người dân thành thị vốn quen với sặc sỡ phồn hoa, ồn ào náo nhiệt. Điều này đã được một thi sĩ Phật tử cảm nhận rồi ghi lại:

Sài Gòn hoa lệ từ xưa,
Trăng phơi cánh mộng, gió đưa điệu đàn.
Một ngày kia, dưới nắng vàng,
Bỗng trang nghiêm hiện: một đoàn Du Tăng.
Dân thành thị những băn khoăn,
Họ là ai? – Xin thưa rằng họ đây,
Là môn đệ của Đức Thầy,
Minh Đăng Quang chiếu tự rày mười phương.

(Trụ Vũ, “Ánh Minh Quang”, Thi hóa tiểu sử Tổ sư)

Mỗi đoàn Du Tăng hoặc Ni được thành lập với túc số từ 20 vị trở lên. Theo chỉ dạy của Tổ sư, các đoàn chia nhau đi hành đạo khắp các vùng Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Dù ở nơi nào, mỗi sáng các nhà sư trong chiếc y vàng, trình tự hóa duyên, trưa giờ ngọ tìm nơi tàng cây bóng mát hay miếu cổ vắng vẻ thọ thực đạm bạc thanh bần tùy theo số phẩm thực đã được hóa duyên. Chiều tối các nhà sư lại thuyết kinh giảng đạo tại các khu đông dân cư, nhà lồng chợ, sân trường học… để khuyên tu khuyến thiện cho bá tánh cư gia. Cứ như vậy, theo thời gian hình ảnh những nhà sư rày đây mai đó, vân du hóa đạo, không chấp giữ tiền bạc, của cải bổn đạo riêng tư, tái hiện hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và cũng chính là hoài bão của Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạo dấu ấn thân thương trong tâm thức của hàng nam nữ Phật tử khắp nơi.

2. Biết vận dụng ngôn ngữ thi ca bình dân vào việc giáo hóa

Vào những thập niên 40 đến 60, Tổ sư cùng đệ tử đã khéo léo chuyển tải ý pháp trong thể thơ lục bát, song thất lục bát và thể thất ngôn, khiến người đọc tụng dễ dàng lãnh hội giáo pháp Phật Đà. Khi thuyết pháp, chư Tăng Ni cũng thường điểm xuyết những vần kệ diễn đạt điều muốn giảng giải một cách xúc tích cô đọng mà rõ ràng làm cho thính chúng hiểu lời Phật dạy một cách nhẹ nhàng, nhớ lâu. Chẳng hạn như để nói ý nghĩa Tăng Bảo, chư Tăng Ni đọc bài kệ:

Tăng là các nhà sư thanh tịnh,
Thể không không chẳng dính bụi trần,
Ly gia cắt ái, khinh thân,
Dứt trừ bổn ngã lãnh phần độ sanh.
Tăng là kẻ thừa hành Phật pháp,
Đem đạo mầu dạy khắp thế gian,
Hồng trần nước lửa cháy lan,
Nước mưa cam lộ xối tràn tắt ngay.
Chư Thánh Tăng công dày vô hạn,
Độ chúng sinh bao quản nhọc nhằn.
Đội ơn cảm đức không ngằn,
Chúng con thờ kỉnh lễ hằng dám sai.


Quả thật thuyết phục! Chỉ vỏn vẹn 12 câu thơ vần điệu nhịp nhàng gieo vào tâm thức người nghe, người đọc một cảm giác sâu lắng và một cách tự nhiên, ý nghĩa của Tăng Bảo đã thẩm thấu vào tri thức lúc nào không hay.

Tạm kết
Tuy ra đời muộn màng song ảnh hưởng của Hệ phái và lợi ích Hệ phái mang đến cho người dân Nam Bộ nói riêng, cho người Việt Nam nói chung rất đáng kể. 70 năm đi qua, một quãng thời gian không lâu nhưng cũng đủ đánh dấu vị trí một truyền thống Phật giáo mới trong lòng dân tộc, trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhờ những yếu tố hành trì đúng con đường Đức Phật, truyền bá đúng Chánh pháp, và vận dụng phương tiện ngôn ngữ địa phương một cách thiện xảo thích hợp với căn cơ đối tượng, Hệ phái Khất Sĩ chuyển mình lớn mạnh khá nhanh chóng. Chỉ từ thập niên 50 đến nay, trên cả nước, đã có hơn 500 tịnh xá, cơ sở tu học của Tăng Ni và Phật tử thuộc Hệ phái Khất Sĩ. Không những vậy, hiện nay Đạo Phật Khất Sĩ cũng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, mang ngọn đuốc Chánh pháp đến các sắc dân. Tuy liên tục phát triển, hòa vào nhịp tiến triển của Giáo hội và xã hội, Hệ phái vẫn giữ được bản sắc truyền thống của mình lúc ban đầu. Đấy là điểm đáng trân trọng và phát huy.


HT. Thích Nhật Quang
Ủy viên HĐTS GHPGVN
Viện chủ Thiền viện Thường Chiếu




Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
1 nhận xét

1 nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật
  • Huyền Cương Cư Sĩ
    Huyền Cương Cư Sĩ
    1/1/24 2:25 CH
    Nam Mô A Di Đà Phật
    Trả Lời