10 GIỚI SA DI

10 Giới Sa Di, Giới Luật

10 GIỚI SA DI


1- Giới thứ nhứt: Cấm sát sanh

2- Giới thứ hai: Cấm trộm cắp

3- Giới thứ ba: Cấm dâm dục

4- Giới thứ tư: Cấm vọng ngữ

5- Giới thứ năm: Cấm dùng chất kích thích, gây nghiện 

6- Giới thứ sáu: Cấm chưng diện

7- Giới thứ bảy: Cấm ca hát cờ bạc

8- Giới thứ tám: Cấm ngồi ghế cao,nằm giường rộng

9- Giới thứ chín: Cấm ăn sái giờ

10- Giới thứ mười: Cấm giữ tiền, bạc, vàng



1- Giới thứ nhất: CẤM SÁT SANH

Trên ví đến chư Phật thánh, thầy cùng cha mẹ, dưới cho đến những loài bò bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhít, nếu có mạng sống là chẳng đặng giết hại: hoặc mình giết, hoặc xúi người giết, hoặc thấy giết mà vui lòng, đều phạm giới sát cả! Ngày xưa những nhà đạo đức từ tâm, qua mùa Đông bắt rận bỏ ống tre, phủ bông gòn cho ấm, vì sợ chúng đói lạnh mà chết đi! Lại như sự lược nước, vì sợ uống lầm giết mạng vi trùng; sự che đèn, vì sợ con thiêu thân uổng tử; chẳng dám nuôi mèo, nuôi chồn, vì sợ chết nhiều con vật khác! Ấy đó là việc làm của người đã chứng đạo từ bi! Loài nhỏ nhít mà lòng thương xót dường ấy, huống hồ mạng sống to lớn, quan hệ đến bực nào?

Ngày nay dầu ta chẳng làm được như người xưa, chớ lẽ nào ta lại giết hại? Như có thấy người giết, ta nên dùng lời khôn khéo, khuyên nhắc người phát khởi từ tâm, rộng ơn tha mạng sống ấy, khiến cho đương lúc ngặt nghèo, bỗng trở nên yên úy, cám cảnh biết ngần nào! Vậy nên nhớ rằng: sự sanh tử luân hồi là bởi tại dây oan trái, muốn giải thoát phải tháo mở hận thù.

2- Giới thứ hai: CẤM TRỘM CẮP

Nếu không phải của người cho thì chẳng đặng lấy, chẳng những vàng bạc là vật báu quý mà thôi, mà đến những vật hèn hạ như mũi kim, ngọn cỏ, cũng vậy nữa, hoặc của chúng Tăng, hoặc của quan, của dân, của hết thảy, hoặc cướp lấy, trộm lấy, dối trá mà lấy đến như sự dối dò, thảy đều là trộm đạo.

Xưa có kẻ Sa di lấy trộm của Giáo hội 7 trái cây, một Sa di khác nữa lấy trộm của chúng Tăng vài cái bánh, một Sa di khác nữa lấy trộm của chúng Tăng chút đỉnh đường phèn, cả ba đều đọa địa ngục:

Vậy nên nhớ rằng: thà để chặt tay chớ chẳng lấy của quấy.

3- Giới thứ ba: CẤM DÂM DỤC

Kẻ tại gia giữ năm giới, ấy chỉ ngăn việc tà dâm, chớ người xuất gia thọ mười giới, phải dứt hẳn sự dâm dục, nếu chẳng ngăn ngừa để phạm gọi là phá giới.

Xưa có một Ni cô trong tâm móng khởi dâm dục bèn nói như vầy: chẳng phải sát sanh, chẳng phải trộm đạo thì không tội báo vậy. Kẻ ấy cả thân mình túa ra lửa dữ, sa về chốn địa ngục! Người đời bởi do lòng dục mà giết hại thân mình, tiêu tan sự nghiệp; ta mong đổi, phàm làm Thánh, theo đạo bỏ đời, há lại phạm như vậy hay sao? Há không biết dâm dục là nguồn gốc của sự sanh tử luân hồi hay sao?

Vậy nên chớ rằng: dâm dục mà sống đi nữa cũng chẳng bằng trinh khiết mà chết!

4- Giới thứ tư: CẤM VỌNG NGỮ

Nói láo có bốn thứ:
  • 1. Một là vọng ngữ: Lấy phải làm quấy, lấy quấy làm phải, thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy, gọi là chẳng thiệt.
  • 2. Hai là ỷ ngữ: Khoe khoang ỷ thị, trau chuốt lời nói, ra tuồng màu mè, hồ mị, ỏng ẻo, làm cho mỗi câu văn để quyến rũ người, say mê xiêu lòng lạc dạ.
  • 3. Ba là ác khẩu: Miệng dữ hỗn xược, mắng nhiếc, rủa sả người ta.
  • 4. Bốn là lưỡng thiệt: Hai lưỡi đâm thọc, tới ở đây nói chuyện đằng kia, tới đằng kia nói chuyện ở đây, châm chích cho người xa lìa ân nghĩa, ghẹo chọc cho người nóng nảy đua tranh! Nhẫn đến trước khen sau chê, mặt phải lưng quấy, nói tội cho người, nói xấu chuyện người…, đều phạm về giới thứ tư vậy!
  • (Cũng như chưa dứt lòng phàm mà nói chứng quả Thánh, ấy thật đại vọng ngữ, tội nặng vô cùng). Chỉ trừ lúc gặp người tai nạn gấp rút, lòng từ bi dùng phương chước khéo trợ cứu, ấy chẳng phạm mà thôi; Người đời xưa hạnh nết thuần lương, tự nhiên chẳng bao giờ nói vọng, huống chi mình nay là người đạo, lìa bỏ cảnh đời, mà còn đeo mang nghiệp quấy hay sao!
Kinh có chép rằng: Một Sa di kia chê cười một vị Tỳ kheo, tụng kinh như tiếng chó sủa, mà vị Tỳ kheo ấy thiệt là bực A La Hán chẳng chấp, lại đi dạy Sa di sám hối, cho nên Sa di đó khỏi đọa địa ngục, nhưng còn phải mang thân chó; một lời nói dữ mắc hại biết dường nào!

Vậy nên nhớ rằng: con người ở đời có búa để sẵn trong miệng, nói lời nói dữ, ấy là mình chém thân mình!

5- Giới thứ năm: CẤM UỐNG DÙNG CHẤT KÍCH THÍCH GÂY NGHIỆN

Rượu là món rất hại, chỉ trừ cơn bịnh nặng phải dùng làm thuốc đó thôi, nhưng nếu chưa trình cho Giáo hội hay biết, thì một nhỏ chẳng đặng thấm môi, cho đến chẳng đặng ngửi mùi rượu, chẳng đặng ngửi tại quán rượu, chẳng đặng lấy rượu cho người uống!

Xưa có một người thiện nam, nhơn phá giới rượu, mà phạm luôn 36 lỗi khác, ấy thật là chỉ có một lần uống no đủ, mà biết bao lần chịu thiếu thốn, về sự mất phước an vui, thêm tội khổ sầu, đời đời mê muội, mất giống trí huệ, loạn vọng điên cuồng, thật là dữ hơn thuốc độc; người tại gia còn thế, lại như kẻ xuất gia, nếu uống rượu, thật tủi hổ cho tiếng nhà sư!

Vậy nên nhớ rằng: thà uống nước đồng sôi chớ chẳng uống rượu!

6- Giới thứ sáu: CẤM CHƯNG DIỆN ĐEO BÔNG

Chẳng đặng trau dồi về sự mặc, chẳng đặng dùng phấn sáp, dầu thơm, đeo bông.

Phật dạy: Tam y chỉ dùng bô bố to về xấu xí, cấm hẳn tơ lụa nhiễu hàng, sợ e lông thú ruột tằm, những sinh mạng vì mình chết thảm, lòng từ bi bao nỡ mặc cho đành!

Nhà Hạ vua Võ mặc áo xấu, ông Công Tôn dùng mền vải ấy là bậc vương thân quyền quới nhất đời, chẳng se sua chưng diện, nay người đạo há tham huê dạng mà làm việc trái ngược hay sao? Ca sa hoại sắc, rách rưới, tạm che hình đó mới hạp đạo! Xưa có người ba mươi năm đi có một đôi giày, ngày nay có ai được vậy?

7- Giới thứ bảy: CẤM CA HÁT, CỜ BẠC

Chẳng đặng đờn ca hát xướng, cũng chẳng đặng tới nghe, xem. Xưa có vị tiên nhơn, bởi nghe gái hát, âm thanh dịu dàng mà phải dứt mất phép linh; nghe xem còn hại dường ấy, huống chi tự mình hát xướng, vui chơi. Ta vì đường sanh tử, bỏ tục tầm thanh, há còn đi ham vui theo đường bất chánh, kỵ nhạc chơi bời, cờ bạc, các cách chơi tiêu khiển, giải trí của người đời đều nguy hại cho lòng đạo cả!

8- Giới thứ tám: CẤM NGỒI GHẾ CAO, NẰM GIƯỜNG RỘNG

Phật dạy: Giường nằm không cao quá tám ngón tay (4 tấc), nếu trên nữa là phạm, chẳng đặng chạm trổ sơn vẽ, cùng chưng, treo màn chấn lụa là!

Người xưa dùng cỏ lót ngồi, nghỉ qua đêm dưới gốc cây, nay có giường chõng, kể đã hơn nhiều lắm vậy, lẽ nào còn tham rộng lớn buông lung vóc huyễn hay sao? Ông Hiếp Tôn Giả trọn đời lưng không dính chiếu. Ông Cao Phong Diệu thiền sư, ba năm nguyện đứng chẳng nương giường. Ông Ngộ Đạt thọ nhận trầm hương tòa, tổn phước mà mắc báo! Ta nên coi những gương ấy hầu sửa mình.

9- Giới thứ chín: CẤM ĂN SÁI GIỜ

Hàng chư Thiên ăn sớm mai, Phật ăn giớ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn đêm! Người tu học Phật, chẳng ăn quá giờ ngọ, loài ngạ quỷ nghe khua bát thì trong cổ khát khao phừng lửa, cho nên ăn trong giờ ngọ hãy còn vắng vẻ, huống hồ quá ngọ. Xưa có vị cao tăng, nghe vị sư gần bên sau giờ ngọ còn nổi lửa, bất giác Ngài sa nước mắt, thương trong Phật pháp suy đồi; chỉ trừ người vóc yếu bịnh nhiều, món ăn chiều ấy như món thuốc, chữa lành bịnh rồi thôi!

Kỳ dư ai trái lời Phật dạy, thật đáng tủi hổ! Thương kẻ đói lòng, chẳng nỡ ăn nhiều, chẳng đành ăn ngon, chẳng an lòng mà ăn, phải như vậy! Bằng chẳng đặng vậy, ắt mắc tội nặng nề! Chưa phải bịnh nặng mà ăn sau giờ ngọ, không đáng gọi là bực Sa di vậy!

10- Giới thứ mười: CẤM GIỮ TIỀN, BẠC, VÀNG

Thuở Phật sanh tiền, chư Tăng đều đi khất thực, chùa không lửa khói. Vật ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men đều nhờ nơi những người cư sĩ hộ trì Phật pháp, nên tiền bạc không chỗ dùng, Phật cấm nghe biết, huống chi cầm giữ!

Xưa nhà nho thanh bạch, chẳng đoái của bằng vàng. Nay ta Khất sĩ, xưng nghèo, chứa của để làm gì; người tu đời nay không phải Khất sĩ, nên chi lúc ở am chùa hoặc đi phương xa, cũng chưa khỏi dụng phí tiền bạc, trái lời Phật dạy dường ấy, hổ mang danh Phật tử vô cùng! Hãy thương kẻ ngặt nghèo, thường hành bố thí, chớ cầu nhiều, chớ chứa để, chớ buôn bán, chớ dùng của báu trau dồi xác thân, ăn mặc đơn giản thanh bần mới phải người tu giải thoát.


Post a Comment

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật