Pháp Môn Tịnh Độ ( Pháp Môn Niệm Phật )

Pháp Môn Tịnh Độ, Pháp Môn Niệm Phật

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ 


Pháp môn Tịnh độ còn được gọi là pháp môn niệm Phật do bản nguyện của Đức Phật A Di Đà mà thành. Chữ A Di Đà dịch âm từ chữ Phạn Amitābha, chữ Hán dịch là Vô lượng thọ và Vô lượng quang; nghĩa là tuổi sống lâu không số lượng kể, Ngài có hào quang tỏa sáng không lường...


Đức Phật A Di Đà là Giáo chủ thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Ngài có 48 lời Đại Nguyện cứu độ chúng sanh. Nhưng đối với những người tu Tịnh độ thì lời nguyện thứ 18 và 19 là chủ yếu:


Lời đại nguyện thứ 18: Nếu chúng sanh nào muốn về nước Ta, hết lòng tin ưa, xưng danh hiệu Ta tới 10 niệm mà không được sanh, Ta không thành Phật”.

Lời nguyện thứ 19:Cả chúng sanh phát Bồ-đề tâm, tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước Ta. Đến lúc lâm chung, nếu Ta chẳng cùng Thánh chúng hiện thân trước người đó, thì Ta không ở ngôi Chánh giác”.

Ngài nói chúng sanh gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, Trời; nếu có phát nguyện như vậy trước phút lâm chung, nhớ danh hiệu Phật A Di Đà sẽ có Ngài và chư Thánh chúng đến tiếp dẫn về cõi nước của Ngài.

Trong kinh Bi Hoa, Đức Phật Thích Ca cũng cho chúng ta biết: Cõi Ta bà nầy hướng về cõi Tây Phương Tịnh Độ, hơn muôn ức cõi, có một thế giới gọi là Cực lạc hay Tịnh độ. Ở nơi đó, Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp để hóa độ chúng sanh. Chính nhờ vậy mà chúng ta lại biết được tiền thân của Đức Phật A Di Đà là vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm với muôn vàn công đức và lòng đại bi thương yêu tất cả chúng sanh. Ngài đã mở môn phương tiện, độ chúng sanh xa khỏi Ta bà về Tịnh độ.

Kinh ghi rằng: “Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì. Khi ấy tại cõi Tản Đề Lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ:

Đông thắng thần châu, Nam thiện bộ châu,Tây ngưu hóa châu, Bắc cô lô châu.

Ngài tài đức vẹn toàn, nên tất cả nhân dân ai nấy cũng hết lòng thương kính.

Một ngày kia, Phật Bảo Tạng đến giảng Đạo tại vườn Diêm Phù, Vua vội đến để lễ Phật rồi ngồi bên Ngài để nghe thuyết Pháp.
 
Ngài tài đức vẹn toàn, nên tất cả nhân dân ai nấy cũng hết lòng thương kính.

Một ngày kia, Phật Bảo Tạng đến giảng Đạo tại vườn Diêm Phù, Vua vội đến để lễ Phật rồi ngồi bên Ngài để nghe thuyết Pháp.

Vua nghe Đức Bảo Tạng Như Lai diễn đủ các Pháp, thì lòng đã mở thông, căn thân thanh tịnh, rõ đường giải khổ, liền quỳ xuống chấp tay mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay con muốn sắm đủ những đồ ăn uống, áo chăn, mền nệm và thuốc men, để dâng cúng cho Ngài và đại chúng trọn luôn ba tháng để nghe Ngài giảng đạo và xin phát nguyện muốn về cõi thanh tịnh, xin Ngài từ bi chấp nhận”.

Phật nhận lời, Vua liền trở về truyền lịnh sắm sửa đủ mọi lễ, rồi đến gặp Đức Bảo Tạng Như Lai. Vua thấy Ngài đang nhập định, lại dùng phép thần thông biến hóa và phóng hào quang sáng suốt, hiện cả mười phương thế giới Chư Phật.

Đức Bảo Tạng nói: Đại vương phát nguyện sâu lớn, muốn cõi thanh tịnh. Đại vương hãy xem qua hướng Tây, cách trăm ngàn muôn ức cõi Phật có một thế giới gọi là Tôn Thiện Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, hiện nay đang vì các bậc Bồ Tát mà giảng dạy Pháp Đại thừa, giáo hóa các bậc Thượng căn. Nơi ấy không có chúng sanh căn trí Tiểu thừa và cũng không có nữ nhân, thật thanh tịnh trang nghiêm, rất hợp với lời cầu nguyện của Đại vương, nên nay Ta đổi hiệu Đại vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.

Khi Vô Lượng Thanh Tịnh mãn một trung kiếp, thì Đức Phật Tôn Âm Vương Như Lai nhập Niết Bàn, Chánh Pháp truyền bá được mười trung kiếp. Đến khi diệt rồi, trải qua sáu mươi trung kiếp, thì cõi Tôn Thiện Vô Cấu đổi tên lại là Di Lâu Quang Minh có Đức Phật, hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, ứng hiện ra đời mà hóa đạo chúng sanh. Sau khi Đức Phật ấy nhập Niết Bàn rồi, trải vô số hằng sa kiếp và vô lượng Phật diệt độ, thì cõi Di lâu Quang Minh đổi tên lại là An lạc. Đến thời kỳ Vô Lượng Thanh Tịnh chứng quả về cõi đó mà thành Phật thì hiệu là A Di Đà Như Lai, sống lâu vô cùng, tiếp dẫn vô lượng chúng sanh trong các thế giới về đó, rồi giáo hóa tất cả đều thành Phật Đạo.

Và hơn 2.000 năm trước, trong một lần thuyết pháp, Đức Phật Thích Ca đã từng nhắc nhở: “Sau khi Phật nhập diệt đã lâu, đến thời kỳ Mạt pháp, đến Kiếp hoại, các kinh sẽ tiêu diệt hết, chỉ còn lại bốn chữ “A Di Đà Phật” mà “Đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi Cực Lạc”

Chính vì thế mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nhiều lần khuyên tín đồ của Ngài trong Quyển 2 Sấm Thi, phải rán niệm Phật:

Chữ Lục Tự trì tâm bất viễn,
Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.


Và trong Quyển 3 Sấm Thi:

Nam Mô sáu chữ Di Đà,
Từ bi tế độ vậy mà chúng sanh.

Để khuyến khích chúng sanh, Đức Phật cũng thường dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”

Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã dạy: “Các chúng sanh đều có như ta”, để ưu ái truyền dạy cho tín đồ và chúng sanh, vì Ngài cũng nhìn nhận sự quí đẹp trang nghiêm của cõi Tịnh độ trong lời Khuyến Thiện của Ông Vô Danh Cư Sĩ (TVSG):

Lời Phật thuyết Ta xin nhắc lại,
Ta bà khổ, Ta bà lắm khổ.
Có bao người xét cho tột chỗ,
Tịnh độ vui, Tịnh độ nhàn vui,
Cảnh thanh minh sen báu nặc mùi.
Nào ai rõ cái vui triệt đáo.

Và Ngài cũng xác nhận:

Thần-Thức nhập Thai-Sen tinh hảo,
Nên khỏi màng lo nỗi khổ sanh.
Thân thì Thân Công-Đức hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể Thanh-Tịnh thường không huyên-náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bịnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao-đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám dắt hồn,
Thoát luân-chuyển khỏi đeo khổ tử.
Cuộc y thực muốn chi đủ thứ,
Không nhọc-nhằn lo việc sanh-nhai.

Để khỏi phụ lòng kỳ vọng của Tôn Sư, chúng ta cần tìm hiểu thêm về “Pháp Môn Tịnh Độ” để trên đường tiến hóa trì danh của Phật A Di Đà được nhiều thắng lợi. Để cho công năng niệm Phật được nhiều kết quả, hành giả cũng cần phải hiểu thấu đáo:Để khỏi phụ lòng kỳ vọng của Tôn Sư, chúng ta cần tìm hiểu thêm về “Pháp Môn Tịnh Độ” để trên đường tiến hóa trì danh của Phật A Di Đà được nhiều thắng lợi. Để cho công năng niệm Phật được nhiều kết quả, hành giả cũng cần phải hiểu thấu đáo:

Pháp: Là phương pháp, một cách thức tu tập.
Môn: Là cửa, là ngõ đi vào.
Tịnh: Là trong sạch, là thanh tịnh không nhiễm ô.
Độ: Là một quốc độ, một thế giới.

Như vậy “Pháp Môn Tịnh Độ” là một phương pháp tu tập để được vào ngưỡng cửa, một thế giới, một cõi nước không còn đau khổ, là một cõi luôn sống an lạc hạnh phúc trang nghiêm đời đời kiếp kiếp, như như, bất diệt do Đức Phật A Di Đà thệ nguyện thành lập.

Cho nên pháp môn Tịnh độ là một pháp môn niệm Phật, mượn tha lực và trì danh Đức Phật A Di Đà, là pháp môn dễ tu nhứt và thù thắng nhứt... Để minh chứng pháp môn Tịnh Độ rất dễ tu mau thành, không Pháp nào bằng, Ngài Vĩnh Minh Thiền Sư có làm bốn bài kệ như sau :
Có Thiền Tông, có Tịnh Độ, như thêm sừng cho mãnh hổ. Hiện tại thì làm thầy người, Vị lai thì làm Phật Tổ.

Có Thiền Tông không Tịnh độ, Mười người tu, chín người đổ (rớt). Âm cảnh nếu thấy hiện ra, chỉ chớp mắt là theo nó.

Không Thiền Tông, có Tịnh độ, vạn người tu, vạn người đỗ (đậu). Được thấy A Di Đà, còn lo gì chẳng khai ngộ.

Không Thiền Tông, không Tịnh Độ, Địa ngục đêm ngày đau khổ. Muôn đời ngàn kiếp còn lâu, nhờ cậy ai mà tế độ.

Cũng trong Quyển 5 (TVSG) Đức Huỳnh Giáo Chủ từng cho biết:

Môn Tịnh độ là phương cứu cánh,
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.

Vì:
Ao sen báu Tây phương đua nở,
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm.

Và Đức Thầy quả quyết rằng Ngài rành đường ngõ, chứng tỏ rằng Ngài đã sống qua cảnh đó, Ngài nói:

Tìm Cực Lạc, Đây rành đường ngõ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu. (Q.2 TVSG).

Ngài đã thọ lãnh sắc lệnh của Đức Phật A Di Đà để xuống trần cứu độ chúng sanh trong thời hoại diệt. Ngài cũng nói trong Quyển 2 Sấm Thi:

Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài Thương xót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo ta truyền dạy.

Pháp môn Tịnh độ là một Pháp môn dễ tu, dễ hành, là một con đường đi tắt, một căn bản nhờ vào tha lực của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc, là tông chỉ mà Đức Tôn Sư đã tha thiết hướng dạy chúng ta trong Sấm Thi Q. 2 của Ngài:

Niệm Di Đà rán niệm cho rành,
Thì mới được sống coi Tiên Thánh.

Như vây cứu cánh của niệm Phật là cầu xin về cõi tịnh độ, chỉ có nhứt tâm niệm Phật là phương pháp vi diệu hơn hết, cho nên Đức Huỳnh Giáo Chủ Ngài không ngớt kêu gọi chúng sanh trong Sấm Thi Q.5 như:

Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật Quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dẫu Tiên Phàm Ma Quỉ Súc sanh.
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
Thoát mê đồ, dứt cuộc luân hồi.

Vì là phương pháp dễ tu, dễ được về cõi Tịnh độ giải thoát hết những nhục khổ của cõi Ta bà, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng luôn kêu gọi trong Quyển 5 Sấm Thi cho tất cả những tín đồ của Ngài như:

Cõi Tịnh độ lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn.
Chốn Ta bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế.
Mau thức tĩnh tu thân kẻo trễ,
Đến tội rồi mới hối muộn màng.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới luật nghe Kinh trọng Phật.
Đến lâm chung quả lành đâu mất,
Cõi Tây Phương chư Phật đợi chờ.

Trong kinh Đại Tập, Đức Phật cũng có nói: “Đời Mạt Pháp, muôn ức người tu hành, khó một người giải thoát, chỉ nương nơi Pháp môn Tịnh độ mà giải thoát khỏi luân hồi.”Chúng ta đã có những khái niệm về pháp môn Tịnh độ, đây là một pháp môn phù hợp với căn cơ thiển bạc của chúng sanh thời mạt pháp, vì không thể tự lực hành trì các pháp tu tối cao, tối thắng để thoát luân trầm trong tam đồ lục đạo, nên Đức Phật Thích Ca đã khai thị Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn thù thắng, tu cầu tha lực cứu độ chúng sanh. Nhưng muốn thực thi được lời giáo huấn của chư Phật cũng như của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi Niệm Phật hành giả cần phải có đủ ba yếu tố như sau:
  • 1/- Tin sâu,
  • 2/- Nguyện thiết,
  • 3/- Hành chuyên.
Tin: Là lòng tin, tin tha thiết có thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, tin chơn chánh để hành trì, để hi vọng được thoát khỏi thế giới Ta bà, luân hồi, khổ đau nầy. Một niềm tin mãnh liệt để diệt trừ Ma đạo, niềm tin vững chắc để diệt trừ thập ác, một niềm tin tuyệt đối giúp chúng ta đạt được quả vị Phật.

Nguyện: Là nguyện ước, là ước muốn được thoát khỏi thế giới đầy tội lỗi do loài người hung ác tạo thành, thế giới đầy khổ đau, chồng chất, xuống xuống, lên lên, vay trả không ngừng nghỉ, luân hồi, tái sanh vô tận của con người. Nguyện vẹn Tứ Ân, hành Bát Chánh Đạo, gìn giữ Tám Điều Răn Cấm của Tôn Sư. Nguyện được vào cõi Tịnh độ, Cực lạc vui hóa sanh hoa sen, nguyện suốt cuộc đời niệm A Di Đà Phật, tưởng nhớ tới Phật để được về thế giới Tây phương Cực lạc để hưởng sự nhàn vui, chứng quả vô sanh bất thối, tiếp tục tu hành trở lại cứu vớt chúng sanh.

Hành: Chúng ta muốn thực hiện hai điều trên, tin và nguyện, thì bắt buộc chúng ta phải hành trì, phải thực hành nghiêm túc bốn đại đức của Phật là Từ, Bi, Hỉ, Xả, tưởng nhớ tới Phật, tha thiết mỗi giây mỗi khắc phải nằm lòng sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là biểu thị cho Pháp môn Tịnh độ… Hành thập thiện để trừ thập ác, hành sử tất cả những phương cách để ứng dụng trong việc tu hành mà chúng ta đã được sự giáo hóa rất là kỹ lưỡng của Đức Tôn Sư kính yêu của chúng ta.

Nói tóm lại có tin sâu mới có nguyện thiết, có nguyện thiết mới có hành chuyên, ba việc nầy phải tác động hỗ tương nhau để đạt đỉnh của niệm Phật vãng sinh. Chúng ta phải tin tưởng một cách tuyệt đối với lời chỉ dạy quí báu của Đức Tôn Sư, cùng nắm tay nhau trên con đường dài, một con đường duy nhứt kỳ diệu, hành trình về cõi Tây phương Cực lạc, cõi Tịnh độ, một nơi chốn bình an trường tồn mà tất cả chúng sanh phải kiên trì vững bước vì Đức Phật A Di Đà và Đức Tôn Sư của chúng ta, đang dõi mắt đợi chờ tiếp dẫn những bước chân giải thoát, đến từ những chúng sanh, từ những tín đồ của Ngài, những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thương yêu…

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật