Khai Kinh Chú

khai kinh chú
Kinh văn
(Giọng Nam Ai)

Biển trần khổ vơi vơi Trời nước,
Ánh Thái Dương giọi trước phương đông.
Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông,
Ra tay dẫn độ, dày công giúp Đời.
Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành,
Từ bi Phật dặn: Lòng thành lòng nhơn.
Phép Tiên Đạo: Tu chơn dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh. (Cúi đầu)

Diễn nghĩa

Câu 1: Biển trần khổ vơi vơi trời nước
Những nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần thì nhiều như nước biển mênh mông, chỉ thấy trời và nước.

Câu 2: Ánh thái dương giọi trước phương đông
Ánh sáng mặt trời chiếu ra từ phương Ðông (Từ phương Ðông, mặt trời từ từ lố dạng, phá tan màn đêm đen tối đang bao phủ địa cầu, vạn vật thức tỉnh, bừng lên sự sống. Ngụ ý là: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mở ra tại một nước ở phía đông, ý nói nước Việt Nam, để cứu vớt nhơn loại thoát qua biển khổ.)

Câu 3: Tổ Sư Thái Thượng Ðức Ông
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân sáng lập Ðạo Tiên và làm Tổ Sư của Ðạo Tiên.

Câu 4: Ra tay dẫn độ dày công giúp đời
Rất dày công trong việc dẫn dắt và cứu giúp người đời.

Câu 5: Trong Tam giáo có lời khuyến dạy
Trong giáo lý của Ba nền tôn giáo lớn ở Á Ðông có nhiều lời khuyên răn dạy dỗ.

Câu 6: Gốc bởi lòng làm phải làm lành
Tam giáo dạy lấy Tâm làm gốc, dạy làm điều phải, tránh điều quấy, dạy làm điều thiện, tránh điều ác.

Câu 7: Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành
Ðức Thánh Khổng tử dạy về đạo Trung Dung rất rành rẽ.

Câu 8: Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn
Ðức Phật căn dặn phải có lòng từ bi, lòng thành thật, và lòng thương yêu khắp chúng sanh.

Câu 9: Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh
Cái Tâm pháp tu luyện của đạo Tiên dạy về Tu chơn và Dưỡng Tánh.

Câu 10: Một cội sanh ba nhánh in nhau
Tam giáo đều có cùng một gốc mà ra, gốc đó là Ðức Chí Tôn, mà ngày nay thời Tam Kỳ Phổ Độ gọi là Ðấng Cao Ðài.

Câu 11: Làm người rõ thấu lý sâ
Làm một con người nơi cõi trần cần phải tìm tòi học hỏi để biết rõ cái Chơn lý huyền diệu của Trời Ðất.

Câu 12: Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh
Cần phải sửa đổi cái Tâm cho trong sạch để tụng kinh và cầu nguyện thì mới được sự cảm ứng của các Ðấng thiêng liêng.

Giải thích từ ngữ

Khai Kinh: Bài Kinh để tụng mở đầu trước khi tụng các bài Kinh khác như: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Kinh Phật giáo, Kinh Tiên giáo, Kinh Nho giáo, Kinh Phật Mẫu.
 


Khai Kinh: Bài Kinh để tụng mở đầu trước khi tụng các bài Kinh khác như: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Kinh Phật giáo, Kinh Tiên giáo, Kinh Nho giáo, Kinh Phật Mẫu.

Biển trần khổ: Những nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần nhiều như biển. Ðức Phật Thích Ca nói, con người có Tứ khổ: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Ngoài ra con người còn chịu biết bao khổ sở trong việc đua chen danh lợi, vật lộn với cuộc sống. Do đó, Ðức Phật nói, nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước 4 biển. Vơi vơi: Bát ngát mênh mông.

C.1: Những nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần thì nhiều như nước biển mênh mông, chỉ thấy trời và nước.



Thái dương: Mặt trời. Ánh Thái dương: Ánh sáng mặt trời, nguồn sống của nhơn loại và sinh vật. Giọi: Chiếu, rọi.

C.2: Ánh sáng mặt trời chiếu ra từ phương Ðông.

Từ phương Ðông, mặt trời từ từ lố dạng, phá tan màn đêm đen tối đang bao phủ địa cầu, vạn vật thức tỉnh, bừng lên sự sống. Ngụ ý là: ÐÐTKPÐ1 mở ra tại một nước ở phía đông, ý nói nước Việt Nam, để cứu vớt nhơn loại thoát qua biển khổ.



Tổ Sư: Người sáng lập ra một tôn giáo và làm thầy trong tôn giáo đó. Thái Thượng Ðức Ông: Ðức Thái Thượng Ðạo Quân, Giáo chủ Tiên giáo.

C.3: Ðức Thái Thượng Ðạo Quân sáng lập Ðạo Tiên và làm Tổ Sư của Ðạo Tiên.



Ra tay: Ðem sức ra làm việc. Dẫn độ: Dẫn dắt và cứu giúp. Dày công: Có nhiều công lớn.

C.4: Rất dày công trong việc dẫn dắt và cứu giúp người đời.



Tam giáo: 3 tôn giáo lớn ở Á Ðông: 
  1. Phật giáo (Thích giáo), 
  2. Lão giáo (Ðạo giáo),
  3.  Nho giáo (Khổng giáo). 
Thường nói Tam giáo là: Phật, Lão, Nho; hay Nho, Thích, Ðạo.

C.5: Trong giáo lý của Ba nền tôn giáo lớn ở Á Ðông có nhiều lời khuyên răn dạy dỗ.



Gốc bởi lòng: Cái căn bản là do Tâm của mỗi người. Ba nền tôn giáo lớn Nho Thích Ðạo đều lấy TÂM làm gốc:
  1. Phật giáo dạy Minh Tâm kiến Tánh
  2. Tiên giáo dạy Tu Tâm luyện Tánh
  3. Nho giáo dạy Tồn Tâm dưỡng Tánh

Làm phải: Làm điều hợp với Luân thường Ðạo lý.

Làm lành: Làm điều hợp với Ðức háo sanh của Thượng Ðế và hợp với sự Tiến hóa, tức là xả thân giúp đời giúp người.

C.6: Tam giáo dạy lấy Tâm làm gốc, dạy làm điều phải, tránh điều quấy, dạy làm điều thiện, tránh điều ác.



Trung Dung: Một học thuyết rất cao siêu của Nho giáo, do Ông Tử Tư (cháu nội của Ðức Khổng Tử, học trò của Tăng Tử) gom góp các lời dạy của Ðức Khổng Tử mà lập thành. Trung là không thiên lệch, là đường chánh trong thiên hạ; Dung là không thay đổi, là lẽ nhứt định trong thiên hạ.

Mọi việc ở đời đều có cái mức quân bình, đích đáng. Chưa đến cái mức ấy thì việc làm phải sai; quá cái mức ấy thì việc làm cũng không đúng; mức quân bình ấy cũng gọi là Trung. Ở đời, việc nhỏ như ăn uống hằng ngày, việc lớn như kinh luân thiên hạ, đều có cái lý bình thường chi phối tất cả, lý ấy thiết thực, không quái lạ mà cũng thay đổi đi được, ấy cũng là Dung. Vậy, Trung Dung là cái mức quân bình thích đáng trong tất cả mọi sự vật và con người, cũng như trong tất cả tác động của Trời Ðất.

Trong bài Khai Kinh Kệ (Hán văn) thì nói là Trung Thứ. Trung là hết lòng mình, Thứ là suy lòng mình ra lòng người. Sách Trung Dung có nói: Trung Thứ vi Ðạo bất viễn, thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân. Nghĩa là: Trung và Thứ thì cách Ðạo không xa, hễ điều gì làm cho mình mà mình không muốn thì cũng đừng làm cho người.

Khổng Thánh: Ðức Thánh Khổng Tử, Giáo chủ Nho giáo.

C.7: Ðức Thánh Khổng tử dạy về đạo Trung Dung rất rành rẽ.



Từ bi: Từ là lòng thương yêu chúng sanh, bi là lòng trắc ẩn thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khổ. Từ bi là hạnh đặc trưng của Phật. 
Dặn: Căn dặn, dặn dò. 
Lòng thành: Lòng thành thật. 
Lòng nhơn: Lòng thương người mến vật, thương khắp chúng sanh.

C.8: Ðức Phật căn dặn phải có lòng từ bi, lòng thành thật, và lòng thương yêu khắp chúng sanh.



Phép Tiên Đạo: Phương pháp tu luyện của đạo Tiên, hay nói khác hơn là Tâm pháp tu luyện của Tiên Giáo.

Tu chơn: Tu là sửa đổi cho được tốt đẹp hơn, chơn là thật. Tu chơn là lối tu quyết tâm sửa đổi con người của mình mỗi lúc một thêm tốt đẹp, thiện lương, chơn chánh, không cần ăn ngon mặc đẹp, chức tước quyền hành hay mão cao áo rộng, chỉ cốt đạt được mục đích quan trọng là giải thoát khỏi luân hồi. Ðây chính là con đường tu thứ ba của Ðạo Cao Ðài.

“Cách thứ ba là cách Tu chơn hay là cách Tịnh luyện cũng thế. Những người đi trong Cửu phẩm Thần Tiên (nơi Cửu Trùng Ðài) hay đi trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng (nơi cơ quan Phước Thiện), khi mình nhận thấy là đã Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn rồi, hay là đã thọ khổ và thắng khổ rồi mà còn sức nữa thì vào Nhà Tịnh để được Tu chơn. Nơi đây, các vị đó sẽ học phương pháp luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhứt, là huờn Hư đó vậy.” (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp về con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, trang 5).

Dưỡng tánh: Dưỡng là nuôi nấng, Tánh là bản thể của Tâm, bên trong là Tâm, thể hiện ra ngoài là Tánh. Cho nên, Tâm và Tánh, tuy 2 danh từ khác nhau, nhưng sự tác động vẫn một. Cái bổn Tánh của con người do Trời ban cho vốn lành (Nhơn chi sơ, Tánh bổn thiện), nhưng vì thâm nhiễm mùi trần nên sanh lòng ham muốn, làm cho Tánh biến đổi, trở nên không lành. Con người cần nuôi dưỡng cái Tánh của mình cho được lành như thuở mới sanh ra, rèn luyện trau giồi cho càng ngày càng trở nên linh thiêng sáng suốt thì tự nhiên giao tiếp được với Trời, tức là Nhơn Tánh được hiệp cùng Thiên Tánh.

C.9: Cái Tâm pháp tu luyện của đạo Tiên dạy về Tu chơn và Dưỡng Tánh.



Một cội: Một gốc, gốc đó là Thái Cực, tức là Ðức Chí Tôn Thượng Ðế. 
Ba nhánh: 3 tôn giáo lớn, tức là Tam giáo: 
  • Phật giáo, 
  • Lão giáo, 
  • Nho giáo. 
In nhau: Giống hệt nhau.

TNHT. I. 7 2: “Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã, Thích Ca Mâu Ni thị Ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã, kim viết CAO ÐÀI.” (Nhiên Ðăng Cổ Phật là Ta, Thích Ca Mâu Ni là Ta, Thái Thượng Nguơn Thỉ là Ta, nay gọi là Ðấng Cao Ðài.)

Qua lời Thánh giáo trên của Ðức Chí Tôn, chúng ta nhận thấy rằng, mỗi khi Ðức Chí Tôn thấy nhơn loại đi vào đường tà mị hắc ám thì Ngài mở lòng Ðại từ Ðại bi, sai các Ðấng Phật Tiên giáng trần mở Ðạo giáo hóa nhơn sanh. Thời thái cổ (Nhứt Kỳ Phổ Ðộ), Ðức Chí Tôn sai Ðức Phật Nhiên Ðăng mở Phật giáo; thời thượng cổ (Nhị Kỳ Phổ Ðộ), Ðức Chí Tôn lại sai Ðức Phật Thích Ca mở Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, Ðức Thái Thượng mở Ðạo Tiên ở Trung Hoa, Ðức Khổng Tử mở Nho giáo cũng ở Trung Hoa, Ðức Chúa Jésus mở Ðạo Thánh ở Do Thái. Các Ðấng ấy đều vâng lịnh Ðức Chí Tôn giáng trần mở Ðạo cứu đời. Như vậy, tuy các Ðạo có giáo lý khác nhau vì nhơn sanh ở mỗi vùng có trình độ tiến hóa khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở mục đích là dạy nhơn sanh tu hành, tiến hóa trên đường đạo đức chơn chánh, hầu đoạt vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng, thoát khỏi luân hồi.

“Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng vọng chia ba.”

(Ðức Khổng Tử)

C.10: Tam giáo đều có cùng một gốc mà ra, gốc đó là Ðức Chí Tôn, mà ngày nay thời TKPÐ gọi là Ðấng Cao Ðài.



Thấu: Thông suốt. 
Rõ thấu: Biết rõ, biết một cách thông suốt. 
Lý sâu: Cái lẽ sâu xa huyền diệu của Trời Ðất. Ðó là Chơn lý hằng hữu bất biến của Càn Khôn Vũ Trụ.

Con người là loài Thượng đẳng chúng sanh, có Tánh linh hơn vạn vật, nên cần phải tìm tòi học hỏi trong các kinh sách để biết rõ các lẽ cao siêu huyền diệu của Trời Ðất, thì mới biết tùng theo Thiên lý mà trở về cùng Ðức Chí Tôn.

C.11: Làm một con người nơi cõi trần cần phải tìm tòi học hỏi để biết rõ cái Chơn lý huyền diệu của Trời Ðất.

Sửa lòng: chữ Hán là Tu Tâm, nghĩa là sửa đổi cái Tâm cho chơn chánh tốt đẹp. Trong sạch: Trong thì được thanh nhẹ, sạch thì không ô trược. Tâm trong sạch thì làn sóng tư tưởng mới thanh nhẹ, vượt lên khỏi lớp không khí, đến với các Ðấng thiêng liêng. 
Tụng cầu: Tụng kinh và cầu nguyện. 
Thánh Kinh: Các bài kinh do các Ðấng Phật Tiên Thánh giáng cơ ban cho.

C.12: Cần phải sửa đổi cái Tâm cho trong sạch để tụng kinh và cầu nguyện thì mới được sự cảm ứng của các Ðấng thiêng liêng.

Nguồn gốc

Bài Khai Kinh có nguồn gốc là bài Kinh chữ Hán, tựa là KHAI KINH KỆ trong quyển Kinh Huyền Môn Nhựt Tụng từ bên Tàu truyền sang nước ta.

Vào năm Ất Sửu (1925), Ðức Lữ Tổ giáng cơ tại Chi Minh Lý, diễn nôm bài Khai Kinh Kệ nói trên, ban cho Chi nầy làm bài Khai Kinh để tụng trước khi tụng Kinh Sám Hối.

Ðây là một trong 6 bài Kinh mà Hội Thánh vâng lịnh Ðức Chí Tôn thỉnh từ Chi Minh Lý về làm Kinh ÐÐTKPÐ (xem: Nguồn gốc bài Niệm Hương).

Sau đây, xin chép lại bài Khai Kinh Kệ:

KHAI KINH KỆ 開 經 偈
Trần hải mang mang 塵 海 茫 茫
Thủy, nhựt đông, 水 日 東
Vãn hồi toàn trượng 挽 回 全 仗
Chủ Nhơn Công. 主 人 公
Yếu tri Tam giáo 要 知 三 敎
Tâm nguyên hiệp, 心 源 合
Trung thứ, Từ bi, 忠 恕 慈 悲
Cảm ứng, đồng. 感 應 同

Dịch nghĩa:

Bài kệ mở đầu các bài kinh.Biển trần bát ngát mênh mông nước, mặt trời ở phương Ðông,
Vãn hồi được là hoàn toàn nhờ vào Ðấng Thái Thượng Ðạo Tổ.
Những điều trọng yếu cần biết của Tam giáo là do cái Tâm làm gốc cho sự hòa hợp.
Ðức Khổng Tử dạy Trung Thứ, Ðức Phật dạy Từ Bi, Ðức Thái Thượng dạy Cảm Ứng, đều đồng như nhau.

Bài Khai Kinh Kệ gồm 4 câu thơ chữ Hán được Ðức Lữ Tổ diễn nôm thoát ý một cách tuyệt diệu theo thể thơ song thất lục bát gồm 9 câu: Từ câu 1 đến câu 9. Ðức Lữ Tổ viết thêm 3 câu chót, dường như có ý để về sau dùng bài nầy làm Khai Kinh cho ÐÐTKPÐ với tôn chỉ Tam Giáo qui nguyên:

10. Một cội sanh ba nhánh in nhau,
11. Làm người rõ thấu lý sâu,
12. Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.

Lữ Tổ là Lữ Ðồng Tân, đạo hiệu là Lữ Thuần Dương, một vị Ðại Tiên trong Bát Tiên, thường giáng cơ ban cho kinh điển.

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật