Thi Văn Giáo Lý Năm Ất Dậu 1945

Thi Văn Giáo Lý,Thi Văn Giáo Lý Năm Ất Dậu 1945,Phật Giáo Hòa Hảo,

THI VĂN GIÁO LÝ
CỦA ĐỨC THẦY
SÁNG TÁC
NĂM ẤT DẬU 1945



CÁC BÀI THƠ CÓ ( *) LÀ CÓ CHÚ GIẢI


1. Huấn Lịnh

HUẤN LỊNH

Hỡi tất cả thiện-nam tín-nữ !

Ngày mà chúng ta chịu khổ dưới gót giày của người Pháp và bọn quan lại hung tàn đã vừa qua. Kể từ nay tôn-giáo của chúng ta sẽ được tự-do truyền-bá. Vậy tôi nhân cơ-hội nầy tỏ cho các người được hiểu rằng:

Đạo Phật là đạo từ-bi bác-ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ; tuy tình thế đổi thay chớ tấm lòng nhơn chẳng đổi.

Vậy hãy coi toàn dân cũng như anh em một nhà, mong họ liên-kết với chúng ta để kiến-thiết lại quê-hương cùng nền Đạo nghĩa. Những kẻ bạo-tàn từ trước đến giờ, nay đã ăn-năn giác-ngộ thì hãy dĩ đức nhiêu dung tội trạng của họ, để sau nầy quốc-gia định-đoạt, còn mình chỉ khuyên họ trở lại đường lành, chớ chẳng nên làm điều gì thái quá mà động đến từ tâm của chư Phật.

Mong các người hãy tuân theo huấn-lịnh nầy.

Sàigòn, ngày 2 tháng 2 Ất-Dậu (1945)



HỠI ĐỒNG-BÀO VIỆT-NAM!

Nước nhà đã tuyên-bố độc-lập. Kẻ thù giết cha ông của chúng ta hầu hết đã bị giam cầm. Giờ đây, bổn-phận của mỗi người Việt-Nam cần phải làm thế nào cho sự độc-lập hoàn-toàn của nước nhà chóng thực-hiện.

Vậy tôi xin khuyên tất cả đồng-bào muốn tỏ ra xứng đáng với một người dân một nước tự-do thì chúng ta hãy nên đoàn-kết chặt-chẽ cùng nhau, hãy quên hết những mối thù hềm ganh-ghét, đừng bày ra cái họa nồi da xáo thịt khiến cho ngoại chơn khinh-bỉ một dân-tộc như dân-tộc Việt-Nam ta đã có nhiều tấm lòng nhân-hậu và những trang lịch-sử vẻ-vang, Còn bọn sâu dân mọt nước để sau nầy do Tòa-án quốc-gia định-đoạt, hiện giờ hãy rán tuân theo kỷ-luật của nhà binh.
Lo trả thù riêng, đốt phá nhà cửa, hoặc trộm cướp sát-nhân, làm rối trật-tự, có hại cho sự kiến-thiết quốc-gia.

Kẻ yêu nước chẳng nên làm.Những người lính Việt-Nam trong quân-đội Pháp thoát ngũ hãy ra nhà binh Nhựt ghi tên, sẽ vô tội. Những lính cảnh-sát hãy đem khí-giới ra nộp và hiệp-tác với nhà đương cuộc để giữ an-ninh. Những kẻ trộm cướp có khí-giới hãy đem khí-giới nộp và thú tội sẽ được tha-thứ.
Bình-tĩnh hiệp-tác chặt-chẽ với nhà đương cuộc, giữ sự an-ninh cho dân-chúng, có lợi cho sự kiến-thiết quốc-gia.

Kẻ yêu nước nên làm.

Nhân danh cho VIỆT-NAM ĐỘC-LẬP
VẬN-ĐỘNG HỘI kiêm CỐ-VẤN DANH-DỰ
VIỆT-NAM ÁI-QUỐC ĐẢNG




Ký tên: HÒA-HẢO
Sàigòn, tháng 2 Ất-Dậu (1945)

2. Lời Riêng Cho Bổn Đạo

LỜI RIÊNG CHO BỔN ĐẠO

Tôi ở Sài Gòn khi cuộc đảo chánh xảy ra, vẫn đoán biết sẽ có vài chuyện chẳng hay trong quần-chúng, lập tức gởi thơ về khuyên giải mọi người, nhưng vì đường giao-thông bất-tiện mà thơ ấy đến rất chậm trễ, tôi lấy làm chẳng vui mà thấy một vài người trong Đạo và ngoài đời nhận lấy cái danh-từ của tôi mà làm một ít cử-chỉ trả thù không có xứng đáng với tấm lòng đạo-đức từ-bi; trước kia chúng nó hà-khắc ta, chúng nó đành; ngày nay ta hà-khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung-tàn, còn lòng ta lại đầy nhân-ái!

Nên kể từ nay kẻ nào trong Đạo còn làm điều gì không có mạng lịnh sẽ bị loại ra khỏi Đạo và giao nhà đương-cuộc xử một cách gắt-gao.

Ký tên: HÒA-HẢO
Sài Gòn, tháng 2 Ất-Dậu (1945) 

3. Hiệu Triệu

HIỆU TRIỆU

Hỡi đồng-bào Việt-Nam!

Vì một cái chánh-sách sai lầm của tiền-nhân ta mà Đế-Quốc Pháp có cơ-hội tốt chiếm-đoạt lãnh-thổ nước Việt-Nam. Gần ngót trăm năm nay, đồng bào ta trải biết bao cay đắng; lớp kẻ thù giày đạp, lớp quan lại tham-ô, vì thế nên người dân Việt-Nam gánh vác biết bao sưu-thuế nặng-nề. Kẻ thù đã lợi-dụng chánh-sách ngu dân để nhồi sọ quần-chúng, gây mầm chia rẽ Bắc, Nam, Trung, phá rối sự đoàn-kết, hầu mong cho cuộc đô-hộ được vĩnh-viễn trên giải non sông đất nước mà Tổ-Tiên ta phải phí biết bao máu đào mới gầy dựng được.
Vả lại từ trước cho đến nay các bực anh-hùng, các nhà chí-sĩ khắp ba kỳ đã bao phen vùng-vẫy chống lại quân thù mong gầy dựng lại nền Đôc-Lập cho quê hương đất Việt.
Nhưng than-ôi! Chỉ vì thiếu khí-giới tối-tân, chỉ vì sơ đường luyện tập mà giọt máu anh-hùng đành hòa với bao nhiêu giọt lệ, khóc phút sa cơ, để lại cho người đồng thời và cho đoàn hậu-thế muôn vàn tiếc thương ân-hận.
Cách bốn năm nay, Đế-quốc Pháp đã tan tành gẫy đổ; địa vị người Tây cũng bị suy-lạc rất nhiều trên bán đảo Đông-Dương. Kế đến quân-đội Nhựt tràn sang, bọn cầm quyền Pháp ở xứ ta muốn duy trì quyền chủ-trị của họ bèn lợi-dụng tất cả điều-kiện kinh-tế, để cung-cấp các sự nhu-cầu cho quân-đội Nhựt hầu giữ vững cuộc bang-giao. Đàng khác, họ gia-tăng sự áp-bức, làm cho dân-chúng ta phải điêu-linh trong vòng khổ-sở, hầu làm cho chúng ta mất cả năng-lực, cùng tinh-thần tranh-đấu, mong kéo dài ngày tháng chờ cơ hội thuận-tiện để vẫy-vùng.
Đến ngày hôm nay, giai-đoạn tranh-đấu đã đến thời-kỳ quyết-liệt, cho nên lòng hân-hoan và mối hy-vọng của kẻ thù đã bộc-lộ rất rõ-ràng. Vì vậy tình bang-giao giữa chúng nó với Chánh-phủ Nhựt-bổn chẳng còn được ổn-thỏa nữa.
Đó là lý-do để cho quân-đội Nhựt giải quyết vần-đề Đông-Dương và rạng ngày 26 tháng giêng năm Ất-Dậu ta (nhằm ngày 10 Mars 1945 theo dương-lịch), bộ máy cai-trị của chúng nó bị hoàn-toàn gãy đổ.

Hỡi đồng-bào Việt-nam!

Chúng ta đã bước và đang bước đến một khúc nghiêm-trọng trên lịch sử. Giờ đây ta đã có thêm nhiều đặc-quyền lo-lắng đến cái giang-san gấm-vóc của Tổ-Tiên ta di-truyền lại.

Vận-động cuộc độc-lập!
Vận-động cuộc độc-lập!


Phải! Toàn-quốc phải liên-hiệp vận-động cho cuộc Độc-Lập. Đấy là cái chủ-trương duy nhất của Việt-Nam Độc-Lập Vận-Động-Hội.

“Việt-Nam Hoàn-Toàn Tự-Do, Độc-Lập”


Đấy là cái khẩu-hiệu duy-nhất của người Việt-Nam.

Hỡi các đồng chí thân yêu!

Từ khi Quốc gia bị khuynh-đảo đến nay, chúng ta chỉ hợp từng đoàn-thể nhỏ hoặc độc thân tranh-đấu và phải bao phen thất bại một cách đắng cay chỉ vì thiếu tinh-thần đoàn-kết, thiếu sức bền-bỉ dẻo-dai để chống lại kẻ xâm-lăng vô cùng tàn-bạo. Thời giờ nầy ta đã học-hỏi được nhiều rồi, ta đã thâu thập kinh-nghiệm khá hơn rồi; vậy thì ta nên đồng nhận chân ý-thức như nhau, nắm tay nhau quả-quyết mạnh dạn tiến bước trên con đường tranh-đấu.

Hỡi các bạn trí-thức Việt-Nam!

Các bạn có bị cái thứ văn-minh cặn-bả cám-dỗ chăng?
– Các bạn có quên tinh-thần quốc-gia hùng-dũng của Việt-Nam chăng?
– Không! Không! Chúng tôi chắc hẳn rằng không vậy.
Các bạn cũng biết cái cặn-bã của nền văn-minh Pháp nhồi nắn rất nhiều đồng-bào ta trở thành những bộ máy của bọn xâm-lăng. Các bạn đã ôn-nhuần những trang lịch-sử vẻ-vang mà từ ngàn xưa đến giờ, tiền nhân ta viết ra bằng tâm-cơ và bằng huyết-hãn, vẫn còn đầm-đìa trên mặt giấy. Vậy ngày nay, các bạn nên lợi-dụng thời-cơ thuận tiện để đem tất cả trí, năng, đức, hạnh, tham-gia vào Hội, lãnh-đạo nhân-dân hầu huấn-luyện cho nhau cái tinh-thần quốc-gia kiên-cố.

Hỡi các bạn thanh-niên!

Trong ba năm nay, theo mạng lịnh của người Tây, có rất nhiều bạn nhờ sự tháo-luyện, nên thân-thể được cường-tráng. Tuy vậy mà thử hỏi quân thù có thật lòng thương giống-nòi dân Việt nầy chăng?
Decoux, Ducouroy có thật lòng thương yêu quí mến các bạn chăng? Có khi nào kẻ dị-chủng ấy đã chiếm-đoạt cái di-sản quí báu vô cùng vô tận của Tổ-Tiên ta di-truyền lại mà thương bạn mến bạn. Ấy chỉ vì chúng nó lợi-dụng bạn, luyện-tập bạn phòng khi hữu sự thì đem bạn làm mồi cho gươm súng hầu bảo-vệ lợi-quyền tư riêng của chúng.
Nhưng rủi thay cho quân-thù, may thay cho lương dân Đại-Việt! Bọn nó chưa đủ ngày giờ thực-hành ý-định liền bị sanh cầm. Ngày nay, thay vì phải bắt buộc phụng-sự cho những kẻ đã sát-hại tiền-nhân ta, chiếm-đoạt lãnh-thổ ta, giành-giựt lợi-quyền ta, đàn-áp đồng chủng ta, các bạn hãy để tinh-thần tráng-kiện ấy vùa giúp vào công cuộc kiến-thiết nền Độc-Lập cho giang-san đất Việt.

Hỡi các bạn Thanh-Niên! Các bạn nên tham-gia vào V.N.Đ.L.V.Đ.H. để đạt tới mục đích.


Hỡi các cụ đồ nho! Hỡi các nhà sư!

Các cụ Đồ Nho! 
Từ trước đến nay, luôn luôn các cụ vẫn hoài bão một nhiệt-vọng cho sự Độc-Lập của nước Việt-Nam, luôn luôn các cụ vẫn nuôi-nấng một tinh-thần Quốc-gia càng ngày càng mạnh-mẽ. Cái ngày mà các cụ mong-mỏi, thiết-tha đã đến và ngày giờ nầy các cụ rất khoan-khoái được thấy cái nguồn sanh-lực của nước Việt-Nam tái phát.
Bao nhiêu tiết-tháo của thời xưa vẫn còn in sâu vào tâm não, bao nhiêu thành-tích vẻ-vang hùng-tráng của thời xưa đã chép ra mà nét chữ vẫn chưa mờ, còn lưu lại nơi trí óc các cụ những kỷ-niệm liệt-oanh rực-rỡ.

Hỡi các cụ đồ nho! Hãy tham-gia vào phong-trào mới của nước nhà để khích-lệ nhân-tâm.

Các bực Tăng-Sư, Thiền-Đức!
Các cụ có nhớ chăng? Trên lịch-sử Việt-Nam thời xưa nhà Đại-Đức “Khuông-Việt” dầu khoác áo cà-sa, rời miền tục lụy, thế mà khi Quốc-gia hữu sự cùng ra tay gánh vác non sông.
Từ khi người Pháp qua chiếm đất ta, bề ngoài gọi rằng cho ta tự-do tính-ngưỡng, nhưng bên trong dùng đủ mọi cách âm thầm chia rẽ và phá hoại cho tín-đồ nhà Phật không có sức đoàn-kết chấn hưng hầu bài-trừ cái lưu tệ dị-đoan mê-tín.
Đã vậy lại không có cơ-quan tuyên-truyền thống nhứt, cũng chẳng có trường chung đào luyện tăng-sư. Các cụ nên biết: hễ nước mất thì cơ-sở của Đạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Đạo được phát khai rực-rỡ.
Chúng tôi ước-mong các cụ noi gương đức Đại-Sư “Khuông-Việt” tự mình gia-nhập vào V.N.Đ.L.V.Đ.H. để làm gương, hay là để khuyến-khích các môn nhơn đệ-tử mau tham-gia vào phong-trào mới hầu chấn-chỉnh Quốc-gia ta. Khi nào nước nhà được cường thạnh, đạo Phật mới đặng khuếch-trương tự-do hầu gieo rắc tư-tưởng Thiện-Hòa và tinh-thần Từ-Bi, Bác-Ái khắp bàng-nhân bá-tánh.

Hỡi các nhà Thương-mãi!
Nông-gia! Thợ thuyền!

Dưới sự kềm chế của bọn xâm-lăng, nền thương-mãi quốc-gia bị đắm chìm kiệt-quệ, cơ hồ bị tay người ngoại quốc chiếm hẳn. Vì thế dưới sự chi-phối của bọn Đế-quốc Pháp, các nền kinh-tế, thương-mãi của người Nam không có cơ ngóc đầu dậy nổi.
Các nền tiểu-công-nghệ, thủ-công-nghệ bị uy-hiếp nặng-nề cho đến đổi những nhà tiểu tư bản đều bị vô-sản hóa, lâm vào một tình-trạng vô cùng lầm than khổ não.
Thương-gia Việt-Nam đành bó tay không phương giải-cứu. Muốn cho nền thương-mãi đặng phát-triển, thương-gia đặng thạnh-vượng, phi trừ sự “Độc-Lập” của nước nhà ra chẳng có cái gì có thể vãn cứu nổi.
Các nông-gia bị cái áp-lực bất công của bọn thực-dân người Pháp và những kẻ quan-lại kiêm địa-chủ hiếp bức đủ mọi phương-diện, đều bị bóc-lột rất quá đáng. Nông-nghiệp là nguồn gốc kinh-tế của xứ-mình; nhưng vì muốn làm cho quân-đội Nhựt-Bổn thiếu kém đồ ăn và lấy cớ cung-cấp cho quân-đội Nhựt mà người Pháp, ngót mấy năm nay, thi-hành chánh-sách hết sức độc-ác, tịch thâu hay mua rẻ nông-sản, kiểm-tra hóa-vật bày ra nông-phố hợp tác lủng-đoạn lợi quyền, làm cho nông-nghiệp phải chịu thiệt-thòi rời-rã, không còn sản-xuất như xưa, kẻ làm ruộng vì vậy mà nghèo hèn đói rách.
Bọn cầm quyền Pháp chẳng có giúp cho kỹ-thuật canh-cải được điều gì tốt đẹp cả, và chỉ khai-thác ít con kinh cho chiếu lệ, chớ 80 năm nay nghề nông ta vẫn còn nằm trong vòng ấu-trỉ phôi-thai với những khí-cụ của ông bà ta để lại. Họ chẵng có đem lại thứ máy-móc nào giúp cho nông-phu cũng không khi nào được thư-thái, cho đến muối là một món ăn mà Đông-Dương sản-xuất rất nhiều, nhưng vì người Pháp mà mấy năm nay trở nên thiếu-thốn chẳng đủ cung-cấp cho nhân-dân.
Nền kỹ-nghệ trong xứ chẳng những không được khuyến-khích giúp đỡ mà lại còn bị cấm ngăn gián-tiếp khiến cho sự nhu-cầu của dân-chúng thiếu-thốn mọi bề, từ một cây kim may cho đến một cơ-khí tinh-xảo. Tóm lại tất cả các nhà kinh-tế, kỹ-nghệ, thương-mãi nông-nghiệp, tất cả các nguồn-lợi thiên-nhiên hay nhân tạo, tất cả các nguyên-liệu cho sự sống còn của xứ sở bị người Pháp hoặc chiếm đoạt, hoặc tàn-phá làm cho nước nhà không còn là một nơi phì-nhiêu phong-phú nữa.
Thợ-thuyền nhơn-công cũng ở dưới sự bạc-đãi, bức bách như nông dân; họ sống một cuộc đời luôn luôn thiếu kém và vẫn phải rụt-rè khép-nép với bọn chủ xưởng người Tây, vẻ mặt đầy hung-ác.
Nhiều khi lắm người nhân công bị hành-hà tàn-nhẫn, giết chết biệt thây, hoặc bị sốt rét rút hết máu-me nơi cánh rừng cao-su bát-ngát, hoặc chết dưới những hầm mỏ âm-u mà nào ai có mở cuộc điều-tra, nào ai dám mở lời kêu ca thống trách và pháp-luật vẫn bỏ mặc tình, chẳng một điều gì chở-che bảo-bọc, ấy cũng tại nguyên-nhân nào? Nếu chẳng phải tại nước mất nhà tan, nên đám người vong-quốc ấy phải ngậm-ngùi với biết bao điều ân-hận.
Hỡi các thương-gia, nông-gia, thợ-thuyền! Cố gắng lên! Hùng mạnh lên! Và liên-kết cổ động tranh-đấu cho nền độc-lập hoàn-toàn của Quốc-gia hầu vãn-cứu đồng-bào mình cùng quyền-lợi mình.


VIỆT-NAM ĐỘC-LẬP VẬN-ĐỘNG HỘI
Thành lập chẳng phải chỉ để lo riêng cho cái quyền-lợi của một người hay một hạng người mà là cho chung cả mấy mươi triệu người dân Việt.

Vậy thì mỗi người công-dân Việt-Nam đều phải nghĩ đến xứ-sở mình, đến tương-lai đất nước mình, đến sự sống còn của dân-tộc mình; vì mặc dầu đã bị triệt-hạ trên giải đất Đông-Dương, Đế-quốc Pháp bên kia trời cũng vẫn còn hoài-bảo cái mộng-tưởng khôi phục lại quyền chủ trị; vậy thì đồng-bào hãy cố gắng lên!

Chúng tôi mong rằng các bực lão thành, các hàng trí-thức, các thanh-niên nam-nữ, các đồng-bào vì đất nước chung, vì mục-đích chung, hợp sức cùng nhau để đạt cái nhiệt-vọng tối-đại tối cao thì tiền-nhân ta mới đành ngậm cười nơi chín suối.

VIỆT-NAM ĐỘC-LẬP VẬN-ĐỘNG HỘI

“Ủng hộ triệt-để các đảng Ái-quốc chân chính”
“Bài-trừ triệt-để bọn mọt nước sâu dân”.

Sài Gòn, tháng 3 dl.1945

4. Lời Ủy Nhiệm Cho Các Ban Trị Sự Tỉnh Bộ

LỜI ỦY NHIỆM CHO CÁC BAN TRỊ SỰ TỈNH BỘ

Sài Gòn, ngày 21 tháng 4 năm 1945 dl.
Lời ủy-nhiệm cho các Ban Trị-Sự Tỉnh-bộ. Vì Thầy không thể trực-tiếp giải quyết những việc biến-cố xảy ra hằng ngày ở trong đạo, nên cho Ban-Trị Sự được thay mặt trọn quyền thu-xếp tổ-chức giữ-gìn cho toàn thể bổn-đạo được có trật-tự yên-ổn làm ăn. Xét những việc đã xảy ra từ ngày chánh biến đến nay, đều do những kẻ không vâng lịnh Thầy, và các nhà trí-thức trong đạo, tự mình hành-động không ý-thức, phương-pháp:
Là vì có nhiều kẻ dối tu làm bậy.
Thiếu học-thức kinh-nghiệm, hành-động không thứ lớp.
Thiếu tổ-chức và Ban-Chỉ-huy.
Không vâng lời Thầy dạy.
Để bọn trộm-cướp xen vào tá danh.
Nên trong khi chờ Chánh-Phủ phê chuẩn Hội Phật-Giáo Liên-Hiệp, chúng ta phải lo cho toàn thể trong đạo bằng cách xếp họ vào trật-tự một cách yên-tịnh, không ồn-ào quảng cáo, không phiền-nhiễu đến cơ-quan cai-trị và nhơn tâm.

Ban Trị-Sự phải giải-quyết những vấn-đề dưới đây, khỏi phải hỏi ý kiến Thầy:

Điều 1.–Được quyền tổ-chức các Ban Trị-Sự trong đạo ở các làng trong tỉnh.
Điều 2.-Được quyền chỉ-huy họ, bắt-buộc họ phải tuân lịnh Ban Trị-Sự ở Tỉnh, không được khinh-suất hành-động.
Điều 3.–Chưa được phép quyên tiền và góp chi-phí, phải ngăn-cấm điều ấy.
Điều 4.–Cho các Ban Trị-Sự các nơi hay, phải lập thông-qui trong đạo, biên tên tuổi, nghề-nghiệp, để kiểm-soát bổn-đạo mới và cũ, biên riêng sổ.
Điều 5.–Kẻ nào làm bậy được quyển bôi tên trong sổ đạo, cho nhà chức-trách hay, hoặc bắt mà nạp cho nhà chức-trách trừng trị.
Điều 6.–Nếu có xảy ra việc biến-cố bất ngờ, Ban Trị-Sự nên phái người trực-tiếp với nhà chức-trách thương-lượng, điều-đình cho ổn-thỏa, đừng để hiểu lầm nhau.
Điều 7.–Những kẻ nào gần đây có phạm vào tội trộm-cướp, không đặng biên tên vào sổ đạo.
Điều 8.–Ra lịnh cấm bổn-đạo không được tứ ý lên Thầy, phải báo cáo sự biến-động cho Ban Trị-Sự biết, để Ban Trị-Sự phúc trình cho Thầy biết mà thôi.
Điều 9.–Những việc nhỏ-nhặt đã giải quyết xong, khỏi báo cáo cũng được.
Điều 10.–Cho bổn-đạo biết từ đây có tin gì trên Thầy về, chỉ gởi bằng giấp tờ có chữ ký tên. và gởi cho Ban Trị-Sự Tỉnh-bộ mới được, đừng nghe theo lời truyền khẩu sẽ vô giá-trị, dầu người đó nói ở trên Thầy mới về cũng không được tin
Điều 11.–Kẻ nào đem tuyên-truyền tin láo-xược, kẻ đó sẽ bị Ban Trị-Sự quở và kêu nhà chức-trách bắt.
Điều 12.–Kẻ nào xét coi những việc gì có ích-lợi chung trong đạo, mà không có trái với luật nước, không náo-động nhơn tâm, cả Ban Trị-Sự đồng ý, thì được tùy-tiện bổ-cứu thi-hành.
Điều 13.–Kẻ nào tự ý đi Sài Gòn thì sẽ không được trên nầy thừa-nhận.
Điều 14.–Cảnh-cáo cho mọi người biết, kẻ háo danh tham lợi là kẻ làm cho hoen-ố nền đạo.
Điều 15.–Giải nghĩa cho anh em trong đạo biết rằng: thay-thế vào những hành-động điên cuồng, anh em nên để thì giờ đó học chữ quốc-ngữ, đặng xem kinh sách, cho thông hiểu việc đời, mở-mang trí-huệ, mà biết được phải trái, trước khi hành-động một việc gì.
Điều 16.–Kẻ nào biết người đồng-đạo làm việc trái phép mà không thông báo cho Ban Trị-Sự hay, thì đồng tội với kẻ quấy, sẽ bị loại ra khỏi đạo.
Những điều trên đây lần-lượt thi-hành và liên-lạc với nhà chức-trách hiện thời, để giải nghĩa cho họ biết mình làm việc như vầy là có ý giúp Chánh-Phủ trong việc trị-an, mà từ trước đến giờ mình không tổ-chức được.

Thầy ước-ao và tin cậy sự sốt-sắng của các Ban Trị-Sự, để các nơi đừng có việc xảy ra đáng tiếc, thì nền đạo chúng ta mới bành-trướng được.

Bức thư nầy có thể cho Tham-Biện, Chủ-Quận hay Tổng coi cũng được.


Ký tên: HÒA-HẢO
5. Lời Tâm Huyết

LỜI TÂM HUYẾT !

Hỡi tất cả thiện nam tín nữ! Trước khi các người quy y Phật-pháp, ai ai cũng có lời nguyện cải hối ăn-năn làm lành lánh dữ, theo dõi mục đích từ-bi bác-ái của chư Phật.

Thầy nhận thấy có nhiều người thành tâm làm điều phải mà cũng có một ít kẻ tu hành giả dối, lợi dụng nền tôn-giáo gạt lường bổn-đạo mà lấy tiền để sống hoặc nói nhiều điều mộng huyễn sai lạc sự tín-ngưởng chơn-chánh.

Vì muốn giữ sự trật-tự, sự yên-tịnh chung cho toàn-thể, nên hôm nay Thầy nhắc lại cho bổn-đạo một lần nữa, nhưng điều sau đây để mọi người làm theo:
1. Không ai được phép đến nhà Thẩy để thăm hay nói chuyện riêng về gia-đình cá-nhân chỉ trừ khi nào vô cớ bị áp-bức.
2. Không được chép bài vở nào của người khác để làm rối sự tín ngưỡng. Phải coi chừng những bài giả của bọn khác mạo nhận là của Thầy (những giảng cấm dung trữ).
3. Không được bàn-tán thời cuộc.
4. Không được bàn-tán về chánh-trị và làm việc nào nhỏ mọn có thể gây ác-cảm với những người ngoại đạo.
5. Tôn-trọng giới-luật của đạo, rán sửa mình cho trong sạch để gây quả-phúc tốt cho linh-hồn và xác-thịt.
6. Phải tố-giác hành-vi xấu-xa của anh em đồng đạo cho người có nhiệm-vụ và trí-thức trong đạo, không được yêm-ẩn hay vì tình riêng mà che-chở.
7. Nếu người nào không giữ được giới-luật của đạo, tốt hơn là ra khỏi đạo, không có sự ép buộc phải ở trong đạo.
8. Những người nào cờ bạc, rượu trà, làm điều xấu-xa, nên biên tên họ đem cho mấy người có trách-nhiệm để những người ấy đem cho Thầy, Thầy sẽ trừng-trị một cách thích-đáng để làm gương cho kẻ khác, thời giờ nầy cần nhứt mỗi người bổn-đạo phải bình-tĩnh, nhẫn-nhục, không nên nghe lời ai xúi biểu làm điều phi pháp, tổn-hại đến danh-dự chung.

Thầy mong rằng các thiện-nam tín-nữ thân-yêu không trái ý Thầy, để Thầy yên tâm mà tịnh-dưỡng trong một thời-gian.

Sài Gòn, mùa hè năm Ất-Dậu (1945)
__________________________________
Đây là lời lẽ trong một Huấn lịnh hay Chỉ thị mà Đức Thầy gởi cho Ban Trị-Sự P.G.H.H. ở các tỉnh. Vì hiện không có bổn-chánh nên chúng tôi chẳng nhớ rõ ngày tháng.


6. Gọi Đoàn Tráng Sĩ

 GỌI ĐOÀN TRÁNG SĨ

Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn tráng-sĩ,
Nhìn thời xưa hùng-vĩ nước nhà ta.
Bắc Nam một giải san-hà,
Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.
Trải qua cũng lắm hồi vận bĩ,
Rồi anh em tráng-sĩ đứng lên.
Liều mình đục pháo xông tên,
Liều mình giết giặc xây nền tự-do.
Tiếng roi lại bình Ngô, sát Đát,
Sử xanh còn ngào-ngạt hương thơm
Trông phường giá áo túi cơm,
Trông phường úy tử mà nhờm đi thôi.
Nay vận nước đến hồi thịnh-thái,
Chí anh hùng ta hãy noi gương.
Một mai nước được phú-cường,
Tấm thân tráng-sĩ cột rường nhà Nam.

Sài Gòn, tháng tư năm Ất-Dậu (1945)


7. Gọi Đoàn Phụ Nữ

GỌI ĐOÀN PHỤ NỮ

Chị em ôi, Bắc Nam là một,
Chị em là rường cột giống-nòi.
Dở sử xanh Nam-Việt mà coi,
Gương Trưng, Triệu còn roi muôn thuở.
Chẳng có lẽ xưa hay mà nay dở,
Khiếp-nhược là cái cớ vong gia.
Chí anh-hùng của khách quần-thoa.
Đâu có kém bực tu-mi nam-tử.
Sách Thánh-hiền truyền lưu mấy chữ,
Thất-phu còn trách-nhiệm với non sông.
Cả tiếng kêu bạn gái má hồng,
Đem son phấn điểm-tô Tổ-Quốc.

Sàigòn, tháng tư năm Ất-Dậu (1945)

8. Khuyến Nông

KHUYẾN NÔNG

Hỡi đồng-bào! Hỡi đồng-bào!
Thần chết đã tràn vào Trung-Bắc,
Ngày lại ngày siết chặt giống nòi;
Lật qua các bài báo mà coi,
Thấy con số chết xem mòi kinh nguy.
Cũng tại vì Tây-di bày kế,
Phá-hoại nền kinh-tế nước ta.
Làm cho điên-đảo sơn-hà,
Làm cho điêu-đứng con nhà Lạc-Long.
Bỗng phút đâu cuồng phong một trận,
Quân Phù-Tang khai hấn bất kỳ.
Còn đâu mưu khéo giải vi,
Còn đâu hoãn kế trong kỳ viện binh?
Dầu những kẻ vô tình với nước,
Cũng tỉnh hồn mơ-ước tự-do.
Tiếng vang độc-lập reo hò,
Từ Nam chí Bắc nung lò khí thiêng.
Quyết phen nầy kết-liên một khối,
Đem máu đào tắm gội giang-san.
Giờ đây đem lại mùa-màng,
Năm rồi miền Bắc tan-hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam-Kỳ béo-bở,
Cơ-hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền-chủ phu-nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,
No dạ dày là chước đầu tiên.
Nam-Kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung-cấp cho miền Bắc, Trung.
Quân-đội Nhựt cần dùng lương thảo,
Cũng phải ăn lúa gạo Nam-kỳ.
Ta còn ngần ngại nỗi chi,
Mà không cày cấy kịp thì hỡi-dân?!
Điền-chủ phải một lần chịu tốn,
Giúp áo quần, giúp vốn thêm lên.
Muốn cho dân được lòng bền,
Mua giùm canh-cụ là nền khuếch-trương.
Giá mướn phải thường thường dễ thở,
Xử ôn-hòa niềm-nỡ yêu nhau.
Cùng chung một giọt máu đào,
Phen nầy hiệp sức nâng cao nước nhà.
Kẻ phu-tá cũng là trọng trách,
Cứu giống-nòi quét sạch non sông.
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy-sinh dầu thác cũng cam.
Miễn sao cho cánh đồng Nam,
Dồi-dào lúa chín gặt đam về nhà.
Chừng ấy mới hát ca vui-vẻ,.
Ai còn khinh là kẻ dân ngu.
Không đem được chút công-phu,
Không đem sức-lực đền-bù nước non.
Gởi một tấc lòng son nhắn-nhủ,
Khuyên đồng-bào hãy rủ cho đông.
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần-lao, nhẫn-nại Lạc-Long tổ truyền.

Sài Gòn, tháng tư năm Ất-Dậu (1945)


9. Đính Chánh

ĐÍNH CHÁNH

Gần đây lắm kẻ ngoa truyền,
Một bài sấm-ngữ nơi miền Hậu-giang.
Nói rằng: tháng tám tai nàn,
Tồi-tăm trời đất tan-hoang cửa nhà.
Kẻ gần rồi đến người xa
Từ trong thôn dã đến ra thị-thành.
Hại cho quốc-kế dân-sanh,
Ruộng đồng tươi đẹp dân đành ngó lơ.
Thương thay những kẻ ngu khờ,
Lầm mưu gian-trá ngẩn-ngơ ưu-sầu.
Hỏi rằng: Sấm bởi nơi đâu,
Nói: “Ông Hòa-Hảo làm đầu truyền ra”.
Buộc lòng tôi phải đính ngoa,
Cho trong toàn quốc gần xa được tường.
Chuyện ấy là chuyện hoang-đường,
Của bọn phá-hoại chủ-trương hại mình.
Anh em ta hãy đồng tình,
Nếu gặp “nắm óc” đem trình “Công-An”.
Chúng ta giải-quyết lẹ-làng,
Đừng để chuyện huyễn tràn lan ra nhiều.

Ký tên: HÒA-HẢO
Sài gòn tháng tư năm Ất-Dậu (1945) 
10. Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội

VIỆT-NAM PHẬT-GIÁO LIÊN-HIỆP-HỘI

TÔN-CHỈ

Liên-hiệp các tôn phái đạo Phật, các nhà sư, các tín-đồ, các-nhà trí-thức có xu-hướng về Phật-giáo để:

1./ Tìm cách nâng cao tinh-thần đạo Phật.
2./ Tìm những phương-tiện cứu-giúp kẻ nguy-nàn vì thời cuộc gây ra.
3./ Giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang, tế.
4./ Binh-vực lẫn nhau trong sự tín-ngưỡng tự-do.

ĐIỀU-KIỆN NHẬP HỘI

Bất luận nhà sư hay cư-sĩ, trí-thức, bần-dân hễ được có xu-hường rõ-rệt về Phật-Giáo, thành tâm chuẩn-nhận cái tôn-chỉ trên đây, đều được gia-nhập vào Hội, ở tôn-phái nào cũng đặng, mặc dầu gia-nhập Hội, nhưng vẫn giữ được sự tu hành và cúng-kiếng của THẦY mình hay TÔN-PHÁI mình.

Các tôn-giáo khác muốn liên-hiệp, phải có cuộc bàn-bạc riêng.
 

HỘI VIÊN 

Hội-viên phân làm hai hạng:

I.- Hoạt-động hội-viên,
II.- Tương-trợ hội-viên.

a)- Hoạt động hội-viên

–Gồm các nhà sư hay cư-sĩ, trí-thức có lòng hy-sinh đời mình, tài-sản mình, mong mở-mang nền đạo-nghĩa và giúp nhân-loại trong sự lầm than.

b)- Tương-trợ hội-viên

–Gồm tất cả đại-chúng có lòng thiện-từ, vì gia-đình, vì sự nghiệp làm ăn, không thế hy-sinh nhất-thiết, nhưng có lòng tán-dương ủng-hộ công việc của Hội bằng tinh-thần hay vật-chất.
 

TRỌNG-TRÁCH HỘI-VIÊN

1. Phải giải-thích các tôn-chỉ của Hội cho quần-chúng hiểu rõ và làm cho Hội mau phát-triển.
2. Tuân theo các điều-lệ của Hội.
3. Giúp nguyệt-phí cho Hội.

QUYỀN-LỢI CỦA HỘI-VIÊN

1. Hội phải cho giấy chứng-nhận là người của Hội.
2. Hội sẽ binh-vực khi sự tín-ngưỡng của mình bị kẻ khác hủy-hoại.
3. Nếu cần đến, Hội sẽ giúp-đỡ trong việc ốm đau, hay quan, hôn, tang, tế, tùy theo sức của Hội.
4. Hội-viên có quyền bày tỏ ý-kiến mình về việc đạo-đức hay công cuộc phước-thiện đối với nhơn-sanh.
5. Hội-viên có quyền bình-phẩm, chất-vấn hoặc tố-cáo các công việc của Hội một cách thân-hữu.
6. Hội-viên có quyền xin ra khỏi Hội khi thấy mình không thể đeo-đuổi công việc của Hội.
7. Hội-viên có quyền cử Ban Trị-Sự và ứng-cử.

TRỤ-SỞ CỦA HỘI

Hội sẽ lấy chùa của Hội-viên, nhà cửa của những người từ tâm dưng cúng, hoặc là Hội mua, cất hay mướn, làm trụ-sở cho Hội.
 

NGUYÊN-TẮC TỔ-CHỨC

Các Ban Trị-Sự của Hội ở các nơi sẽ do đại-biểu của các tôn-phái nhà Phật trong xứ, các trí-thức và Thiện-nam, Tín-nữ đề-cử thành-lập. Các nhà sư, các cư sĩ, các thiện trí-thức hoạt-động (nam nữ không phân) có đủ tài đề chỉ-huy và được lòng tín-nhiệm của đại-chúng là điều-kiện tối cần cho nhân-viên trong Ban Trị-Sự.

Mỗi phái đều cử người đại-biểu trong Ban Trị-Sự
 

HỆ-THỐNG TỔ-CHỨC

a)- Về toàn quốc, có Ban Trị-Sự Việt-Nam Phật-Giáo Liên-Hiệp Hội chấp-hành toàn quốc, về toàn xứ có Ban Trị-Sự V.N.P.G.L.H.H. chấp-hành toàn xứ, về toàn tỉnh có Ban Trị-Sự V.N.P.G.L.H.H. chấp-hành toàn tỉnh, về toàn thôn có Ban Trị-Sự chấp hành toàn thôn.

b)- Các Ban Trị-Sự mỗi xứ, mỗi tỉnh, mỗi quận, mỗi thôn đều phải tuân theo mạng-lịnh của Trung-Ương, làm việc hằng ngày phải liên-lạc với Thượng và Hạ cấp.

c)- Tất cả Ban Trị-Sự mỗi năm phải cử lại một lần, ngày cử sẽ có Ủy-Ban Trung-Ương thông-cáo trước, khi cử xong Ban Trung-Ương sẽ bố-cáo danh-sách của các nhân-viên đắc cử cho Hội-viên hay.

d)- Khi các B.T.S. mỗi xứ, mỗi tỉnh, mỗi quận, mỗi thôn cử xong phải đệ-trình danh-sách lên cho Ban Trung-Ương thừa nhận.

Ban Trị-Sự gồm có:

I)- Chánh và Phó Hội-Trưởng
II)- Chánh và Phó Thơ-ký
III)- Chánh và Phó Thủ Quỹ
IV)- Hai viên Kiểm-soát
V)- Hai viên Cố-vấn
VI)- Hai viên Tuyên-truyền và Liên-lạc
VII)- Ba viên Dự-khuyết

e)- Các B.T.S. ngoài việc hằng ngày ra mỗi tháng phải hội-họp một lần tại hội-quán, hoặc nhà, hoặc chùa của Hội-viên đặng hội nhóm để nghe các nhân-viên trong Ban Trị-Sự bày tỏ sự hoạt-động của Hội.

Ngày hội-họp định vào ngày 15 và 30 âm lịch trong mỗi tháng.

f)- Khi các B.T.S. cử xong, phải khẩn-cấp lập thêm 3 Ban:

I)- Ban Nghiên-cứu đạo Phật.
II)- Ban Huấn-luyện và Truyền-bá đạo Phật.
III)- Ban Chẩn-tế, lo tìm phương giúp-đỡ kẻ khốn-cùng.

I)- Ban Nghiên-cứu đạo Phật.
- Gồm các nhà sư, những nhà thông-thái, để hằng ngày tra cứ kinh-điển, dịch sách, hay viết sách nói về đao Phật.

II)- Ban Huấn-luyện và Truyền-bá đao Phật.
-Gồm các nhà sư, cư-sĩ, trí-thức hoạt-động, đặng Hội phải đi các nơi giảng-giải đạo Phật cho đại-chúng nghe, hoặc giả mở trường dạy đạo Phật.

III)- Ban Chẩn-tế.
- Gồm các nhà hảo tâm từ-thiện nam-nữ hoạt động, chuyên lo cứu giúp kẻ nghèo-nàn đói-khó, tật-bịnh, hoặc giả thành-lập các nhà dưỡng lão nuôi trẻ mồ côi, người tàn-tật, nếu có thể được, nên mua trữ thuốc men vải bô, lúa gạo để dành cho cuộc phước-thiện.

KỶ-LUẬT CỦA HỘI

A)- Không được ganh-ghét chế-nhạo lẫn nhau nếu khác Thầy hay khác Tôn-giáo.
B)- Không được khuyến dụ bổn-đạo của ông sư hoặc tôn-phái khác bỏ THẦY hay Tôn-phái người ta theo THẦY hay Tôn-giáo mình.
C)- Không được lợi dụng danh từ-thiện của Hội để quyên góp tiền bạc làm của riêng.
D)- Không được chế-nhạo các Tôn-phái khác.
Đ)- Phải hòa-nhã với tất cả các tôn-giáo khác và dân-chúng.
E)- Phải thành-thật yêu-thương đoàn-kết và tìm cách chỉ dạy lẫn nhau.
G)- Phải trung-thành với tôn-chỉ của Hội.
H)- Phải tố-cáo các hành-vi bất chánh của các Hội-viên trước Ban Trị-Sự, không được vì tình riêng mà giấu-giếm.
I)- Phải nhận lỗi và tỏ lòng ăn-năn hối-ngộ khi Ban Trị-Sự xét mình có lỗi.
K)- Phải chịu sự chỉ huy của Ban Trị-Sự địa phương mình.

Nếu phạm những điều trên đây:
-Lần thứ nhứt: Bị phê-bình
-Lần thứ nhì: Cảnh-cáo
-Lần thứ ba: Trục-xuất lập tức và giao cho pháp-luật trừng-trị.HẠN ĐỊNH VỀ NGUYỆT-PHÍ

Vì có kẻ đủ sức người không, nên nguyệt-phí phân làm bốn hạng:
Hạng thứ nhứt: 3$00
Hạng thứ nhì: 2$00
Hạng thứ ba : 1$00
Hạng thứ tư: 0$50
Tất cả Ban Trị-Sự hễ chỗ nào cử xong đều trình lên Chánh-Phủ và nhà cầm quyền địa-phương danh-sách của Ban Trị-Sự và sổ sách cho Nhà-Nước kiểm-soát.

Sài gòn, tháng tư Ất-Dậu (1945)
11. Yêu Nước

 YÊU NƯỚC

Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
Thương đời chưa vội ẩn non cao.
Quyết đem tâm sự tâu cùng Phật.
Coi lịnh từ-bi dạy lẽ nào.

Phụng-Hiệp, tháng tư Ất Dậu (1945)

Bài này Đức Thầy đọc tại Phụng-Hiệp lúc đi khuyến nông; sau khi diễn thuyết, Đức Thầy hỏi câu nầy: “Tôi là một nhà tu hành, lẽ thì vào chốn non cao, núi thẳm, tu tâm dưỡng tánh, cớ nào hôm nay lại xen vào chánh-trị?!

Không ai nói gì, Đức Thầy có vẻ buồn, cau chơn mày rồi ngâm bài thơ tứ tuyệt trên đây.

(Do theo lời ông Mai-Ngọc-Quế thuật lại).

12. Hồi Chuông Cảnh Tỉnh Những Kẻ Trông Tây

HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH NHỮNG KẺ TRÔNG TÂY, HẪNG-HỜ VỚI NẠN ĐÓI BẮC-KỲ


Nam-kỳ có một lũ hề,
Mày râu nhẵn-nhụi chuyên nghề buôn dân.
Nhờ ơn Mẫu-quốc vinh thân,
Giờ toan mua tảo bán tần nữa sao?
Dửng-dưng trước nghĩa đồng-bào,
Đói cơm khát nước trông vào thống tâm.
Làm ngơ, giả điếc, giả câm,
Tay ôm hủ bạc, mắt đăm đăm chờ.
Vái rằng: “Mẫu-quốc gặp cơ.”
Trở qua Nam-Việt con thờ muôn năm.
Dầu con nay ở xa-xăm,
Chớ lòng thương nhớ đứng nằm không yên.
Trước kia “nước mẹ” xin tiền,
Của muôn trong túi con liền tuôn ra.
Ngày nay tuy chẳng lại qua,
Con cũng lén-lén cúng cha ít nhiều.
Đồng-bào con chết bao nhiêu,
Con để mặc kệ quạ diều bươi thây”.
Ai ơi còn nước mơ Tây,
Mắt kia quá tối lại Thầy chửa cho.

SĨ-CUỒNG (biệt hiệu của Đức Thầy)
Tháng tư năm Ất-Dậu, (1945)
13.Cai tổng Chánh (Cù-lao Giêng) xướng – Đức Thầy đáp họa

Cai tổng Chánh (Cù-lao Giêng) xướng – Đức Thầy đáp họa

CAI TỔNG CHÁNH (Cù-Lao GIÊNG) xướng:

Giữ đạo từ lâu kín nhẹm mầu,
Để lòng tầm đạo biết nơi đâu.
Ngửa mong bái-ái từ-bi hóa,
Trông lượng ơn Thầy chỉ đạo sâu.

ĐỨC THẦY đáp họa:

Kín nhẹm lòng nhơn ấy mới mầu,
Đức là đạo cả chớ nơi đâu?
Duyên lành sẵn có ơn trên hóa,
Bồi đắp nền nhơn đức lại sâu.

Long-Xuyên, tháng 4 Ất Dậu 1945

(Đức Thầy ứng khẩu đáp họa liền bằng cách đọc cho một người tín đồ chép vì lúc ấy Ngài đang dùng cơm).

14. Phụ Nữ Ca Diêu

 PHỤ NỮ CA DIÊU

Ngán thay bổn-đạo đàn bà,
Lắm lời điêu-xảo gần xa đều tường.
Làm cho hoen-ố Phật-đường,
Không rèn được đức khiêm-nhường từ-bi.
Tu còn ái-ố sân-si,
Tu còn nhiều tánh dị-kỳ trần mê.
Khó mong cửa Phật dựa kề,
Càng gần địa-ngục nhiều bề thảm thương.
Tỉnh tâm đốt nén tâm hương,
Nguyện rằng đệ-tử một đường lo tu.
Ăn-năn kẻo uổng công phu…!

Sa Đéc, ngày 28-7-45
(trong lúc Đức Thầy đi Khuyến-nông)


15. Tặng Thi Sĩ Việt Châu

 TẶNG THI SĨ VIỆT CHÂU

Thi-sĩ Việt-Châu tức là ông Nguyển-xuân-Thiếp mà hầu hết anh em tín-đồ đều nghe danh. Là văn-sĩ kiêm thi-sĩ, ông Việt-Châu có viết một tập thơ xuất sắc, nhan đề “Lông ngỗng gieo tình” để kể lại đoạn tình-duyên của Trọng-Thủy và Mị-Châu.

Trong khi cùng ngồi xe với Đức Thầy trên đường về Sàigòn, ông có trao cho Đức Thầy xem tập thơ ấy. Đức Thầy liền ngâm hai câu thơ dưới đây để phê bình gián-tiếp áng văn kiệt-tác của ông Việt-Châu:


“Mị-Châu ơi hỡi Mị-Châu,
Mê chi thằng chệt để sầu cho cha!”


Liền đó, Đức Thầy bảo ông Việt-Châu thử làm thi tả cảnh ngồi trên xe trên đường về Sài Giòn. Thấy ông Việt-Châu nặn óc mãi mà không ra thơ, Đức Thầy liền ứng khẩu đọc bài dưới đây:

Xe về chở theo chàng thi-sĩ,
Bảo làm thi mãi nghĩ không ra.
Vậy mà giữa chốn phồn hoa,
Vang danh thi-sĩ hiệu là Việt-Châu.
Quen thói viết thơ sầu thơ cảm.
Không dìu dân hắc ám qua truông.
Ngâm nga giọng quá u buồn,
Làm cho độc-giả quay cuồng mê-ly.
Theo dõi gót từ-bi mấy bữa.
Phàm tâm kia đã rửa hay chăng?
Đương cơn sóng dậy đất bằng,
Thi-nhân đứng ngó để tăng-sĩ làm.
Tăng-sĩ quyết chùa, am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật-Đà nam-mô.
Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
Bụi hồng trần rứt sạch cửa không.
Chuông linh ngân tiếng đại-đồng,
Ta-bà thế-giới sắc không một màu.
Sài-Gòn đến, trống lầu đã trở.
Đề-huề nhau cửa mở xuống xe.
Khuyến nông chấm dứt mùa hè…

Trên đường về Saigon, 
tháng 6 năm Ất-Dậu (1945)

16. Đi Khuyến Nông Về

ĐI KHUYẾN NÔNG VỀ

Lìa Sài Gòn trong vòng hai tháng,
Khi lộn về tiệm quán tanh-banh.
Bởi chưng pháo lũy phi hành,
Quăng bom mù quáng tan-tành còn chi.
Động lòng của kẻ từ-bi,
Tây-Phương tấu lại A-Di Phật-Đà.
Rằng: bên thế-giới ta-bà,
Chúng-sanh tàn-sát cũng là vì tham.
Di-Đà mở cuộc hội-đàm,
Cùng chư Bồ-Tát quyết đam phép lành.
Tịnh bình rưới khắp chúng-sanh,
Làm cho giác-ngộ hiền lành như ta.
Công-đồng hoạch-định san-hà,
Nước ai nấy ở nhà nhà tự-do.

Sàigòn, tháng 6 năm Ất Dậu (1945)

17. Tự Thán

TỰ THÁN 

Gió hiu-hắt bên rừng quạnh-quẽ,
Nhìn non sông đượm vẻ tang-thương.
Mối tình chủng-loại vấn-vương,
Thấy quân xâm-lược hùng cường căm gan.
Vừa toan rút gươm vàng ngăn giặc,
Bỗng họa đâu gieo rắc bất-kỳ.
Cường quyền một lũ ngu-si,
Oan nầy hận ấy sử ghi muôn đời.
Truyền khắp nước muôn lời vu cáo,
Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân.
Làm cho trong nước rẽ phân,
Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang.
Vậy cũng gọi an bang định quốc,
Rồi rút lui bỏ mất thành trì.
Giống nòi nỡ giết nhau chi?
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông.
Đoàn hậu tấn có lòng yêu nước,
Khá nhìn xem gương trước răn mình.
Riêng ta hai chữ nhục vinh,
Thoảng cười thế sự nhân tình quá đen.
Lòng dân chớ khá xem khinh,
Bạo tàn giết mất nhân tình thì thua.

Miền Đông, cuối năm Ất-Dậu (1945)

HẾT NĂM ẤT DẬU 1945

DANH MỤC
  • Thi Văn Giáo Lý
  • Sấm Giảng

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật