THI VĂN GIÁO LÝ
CỦA ĐỨC THẦY
SÁNG TÁC
NĂM BÍNH TUẤT 1946
CÁC BÀI THƠ CÓ ( *) LÀ CÓ CHÚ GIẢI
1.Tiếng Súng Bên Lầu
TIẾNG SÚNG BÊN LẦU
Riêng một ta mang nặng khối sầu.
Lòng những hiến thân mưu độc-lập,
Nào hay tai họa áp bên lầu.
Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,
Trời đất phụ chi kẻ trí tài.
Mưu quốc hóa ra người phản quốc
Ngàn thu mối hận dễ nào phai.
Từ ấy lao mình vượt khổn nguy,
Băng rừng lội suối giả man-di.
Ngày mong ải Bắc oan nầy giải,
Đem sức ra nâng lá quốc-kỳ.
Nhưng khổ càng mong càng vắng bặt,
Trời Nam tràn ngập lũ Tây-di.
Biết bao đồng chí phơi xương máu,
Thức-giả nhìn nhau hỏi tội gì ?
Vì tội không đành phụ nước non,
Phô bày tiết-tháo tấm lòng son.
Ngăn phường sâu mọt lừa dân-chúng,
Chẳng nệ thân-danh nỗi mất còn.
Nếu mất thôi đành xong món nợ,
Nay còn há dễ ngó lơ sao ?
Dọc-ngang chí cả dù lao-khổ,
Thất bại đâu làm dạ núng-nao.
Thất bại đâu làm dạ núng-nao,
Non sông bao phủ khí anh-hào.
Phen nầy cũng quyết đền ơn nước,
Máu giặc nguyện đem nhuộm chiến-bào.
Miền Đông, năm 1946.
(Trong khi Đức Thầy ẩn lánh Việt-Minh và người Pháp vừa mới tái chiếm Nam-Việt).
2. Đồng Đảng Tương Tàn
ĐỒNG ĐẢNG TƯƠNG-TÀN
Người đồng đảng giết người đồng đảng,
Ai Việt-Minh, Cộng-sản là ai ?
Đương cơn quyền lợi đắm say,
Anh hùng chí-sĩ râu mày thế ư ?
Đưòng muôn dặm lời thư một khúc,
Giờ giặc đà tá-túc nhà ta.
Ai ra nưng đỡ san-hà,
Ai ra cứu vớt nước nhà lâm nguy ?
Phát-xít sẽ tầm truy tàn-sát,
Không đảng nào mà thoát tai-ương.
Nghĩ càng bực-tức đau-thương,
Giết nhau để lợi cho phường xâm-lăng.
Miền Đông, năm 1946.
3. Chí Nam Nhi
CHÍ NAM NHI
Nam-nhi mang chí cả,
Bao tấm lòng sắt đá.
Thương giống-nòi dẹp bả vinh-huê,
Lướt đạn bom giữ vững một lời thề:
Tàn-sát hết quân thù xâm-lược.
Tranh độc-lập tự-do cho nước,
Cho giống nòi rạng-rỡ trước năm châu.
Khí thiêng-liêng sông núi nhiệm-mầu,
Un-đúc giống anh-hùng vang bốn bể.
Gương sáng ấy soi chung hậu-thế,
Anh em ôi ! theo dõi gót cùng ta.
Ra tay quét sạch san-hà,
Ra tay bồi-đắp nước ta hùng-cường.
Miền Đông, ngày 10 tháng giêng Bính Tuất (1946).
4. Riêng Tôi
RIÊNG TÔI
Rứt áo cà-sa khoác chiến-bào,
Hềm vì nghịch cảnh qua thương-đau.
Bên rừng tạm gởi thân cô-quạnh,
Nhìn thấy non sông suối lệ trào.
Nhìn thấy non sông suối lệ trào,
Lòng nguyền giữ vững chí thanh-cao.
Ai người mãi quốc cầu vinh nhỉ,
Hậu thế muôn thu xét thử nào?
Hậu thế muôn thu xét thử nào?
Lòng nầy yêu nước biết là bao?
Vì ai gieo-rắc điều hồ-mị,
Đành ngó non sông nhuộm máu đào.
Đành ngó non sông nhuộm máu đào,
Thời-cơ độc nhứt cứu đồng-bào.
Muôn ngàn chiến-sĩ chờ ra trận,
Bỗng vướng gông cùm chốn ngục-lao.
Miền Đông, năm 1946.
5. Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh
TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH
Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn chiến-sĩ,
Mở lòng ra thương nghĩ sanh-linh.
Đồng-bào ai nỡ dứt tình,
Mà đem chém giết để mình an vui.
Dù lúc trước nếm mùi cay đắng,
Kẻ độc-tài đem tặng cho ta.
Sau nầy tòa-án nước nhà,
Sẽ đem kẻ ấy mà gia tội hình.
Lúc bây giờ muôn binh xâm-lược,
Đang đạp vày non nước Việt-Nam.
Thù riêng muôn vạn cho cam,
Cũng nên gác bỏ để làm nghĩa công.
Khắp Bắc Nam Lạc-Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
Quí nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân.
Đứng anh-hùng vang lừng bốn bể,
Các sắc dân đều nể đều vì.
Đồng-bào nỡ giết nhau chi,
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư-ông.
Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.
Anh em lớn nhỏ quày về,
Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.
Đả-đảo bọn Nam-kỳ nô-lệ,
Kiếp cúi lòn thế-hệ qua rồi.
Lời vàng kêu gọi khắp nơi,
Anh em chiến-sĩ nhớ lời ta khuyên.
(Viết vào lối tháng 2 tại Miền-Đông, năm 1946 để khuyên anh em tín-đồ Hòa-Hảo chấm dứt các cuộc xung-đột với Việt-Minh).
6. Quyết Rứt Cà Sa
QUYẾT RỨT CÀ-SA
Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà-sa khoác chiến-bào.
Đuổi bọn xâm-lăng gìn đất nước,
Ngọn cờ độc-lập phất-phơ cao.
Ngọn cờ độc-lập phất-phơ cao,
Nòi giống Lạc-Hồng hiệp sức nhau.
Tay súng tay gươm xông trận địa,
Dầu cho giặc mạnh há lòng nao.
Dầu cho giặc mạnh há lòng nao,
Nam-Việt ngàn xưa đúc khí hào.
Lúc giặc xâm-lăng mưu thống-trị,
Anh-hùng đâu sá cảnh gian-lao.
Anh-hùng đâu sá cảnh gian-lao,
Chiến-trận giao-phong rưới máu đào.
Miễn đặng bảo-tồn non nước cũ,
Giữ an tánh mạng cả đồng-bào.
Miền Đông, năm 1946.
7. Tặng Hội Đồng Cố Vấn Nam Kỳ
TẶNG HỘI-ĐỒNG CỐ-VẤN NAM-KỲ
Tám ông Cố-vấn Hội-đồng,
Phùng mang trợn mắt ra công bán nòi.
Hô hào nghinh-tiếp quân voi,
Về vày mộ tổ để vòi mề-đay.
Thinh múa mỏ, Phát khoe tài,
Nam-Kỳ hiến-pháp sắp bày mị dân.
Nào là chấn-chỉnh (củng-cố) hương-lân,
Để cho lũ chó làm sân săn mồi.
Vụng-về thay, bọn Tây-bồi !
Sắm tuồng vẽ mặt mà giồi phấn đen.
Ngàn muôn cử-chỉ đê-hèn,
Cúi lòn, bưng bợ tập rèn công phu.
Lòng mong dân nước dại ngu,
Để đám nghị mù tự-tiện làm quan.
Nào ngờ trong lúc dở-dang,
Nghị Phát vắn số suối vàng vội đi.
Nghị Thinh lụy nhỏ lâm-ly,
Than rằng bạn nỡ bỏ đi giữa chừng !
Họp bàn tính kế trùng hưng,
Vợ bạn đã nửa chừng xuân nhưng còn,
Ra tay dìu-dắt bốn con,
Suối vàng bạn hỡi lòng còn ghen không?
Muôn dân như chửa vừa lòng,
Ước sao cả lũ vào tròng Diêm-La.
Từ nay trong nước Nam ta,
Thề rằng chẳng chịu
8. Nghị Thinh với cao-ủy-ỦY D’ARGENLIEU
NGHỊ THINH VỚI CAO-ỦY D’ARGENLIEU
NGHỊ THINH:
Dạ dạ … Dám bẩm quan Cao-Ủy,
Thậm chí nguy, thậm cấp chí nguy !
Rối beng trật-tự Nam-Kỳ,
Bạn tôi Nghị Phát mạng phi mất rồi.
Còn bảy ông ngồi trơ mỏ chó,
Lòng những lo sóng gió bất kỳ.
Nếu không phương pháp phòng nguy,
Ức tình tôi sẽ điện đi hoàn-cầu.
Cho thế-giới góp thâu tài-liệu,
Rằng Việt dân chẳng chịu phục tòng.
Thế nầy cai-trị sao xong,
Trả nước lại nó mới hòng ngủ yên.
D’ARGENDIEU:
Quan Cao-Ủy mặt liền sầm lại,
Lũ dân gì kỳ quái lạ thường.
Máy bay tàu chiến biểu-dương,
Rõ-ràng Đại-Pháp hùng-cường thế ni.
Mà chúng vẫn khinh-khi sự chết,
Chẳng lẽ ta giết hết trẻ già.
Bằng không, muốn dứt can-qua,
Giao cho việc nước việc nhà nó toan.
Mình làm khách bàng-quan thì khoẻ,
Nước Việt-Nam son trẻ ra đời.
Cộng-hòa đem lại khắp nơi,
Muôn dân an-lạc thảnh-thơi phú-cường.
NGHỊ THINH:
Nghị Thinh nghe bèn òa tiếng khóc,
Thế còn công khó nhọc tôi đâu ?
D’ARGENDIEU:
Mua cho ông một vé tàu,
Ba-ri đến đó ngõ hầu dung thân.
Miền Đông, năm 1946.
9. Tình Yêu
TÌNH YÊU
Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan-chứa trên hoàn-vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng-sự cho nhơn-loại,
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ-hải với sơn-minh.
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng-sinh.
Miền Đông, năm 1946.
(Một thiếu-nữ ở Sài Gòn thầm yêu Đức Thầy trong khi Ngài còn ẩn lánh V.M và Pháp; thấy vậy, Đức Thầy bèn viết ba bài thi trên đây để cảnh tỉnh cô ấy).
10. Lấy Chồng Chệt
LẤY CHỒNG CHỆT
Lúc Đức Thầy đang ẩn lánh 1946, Ngài có gặp một cô gái Việt lấy chồng Ngô.
Tức cảnh, Ngài có làm bài thi sau đây (dùng biệt hiệu Hoài-Việt):
Cô ơi, nước Việt-Nam thiếu gì trai trẻ,
Mà vội đi lấy lẽ “ba Tàu” ?!
Của tiền quí báu là bao,
Đem tuổi mười tám so vào bốn mươi ?
Rồi nuôi tánh biếng lười mê ngủ
Để ngày kia ủ-rủ đau thương.
Khi ba Tàu xách gói hồi hương,
Vàng bạc tóm, bỏ cô thơ-thẩn.
Cô nhìn theo muôn vàn tiếc hận,
Cô vì chàng mà bẩn tiết-trinh.
Cô tủi thân, cô lại bất bình,
Nhưng muộn quá, tuổi xuân không trở lại.
Trông tương-lai cô đầy sợ hãi,
Hoa úa tàn người lại rẻ khinh.
Cô tiếc rằng phải tuổi còn xinh (xanh),
Cô sẽ chọn người chồng Nam-Việt.
Ở trong hàng thanh-niên, thanh-niết,
Tuy nghèo hèn mà biết thủy chung.
Yêu đương nhau đến phút cuối cùng,
Vợ chồng ấy mới chân hạnh-phúc.
Ta là khách phương xa tá-túc,
Thấy sự đời vẽ khúc văn-chương.
Thấy đời cô chìm-đắm trong gió sương,
Than ít tiếng gọi hồn chủng-loại.
Việt-Nam ! người Việt-Nam mau trở lại !
Yêu giống nòi có phải hơn không ?
Dầu sao cũng giống Lạc-Hồng !
Miền Đông, năm 1946.
11. TUYÊN NGÔN của ĐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI
TUYÊN NGÔN của ĐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI
Do Đức Huỳnh Thủ-Lãnh
công-bố ngày 21-9-1946
(Theo bổn của BCH. Liên-Tỉnh Dân-Xã M.T.N.V.)
1947-1949
Việt-Nam Dân-Xã Đảng, một đảng quốc-gia tranh-thủ sự tự-chủ hoàn-toàn của dân-tộc, củng-cố nền độc-lập quốc-gia và cấu-tạo xã-hội Việt-Nam mới.
Sở dĩ Đảng đặt vấn-đề độc-lập quốc-gia trước các vấn-đề khác là vì:
Việt-Nam Dân-Xã Đảng là một đảng dân-chủ, chủ-trương thiệt-thi triệt-để nguyên-tắc chánh-trị của chủ-nghĩa dân-chủ: “chủ-quyền ở nơi toàn-thể nhân-dân”.
Đã chủ-trương “Toàn dân chánh-trị” thế tất đảng chống độc-tài bất cứ hình-thức nào.
Việt-Nam Dân-Xã Đảng là một đảng cách-mạng xã-hội, chủ-trương tổ-chức nền kinh-tế theo nguyên-tắc chủ-nghĩa xã-hội: không để giai-cấp mạnh cướp công-quả của giai-cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc-lợi cân-xứng với tài-năng và việc làm của mình; những người tàn-tật yếu đuối thì được nuôi dưỡng đầy đủ.
Đặc điểm của Việt-Nam Dân-Xã Đảng là, trong giai-đoạn hiện tại, không chủ-trương giai-cấp đấu-tranh giữa dân-tộc Việt-Nam vì lẽ ở xã-hội Việt-Nam hiện thời, trên 80 năm bị-trị, chỉ có một giai-cấp bị “tư-bản thực-dân” bóc-lột.
Muốn tránh khỏi giai-cấp đấu-tranh về sau, thì sự cấu-tạo “xã-hội Việt-Nam mới” phải căn-cứ nơi những yếu-tố không cho sanh-trưởng giai-cấp bóc-lột và chỉ trợ-trưởng một giai-cấp một, tức là giai-cấp sanh-sản.
12. Chương trình của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng
CHƯƠNG-TRÌNH của ĐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI
Do Đức Huỳnh
Thủ-Lãnh công-bồ ngày 21-9-1946
(Theo bổn của BCH Liên-Tỉnh Dân-Xã
M.T.N.V.)
1947-1949l.
- CHÁNH TRỊ
a./ Đối ngoại:
1.- Căn cứ vào chánh-sách (1) của Liện-Hiệp-Quốc (O.N.U.) và sự bảo-vệ chung nền hòa-bình, cộng-tác với các dân-tộc khác trên lập-trường tự-do và bình-đẳng.2.- Tranh-đấu giải-phóng dân-tộc, đem lại độc-lập cho nước nhà.
3.- Thừa-nhận quyền dân-tộc tự-quyết của các dân-tộc nhược-tiểu. Đoàn-kết với các dân-tộc ấy để chống đế-quốc xâm-lăng.
b./ Đối nội:
4.- Nước Việt-Nam có một: ba bộ Trung-Nam-Bắc gồm một.5.- Củng-cố chánh-thể Dân-Chủ Cộng-Hoà bằng cách đảm-bảo tự-do dân-chủ cho toàn dân.
6.- Ủng-hộ Chánh-Phủ Trung-Ương về mặt tranh-thủ thống-nhứt và độc-lập.
7.- Liên-hiệp với các đảng-phái để chống họa thực-dân.
8.- Chủ-trương “toàn dân chánh-trị”.
9.- Chống độc-tài bất cứ hình-thức nào.
II - KINH TẾ
a./ Nguyên-tắc chung:
– Trọng quyền tư-hữu tài-sản đến một độ không có hại đến đời sống công-cộng.– Dự-bị: Một phần xí-nghiệp quốc-gia (Secteur de l’État).
– Một phần tự-do cho tư-nhân và ngoại-kiều (Secteur libre pour Vietnamiens et Étrangers).
– Thi-hành những biện-pháp không cho bóc-lột công-nhân.
b./ Nông-nghiệp:
1.- Di dân để mở đất hoang.2.- Lập đồn-điền quốc-gia, lập làng kiểu-mẫu theo chủ-nghĩa xã-hội đồn-điền.
3.- Mua lại đồn-điền bị tập-trung quá độ để bán lại cho nông-dân hoặc để cho quốc-gia.
4.- Lập bình-dân ngân quỹ và lập hợp-tác-xã sản-xuất để giúp nông-dân mua dụng-cụ và máy móc (cày, gặt, vận-tải …) hợp-tác-xã để tránh nạn trung-gian.
5.- Phổ-thông khoa-học để gia-tăng sản-xuất nông-nghiệp, chăn-nuôi, thủy-lợi, lâm-sản …
c./ Công-nghệ:
1.- Mở-mang khí-cụ cần-thiết cho sự khuếch-trương nền kinh-tế quốc-gia.2.- Lần-lượt phát-triển kỹ-nghệ cần-yếu, bắt đầu từ kỹ-nghệ nhẹ.
d./ Thương-mãi:
Lập hợp-tác-xã tiêu-thụ bán vật-dụng cần-thiết từ thành-thị, từ làng.e./ Tài-chánh:
Lập ngân-hàng quốc-gia.III.- XÃ-HỘI
1.- Bài-trừ thuốc phiện, rượu mạnh, cờ-bạc, mãi-dâm, tham-ô.2.- Thi-hành triệt-để luật xã-hội.
3.- Cải-thiện và nâng cao đời sống tinh-thần và vật-chất của dân cày và thầy thợ bằng cách mở thật nhiều cơ-quan y-tế, giáo-dục, cứu-tế, nhà bảo-sanh, ấu-trỉ viện, nhà dưỡng-lão, nhà thương, trường học, nhà hát bóng … làm cho dân cày cũng hưởng được những ích-lợi của khoa-học như thầy thợ ở đô-thị.
lV.- VĂN-HÓA
1.- Bài-trừ văn-hóa nô-lệ.2.- Sơ-học, tiểu-học cưỡng-bách và vô-phí.
3.- Giáo-dục chuyên-môn, tổ-chức du-học, cấp học-bổng.
4.- Lập cơ-quan điều-hướng nghề-nghiệp.
V.- THANH-NIÊN
1.- Tổ-chức thanh-niên thành đoàn-thể và huấn-luyện cho thành người thích-ứng với thời-đại mới.2.- Mở quán, trạm, nhà hội, sân vận-động cho thanh-niên.
Vl.- BINH-BỊ
1.- Thành-lập một đội binh phòng-vệ.2.- Mở lớp dự-bị quân-sự phòng-vệ từng làng trong một thời hạn ngắn.
3.- Mở trường đào-tạo sĩ-quan, gởi võ-quan cao cấp đi tập-sự ở ngoại-quốc.
4.- Mở lớp huấn-luyện đặc-biệt cho sĩ-quan và quân-sĩ của các đạo quân muốn gia-nhập đạo binh thường-trực quốc-gia.
_________________________________
- Có bản chép là: căn cứ vào hiến-chương của Liên-Hiệp-Quốc (Charte des Nations-unies).
13. Tế Chiến Sĩ Trận Vong Ở Vườn Thơm
TẾ CHIẾN-SĨ TRẬN VONG Ở VƯỜN THƠM
Trên linh-tọa hương trầm nghi-ngút,
Tấc lòng thành cầu chúc vong linh.
Sa-trường hỡi các sĩ-binh,
Vườn Thơm tuyệt mạng hiến mình non sông.
Thiệt chẳng hổ giống-dòng Nam-Việt,
Từng nêu cao khí-tiết Lạc-Hồng.
Đã mang lấy nợ non sông,
Quyết lòng báo quốc tồn vong sá gì.
Gương yêu nước đáng ghi đáng nhớ,
Chí hy-sinh nhắc nhở mai sau.
Sống không hổ kiếp anh-hào,
Không ham tiền bạc sang giàu cá-nhân.
Thân chiến-sĩ vì dân vì nước,
Vì tự-do hạnh-phước đồng-bào.
Bao nài nguy hiểm gian lao,
Một năm kháng-chiến ra vào chông-gai.
Bom đạn thét không phai tâm ý,
Súng gươm rền nung chí hùng-anh.
Quyết đem xương máu hy-sanh,
Hy-sanh cứu nước rạng danh muôn đời.
Thù giặc Pháp làm người phải trả,
Trừ tham quân bởi quá ngang-tàng.
Nước mất đâu dễ ngồi an,
Mượn gươm Lê, Lý dẹp tan quân thù.
Ngày hôm ấy tàn thu sương đượm,
Quân Pháp đem lực-lượng tấn-công.
Máy bay, tàu thủy, súng đồng,
Lục-quân cơ-khí quyết lòng hại dân.
Chúng gặp phải liên-quân anh-dũng,
Hạ phi-cơ, tuốt súng, lấy bom,
Quanh tàu vây chặt mấy vòng,
Cả kinh giặc Pháp phục tòng rút lui.
Phận rủi-ro riêng xui mạng bạc,
Khiến anh-hùng cỡi hạc xa bay.
Nước non đang thiếu anh-tài,
Tử thần vội cướp đưa ngay chầu Trời.
Hồn tử-sĩ nghe lời than tiếc,
Trừ tham quân tận diệt xâm-lăng.
Nam binh sát-khí đằng đằng,
Thề-nguyền thành lũy đạp bằng mới thôi.
Kẻ chết đã yên rồi một kiếp,
Người sống còn tái tiếp noi gương.
Lòng thành thắp một tuần hương,
Vái hồn liệt-sĩ bốn phương tựu về.
Nơi làng vắng cam bề đơn giản,
Lễ mọn nầy trước án bày ra,
Hiển-linh xin chứng gọi là …
Quéo-Ba, ngày 1-10-46 (Bính-Tuất).
14. Cụ Phạm Thiều - Mời Đức Thầy Tham Chánh
CỤ PHẠM-THIỀU MỜI ĐỨC THẦY THAM-CHÁNH
Mưa gió thâu canh mãi dập-dồn,
Âm-u tràn ngập cả càn-khôn.
Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy,
Có thấu tai chăng tiếng quốc-hồn ?
Sao còn khoắc-khoải nhớ hiềm xưa ?
Trang sử chùi đi những vết nhơ.
Gìn-giữ tim son không chút bợn,
Mặc tòa dư-luận thấu hay chưa.
Sao còn lãnh-đạm với đồng bang,
Toan trút cho ai gánh trị-an ?
Thảm kịch “tương-tàn” chưa hết diễn,
Long-Xuyên Châu-Đốc lụy muôn hàng.
Sao còn ngần-ngại chẳng ra tay,
Trước cảnh xâm-lăng cảnh đọa-đày ?
Ngọn lửa binh đao lan khắp đất,
Phật Trời soi thấu cũng châu mày.
Chẳng áo cà-sa, chẳng chiến-bào,
Về đây tham-chánh mới là cao.
Non sông chờ đợi người minh-triết,
Chớ để danh thơm chỉ Võ-Hầu.
TRƯỜNG-PHONG
(biệt hiệu của cụ Phạm-Thiều)
ĐỨC THẦY họa:
Những nỗi đau thương mãi dập-dồn,
Càng nhiều luân-lạc lại càng khôn.
Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ !
Chờ dịp vung tay dậy quốc-hồn.
Từ-bi đâu vướng mối hiềm xưa,
Nhưng vẫn lọc-lừa bạn sạch nhơ.
Nếu quả tri-âm tri-ngộ có,
Thì là hiệp-lực hiểu hay chưa ?
Nhìn sang Trung-quốc khách lân bang,
Cứ cố xỏ ngầm sao trị an ?
Nếu thiệt hai bên đồng hiệp trí,
Kẻ gây thảm kịch phải qui hàng.
Lắm kẻ chực hờ đặng phổng tay,
Mà sao chánh-sách bắt dân đày.
Vẫn còn áp-dụng vì phe đảng,
Chẳng muốn xông ra sợ cháy mày.
Thà ở trong quân mặc chiến-bào,
Ngày qua sẽ biết thấp hay cao.
Nào ai dám sánh mình minh-triết,
Mà dám lăm-le mộng Võ-Hầu.
HOÀNG-ANH
(biệt hiệu của Đ.T.)
Miền Đông, ngày 1 tháng 10-1946.
15. Đức Huỳnh Giáo Chủ Tuyên Bố
ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ TUYÊN-BỐLỜI TÒA-SOẠN
(Báo QUẦN-CHÚNG ngày 14-11-46)
Nhớ lại đoạn đường đã qua, nhiều người phân-vân.
Để trả lời chung, hôm nay Ông Huỳnh-Phú-S.. nhờ chúng tôi đăng bài tuyên-bố để trả lời: “Vì sao tôi tham-chánh”. Chúng tôi sẵn-sàng đưa ra trước dư-luận:
Tháng tám năm 1945, Phát-xít Nhựt đầu hàng không điều-kiện. Tin ấy bay ra làm cho tất cả dân-chúng Việt-Nam từ nhà lãnh-đạo cách-mạng cho đến đại-chúng cần-lao, mọi người đều nhận thấy một ánh sáng của quê-hương chói dậy. Giờ thiêng-liêng của lịch-sử đã đến; sự hoạt-động bí-mật nhường chỗ cho sự hoạt-động công-khai.
Tôi, một đệ tử trung-thành của đạo Phật, một chiến-sĩ trì chí của phong-trào giải-phóng dân-tộc Việt-Nam sẵn-sàng cùng đoàn-thể mình cương-quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông, cương-quyết tranh-đấu để bảo-vệ quyền-lợi chung cho nòi giống.
Tiếc vì một hoàn-cảnh đặc-biệt đau thương buộc tôi phải dung mình trong non cao rừng thẳm. Sự độc-đoán, sự ngờ-vực đã đưa đến chỗ chia-ly, mà kẻ thức-thời nhìn qua sự thật không khỏi ngậm-ngùi than-trách. Một năm trời biến-cố, dấu tang-thương gieo khắp trời Nam, song cảnh cam-go ấy tôi muốn tìm phương cứu chữa, nhưng khốn thay, bị đứt mối liên-lạc với Trung-Ương và các đồng- chí, nên đành nuốt hận và nhìn bọn xâm-lăng tung-hoành trong đất nước. Lúc ấy tất cả quần- chúng của tôi, Ban chỉ-huy cao-cấp không còn.
Ban chỉ-huy địa-phương tan rã, họ bơ-vơ như bầy chim lạc đàn không nơi nương dựa, mà còn phải trải qua những giờ phút hãi-hùng, rồi nén lòng chờ đợi cứu-tinh, rồi tuyệt vọng. Khi quân giặc đến, không ai chỉ-đạo cho họ tranh-đấu, nỗi lòng hoang-mang xui cho những phần-tử quá trung-thành mà nông-nổi không dằn được khí phẩn-uất nên họ đi tới chỗ xung-đột vô ý-thức.
Tháng 2 năm 1946, tôi vừa bắt được liên-lạc và hiểu rõ tình-trạng đau đớn trên thì liền dùng đủ biện-pháp làm cho cuộc xô-xát âm-thầm chấm- dứt. Hơn nữa, trên các mặt trận, cũng cố-gắng tìm cách ủng-hộ chiến-sĩ về hai phương-diện vật-chất lẫn tinh-thần, đồng thời xếp đặt các chiến-sĩ mình vào một tổ-chức quân-sự, chen vai thích cánh với đồng-bào trong cuộc kháng-chiến.
Hôm nay, nhận rõ cuộc tranh-đấu cho tổ-quốc còn dài và cần nhiều nỗ-lực, hưởng-ứng với tiếng gọi đại đoàn-kết của Chánh-phủ Trung-Ương, tôi quyết-định tham-gia hành-chánh với mục-đích nầy:
1.- Để cho quốc-dân và chánh-phủ thấy rằng chúng tôi chủ-trương thống-nhứt lãnh-thổ và độc-lập quốc-gia.
2.-Để biểu-dương tinh-thần đoàn-kết của dân-tộc hầu mau đem thắng-lợi cuối cùng.
3.- Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham-vọng cao sang vương-bá hay vì hềm riêng mà hờ-hững với phận-sự cứu-quốc.Biểu-lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm-vụ cần-thiết, hạp với hoàn-cảnh và năng-lực mình, cố-gắng giàn-xếp về hành-chánh và quân-sự để củng-cố và tăng-cường lực-lượng của quốc-gia.
Đối với toàn-thể tín-đồ Phật-Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ-tử trung-thành của Đức Phật Thích-Ca, tôi tin chắc rằng giáo-lý giải-thoát chúng-sanh chẳng những được truyền-bá ở Thiền-lâm mà còn phải thực-hiện trên trường chánh-trị.
Đối với các đồng-chí hiện đang cùng tôi đeo-đuổi một chương-trình Dân-Chủ Xã-Hội, tôi tuyên-bố luôn luôn sát cánh với họ để chung lo gầy-dựng một nước Việt-Nam công-bình và nhơn-đạo, một nước Việt-Nam tương-xứng với các nước Dân-chủ tiền-tiến trên hoàn-cầu.
16. Ông Hồn Quyên (ở Sài Gòn) vào Chiến Khu Phỏng Vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ
ÔNG HỒN-QUYÊN (Ở SÀI GÒN) VÀO CHIẾN-KHU PHỎNG-VẤN ĐỨC HUỲNH-GIÁO-CHỦ
Vấn.- Ông có thể cho chúng tôi biết về tổ-chức quân-sự và hành-chánh trong đoàn-thể của ông chăng ?
Đáp.- Tôi không thể nói cho ông rõ tất cả những chi-tiết của tổ-chức ấy. Nhưng về đại-cương tôi có thể nói rằng cách chừng sáu tháng nay, những chiến-sĩ trong hàng-ngũ của tôi, khi họ nghe tôi còn sống, họ bắt đầu tập-họp lại thành những bộ-đội kháng-chiến ở khắp các tỉnh miền Tây. Tuy không trực-tiếp liên-lạc với Chánh-phủ Trung-Ương nhưng họ cũng lấy tên là Vệ-Quốc Đoàn để tỏ rằng lúc nào họ cũng theo sự hướng-đạo của Chánh-Phủ mà tranh-đấu. Từ nay về sau các bộ-đội ấy liên-lạc trực-tiếp vơi các khu-trưởng trong vùng của họ để nối hệ-thống thành đạo quân chánh-qui của nước Việt-Nam.
Về hành-chánh chúng tôi không có tổ-chức nào riêng biệt. Chỉ có những tổ-chức để ủng-hộ cuộc kháng-chiến, trong các làng-mạc. Hiện thời chúng tôi đã ra chỉ-dụ cho các tổ-chức ấy phải xem xét chương-trình tổ-chức chung của Chánh-Phủ để sáp nhập vào các cơ-quan chánh-thức của Chánh-Phủ.
Vấn.- Chúng tôi nghe nói hình như ở Hậu-Giang còn vài cuộc rắc-rối do tín-đồ ông gây ra. Có phải vậy không ?
Đáp.- Từ trước tới nay, tôi đã nghe rất nhiều lời phê-bình của một số đồng-bào về những hành-động vô ý-thức của một nhóm tín-đồ tôi. Hôm nay nhơn-dịp gặp ông, tôi xin thanh-minh và đính-chánh về những lời đồn-đãi đó. Tôi quả-quyết với ông rằng: Tất cả tín-đồ có học-thức và những người hiểu biết được rõ-ràng một vài phần trong giáo-lý chơn-chánh của đạo Phật thì trong thời đã qua họ đã thiệt hành được lời dạy bảo của Đức Phật là lấy lòng nhơn-hậu mà đối-đãi với sự thù-oán mặc dầu trong đó họ bị đau khổ nhiều.
Còn riêng về những cuộc xô-xát vừa qua là do sự phẩn-uất của một nhóm võ-sĩ mà tôi đã kết nạp vào hàng-ngũ Bảo-An Đội, bởi vì cửa Phật luôn luôn mở rộng cho bất cứ một chúng-sanh nào muốn trở về với Đạo mà tôi thấy họ rất cần-thiết cho phong-trào tranh-đấu để giải-phóng dân-tộc.
Hiện nay, nếu quả thật như lời ông nói, còn một vài cuộc rắc rối là do những bọn bất lương mà trong tất cả thời loạn nào cũng có, mượn danh-nghĩa của ông Trần-văn-Soái tự là Năm-Lửa để bóc lột lương dân. Nhưng chính ông Năm Lửa đang nỗ-lực tiểu-trừ bọn ấy và cũng đang phải đối-phó với những bọn phản-động trong hàng ngũ binh-đội Pháp, sau ngày 30-10, ở một vài nơi còn tiếp-tục khủng bố chúng tôi và dân-chúng, như 16 người trong hàng ngũ chúng tôi bị bắn và đánh chết trong lúc ban đêm tại Lấp-Vò chẳng hạn. Còn toàn thể đều tuân theo lịnh ngưng-chiến theo tinh-thần của Thỏa-Hiệp-Án 14-9.
Vấn.- Vậy sau khi ông tham-chánh tình-hình tín-đồ của ông ở Hậu-Giang thế nào ?
Đáp.- Một năm qua, tôi mất hẳn liên-lạc trong sáu tháng đầu. Từ tháng hai, sau khi tôi có vài liên-lạc gián-tiếp thì những xung-đột dữ-dội ngừng dứt rõ-rệt. Tuy vậy, không tránh khỏi vài sự xung-đột nhỏ giữa hai bên. Nó có tánh-cách cá-nhơn hơn là tánh-cách toàn-thể như trước, vì tôi và những người cấp trên Việt-Minh không gặp-gỡ nhau nên những huấn-lịnh nghiêm-trị của một bên không được hiệu-lực toàn-vẹn. Theo những báo-cáo mấy hôm nay thì sau khi tôi tham-chánh, quần-chúng của tôi bắt đầu có một sự tín-nhiệm ở nơi sự hiệp-tác giữa đôi bên và sự tham-chánh của tôi cáo-chung những tuyên-truyền láo-khoét, phao-vu từ trước tới giờ. Những sự tuyên-truyền đó đã làm cho toàn-thể bị tủi-nhục.
Vấn.- Trong việc tham-chánh, ông có đại-biểu cho một chánh đảng nào không ?
Đáp.- Về dĩ-vãng, sự hoạt-động của tôi xuất phát trong địa-phận Phật-giáo và kết nạp được hơn triệu tín-đồ. Thể theo tinh-thần đại đoàn-kết của toàn dân, tôi thay mặt cho đám quần-chúng đó mà tham-gia hành-chánh về mặt tinh-thần. Nhưng trong sự hoạt-động để kiến-thiết quốc-gia về mặt chánh-trị thì tôi sẽ là đại-biều cho chánh đảng nào có một chương-trình dân-chủ xã-hội.
Vấn.- Như vậy xin ông cho biết lý-tưởng chánh-trị của ông có liên-quan với giáo-lý nhà Phật không ?
Đáp.- Theo sự nhận-xét của tôi về giáo-lý nhà Phật do nơi Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật đã khai-sáng lấy Chủ-nghĩa từ-bi bác-ái đại-đồng đối với tất cả chúng-sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách-mạng triệt-để về tư-tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng-sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình-đẳng với chúng-sanh”.
Đã có những sự bình-đẳng về thể-tánh như thế mà chúng-sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình-độ giác-ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến-hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn-gian nầy còn có chúng-sanh tiền-tiến áp-bức những chúng-sanh lạc-hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo-lý chơn-chánh ấy. Giáo-lý đó, Đức Thích-Ca Mâu-Ni không áp-dụng được một cách thiết-thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã-hội Ấn-Độ xưa không thuận-tiện. Thế nên
Ngài chỉ phát-dương cái tinh-thần đó mà thôi. Ngày nay, trình-độ tiến-hoá của nhơn-loại đã tới một mức khả-quan, đồng thời với tiến-bộ về khoa-học thì ta có thể thực-hành giáo-lý ấy để thiệt-hiện một xã-hội công-bằng và nhơn-đạo. Thế nên với cái tâm-hồn bác-ái, từ-bi mà tôi đã hấp-thụ, tôi sẽ điều-hòa với phương-pháp tổ-chức xã-hội mới, để phụng-sự một cách thiết-thực đồng-bào và nhơn-loại.
Vấn.- Trước khi từ-giã, xin ông cho biết đời sống ở bưng-biền có ảnh-hưởng chi tới sự hành Đạo của ông chăng ?
Đáp.- Với sự hành Đạo của tôi cảnh sống nào tôi cũng có thể sống được. Cái hành Đạo đúng theo ý-tưởng xác-thực của nó là làm thế nào phát-hiện được những đức tánh cao cả và thực-hành trên thiệt-tế bằng mọi biện-pháp để đem lại cái phước-lợi cho toàn-thể chúng-sanh thì đó là sự thỏa-mãn trong đời hành Đạo của mình, chớ những sự tùy-tiện về vật-chất đối với tôi, không có nghĩa lý gì hết.
(Trích lục Báo “Nam Kỳ” ngày
29-11-1946).