Gấp Niệm Phật - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Gấp Niệm Phật


Gấp Niệm Phật
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)


  • Gấp Niệm Phật
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
“Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,
Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà”


Về sự niệm Phật, Đức Thầy dạy chúng ta chẳng đợi sớm đợi chiều mà lúc nào cũng cần phải niệm danh hiệu Phật luôn luôn ấn vào tâm khảm của mình, lòng mình niệm Phật một cách thành kính, mỗi một niệm đều từ trong đáy lòng của mình phát ra, chớ không như bao nhiêu cái niệm của người khác chỉ ở đầu môi chót lưỡi. 
Được như thế, sự niệm Phật mới có ấn chứng mau lẹ.Vừa rồi chúng ta đã hiểu bốn mươi tám lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà mỗi người nhận ngay rằng lời nguyện ấy lớn lao thành thật, nếu chúng ta hành đạo và tin tưởng Đức Phật một cách chí thành, hẳn Đức Phật y theo lời nguyện của Ngài sẽ không bao giờ bỏ chúng ta. Nói rõ hơn, chúng ta đã tin tưởng bản nguyện rất lớn của Đức Phật, nên toàn cả chúng ta đều chuyên tâm niệm Phật. Nhưng sự niệm Phật cần phải sớm được chừng nào hay chừng nấy. Vì cái chết không hẹn ngày, hẹn giờ và nó không từ một ai cả, nếu chúng ta trễ biếng gặp phải lúc bất trắc, thử hỏi còn đủ thì gi để niệm Phật không? Có bảo cái sống nán lại để niệm Phật được không? Hẳn không. Nếu không bảo cái sống nán lại được và không chận đứng sự tai nạn trong lúc đưa lại bất ngờ được, thì trong lúc thì trong lúc yên tĩnh vô sự cần phải nhứt tâm gấp rút niệm Phật, chừng ngày kia có sự biến đổi như thế nào, mình cũng đã giao cảm với Đức Phật bằng tâm niệm từ lâu, tức là mình đã dự bị sẵn công đức rồi, dù có chết linh hồn cũng được Đức Phật tiếp độ cho.  

Song, muốn cho niệm Phật mau có chứng nghiệm thì mỗi người cần phải có sự nhận định rõ ràng. Theo Ngài Huệ Viễn Pháp sư là Tổ thứ nhứt về môn tịnh độ ở Trung hoa.

Ngài có khuyên người đời: “Chớ tham đắm tiền bạc, vì nó là một vật ô uế, thường làm cho lòng người trở nên dơ ẩn xấu xa; chớ cầu cạnh tước lộc quyền oai, vì nó chẳng khác nào xiềng xích, gông cùm, thường trói trăng giam hãm thân xác con người; chớ say mê sắc đẹp, vì nó có sức én thép như dao búa, kẻ nào rờ mó đến khó tránh khỏi đứt tay, có khi phải hại đến tánh mạng nữa”. Chính sắc đẹp thường giết nhiều người rồi, kẻ có danh vọng nhứt là Vua Trụ, Kiệt, U, Lệ, Tề cũng vì say mê sắc đẹp, nên bị sắc đẹp giết chết cả sanh mạng đến danh thể của các ông một cách nhục nhã.

Còn những mớ khăn áo đẹp, thức ăn uống ngon, đám ruộng béo, vườn xinh, nhà to cửa rộng mỗi mỗi đều là cạm bẫy, lưới rập, thường phỉnh gạt người đời sa vào đó, bị treo hầu thắt cổ hoặc bị chà sát bầm giập thể thống thân danh, nhứt là thường bị nó làm cho người phải đọa đày trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới chịu lắm thống khổ.

Thế thì những việc đã kể trên không đáng nhiễm một điều nào cả, chỉ có một điều cao quí hơn, siêu vời hơn là mỗi người cần phải cương quyết rứt bỏ lòng tham luyến cõi Ta là ngũ trược, quyết cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc. Khi về Cực Lạc được thân bằng hoa sen, cảnh toàn làm bằng bảy báu, bạn lữ quyến thuộc là các vị thượng thiện nhân, ấy mới được còn mãi và an vui hơn hết. Và một khi chúng ta thành tâm cầu sanh về cõi Tịnh độ, dĩ nhiên là chúng ta nhận ngay cõi ấy trang nghiêm thanh tịnh hơn cõi Tà bà uế trược nầy.

Mà việc cầu sanh về cõi Tịnh độ không ngoài pháp niệm Phật, vì một tiếng niệm Phật chẳng khác nào một nhịp cầu, càng nhiều tiếng niệm Phật, càng nhiều nhịp cầu nối liền nhau từ bờ mê cõi Ta bà qua bến giác cõi Cực Lạc, đưa chúng ta đến chỗ thỏa lòng mong ước. Được hiểu thế, nên sự niệm Phật đối với chúng ta không còn do dự chần chờ nữa, phải cố gắng niệm, cái niệm nầy nối liền cái niệm tới không để gián đoạn. Vì nếu để tiếng niệm Phật hở cách sẽ là có một dịp cho tiếng niệm phàm phu xen vào, nghĩa là tâm niệm Phật lảng quên, tức là tâm niệm phàm phu sanh ra khuấy rối; như thế có bao giờ thành tựu trong cuộc vãng sanh về Tịnh độ được.  

Huống chi, nếu mình còn ngờ vực, còn lần lựa không chịu gấp rút niệm Phật, không chịu quyết tâm cầu sanh Tịnh độ, cứ mãi quay cuồng theo tánh phàm, theo việc thế, thì ngày mạng chung thường có mười điều khiến mình không còn thì giờ chuẩn bị để niệm Phật được.

Mười điều ấy là:

1- Lẽ thứ nhứt, trong lúc hấp hối rủi chẳng gặp người lành khuyên cho niệm Phật, thì không làm sao nhớ để niệm được.

2- Lẽ thứ hai, trong lúc gần mạng chung bao nhiêu cảnh giới ác, do nghiệp tạo bất chánh của mình trong lúc khỏe mạnh gây ra đã hiện rõ trước mắt mình thấy, tai mình nghe và trong người bứt rứt không hề rảnh giây phút nào, thì đâu có thế gì niệm Phật được.

3- Lẽ thứ ba, rủi phải mang lấy chứng bịnh bất ngờ trầm trọng, khô hầu tắt tiếng, lúc đó thấy mình kinh hồn sợ sệt đâu còn nhớ đến sự niệm Phật, mà dầu muốn niệm Phật cũng không làm sao niệm cho ra tiếng được.

4- Lẽ thứ tư, rủi phải thứ bịnh cuồng tâm loạn óc, thì đâu còn tự chủ được mình nữa, thành một người điên dại thì đâu thế nào niệm Phật được.

5- Lẽ thứ năm, rủi bị té sông, biển, ao, hồ mà chết, hoặc bị hỏa hoạn hay núi lửa khạc lửa mà chết, chết cách cấp tốc, chết cách bất ngờ hốt hoảng, đâu còn được thì giờ để niệm Phật.

6- Lẽ thứ sáu, rủi phải bị loài ác thú: cọp, hùm, beo, gấu vồ bắt, lại lúc ấy không người tiếp cứu nhắc nhở cho niệm Phật, thế thì làm sao nhớ niệm Phật được.

7- Lẽ thứ bảy, nếu chần chờ chẳng may gặp những người bạn hung ác, chỉ biết làm điều tội lỗi, không tin Trời Phật, không tin luật nhơn quả, họ khuyên làm những điều ma mị, rồi mình đem lòng tin theo, thì có bao giờ biết và nhớ đến sự niệm Phật được.

8- Lẽ thứ tám, chẳng may vì trúng thực quá nặng, hay vì trong giấc ngủ mê mang rồi chết luôn, thì đâu được hay biết trước để niệm Phật.

9- Lẽ thứ chín, khi ra trận rủi phải bị tên đạn của kẻ địch xuyên qua chỗ nghiệt của cơ thể chết một cách mau lẹ, thì đâu kịp nhớ để niệm Phật, nói rõ hơn là không còn sống phút nào để niệm Phật.

10- Lẽ thứ mười, rủi phải từ núi cao té xuống hay rớt vào vực thẳm, hoặc lọt xuống giếng sâu chết một cách hốt hoảng, chết một cách bất đắc, thì đâu còn bình tĩnh để niệm Phật được.
Trong lúc lành mạnh yên ổn không chịu chuyên tâm niệm Phật, đợi khi gặp phải mười trường hợp bất trắc xảy ra trong lúc mạng chung như đã kể trên, thì không tài nào bình tĩnh hay được nhớ Đức Phật để mà tưởng niệm được. Vả lại nếu lúc sanh bình đã làm đầy dẫy tội ác, ngày mạng chung lại chẳng niệm được một tiếng Phật, thì cái tội lỗi kia đâu được giảm bớt chút nào, tất nhiên không tránh khỏi sa đọa vào các đường luân chuyển. Mà cái điều dễ làm cho con người mau luân chuyển hơn hết, là nếu không niệm Phật thì phải niệm phàm, mà hễ niệm phàm thì toàn là những niệm tội lỗi. Gần dứt hơi, những nghiệp tạo, những vọng tưởng lúc khỏe mạnh đã tạo, gây đó, đều hiện rõ ra hết, hoặc thấy viên đá lớn trên không rớt đè, hoặc thấy người cầm cưa, người cầm kéo, người chế dầu, kẻ xách đèn thiêu đốt, cưa xẻ, đánh đập, đủ thứ làm cho hốt hoảng la lớn lên, bò càn bò niểng, làm cho dễ dứt hơi và dễ làm cho thần thức theo nghiệp lực dẫn đi luân hồi rất mau lẹ.

Nhược bằng trong lúc ấy người biết niệm Phật, niệm Phật ấy được thành tâm, dầu niệm một tiếng đi nữa, cảnh giới hung ác cũng tiêu mất không còn hiện ra dữ dằn táo bạo được. Đó là nhờ Đức Phật gia hộ.

Để kết luận bài gấp niệm Phật, khi chúng ta muốn cầu sanh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà để khỏi chịu vào sanh ra tử, đổi xác thay hình trong cõi hồng trần nầy nữa, thì có một điều thích ứng và cần biết hơn hết là phải nhứt tâm tưởng niệm Đức Phật A Di Đà. Sự niệm Phật ấy sớm cũng như chiều, ngày cũng như đêm, giờ nầy đến giờ khác luôn luôn không xao lảng; và trong lúc niệm Phật chúng ta có một đức tin mạnh mẽ rằng những tội ác gì của mình đã làm từ lâu, bây giờ nhờ sự niệm Phật mà các điều ấy được diệt mất hết và bao nhiêu công đức phước huệ nơi mình sẽ lần lượt sanh ra, thần trí của mình sớm muộn gì cũng được mở mang; nhứt là nhờ sự niệm Phật mà các Phật mười phương hộ trì gia bị cho mình thêm phần tinh tấn để được mau chóng vãng sanh về Cực Lạc. Kỳ dư, nhờ công đức niệm Phật của mình mà Tổ tiên cha mẹ của mình cũng đều được siêu hóa về Tịnh độ.
Có sự tin tưởng mạnh mẽ như vậy, mới khiến cho sự niệm Phật của mình không bị lảng xao thối đọa và chắc được vãng sanh.
HẾT

1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp Niệm Phật (đang xem)
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
Đăng nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật