Tứ Ân - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Tứ Ân


TỨ ÂN
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)

  • TỨ ÂN
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
Mặt dù chúng ta tu Phật, song vì hoàn cảnh gia đình, nhứt là còn nặng nợ quốc dân, thành thử chúng ta chỉ theo hình thức của kẻ tại gia cư sĩ. Đã là người tại gia cư sĩ thì không có những điều kiện, giới luật gắt gao như những kẻ ở chùa mà là chỉ giữ một ít điều răn cấm trong mỗi ngày vậy thôi. Và tu tại nhà dĩ nhiên về mặt giao thiệp giữa thân bằng quyến thuộc cũng như sự nhờ nhõi đồng bào xã hội càng lúc càng nhiều, dù giàu nghèo cũng không một ai tránh khỏi cả.
Vì thế mà toàn thể người tu hành tại gia như chúng ta đều cảm thấy nơi mình rất nặng nợ tứ ân. Hễ còn thấy mình còn nặng nợ tứ ân thì mình phải cần hiểu rõ từ cách một để đáp
đền cho xứng đáng, khỏi thẹn với xứ sở, nhứt là được đi đúng với lời giáo hóa ngọt ngào thâm diệu của Đức Thầy.
Bởi ý do đó, hôm nay chúng ta suy luận bài tứ ân.

Một câu quân lý tứ ân,
Ta đừng phai lợt phong thần bảng ghi”


Đoạn nầy, Đức Thầy dạy rằng: nếu một câu quân thần đạo lý trong việc tứ ân mà mỗi người đều được khắn chặt, không lợt phai, không phụ bạc, sau trước một mực đền đáp chu đáo, thì trong bảng phong thần sẽ được ghi tên. Cách ghi tên ấy, hoặc được phong thần trong triều chánh, nếu còn sống; nhược bằng đã vong thân cũng được ghi tên vào bảng ở Thiên đình. Đó là hai cách phong thần.

Tại sao những người lo về quân lý lại thường hay sanh về cõi Thần? Bởi lẽ người ấy mặc dù đã giữ giới trì chay nhưng lòng còn nóng nảy, còn giận hờn, còn phân biệt nhơn ngã và còn tranh đấu hơn thua, thì chỉ được sanh về cõi Thần hưởng lấy sự thong thả ở trong cái quyền oai khí phách của mình vậy thôi, chớ không đủ đức hạnh, chưa có công phu chứng vào quả Phật được. Còn có người bảo tại sao trường hợp của Quan Thánh lúc sống, ông đi bạch giáp về hồng giáp, sát hại không biết bao nhiêu mạng người, mà ông được phong làm Phật Già Lam. Đó là vì Quan Thánh chẳng những là trung nghĩa liêm sỉ gồm đủ, mà sau khi mạng chung Ngài còn phải tu một thời gian dài rất lâu mới chứng quả được. Điều nầy các cõi Thần dục giới, cõi Trời sắc giới, cõi Trời vô sắc giới đều có tu về bên Phật được hết, mà nếu các cõi ấy tu theo Phật lại rất mau, vì họ có phước đức sẵn. Nhược bằng kẻ có lòng trung lo việc đất nước, mà không lo tu Phật pháp, thì sau khi thác chỉ chứng quả Thần thôi.
Trở lại sự tu của chúng ta, toàn thể chúng ta hầu hết là tu tại gia, chỉ ở nhà lo việc công phu bái sám thường bữa, chớ không phải ly gia cắt ái, thí phát mặc áo cà sa như những nhà sư hay ni cô được. Như thế đủ thấy chúng ta còn đang nặng lòng với công cuộc sanh hoạt gia đình và sự đối đáp giữa mọi người trong xã hội, vì còn thụ hưởng sự giúp đỡ của đồng bào đất nước rất nhiều.
Đó là phần vật chất.
Còn về phần tinh thần, thì chúng ta rất nhờ ở sự khai mở của Phật, Pháp, Tăng khiến chúng ta tập tành được tâm hồn từ bi, việc làm bác ái, nhứt là hiểu được luật nhơn quả luân hồi, chúng ta mới nảy lòng sợ sệt điều tội lỗi mà lo làm những việc phước thiện. Do đó, lúc hiện tại chúng ta khỏi phải phạm vào pháp luật khổ sở khốc liệt, khỏi phải làm vật gàn dở chê chán trước mặt mọi người và không làm những gì tai hại phiền khổ cho kẻ khác. Chẳng những thế mà ngày kia chúng ta sẽ khỏi phải vấp chơn trong sáu đường sanh tử và nói gần hơn là chúng ta khỏi phải quả đau khổ trả lại cho ngày sau.

1–ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ 

Mỗi khi nhìn lại thân xác chúng ta, thì chúng ta hiểu ngay rằng nhờ sự sanh sôi của cha mẹ. Cha mẹ trải qua thời gian chín tháng cưu mang, ba năm bú mớn, chịu lắm sự cực nhọc nuôi dưỡng chúng ta mới được lên vai vế như thế nầy. Trong thời gian cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta, đã phải chịu biết bao lao tâm, phí lực. Lao tâm là lo tìm đủ phương pháp để nuôi chúng ta, nhứt là lo sợ khi chúng ta đau ốm, hoảng hốt khi chúng ta té ngã và lo liệu thương nhớ chúng ta khi đi vắng. Còn phí lực là cha mẹ đem thân làm việc nầy, việc nọ cho có tiền thóc, có vải bô, nuôi chúng ta đủ no và sắm cho chúng ta đủ mặc cho đến lúc khôn lớn.
Khi chúng ta thấy sự khổ nhọc của cha mẹ đối với chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta nghĩ ngay rằng ông bà đối với cha mẹ cũng khổ nhọc bấy nhiêu, nghĩa là sự nuôi nấng từ trên chí dưới cùng một mạch như thế cả, nên khi chúng ta biết ơn cha mẹ cũng phải biết ơn ông bà nữa, vì nhờ có ông bà mới có cha mẹ.

Do những sự nhờ nhõi về mặt vật chất cũng như về tinh thần mà cha mẹ ta nuôi nấng, đồng bào ta đỡ đần, đất nước ta vun quén và nhờ Phật pháp khai hóa trí óc, nên mỗi người chúng ta đều thấy mình mang nặng bốn trọng ân mà lúc nào cũng phải tìm hết cách để đền đáp trong muôn một. Và trên con đường Phật pháp, chúng ta muốn tiến đến mức tuyệt cao thì việc làm đầu tiên là phải xử tròn nợ tứ ân như Đức Thầy đã nói.

“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”.


Về tứ ân Đức Thầy có dạy, nên đây chỉ lặp lại sơ lược ý nghĩa:

Muốn đền ơn trọng đại của cha mẹ, thì trong lúc cha mẹ còn sống có dạy điều lành lẽ phải, chúng ta phải luôn luôn chăm chỉ nghe lời, còn gặp phải lúc cha mẹ ta làm việc sai quấy, chúng ta phải tìm cách hay ho khéo léo để khuyên ơn cho cha mẹ chừa bỏ để khỏi tội lỗi.

Nhứt là chúng ta cần phải có được nhiều ví dụ hay ho để cha mẹ nghe theo hầu sớm quay về con đường Phật pháp, khỏi phải dấn thân vào đường tội ác, dứt việc luân hồi. Còn như sự ăn mặc của cha mẹ, chúng ta tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sức lực của mình mà cung cấp cho được đầy đủ, chớ nên đợi khi cha mẹ từ trần rồi vật heo vật bò tế tự, rước thầy làm trai đàng, tụng niệm linh đình vô ích, mà còn gây thêm tội lỗi cho phần hồn của cha mẹ, chớ chẳng cứu rỗi được phần nào. Vả trong sự đáp ơn ấy, điều cần yếu là hiểu ngay rằng: trong bầy con của cha mẹ, thì người nào cha mẹ cũng thương hết, thì chúng ta phải đối xử với anh em cho được hòa thuận, tiêu biểu sự tốt đẹp trong gia đình và làm cho hương danh của gia tộc được thơm tho. thếlàm sao cha mẹ không hài lòng, kẻ chòm diềng đâu có lý do nào chê đè bề gia giáo của cha mẹ chúng ta được.

Đến khi cha mẹ bịnh hoạn phải lo chạy chữa thuốc men, rủi cha mẹ mãn phần, đành rằng: gốc trốc thì cành héo, cha mẹ khuất con cái phải đau lòng, nhưng chúng ta chớ lấy sự khóc lóc làm hiếu, mà là phải tập trung tinh thần trí não để cầu nguyện cho chơn linh cha mẹ được siêu thăng về cõi Cực Lạc. Đồng thời chúng ta gắng gổ tu hành để đem công đức hồi hướng cho cha mẹ được khỏi sáu nẻo trầm luân.

Còn muốn đền ơn ông bà, vì ông bà đã qua đời ,chúng ta không thể đem những món ăn thức mặc để cung cấp được, thì chúng ta có cách là làm sao tránh được tất cả điều hư hèn tồi tệ, để khỏi phải làm nhục nhã dòng dõi chúng ta. Giá như ông bà tổ phụ có làm điều chi sai quấy lưu lại cho con cháu, chúng ta cương quyết giữ lấy điều đạo nghĩa, không nên tiếp tục tà nghiệp ấy, mặc dù việc sửa đổi rất gay go, phải hy sinh rất nhiều, cũng rán làm cho được. Trường hợp nầy, ví dụ: ông bà có làm nghề thư phù ếm đối lưu lại cho cha mẹ, cha mẹ truyền đến chúng ta, dù nghề đó có tiền của rất mau, danh vị rất lớn, chúng ta cũng cương quyết rửa bỏ để làm điều đạo lý. Đến những nghề có thương tổn đến đất nước lại càng phải tránh hơn nữa.

Có được như thế, chúng ta mới có thể bôi bỏ những vết đen của ông bà trên lịch sử. Khi toàn cả chúng ta đều cố gắng làm xong những khoản vừa kể qua, thì về ân Tổ tiên cha mẹ, chúng ta đã đền đáp được một phần nào. Khi chúng ta làm vẹn đạo nhi tử rồi, thì đối với Đức Phật là một điều mà chúng ta có thể tiến đến rất dễ.

2–ÂN ĐẤT NƯỚC

Năm vóc thân của chúng ta có được là nhờ ở cha mẹ chia xương, xẻ thịt cho. Còn sự sống của chúng ta được vững vàng, có đủ điều kiện về mặt ở ăn đều nhờ đất nước quê hương cung cấp. Hái những cây cỏ lá rau và đứng trên miếng đất của Tổ quốc, cũng như từng nhờ sự truyền thụ của nòi giống, khiến cho sự sống của chúng ta được có đủ mọi điều nhu cầu, khỏi phải thiếu thốn.

Nói rõ là sự sống của chúng ta rất nhờ ở đất nước cung phụng, vì thế mà chúng ta lúc nào cũng nhận thấy nơi mình có bổn phận phải nâng thành, đỡ vạc trong lúc quốc gia bị kẻ ngoài giày đạp bức bách.

Chúng ta phải có đủ cách khôn ngoan khéo léo để làm cho nước nhà từ chỗ yếu ớt trở nên mạnh mẽ, từ chỗ bị thống trị trở lại độc lập phú cường. Gặp phải lúc nước nhà bị kẻ nước ngoài xâm lấn, chúng ta cần phải nỗ lực cứu cấp như lửa cháy mày, dù phải hy sinh rất nhiều và phải vào sanh ra tử, lòng vẫn hăng hái bướt tới và có quả cảm để làm xứng đáng một dân tộc tự giác. Với sự đối địch cùng kẻ ngoại lai là một bổn phận, mà lúc nào chúng ta cũng thiệt thi cho kỳ được, nghĩa là làm đến khi nào gót chơn của kẻ ngoại nhân không còn giẫm trên đất nước chúng ta, và họ không còn đàn áp dân tộc chúng ta nữa. Chừng đó nước nhà chúng ta mới được độc lập và dân tộc mới thật tự do.
Nghĩ vì nước nhà được thanh bình thì đời sống chúng ta mới được vui tươi, cũng như dân tộc có tự do thì sự sanh hoạt của chúng ta mới đầy đủ, thế nên dù tốn hao bao nhiêu xương máu, tâm lực để cứu quốc an dân, chúng ta vẫn hy sinh làm cho được đến chỗ vinh quang sáng lạn. Song muốn cứu quốc, lẽ trước nhứt, chúng ta phải tùy sức lực, tùy tài năng, tùy những điều kiện của mình đã có mà cung phụng cho xứ sở. Chúng ta có thể hy sinh những gì của mình đã có để làm cho xứ sở nhờ đến những lúc đau thương, trong cảnh giặc giã. Nhược bằng, chúng ta kém tài, thiếu đức không thể gánh vác mọi việc to tác được, thì hãy nhận lấy những việc vừa sức mình để làm; hoặc giả xét vì thời cơ chưa thuận tiện giúp đất nước, thà là chúng ta ngồi yên để chịu lấy tiếng không công cán gì, tuyệt nhiên không mó tay vào việc tai hại cho quê hương, nhứt là không giúp tay kẻ địch bằng cách giúp lương, tiền hay chỉ ngõ, đem đường cho họ tiến chiếm và tàn sát dân tộc mình.
Dân tộc Việt Nam hơn bốn ngàn năm lịch sử vẫn tự cường và ngang nhiên ở vùng đất chữ S, mặc dù sống gần con hạm Trung Hoa mà không bị mất một miếng thịt nào cả. Và từng sản xuất rất nhiều anh minh tuấn kiệt; với những chiến sách, với những oai hùng đã từng sức một chống mười, chống trăm, chống ngàn, được thắng luôn một cách anh dũng. Bằng chứng là quân nhà Minh, nhà Nguyên, nhà Thanh qua đây đều thất bại một cách nhục nhã. Với những thế kỷ trước như thế nào, thì thế kỷ nầy cũng vậy. Ông cha chúng ta đẻ chúng ta, nếu ông cha chúng ta có chí hùng cường thì chúng ta cũng phải có chí hùng cường để làm cho nước nhà độc lập phú cường, để sánh ngang hàng với các cường quốc, làm cho hương danh của Tổ phụ được thơm tho và giúp nước nhà được miên viễn. Với sự cứu quốc quan hệ nhứt là ở giai đoạn nầy; chúng ta cần nỗ lực đem tài năng của mình để cáng đáng một công việc làm lớn nhỏ nào, có thể giúp cho Tổ quốc sớm phục hưng. Có được như thế, chúng ta mới đáp ân đất nước được một phần nào vậy.

3–ÂN TAM BẢO

Ngoài ân đất nước, chúng ta còn nặng ân Phật, Pháp, Tăng là những đấng giúp chúng ta ở mặt tinh thần. Còn với những hình hài chúng ta được có và có những miếng ăn, tấm mặc đầy đủ là do ở sự đào tạo cung cấp của Tổ tiên, của cha mẹ, đó là phần vật chất.
Về mặt tinh thần, dù không nói chúng ta cũng tự thấy mình từng nhờ nhõi sự khai hóa của Đức Phật và các đệ tử của Ngài rất nhiều.

Nghĩa là nhờ nơi ngôi Tam Bảo mở mang đầu óc chúng ta được sáng suốt, để biết đến việc tu hành đạo đức, hầu khỏi chìm đắm trong bể mê y. Đức Phật là một đấng trọn lành, trọn sáng, Ngài hàm dưỡng một tấm lòng từ bi bác ái vô cùng vô tận, thương yêu chúng sanh không bờ bến, vì thế mà Ngài sau khi tu hành đắc đạo thì đi truyền giáo khắp mọi nơi, khiến chúng sanh nhận rõ chơn ý,biết cơ nhơn quả, được cởi mở các mê lầm, gieo rấm những giống lành tươi tốt. Ngoài lẽ đó, chính Ngài truyền thọ cho các đệ tử của Ngài những pháp giáo cao siêu, phổ biến từ vùng nầy đến vùng khác khắp cả năm châu để cho mỗi người không được gặp Phật, thì sẽ gặp đệ tử của Phật giáo độ, bằng không gặp được đệ tử của Phật, thì cũng nhờ giáo pháp do các Ngài dùng bút mực truyền tống cũng có thể tu hành được. Các vị đệ tử ấy, tức là các chư Tăng, các Ngài đã từng hy sinh vì đạo đức, nhắm ngay mục đích tự giác giác tha đi tới và các Ngài luôn luôn noi theo chí đức của Phật mà ăn xả trong cõi đời, có đủ phương tiện, đủ pháp nghi cứu vớt chúng sanh thoát khỏi mê đồ khổ hải.

Được thấy công đức lớn lao, pháp giáo sâu nhiệm của Đức Phật và các chư Tăng, nên chúng ta lúc nào cũng vẫn tôn kính Đức Phật lời lẽ đứng đắn, kế đó chúng ta đầy lòng tin tưởng và ca tụng sự nghiệp cứu đời của Ngài và chót hết chúng ta phải tự kiểm điểm thân tâm, để đi theo con đường của các vì đại đệ tử của Phật chỉ bảo.
Với điều chúng ta tin tưởng và phụng hành giáo pháp của Đức Phật và noi dấu chơn của các chư Tăng là việc chúng ta noi lấy gương Tổ tiên của chúng ta hồi trước. Vì Tổ tiên chúng ta đã nhận hiểu tấm lòng quảng ái, đức độ từ bi của Đức Phật, nhứt là hiểu rõ pháp giáo của Phật rất siêu mầu, nên chi Tổ tiên chúng ta luôn luôn hết lòng sùng bái và tín phụng theo từ việc một của Phật mà y hành. Với sự tín phụng và thiệt hành nầy không ngoài lẽ vun bồi cội đức, gieo rải nguồn chơn, để làm cho nền đạo hạnh trong xứ được phát triển khắp dân gian, không một công dân nào mà chẳng hiểu việc tam qui ngũ giới, để xây dựng một tòa lầu đạo hạnh từ trên chí dưới lộng lẫy xinh đẹp ở thời nầy đến thời khác, ai cũng cùng một nhịp tiến hành trên con đường Phật pháp.
Mỗi khi chúng ta được đọc hay được hiểu đến việc Tổ tiên chúng ta hết lòng thờ phụng Phật pháp, thì tự thấy nơi mình có bổn phận theo đòi gương phẩm của Tổ tiên mà luôn luôn trau giồi trí huệ cho được mở mang để theo dõi con đường giải thoát. Khi chính mình được giải thoát thì sẽ tùy nghi dắt dẫn cho người lầm đường lạc lối hầu có cơ tỉnh thức, biết lối trở về cùng chúng ta hưởng lấy sự an vui nơi cảnh Niết Bàn. Chúng ta phải làm cách nào để gieo hột giống từ bi bác ái cho một ngày một được siêu mầu, ăn nuốt tất cả cây cỏ vô dụng, khiến mặt đất Việt Nam chỉ trồng một thứ cây quí.
Có được như thế, chẳng những cứu nước nhà khỏi tồi phong bại tục, phá trai phạm giới, lại còn thấy mình theo dõi công trình vĩ đại của Tổ tiên, và đền đáp trọng ân của Đức Phật, và chót hết là gây lấy cho mình được duyên lành để ngày kia khỏi phải chìm đắm trong cõi tối tăm.
Khi mỗi người chúng ta đã tự xét và thiệt hành như thế, đối với ân Tam bảo sẽ khỏi phải thẹn thùa một điều nào cả.

4–ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI

Bất luận ai, khi mới sanh ra đều thấy mình đã nhờ nhõi đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh cả. Bằng chứng là đứa bé lúc ra đời đã được cô đỡ (bà mụ) giúp tay rồi vậy. Từ đó cho đến lúc lớn khôn, hễ tuổi càng cao chừng nào càng thấy mình nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh càng nhiều chừng nấy. Nếu được người giúp đỡ càng nhiều thì sự chịu ân ích càng to thêm.
Chúng ta được no là nhờ kẻ cày cấy, được ấm là nhờ kẻ may dệt, được nếp tranh mái ngói ở yên là nhờ đến kẻ thợ thuyền xây cất, cho đến lúc bịnh hoạn chúng ta cũng nhờ lương y chữa trị bằng món thuốc nầy, hay món thuốc khác.Giữa họ cùng chúng ta luôn luôn có sự liên quan mật thiết với nhau, những sự vui sướng thì họ cùng chúng ta chung hưởng, gặp phải lúc hoạn nạn thì chúng ta cùng họ đồng gánh lấy; họ với chúng ta không sai khác, cũng cùng một màu da, một sắc tóc, cùng nói một thứ tiếng như nhau và chùng chung một phong tục. Giữa họ cùng chúng ta quần tụ lại làm một thì gọi là quốc gia. Những kẻ ấy, là ai? Tức là những người mà chúng ta đã gọi bằng hai chữ đồng bào.
Sao gọi là đồng bào? Vì kẻ đó với chúng ta cùng chung một bọc sanh ra, cùng một chủng tộc, một nòi giống đã được roi truyền từ âu trong đất nước; và đã từng viết những trang sử rất oai hùng, rất lừng lẫy trong những thời đại chống kẻ ngoại xâm. Giữa đồng bào chúng ta cùng chúng ta cũng đã chen vai thích cánh, tương thân tương trợ cho nhau bướt qua biết bao nhiêu nguy biến, và vẫn chung lo một phận sự là un đúc cho ngày mai hậu của giống nòi được sáng sủa tốt lành để tiếp tục lấy công trình vĩ đại, chí khí liệt oanh của bước đường ông cha chúng ta đã đi trước. Giữa đồng bào cùng chúng ta có một mối tình thân thiết nối liền nhau cũng như gân với thịt, không thể rời rứt nhau lúc nào được. Nghĩa là không hề có đồng bào mà không có chúng ta, hay có chúng ta mà không có đồng bào, vì từng cá nhân một của chúng ta hợp lại làm thành một chủng tộc, cùng sản xuất trong một bào thai mới gọi là đồng bào. Kể ra đó là đồng cốt nhục vậy.
Thế nên, lúc nào chúng ta cũng tìm cách để giúp đỡ cho đồng bào về phương diện tinh thần lẫn vật chất, hầu có đáp lại những ơn ích của chúng ta đã thọ từ bé chí trưởng.
Vượt trên phạm vi đồng bào, chúng ta còn đến địa hạt của nhơn loại nữa, tức là những dân tộc trên thế giới, họ đang gom nhóp tinh thần, tập trung sức lực quây quần trong việc làm nầy đến việc làm nọ, để sản xuất những món nhu cầu cần thiết, do đó chúng ta mới đủ món cần dùng. Nếu chỉ riêng có dân tộc chúng ta, không có dân tộc khác, thì dám hỏi dân tộc chúng ta có thể có chăng? Và chúng ta có thể sống cách lẻ loi chăng? Mọi vật cần dùng có thể đầy đủ không? Nhứt là có thể nào tránh khỏi cuộc gió mưa đau yếu, hay những lúc biến di để giữ vững lấy cách sống yên ổn chăng? Hẳn là không. Vì nếu không có những sự cung cấp của các dân tộc khác, thì chúng ta chẳng thể sống vững và cũng thiếu phương tiện để sống. Ví dụ: nước ta không chế được tàu, xe mà không nhờ đến các nước khác cung cấp cho thì chúng ta có thể có được chăng? Hoặc giả có những thứ thuốc ngoại quốc bào chế được, mà dân tộc chúng ta chưa có thì những lúc ốm đau có nhờ đến không? Với những phương tiện khác cũng vậy, chúng ta không có, hẳn phải nhờ đến dân tộc khác giúp đỡ. Có thể nói giữa các dân tộc trên thế giới nầy, đều có sự nhờ nhõi qua lại luôn luôn, như người làm ra gạo lúa đem đổi kẻ có vải bô, kẻ làm ra vải ô đổi người làm ra xe tàu, hay người làm ra xe tàu đem đổi kẻ chế ra thuốc men v.v...Có sự đổi chác giữa nhau mới làm cho sự sống khắp dân tộc được quân bình cách ăn ở hay việc sử dụng.
Vì ý do trên đây, chúng ta cảm thấy giữa dân tộc của mình với dân tộc khác, nghĩa là với nhơn loại đều có sự nhờ nhõi nhau luôn, mà chúng ta cần phải biết ơn ích của họ và lúc nào cũng nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình,không nên ỷ lại dân tộc mình mạnh mà lấn lướt hay chà đạp dân tộc yếu, cũng không cậy dân tộc mình khôn ngoan mà hiếp đáp giống lạc hậu, phải luôn luôn vùa giúp họ, để tiến hóa như mình. Nếu hết thảy dân tộc đã có được như thế cả,thì không thấy có cuộc dân tộc nầy xua binh xâm chiếm dân tộc khác, vẫn cùng chung xây dựng nền tảng bình đẳng bác ái khắp quả Địa cầu.
Tiến đến trình độ cao hơn nữa, nghĩa là đến một tâm hồn rộng rãi hơn, đó là tánh từ bi bác ái của Đức Phật. Vì Đức Phật Ngài luôn luôn lấy lòng thương xót tất cả nhơn sanh, chẳng những thế, Ngài còn thương đến những loài bò bay máy cựa nữa, tình thương ấy không thể lấy vật nào để lường được, vì nó rộng lớn không bờ bến nào làm giới hạn, tiến đến mức không phân biệt giống dân nầy hay giống dân khác, và cũng không phân biệt người sang hèn, hay kẻ ngu người trí, ban bằng đẳng cấp xã hội chỉ đặt vào tâm hồn từ bi ác ái đại đồng, xem ai cũng là nhân loại chúng sanh cả.
Nếu chúng ta đi đến tâm hồn như thế, thì không có lý do nào chánh đáng hơn, vì sự lợi ích cho gia đình mà đàn áp giống dân khác, vẫn luôn luôn lấy lòng thương yêu tất cả mọi người, giữ làm việc nhân đem lại sự hòa cho giữa dân tộc nầy đến dân tộc khác nhờ đến. Thêm nữa là nêu cao tinh thần tha thứ sự lầm lỗi của hạng người nầy đến hạng người khác và tự thấy mình có bổn phận, như: có của thì giúp người thiếu thốn, có tài thì giúp kẻ ngông nghênh, biết chữ nghĩa thông thái chỉ dạy kẻ dốt nát, chớ không có ỷ chúng hiếp cô, cậy khôn lấn dại bao giờ .
Còn nói gì đến hạng người đã xuất gia đầu Phật,ngoài những ân ích đã kể qua, họ còn nhờ đến sự giúp đỡ kẻ đàn na thí chủ rất nhiều.

Những miếng ăn của họ cũng nhờ kẻ khác giúp, tấm mặc cũng nhờ kẻ khác may cho, những thuốc men để chữa trị cũng nhờ đến tín nữ thiện nam lo liệu, nhứt nhứt món gì của họ cũng nhờ kẻ khác cung phụng, vì thế mà đối với nhơn sanh họ luôn luôn cảm thấy mình chịu ân rất nặng, phải rán lo tu hành chứng quả để đem hết tâm hồn linh mẫn của mình ra dắt dẫn người ngu dốt, dại khờ và phổ hóa những kẻ còn quay quần trong tội lỗi để có cơ ăn năn chừa bỏ việc quấy. Phận sự nầy họ phải làm suốt cả đời mà không biết mỏi, làm một cách tận tụy hy sinh, không chừa bỏ một việc lành nhỏ nào. Như thế mọi việc ân ích của mình thọ lấy từ lâu mới có đền đáp được ít nhiều.

HẾT
1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân (đang xem)
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
Đăng nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật