NGŨ CĂN
1- Pháp thứ nhứt, Tín căn
Là lúc nào cũng lấy lòng tin tưởng nơi chánh đạo của Phật làm cội gốc. Với lòng tin ấy, được tuyệt đối, không còn tin một tôn phái nào khác, cứ lấy lòng tin theo chánh đạo một cách chắc chắn, như thế mới có thể bảo đảm việc tu hành của mình được thành tựu đầy đủ.
2- Pháp thứ hai, Nguyện căn
Là đã tin nơi chánh đạo của Phật, rồi thệ nguyện theo dõi. Lấy lòng thệ nguyện ấy làm cội gốc cho sự theo đuổi của mình cho đến khi được kết quả.
3- Pháp thứ ba, Niệm căn
Là lấy lòng niệm tưởng chánh đạo của Phật làm cội gốc, ngoài ra không để cho trí óc tưởng niệm việc tà mị tội ác nào khác. Chỗ tưởng niệm nầy, còn có nghĩa ghi nhớ. Lúc nào cũng ghi nhớ Đức Phật, mong cầu cuộc vãng sanh.
4- Pháp thứ tư, Định căn
Là khi lòng đã tin, đã nguyện, đã niệm tưởng chánh đạo của Phật, thì hãy lấy chủ định làm cội gốc, nghĩa là mình nhứt định theo chánh đạo không hề theo tà đạo. Có nhứt định chắc chắn như vậy, mới có thể đưa mình từ thời gian nầy đến thời gian khác vẫn giữ một lòng chánh đạo, không hề thay vào tà đạo.
5- Pháp thứ năm, Huệ căn
Là mặc dù đã tin, đã nguyện, đã niệm tưởng, đã chủ định theo chánh đạo, song phải luôn luôn lấy trí huệ sáng suốt của mình tìm học chơn lý trong đạo Phật như thế nào, hầu chọn lấy cái tinh vi, cái siêu thắng làm căn bản. Nói rõ hơn nên lấy trí huệ làm cội gốc cho việc tu tấn của mình để tránh sự lạc lầm.
Năm pháp nầy, mỗi người thật hành được đúng đắn thì nó sẽ có công năng siêu mầu giúp đỡ cho người thêm lòng tin chắc chắn, ý nguyện thành thật, tâm niệm chơn chánh, ý định vững vàng và có cái trí huệ sáng tỏ giúp sự hành đạo của người đi ngay chánh ý của đạo Phật đã vạch sẵn: và được giữ còn tâm đức của mình đã phát nguyện, đã tin tưởng, đã ghi nhớ về sự tu hành cầu đạo giải thoát.
HẾT