Lịch Sử Phật Thích Ca - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Lịch Sử Phật Thích Ca


Lịch Sử Phật Thích Ca
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)

  • Lịch Sử Phật Thích Ca
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
Sáu bài vừa qua chúng ta đã rõ tại sao chúng ta cần phải tu? Do đâu chúng ta đặt đức tin nơi Đức Thầy? Sứ mạng của Đức Thầy như thế nào? Cũng như mục đích và yếu pháp của Phật Giáo Hòa Hảo ra sao rồi.

Khi chúng ta được hiểu Đức Thầy là một vị đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, Ngài ra đời với sứ mạng cứu vớt quần sanh và chấn chỉnh Phật đạo, thì chúng ta cần phải hiểu đến lịch sử Đức Phật Thích Ca.

Có hiểu được lịch sử của Phật rồi mới vươn mình noi theo gương phẩm cao cả của Ngài, hầu khỏi thẹn mình là người học Phật.
Bữa nay chúng ta tìm hiểu lịch sử Phật Thích Ca.

Thân thế của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta:

Đức Phật Thích Ca tên tục là Sĩ-Đạt-Ta, họ Thích Ca, hiệu là Cù-Đàm, vốn là một nhà đại quí tộc ở Ấn Độ(nước Ấn Độ thời ấy chia làm bốn giai cấp: Bà-la-môn, võ sĩ, thương mãi và cấp nông dân, mà dòng Họ Thích Ca thuộc về cấp võ sĩ).

Phụ thân của Thái tử là vua Tịnh Phạn Đầu Đà, còn mẹ Ngài là bà hoàng hậu Ma Gia. Cả hai ông Bà đều là người nhân từ minh chánh, nên xứ Ấn Độ thời ấy mặc dù chia ra hơn hai trăm nước nhỏ, mà nước Ca Tỳ La Vệ thì dân chúng không những có nền nếp tốt đẹp và đời sống được đầy đủ hơn hết.

Ngày và nơi đản sanh Thái tử

Sau khi lịnh Bà Ma Gia đến trước mặt vua Tịnh Phạn để cầu xin cho bà ở riêng cung thất để lo tu dưỡng đức hạnh,chỉ cấp cho bà một ít người tâm phúc, không cần đông người. Và Bà xin vua thương xót kẻ nghèo đói như con đẻ,mà chu cấp tiền, thóc, vải bô cho họ được ấm no.
Đêm nọ, bà nằm mộng thấy bốn vị thần lực đến khiên giường bà lên chót núi Hy mã lạp sơn, liền đó có một thớt tượng trắng có sáu ngà, miệng ngậm bông huệ từ trên không hốt nhiên bay xuống khai hông lịnh bà chung vào, khi bà thức giấc biết mình đã thọ thai.
Ngày tháng trôi qua, vào bữa sớm mai kia bà dạo chơi trong vườn Lâm tỳ Ni, đang đứng ngắm nghía cái bông Vô ưu, liền đó Thái tử khai hông lịnh bà chung ra. Ngày ấy,nhằm mùng tám tháng tư âm lịch, trước ngày chúa Jesus giáng sanh 563 năm. Từ đó đến nay là 2.517 năm tức gần 26 thế kỷ(mỗi thế kỷ một trăm năm).

Nhiều hiện tượng trong lúc sanh Thái tử

Trong lúc sanh Thái tử Sĩ-Đạt-Ta thì khắp quả địa cầu đều rung rinh, cả thảo mộc đều trổ hoa quả tươi tốt, các loài cầm thú bay nhảy líu lo rất vui vẻ, trên không trung các chư Thiên trổi nhạc chúc tụng, có mưa hoa cúng dường và tắm rửa Thái tử. Cũng như chỗ sanh Thái tử có mấy hoa sen thật lớn hiện ra đỡ chơn Thái tử và còn một điều nữa là lúc ấy khắp cả thế giới được ngửi mùi thơm tho lạ thường.

Sở dĩ có những hiện tượng lạ thường như vậy, là bởi,Thái tử với chơn linh trước đó là vị Bồ Tát Hộ Minh từ cung Đâu Suất, Ngài dùng huệ nhãn quan sát thấy quả chúng sanh đã muồi Ngài có thể độ được. Ngài thấy hai vợ chồng vua Tịnh Phạn hiền đức và đã từng làm cha mẹ của Ngài hơn năm trăm kiếp, Ngài mới giáng sanh vào đó. Vì Ngài vô lượng kiếp đã từng cứu độ vô số chúng sanh có công đức không lường được, nên các Phật Thần ở mười phương thế giới chúc mừng Ngài ra đời tu chứng quả Như Lai và cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ. Do đó mới có hiện tượng như thế.

Tướng mạo của Thái tử và lời tiên đoán của ông Tiên A-tư- Đà

Gần thành vua Tịnh-Phạn có vị đạo sĩ thuộc phái Bà-la-môn tu chứng quả Tiên. Ông tên A-tư-Đà. Khi được nghe nhà vua hạ sanh Thái tử ông liền đến yết kiến. Sau khi xem tướng mạo của Thái tử, thì ông A-tư-Đà mủi lòng khóc. Bởi ông được có đạo nhãn; xem hiểu quá khứ vị lai, ông đoán biết ngày sau, nếu Thái tử ở tại trào sẽ làm vua đến bực Chuyển luân vương, trên hết các bực Thiên tử; còn Thái tử đi tu sẽ chứng bực chánh đẳng chánh giác (tức quả Như Lai).

Ông xét mình đã già, từ đây đến Thái tử lớn lên đi tu chứng quả phải ba mươi mấy năm nữa, chắc ông không thể sống đến đó để nghe được lời vàng của Phật dạy bảo, nên ông phải rơi lệ.

Cách giáo dục và tài năng của Thái tử

Sau khi sanh Thái tử được bảy ngày, thì lịnh bà Ma-Gia từ trần, có bà Ma ha Bà sa Bà đề là bà dì của Thái tử thay việc nuôi dưỡng Thái tử. Khi Thái tử lớn lên nhà vua mời các bực danh sư về môn thiên văn, địa lý và các môn võ nghệ đến dạy Thái tử, nhứt là dạy bộ kinh Phệ-Đà của phái Bà-la-môn, Thái tử nghe qua liền thuộc và giải nghĩa còn thông suốt hơn các giáo sư, khiến cho các giáo sư ngạc nhiên khiếp phục sự thông minh quán chúng của Thái tử.

Đời sống của Thái tử

Khi Thái tử lớn lên, vua Tịnh Phạn nhớ lại lời của ông A-tư-Đà cho biết ở lúc trước, nên Ngài rất lo sợ Thái tử đi tu. Ngài mới nghĩ ra một cách: bày những cuộc vui thú làm cho Thái tử say đắm mà quên đi việc xuất gia, rồi Ngài liền cho xây cất một tòa lầu để ở trong mùa thu, một tòa để ở trong mùa hạ và một tòa lầu để ở trong mùa đông: ba cái lầu ấy, để ở trong ba mùa nóng, lạnh và mùa không nóng không lạnh. Đồng thời vua Tịnh-Phạn truyền lựa năm trăm cô gái đẹp để đờn ca hát xướng và hầu hạ Thái tử mỗi ngày. Ngài lại cấp những thức ăn thượng hảo để làm cho Thái tử phải động ý say mê.

Trái lại, với những món ngon vật lạ và tiếng hát điệu đờn của các thế nữ, mặc dù đối kẻ khác rất quyến rủ họ sa đắm, còn đối với Thái tử thì Ngài thản nhiên không hề cảm nhiễm, trên gương mặt Ngài thường biểu lộ lắm vẻ ưu buồn không kể xiết.

Thái tử lập gia đình

Khi Thái tử lên mười sáu tuổi, thì vua hội các quần thần chọn lựa được nàng Da-Du Đà-La làm lễ thành hôn cho Thái tử. Trước cuộc thành hôn đó có nhiều cuộc ly kỳ, là nàng Da-Du Đà-La là một cô gái đẹp nhứt ở thời ấy, các vì vương tôn công tử đều muốn kết hôn cùng nàng, mới bày ra các cuộc thi, nếu ai có tài hơn mới được cưới nàng. Các cuộc thi ấy nào là bắn cung, đua ngựa v.v... môn nào Thái tử cũng thắng hết, nên cưới được nàng Da-Du Đà-La. Ngài có vợ, sanh được một người con trai tên là La-Hầu-La.

Lý do Thái tử xuất gia

Vào hôm nọ, thấy trong người buồn bã, Thái tử liền đến xin vua cha cho Ngài ra thành dạo chơi. Đức vua Tịnh-Phạn lúc nào cũng thương yêu Thái tử, mặc dù Ngài sợ Thái tử thấy cảnh khổ của đời mà đi tu, song vì lòng quá thương con nên Ngài chấp thuận lời xin ấy.

1. Ngày đầu, Thái tử gặp một ông già tóc bạc da nhăn, lưng cong gối mỏi, mắt lờ tai điếc, chừng như trong người ông ấy đã yếu ớt lắm nên thường hay run rẩy, xem rất khổ sở. Thấy thế, Thái tử càng lấy làm đau lòng lắm rồi.

2. Đến ngày thứ hai, Ngài gặp người bịnh, mày mặt bủng beo, da thị tẻo uột, sự ăn uống không được, nên rất ốm yếu. Người ấy rên la tỏ ra rất đau khổ. Khi thấy người bịnh thì Ngài lại càng thêm đau đớn nhiều hơn nữa.

3. Đến lần thứ ba, Ngài lại gặp một người chết đang khiêng, những thân nhơn quyến thuộc, như cha mẹ, vợ con, anh em theo đưa khóc kể quá thảm thiết. Ngài mới quay lại hỏi người đánh xe: “những cái già, cái bịnh và cái chết đó có ai tránh khỏi không?” Người đánh xe trả lời: “nếu con người sanh ra thì đều phải có già, bịnh và chết; ngay như Điện Hạ cũng không tránh khỏi cảnh huống ấy nữa”. Nghe người đánh xe trả lời như thế, Ngài rất buồn bã và hiểu ngay sự thống khổ của thế gian, dù bực Thiên tử cao sang sung sướng thế mấy đi nữa, đến ngày kia cũng phải già, bịnh,chết; thân nọ rã ra bùn ra đất, chẳng được bền bỉ. Ngài rất chán ngán cho thân mộng huyễn vô hồi. 

4. Đến lần thứ tư, Ngài lại gặp vị sa môn, vẻ người khoan nhã, dung dáng rất đoan nghiêm, không lộ chút gì tư lự, Thái tử lấy làm kính và hỏi: “Ngài là ai? Vị sa môn đáp, tôi là người khỏi cảnh già, bịnh, chết, bởi tôi không còn cảnh luyến ái việc gì cả. Thái tử đang tìm cách để giải thoát cảnh ấy, được nghe vị sa môn nói thế khiến lòng Ngài không xiết vui mừng và Ngài hiểu rằng: “Nếu muốn khỏi mọi thống khổ thì phải mau xuất gia tầm đạo”. Ngài liền chào vị sa môn và bảo tên Xa Nặc đánh xe về (bởi vì cơ hóa độ của Đức Phật đã đến, nên Trời Đế Thích hóa ra vị sa môn để thức tỉnh Thái tử, khiến Ngài sớm đi tu để độ chúng sinh)

Về đến thành, Thái tử đi ngay tới Phụ vương là vua Tịnh-Phạn, xin Phụ hoàng cho phép Ngài đi tu. Nghe Thái tử xin đi tu thì òng vua Tịnh Phạn hoảng lên và khóc lóc bảo Thái tử nên ở lại nối nghiệp trị vì thiên hạ, sau sẽ tu không muộn gì. Thái tử tâu rằng: “nếu cha có phép gì làm cho con đừng già, đừng bịnh, đừng chết và được cứu vớt các thống khổ của chúng sanh, thì con sẽ ở lại đây nối nghiệp cha, lo bề chăn dân trị quốc”. Lời yêu cầu ấy, vua Tịnh Phạn không thể làm sao được. Vua rất buồn và truyền lịnh cho cả thảy quân lính trong cung canh phòng nghiêm ngặt, không cho Thái tử đi đâu hết. Còn một mặt khác nữa, thì vua bày thêm các cuộc vui vẻ khác làm cho Thái tử nguôi sự đòi nài về việc xuất gia tầm đạo.

Mặc dù vua cha không cho, lòng Thái tử đã nhứt quyết đi tu, nên vào mùng bảy rạng ngày tám tháng hai, đầu hôm các mỹ nữ hiệp nhau ca xướng đờn địch ra vẻ lả ơi khêu gợi lòng Thái tử, cốt làm cho Ngài không còn nhớ việc đi tu.

Trời lần lần khuya, các cô mệt ngã bên tường mạnh ai nấy ngủ. Lúc ấy Thái tử Ngài thấy dáng mặt các người lúc nãy đẹp đẽ xinh xắn, môi son má phấn, uốn éo lả ơi, có vẻ yêu kiều diễm lệ, bây giờ ai cũng ngã ra ngủ như chết, mồ hôi đổ ướt dầm, son phấn trôi đùn lại, lúc nãy thơm bấy nhiêu thì bây giờ trở lại hôi hám bấy nhiêu, khiến Ngài càng chán hơn nữa. Rồi đó Ngài mới kêu tên Xa Nặc ra chuồng dắt con ngựa Kiền trắc đem cho Ngài, Ngài muốn vào thăm vợ con lần chót, nhưng Ngài sợ vợ con hay mà cản trở việc đi tu của Ngài, nên Ngài nén lòng đi luôn. Ngài cùng tên Xa Nặc lên lưng con Kiền trắc nhảy ngang qua thành trốn đi vào lúc canh khuya. Khi đó Ngài được mười chín tuổi.

Khi Ngài phi ngựa đến sông A-Nô-Ma, thì Ngài cùng tên Xa Nặc xuống ngựa, Ngài lấy gươm cắt tóc của Ngài và Ngài lột áo mão giao lại cho tên Xa Nặc đem về thành tâu lại Phụ vương hiểu lòng Thái tử đã quyết định như vậy. Lúc Ngài cắt tóc có bốn vị Thiên Vương thỉnh tóc Ngài đem về Trời xây tháp để thờ .

HẾT 
1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca (đang xem)
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
Đăng nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật