Phá Vô Minh - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Phá Vô Minh


Phá Vô Minh
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)


  • Phá Vô Minh
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
“Bởi vô minh vọng tưởng vạy tà
Nên quay lộn Ta bà cõi khổ”


Theo đây, Đức Thầy đã xác nhận rằng: “cả chúng sanh cứ quay cuồng chuyển lộn trong cõi mê khổ này là bởi lòng vô minh vọng tưởng những điều vạy vò tà khúc mà ra”.

Có người hỏi vô minh như thế nào? Thì trả lời một cách gọn ghẽ rằng: vô có nghĩa là không, minh có nghĩa là rõ, cả chúng sanh tâm trí mê mờ không rõ biết được bản tâm chơn như thường trụ diệu minh của mình, trở lại lầm nhận các tư tưởng, các vọng tâm biến diệt làm chơn tâm chơn trí
nên gọi là vô minh.
 
Bởi màn lớp vô minh che phủ cả chơn trí của chúng sanh mới có sự câu chấp sai lầm; kẻ thì chấp về sự tướng bỏ ý tánh, người chấp về lý tánh bỏ sự tướng, cứ mãi nhận việc ngụy làm việc chơn đem điều giả dối cho là chơn thiệt, nhân đó càng gây thêm nhiều nghiệp ác. Và bởi thấy biết không đúng sự thật nên mới lầm nhận giả thân này là thiệt thân, giả cảnh này là thiệt cảnh, cho cõi khổ này là cõi vui và lầm nhận những của cải, sự nghiệp của mình đã tạo đây là thiệt của mình, rồi cứ để lòng chăm ngó vào đó, nào là giữ gìn, nào là khởi lòng yêu mến không rời.

Sự nhận lầm ấy, chẳng khác nào người ngồi trên chiếc xe đang chạy, thấy cây chạy theo bên xe; và cũng như người chèo thuyền thấy trăng lội theo sau thuyền. Đến khi xe ngừng thì kẻ ngồi trên xe trở lại thấy cây không chạy, chỉ vì chiếc xe chạy mà dường như cây chạy; còn thuyền đậu thì kẻ chèo thuyền thấy không phải trăng theo, chỉ vì thuyền đi mà dường như trăng lội theo, chớ sự thật thì không phải thế.
Do chỗ tưởng lầm và nhận lầm ấy, cả chúng sanh lần lần đi xa chân ý, đi xa sự thật, cứ quay theo bao nhiêu giả cảnh, giả thân, giả tình, giả thế, bị những nghiệp tạo của mình kết thành lực lượng mạnh kéo lôi mãi trong cõi sanh tử, cũng như đứa nhỏ tự xoay tròn cái thân thành bị chóng mặt cháng váng, thấy nhà cửa đảo lộn ghê tởm vậy.
 
Đã bị lầm lạc và luân chuyển mãi trong cõi khổ, nhưng cũng chưa được bao nhiêu nhận rõ chỗ mình đã lầm và cũng chưa biết cái lầm ấy, cái khổ ấy là nguyên lai vì vô minh vọng tưởng tạo nên, thành thử không chịu nghiền ngẫm tìm tòi những phương pháp kỳ diệu để đối phá lại cái vô minh, cái vọng tưởng đang che phủ nơi mình. Vả chăng cái vô minh vọng tưởng không trừ diệt được, không bình định được, dù cho có phép thần thông biến hóa cũng không tránh khỏi sự luân hồi. Chẳng khác nào con dơi có tài bay nhưng không thể tránh khỏi một ngày kia trở lại hóa chuột hay thành chồn, vì lẽ chưa biến đổi được cốt chất.
 
Để tìm phương pháp đối phá bức màn vô minh vọng tưởng ấy. Thuở xưa trong khi Đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm có đoạn Ngài nói đại ý như vầy: “Theo Phật Ngài đã thấy thì toàn cả chúng sanh ai cũng đều có đủ trí huệ và luôn cả tướng công đức như Đức Như Lai, song vì họ cứ đem cái tâm phiền não vọng tưởng tham đắm mọi cảnh trước mắt, vì thế nên chưa chứng được trí huệ và đức tướng ấy. Nếu có một chúng sanh nào sớm biết xa lìa được phiền não và vọng tưởng tham chấp đã kể trước, tức thì cái trí hiểu biết tất cả và cái trí không học mà tự thông minh tất cả, tự nhiên hiện rõ nơi tâm của mình vậy. Đó chẳng khác nào nước đục mình đem đựng vào bồn để yên lặng một lúc sau, bùn cát lần lượt lóng xuống, tức nhiên màu nước trong hiện ra, đó là đã bắt đầu trừ được tâm phiền não và vọng tưởng rồi. Tuy thế mà bùn và cát còn nằm dưới đáy bồn, một khi khuấy động lên thì nó đục lại như cũ, thế nên muốn nước đó đừng trở lại đục, thì hãy gạn bỏ những bùn cặn còn nằm dưới đáy bồn đi, chỉ còn thuần nước trong từ trên mặt tới dưới đáy, như thế đã đoạn diệt được cội gốc vô minh vậy.

Khi làn sóng gió vọng tưởng vô minh đã bình định xong, tức thì đèn trí huệ sáng tỏ, ánh nhựt quang minh hiện ra rõ ràng, tự mình được thấy mọi cảnh giàu sang sung sướng, chè rượu điếm đàng, đờn ca xướng hát, mọi cuộc thích thú và lợi danh, tình mà mình đã tham đắm từ trước tới nay chỉ là một việc làm giả dối, một việc làm lầm lạc chẳng khác nào bấm mí mắt ngó thấy hai mặt trăng, tức mặt trăng thứ hai là mặt trăng giả, như nhận lầm con người của nhà thuật sĩ hóa ra tưởng là người thiệt, rồi đem lòng luyến ái, chẳng ngờ đó là người giả do phép thuật hóa ra sẽ biến mất.

Lại cũng như đám mây trắng ở lưng trời, đứng tưởng tượng lâu thấy người đi, thú chạy: Tưởng tượng con chó thì thấy con chó, tưởng tượng con người thì thấy người, mà sự thật thì đó chỉ là mây, do hơi nước bốc lên cấu thành, vì mình vọng tưởng mà thấy hình con người hay con vật chớ không phải thật.
Mình được nhận đúng, biết rõ như thế, là nhờ ngọn đèn trí huệ soi chiếu, cũng như nhờ ánh mặt trời mọc lên làm sáng cả vạn vật, mà đêm rồi mình nhìn lầm bụi cây là người đứng, bây giờ mới thấy rõ lại đó chẳng phải người.
 
Thế thì cái mình nhận lầm đêm rồi đã mất hết. Cái trí huệ của mình cũng thế, khi nó đã hiện ra thì những điều mình đã hiểu lầm trước kia, bây giờ sẽ được giải quyết tất cả. Khi đó mình tự thấy rằng: những sự giàu sang phú quý, danh lợi, ái tình từ trước tới nay chỉ là những cảnh trong giấc mộng chớ không phải sự thật; tham đắm nó chỉ phải luân hồi vào ra cõi khổ, máng lấy mọi điều tai ách chớ không phước lạc gì.
 
Còn Đức Thầy chỉ phương pháp diệt trừ vô minh là phải làm như thế này: “Đối với người đã chuyên tâm tu học đạo đức, muốn cho trí huệ mình được mở mang sáng tỏ ra, trước hết cần phải tìm được phương pháp diệt trừ vô minh.
 
Nhưng muốn diệt trừ vô minh thì nên tuần tự, nên cố gắng nhiều ngày. Việc làm trước hết là phải giồi mài nung nấu khối tinh thần của mình được mạnh mẽ cứng rắn. Nó cứng rắn cho đến đỗi chặt đứt những gì trở ngại trên đường đi của mình. Và nó được mạnh mẽ thắng phục tất cả những vật muốn lôi cuốn mình trở lại tục lụy. Lúc nào cũng tự đào tạo cho mình có một con đường quyết định duy nhất.
Con đường ấy, phải được rõ ràng và phù hợp với ý nguyện của mình đang tu học. Và lấy lòng quyết định duy nhất ấy, làm giềng mối cho mình trừ khử được những lòng cố chấp, thấy sai lầm như: trừ được thói quen theo việc làm quấy, trừ được lòng chần chờ trước việc phải, trừ được lòng ham muốn việc bất chánh, trừ được tánh ngạo nghễ tự phụ, trừ được lòng ghét ganh, gièm siểm nịnh bợ; và cũng trừ luôn lòng hay lo lợi riêng, hay nghĩ điều riêng, hay gây gổ kích bác, hay say sưa mê đắm theo việc ân tình dục lạc, và trừ được lòng phiền não tức: tham lam, sân nộ, mê si, vì chúng nó hay làm náo loạn nhiễu nhương tâm trí mình bị mờ ám rối ren. Nếu những điều ấy mình đã trừ diệt xong, tất nhiên tâm trí được trở lại thanh tịnh, mà tâm trí được thanh tịnh thì trí huệ hiện ra, làm cho sự nghe thấy và nghĩ ngợi của mình bắt đầu từ đó hoàn toàn sáng suốt trong sạch vậy.
 
Để kết luận câu chuyện này, chúng ta muốn tìm được phương pháp diệt trừ vô minh, thì có một phương pháp đồng với hai phương pháp của Đức Phật và Đức Thầy mà chúng ta đã trưng dẫn vừa qua, trong kinh có câu: “Nếu tâm sanh tất cả việc gì cũng sanh, khi tâm dứt tất cả việc gì cũng dứt”, ví dụ: ông thợ mộc muốn cất cái nhà thì liền nghĩ đến cột, kèo, vách phên, bàn ghế và các bộ phận trong nhà. Thế là do tâm ông sanh nên cái nhà và cả việc trong ấy mới sanh. Nhược bằng ông thợ không nghĩ đến việc cất nhà thì những bàn ghế hay vách phên kia đâu có sanh ra. Đó là tâm ông dứt nên cái nhà và cả việc trong ấy dứt.  
 
Khi tâm mình đã dứt hết vọng động thì muôn việc gì cũng đều dứt hết, tâm mình vọng động mãi thì tất cả việc gì cũng sanh ra. Thế nên có thể tóm vào một câu là hễ vọng tâm chúng sanh được lặng thì các tướng vô minh phiền não đều dứt lặng theo, chỉ còn một bản tâm thường trụ bất biến và sáng suốt vô cùng vô tận, tâm ấy tức Phật tâm vậy.

HẾT

1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh (đang xem)
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
Đăng nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật