Chúng ta là tín đồ của Đức Thầy, cố nhiên phải biết mục
đích của đạo Phật giáo Hòa Hảo như thế nào? Để rồi mỗi người nhắm theo đó mà
đi tới, khỏi sợ sai đường lạc nẻo.
Vả lại trước khi vào đạo, chúng ta
cũng tự hiểu mối đạo Phật Giáo Hòa Hảo dẫn chúng ta đến đâu và đạo nầy có
mục đích gì? Hiểu như thế rồi chúng ta mới mạnh mẽ cầm lấy hương đến trước
bàn Phật qui y. Hơn nữa mình ở trong đạo, thế nào cũng gặp người ở ngoại đạo
hỏi nền đạo của mình có mục đích gì? Mình phải hiểu rõ để trả lời cho họ
hiểu tường tận, không thể nói càn, trả lời Bướng được.
Vả như người
trong đạo, gặp kẻ ngoại đạo hỏi mục đích của đạo mình mà mình trả lời không
được, chẳng những họ cho mình là mê tín mà họ còn cho đạo mình không chánh
đáng nữa.
Vì đó tín đồ Đức Thầy trước nhứt phải biết mục đích của đạo mình, để trước
là tiến thẳng trên đường tu hành,sau sẽ giúp mình giữ vững đức tin và mặt
phổ hóa mình mới mạnh mẽ hướng dẫn kẻ khác quay về đạo như mình mà mình tin
chắc rằng không sai lầm.
Do chỗ quan hệ đó hôm nay chúng ta ôn lại mục
đích đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
“Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn
Khắp hạ giới truyền khai đạo
pháp”
Đoạn nầy Đức Thầy cho biết: Đức Thầy vưng sắc lịnh Đức Thế Tôn
xuống trần truyền khai đạo pháp khắp cả nhơn sanh trong thời kỳ hạ ngươn.
Do đâu Đức Thầy ra đời truyền khai đạo pháp để trùng hưng mối đạo của
Thích ca đã khai giảng ở ngàn xưa? Vì rằng chánh pháp nhỏ giọt đến thời mạt
pháp, bị tà giáo pha trộn vào làm cho phai lạt tinh lý rất nhiều, nên người
tu hành thì đông mà kẻ thành đạo thì chẳng được mấy ai. Nhân thế Đức Phật
chẳng những cho Đức Thầy xuống trần mà còn sắc lịnh cho nhiều vị khác nữa
cũng theo xuống để chỉ dạy việc nhân quả báo ứng, tội phước, chánh tà và
kiếp sống thế nào? Khi thác về đâu? Vì sao có Thiên đường? Tại đâu có Địa
ngục? Nếu người làm tội sẽ hưởng tội, và ngày kia không tránh khỏi luân
chuyển vào đường sanh tử. Và các Ngài cũng cho biết: nếu ai có phước duyên
nhiều thì được sống đến ngày thượng ngươn, hưởng lấy mọi cảnh an vui ở ngày
ấy.
Giữa Phật Giáo Hòa Hảo với đạo Phật Thích Ca không khác nhau, có
thể nói cùng một nguồn gốc nhưng thời kỳ Đức Phật ra đời ở buổi trước thì
chúng sanh phần đông là bực thượng căn, thượng trí có thể nghe thấu nghĩa ý
tối cao tối thượng và họ có thể hoàn toàn xuất gia được.
Đối với thời kỳ nầy, chúng sanh hạ căn hạ trí, với sự hiểu biết cạn cợt lòng
dũng mãnh yếu ớt, không nghe được pháp cao và không làm được việc quá sức
của họ. Nhứt là họ chưa ly gia cắt ái được, nên Đức Thầy dùng phương tiện,
giải pháp dễ tu, dễ hành là đồng tu nhân và tu Phật.
Đi sát câu: “Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo, Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỉ”.
Muốn tu đạo Tiên trước phải tu đạo người, bằng đạo người không tu thì đạo
Tiên không đến được.
Sở dĩ Đức Thầy dạy cho người thời nầy hành đạo
làm người, bởi lẽ trình độ của phần đông còn trong vòng tam cang ngũ thường,
nói rõ hơn là họ chỉ tu tại gia; còn sanh hoạt trong gia đình cha mẹ, vợ
con, anh em, nhứt là họ nặng nợ tứ ân. Thế nên Đức Thầy không tiện đem những
pháp xuất gia dạy người tại gia được, mà cần phải đem pháp tại gia dạy cho
họ thì họ mới tu theo được. Nhờ vậy lần lượt dẫn họ đi xa hơn, cũng như
người đau lại không thể bắt họ đi ngay như người mạnh được, mà phải lần lần
dắt họ đi từ bước một cho quen, sau mới bảo họ đi đứng mau lẹ được.Nói rõ
hơn, kẻ có nặng nợ gia đình không thể bắt họ ly gia cắt ái như kẻ xuất gia
được nên dạy họ học pháp tu tề, trị mình trước đã, để họ sửa chữa thân tâm,
dàn xếp gia đình và đối xử kẻ xung quanh, rồi mới tuần tự chỉ cho họ cách
thức tu hành cao hơn nữa. Như vậy mới có thể làm cho họ không làm những việc
quá sức.
Thế nên mục đích của đạo Phật Giáo Hòa Hảo gồm có hai việc,
vãn hồi đạo nhân và xương minh đạo Phật.
-Vãn hồi đạo nhân:
Trong xứ chúng ta, trước kia hầu hết trong nước từ hàng vua quan đến
dân dã đều đồng nhứt hưởng ứng lý thuyết của Khổng Tử là tu về nhân đạo. Mỗi
người đều phải học việc: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Việc nầy, phô trương
khắp xứ, ai cũng biết. Sau khi biết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín rồi họ thật
hành, như: tôi trung với vua, con hiếu với cha mẹ v.v...dù ai cũng vậy.
Nhưng từ sau ngày nước nhà bị trị, nghĩa là kể từ đời vua Tự Đức trở lại
đây, làn sóng văn minh phương Âu tràn vào xứ sở, bôi xóa tất cả thành tích
đạo nghĩa trước kia của dân tộc: từ đó đạo nghĩa bị bôi lọ tất cả, đổi lại
lắm thói tồi bại trong xứ sở. Vì thế đạo luân thường phai dần đi,cho đến
ngày giờ nầy, mặc dù có nhiều chùa miễu, nhiều tổ chức trùng hưng đạo Thánh
hiền, nhưng không được trở lại như cũ.
Nếu mối luân thường đạo lý không trùng hưng chấn chỉnh được nó ở trong tình
trạng suy vong mãi, thì trong xã hội không tránh khỏi khổ huống con giết
cha, vợ bội bạc chồng, tình anh em chia xẻ nhau, và dẫn đến tình bè bạn
không còn đãi nhau chơn thật nữa. Chẳng những vậy thôi, mà nó còn dẫn đến
giai đoạn khốc liệt là người ăn xé người; chỉ vì lòng ích kỷ độc ác mà họ
tàn sát nhau rất dễ dàng hơn giết con vật.
Bởi không thể ngồi yên một
chỗ, phó cho tình cảnh phong hóa suy đồi, dân tâm điên đảo, đạo lý mờ lu,
cang thường đảo ngược, nên Phật Giáo Hòa Hảo có mục đích phải làm sao cho
mối đạo ngũ luân: vua tôi, cha con, Thầy trò,chồng vợ và anh em đều trở lại
tô điểm màu sắc tốt tươi, bằng cách làm tôi lấy lòng trung thờ kính vua
chúa, con lấy lòng hiếu thảo phụng sự cha mẹ; vợ chồng phải biết cân phân ân
nghĩa; anh em ấy sự thuận hòa thương mến nhau và chia sớt cho nhau lúc khổ
vui; rốt hết là giữa thầy trò bậu bạn đem lòng thành tín đối đãi nhau rất
mực lịch sự.
1-Lẽ thứ nhứt, hưng phục ngũ luân
cho thuần mỹ là làm sao cho tất cả mọi người trong xã hội, như làm tôi thì
không bội phản; làm con thì không ngỗ nghịch, làm vợ thì không trái phu;
giữa anh em không bạc ác và đối với bạn bè chẳng sự lừa phỉnh nhau. Được như
thế, tức là đạo luân thường sẽ khỏi phải làm đau lòng tổ tiên và không phụ
Thánh hiền xướng suất lý thuyết đạo nhân.
2-Lẽ thứ hai, khắc kỷ được chơn chánh là trước khi đứng ra hành xử đạo nhân cho được
chu toàn thì mình cần phải sửa đổi thân tâm được chơn chánh tròn vẹn. Cách
sửa đổi ấy, là phải rèn luyện cho mình được có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nếu người không lòng nhân, nghĩa, lễ, trí... thì hẳn không phải là
người.Điều nầy Đức Thầy nói rõ: “Nếu thiệt người thì biết thương người”. Còn Ngài Mạnh Tử nói: “Vô nhân, nghĩa, lễ, trí, giả phi nhân dã”
:Người không lòng nhân, nghĩa, lễ, trí là chẳng phải người, mặc dù họ mang
xác chất như người.
Đó là phận sự của người trai, còn gái thì luôn luôn
tập tành công, dung, ngôn, hạnh. Những điều nầy mỗi người phải tiêm tất giồi
luyện từ lúc nhỏ đến lớn. Có được đức công thì việc làm khéo léo gọn ghẽ; có
được đức dung thì dáng vẻ được trang nghiêm; có được đức ngôn thì lời được
ngay thật; có được đức hạnh thì mới có những vẻ nhu mì và lòng từ hiếu được.
Với người phụ nữ gìn được bốn đức ấy,sẽ làm gương mẫu cho xã hội xung quanh
học theo.
Tuy nhiên các việc ấy chưa đủ, cần rèn luyện thêm các đức
tánh có ý nghĩa tốt đẹp khác nữa, nhứt là đừng bỏ qua một tánh hạnh tốt nào
mà không trau luyện và cũng không dung chứa một tánh xấu nào mà không chừa
tránh.Nếu gái trai cùng biết com kỉnh các đức tánh như đã kể qua thì trong
gia đình được đầm ấm ngoài xã hội được kính vì, đối xử mỗi việc đều được chu
đáo không đến dở dang tồi tệ.
3 Điều chót hết của đạo làm người là khi mình đứng ra xử sự, mọi việc
đều lấy lẽ công bằng và nhân đạo. Không vị tư, vị kỷ, làm lịch đòn cân nhân
đạo, và không làm bức người trong việc phi nghĩa, nhứt là làm sao cho mỗi
người đều biết trách nhiệm của mình; hễ làm cha mẹ có bổn phận dạy con cái
từ bé cho đến lúc trưởng thành, nếu mình không dạy để nó ngỗ nghịch, ngang
tàng thì mình phải chịu trách nhiệm, làm anh chị phải kềm chế em út, nếu để
nó lung lăng, phóng túng, làm việc bại hoại thì người anh chị chịu trách
nhiệm. Các vấn đề khác cũng vậy, đều có tương quan nhau:cha mẹ chịu trách
nhiệm con cái; anh chị có trách nhiệm em út; chồng có trách nhiệm vợ; đến
như thầy có trách nhiệm trò, bạn bè thì có trách nhiệm binh vực nhau. Mỗi
người đều phải biết trách nhiệm như thế cả.
Tóm lại, ai cũng
đều biết trách nhiệm trong phạm vi của mình để xử sự cho xong cả việc nhỏ
đến việc lớn, khiến từ trên đến dưới đều đem lại sự hòa hảo lẫn nhau, dù
phong tục có suy đồi cách mấy hay tâm trạng con người có đen xấu bao nhiêu
cũng lần lượt cải chế lại chánh đáng như trước được. Nhược bằng người sống
để mà sống, chớ không hiểu bổn phận mình đối: vua tôi, cha con, chồng vợ,
anh em như thế nào, thì phong tục tốt cũng đổi lại xấu, còn nếu phong tục
xấu thì càng xấu thêm. Như vậy thì loài người sẽ chìm xuống thấp thỏi không
khác loài vật ngu độn.
Xương minh đạo Phật:
Cùng một cảnh huống đạo Không tử, đạo Phật Thích Ca ở xứ ta hồi thời
nhà Đinh, Lê, Lý, Trần rất thịnh đạt,không những trong dân chúng mà luôn đến
hàng vua chúa cũng cùng một tin tưởng mạnh mẽ. Các vua thời ấy, thường hay
nhường ngôi cho con để đi tu, hoặc lên non núi lập chùa chiền qui tụ cả muôn
tăng lữ lo việc tu hành, hoặc xây cất am tự gần thành quách của mình để
truyền bá đạo Phật, nhứt là hồi nhà Trần vua Nhân Tôn tu được chứng quả, đạo
hiệu của Ngài là Điều ngự Giác hoàng Đại Đầu Đà. Người thời ấy tôn Ngài làm
đệ nhứt tổ của phái Thiền tông ở Việt Nam. Hàng quan tướng lúc bấy gi xem
gương của vua Nhân Tôn mà họ cũng lần lượt lánh rồi cuộc công danh, phú quí
lo tu hành rất đông, như con của Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Tảng. Lúc Trần
Quốc Tảng mới mười bốn tuổi vừa đi học về nghe cha bị quân Nguyên vây tại
thành Thăng Long thì ông mới nhứt thân nhứt mã ra giải vây cho cha. Chừng
ông được hai mươi tuổi đã đi tu, ngộ được Phật chỉ đạo hiệu của ông là Tuệ
Trung Thượng Sĩ. Còn những hạng tu hành chứng quả ở thời đó không kể xiết.
Nhưng kể từ khi các vị Tổ bên Trung Hoa ngưng việc truyền Y, phó
Bát đến nay, phái Thần Tú càng lúc càng thêm mạnh, không những ở Trung Hoa
mà còn truyền qua xứ ta, họ bày ra cách thờ cúng đầy thinh, âm, sắc tướng
(đờn, đẩu, trống phách, lầu phướn xá hạt v.v...) làm việc hữu hình, hữu ảnh,
dân chúng xứ ta dần dần theo đó mà xa lần mối đạo vô vi chánh pháp của Phật.
Nền chánh giáo từ đó càng ngày càng mờ lu, các ngôi chùa miếu phần nhiều chỉ
là cái vỏ để các tà sư làm mê hoặc thập phương, lợi dụng việc no cơm ấm áo
vậy thôi, chớ họ không chủ vào việc dắt người đến chỗ sáng sủa giải thoát.
Cũng bởi phần đông hành đạo không chánh đáng, nên cả ngàn muôn người tu mà
chỉ có một số ít người đắc đạo; do đó mà gần đây có người lên án cho cảnh
chùa là chỗ chứa những phần tử ăn bám của xã hội, chỉ là tổ chức mê hoặc
lòng dân, không có tinh thần tiến hóa, thật là một con sâu làm rầu nồi canh.
Do những lý về kể qua, bây giờ muốn cứu được hạng người đương say gục
tà thuyết và kẻ còn lầm đương vạy vò bị người lợi dụng có cơ tỉnh thức thoát
vòng trói buộc của tà sư ngoại giáo hầu được giải thoát hay đến được Hội
Long Hoa. Phật Giáo Hòa Hảo có mục đích xương minh đạo Phật.
1–Duy trì chánh giáo của Phật Thích Ca;
2–Dắt người
trở lại con đường lành;
3–Khiến cho mỗi người được tỏ
ngộ;
4–Đưa nhơn sanh đến Hội Long Hoa hay về cõi Cực
Lạc.
1-Lẽ thứ nhứt của cuộc xương minh đạo
Phật là duy trì chánh giáo của Phật Thích Ca khiến cho chúng sanh cùng được
giác ngộ như nhau và cùng hiểu được chơn ý của Phật. Lúc nào họ cũng tôn thờ
kính phụng mối đạo vô vi của Phật và hiểu luật nhơn quả báo ứng một cách rõ
ràng, tránh tất cả những thuyết có ẩn ý làm mê tín lòng người.
2-Lẽ thứ hai của cuộc xương minh đạo Phật là dắt người trở lại con
đường lành, bằng cách dùng đủ lẽ hay ho để hướng dẫn cho những kẻ lầm nghe
tà thuyết, tín ngưỡng ngoại đạo, sớm thức tỉnh trở lại con đường quang minh
của Tổ Thầy đã vạch sẵn. Nhứt là làm sao mọi người rứt bỏ các việc ác theo
làm mọi điều lành, khiến lòng ác độc của con người được bớt lần đi, tức thì
họa tham tàn lòng giết hại, sự đao inh của nhân loại dần dần ngưng hẳn; rốt
hết là sẽ cứu được chúng sanh lấp xong nguồn sống chết để cùng được nhẹ
nhàng siêu hóa về cõi thanh tịnh an cư của chư Phật.
3-Lẽ thứ ba của cuộc xương minh đạo Phật là khiến cho mỗi người được
tỏ ngộ, bằng cách phương tiện dùng pháp quyền biến, hoặc chơn thiệt, hoặc
mau hoặc chậm để vạch xé ra từ việc một của sự tham lam, sân nộ, si mê, ái
dục không phải là thiệt có, mà chỉ do vọng niệm vô minh của mỗi người mà
thấy nó dường như có thật. Bởi vọng niệm vô minh của chúng sanh tưởng sắc
đẹp là thiệt, tưởng của cải là trường tồn mới đem lòng tham chấp ghét ưa;
nhược bằng hiểu rõ rằng vạn sự của trần là huyền ảo, bọt bèo, sớm còn tối
mất không trường tồn vĩnh cửu, thì dù có mất mát cũng không khờn mẻ núng
nao. Chúng sanh nhận hiểu như thế, rồi tự mỗi người soi chiếu lại bản tâm
của mình, được thấy nó tròn trịa sáng sủa như mặt nhựt và có đủ công năng để
sử dụng một cách mầu nhiệm; nó có thể hiểu tất cả việc làm, tất cả món không
bị mọi cảnh ở bên ngoài ám ảnh vào mắt, tai,mũi, miệng mình nữa, khiến đầu
óc chẳng còn mê muội rối rắm, vẫn được một màu rỗng rang sáng tỏ, phân tách
được từ việc một của sự đời hay sự đạo để thật hành đúng theo chơn lý. Sau
hết là khiến cho mỗi người tự tu, tự ngộ lấy mình, không có ỷ lại vào sự
giúp đỡ của kẻ khác; vì nếu cứ ỷ lại vào sự giúp đỡ của kẻ khác mà mình
không lo lấy thì không khi nào đến chỗ giải thoát mau lẹ được.
4-Lẽ thứ tư của cuộc xương minh đạo Phật là đưa nhơn sanh đến hội
Long Hoa hay về cõi Cực Lạc bằng cách là khiến mỗi người quay về con đường
lành và tỏ ngộ bản tâm, tức nhiên đến ngày khai mở Long Hoa họ sẽ được đến
đó để nghe lời lẽ nhiệm mầu của chư Phật giảng giải và họ sẽ được sự an
thưởng của vị vua Thánh. Nếu trong lúc tu hành, lòng họ chuyên trì lục tự
một cách thuần thành thì họ sẽ được Đức Di Đà hiện thân đến tiếp rước về cõi
Cực Lạc hưởng lấy quả an vui hơn cõi Ta bà gấp bội.
Tóm lại,
đến khi công cuộc vãn hồi đạo nhân và xương minh đạo Phật được thực hiện một
cách rõ ràng từ chi tiết một của các vấn đề ấy, thì mục đích của đạo Phật
Giáo Hòa Hảo thành đạt. Lúc ấy, mảnh gương của Phật đạo và nền cương kỷ của
mối luân thường bát ngát thơm tho, không còn cảnh huống đê hèn diễn đi diễn
lại trước mắt mọi người như ngày nay nữa.
HẾT