Bốn Pháp Nhiếp Hóa - GIÁC NGỘ TÙY DUYÊN
LGWfrYbsCGvENWA8TkfRMZ7fj7Z9WPOVhLeg8glK
Bookmark

Bốn Pháp Nhiếp Hóa


Bốn Pháp Nhiếp Hóa
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)


  • Bốn Pháp Nhiếp Hóa
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
“Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,
Chấp bút thần tả ít bổn kinh”



Theo đoạn nầy, Đức Thầy cho biết rằng: “Trong việc hóa độ, Đức Thầy tùy theo phong hóa, trình độ và căn cơ của chúng sanh mà dùng thần bút viết ra những lời kinh, tiếng kệ cho được phù hợp, khiến mỗi người dễ nghe, dễ hiểu và dễ hành. Nếu nghe được, hiểu được thì mới có thể hành đạo đúng được. Nhược bằng dùng phương pháp không thích hợp trình độ, không phù hòa tâm trạng và phong hóa của mỗi xứ và mỗi chúng sanh thì không khiến cho người nhận được chân ý và cũng không thể theo đúng được lời của mình chỉ bảo”.

Bởi thế cho nên, người tín đồ muốn noi theo chí hướng của Đức Thầy thì cũng cần phải tùy nghi theo mỗi trường hợp để làm việc đạo lý y như Đức Thầy đã làm đó vậy. Nghĩa là người tu học Phật pháp, ngoài việc cứu độ cho mình khỏi tội lỗi, hết mê muội, lại cần phải độ cho kẻ khác, hết tội lỗi, hết mê muội như mình. Song muốn độ được kẻ khác, điều cần yếu hơn hết là phải hiểu tâm lý và hoàn cảnh của họ: người nghèo thì phải dùng phương pháp gì để độ họ tu hành; kẻ giàu thì phải dùng phương pháp gì để độ họ tỉnh ngộ; trong hàng dân dã làm sao cho họ niệm Phật; trong hàng quan trường làm sao cho họ thanh liêm, mỗi mỗi đều phải có những phương pháp gì cho thích ứng cho vừa vặn sự hiểu biết và thực hành của mỗi người, mới có thể làm cho họ chịu tu và hành theo lời của mình giảng giải. Những cách độ rỗi ấy, ngày xưa có lắm nhà Đại đức thường dùng bốn phương pháp nhiếp hóa. Bốn pháp nhiếp hóa nầy, lời lẽ tuy ít oi nhưng nó có năng lực rất thần bí sẽ làm cho các giới chúng sanh quay trở lại con đường đạo đức, khiến từ chỗ mê muội trở nên tỏ ngộ Phật Pháp.

Bốn pháp nhiếp hóa là :

1. – Bố thí nhiếp hóa,
2. – Ái ngữ nhiếp hóa,
3. – Lợi hành nhiếp hóa,
4. – Đồng sự nhiếp hóa,

BỐ THÍ NHIẾP HÓA


có nghĩa dùng đủ cách bố thí để gieo rắc lòng kính mến với mọi người, hầu khiến họ nghe theo lời đạo lý của mình chỉ bảo và vui làm theo những việc làm chơn chánh như mình đã treo gương.
Được thế, mình sẽ tiện bề dẫn dắt họ trở lại biết tu hành đạo đức rất quí báu tốt đẹp, có những tư cách ịch sự và biết lễ phép với kẻ trong nhà đến người ngoài.

Bố thí có ba cách:

1- Cách thứ nhứt là Tài thí


Khi muốn độ hạng người nào mà chúng ta thấy rằng: không thể đem lời nói hay sức lực giúp họ được, vì họ là kẻ nghèo. Thế thì chúng ta chỉ nên: hễ thấy họ có bịnh thì giúp cho họ thuốc men để điều trị; thấy họ rách rưới thì đem vải bô cho họ may mặc lành lẽ; thấy họ đói kém hãy đem lúa gạo cấp phát cho họ được no lòng, đến như nhà cửa hay ruộng đất cũng sẵn sàng giúp đỡ họ, và làm cho họ nhận rõ lòng mình biết thương yêu họ: trong lúc họ nghèo đói chẳng những mình không ghét bỏ, không rẻ khinh lại còn tận tâm cứu giúp họ, tức nhiên họ sẽ nặng lòng cảm mến tâm đức của mình vậy. Nhân đó mình có thể lần lượt đem câu đạo lý chỉ bảo họ, vạch cho họ hiểu tại sao đời họ phải nhiều sự nghèo khổ? Để họ được biết rằng sự khổ của họ ngày nay là do nghiệp tạo bất lành vừa qua, khiến họ đem lòng kiên sợ luật nhơn quả và chán ngán sự thống khổ của đời mà quay lại con đường Phật pháp. Từ đó mình bắt tay với họ để dìu dắt nhau đến chỗ toàn thiện.

2- Cách thứ hai là Pháp thí


Chúng ta muốn độ được kẻ giàu có, thì không thể đem tiền của, gạo lúa, thuốc men giúp họ được, vì họ đã có dư rồi. Chỉ có điều là dùng giáo pháp của Phật giảng giải cho họ hiểu rõ việc giàu có của họ ngày nay là do việc làm phước của họ ngày trước, nếu bây giờ họ cứ lo say đắm rượu chè, mê man tiền của, ỷ trọng vào của tiền nhiều, thế lực mạnh quên việc tu hành phước đức, thì đến ngày kia không tránh khỏi phải trở lại làm một người nghèo khổ để đền trả nghiệp tội xa xí trong lúc giàu có, nếu nghiệp ấy nhẹ; còn nghiệp nặng sẽ khổ nữa. Và cũng kể luôn cho họ hiểu đời là tạm giả dù của cải muôn xe, ruộng đất cò bay thẳng cánh, có quyền thế to tát như đế vương, kẻ hầu người hạ cả muôn người đi nữa, đến khi chết rồi cũng chỉ nằm trơ trọi dưới ba tấc đất, bao nhiêu của cải đã có lúc sanh bình đều để lại cho người khác xài, ruộng đất rộng lớn trước kia phú mặc cho vợ con, cho người dưng kẻ lạ chia nhau xâu xé, mình đâu còn giữ mãi được sao! Chỉ có cõi Cực Lạc rộng không thể lường, người đông không số đếm, đất thì đất ngọc, người thì người vàng, vật thực khỏi sắm sanh mà vẫn có ăn có mặc, không ai giành giựt với ai, nên cầu sanh qua đó được hưởng trường cửu hơn hết.

Mình tùy tiện bày kể như thế, khiến người ấy thấy của cải nầy không bền bỉ, không giá đáng, nên vui vẻ bố thí tu hành theo Phật Pháp. Từ đó trở đi giữa mình cùng họ thường khuyến khích chỉ bảo cho nhau tiến mạnh trên việc làm có nghĩa siêu mầu giải thoát được.

3- Cách thứ ba là Vô úy thí


Có nghĩa đối với người dù giàu hay nghèo, dân hay quan, nếu họ lâm trong tình cảnh sợ sệt hay gặp phải lúc khốn đốn thì mình nên hy sinh tài sản quyền lực và có thể đem cả thân mạng của mình để đỡ ngăn binh vực họ khỏi nguy hại thương tổn đến tinh thần hay thể chất. Ví dụ: nếu họ chìm thuyền thì mình lội ngay ra vớt họ mà chẳng sợ nguy hiểm tánh mạng; họ cháy nhà mình xách gào đến chữa tiếp mà không nệ cháy da phỏng trán; hoặc giả trong lúc họ bị người khác dùng sức mạnh áp chế thì mình đứng ra can thiệp cho họ khỏi sự bức bách của người kia v.v... Ngoài ra, những việc khác cũng như thế, mình làm sao họ hết sợ sệt được trở lại an vui, để gây tình thân cảm với họ. Sau khi họ yêu mến mình và kính nể mình, thì từ đó mình chỉ bảo cho họ nghe theo việc làm lành làm phải đúng đạo lý. Đưa họ đến con đường Phật Pháp. Như thế, mình đã cứu họ khỏi đau khổ cả xác chất lẫn linh hồn.

ÁI NGỮ NHIẾP HÓA


Có nghĩa dùng tất cả lời lẽ vừa dịu dàng, vừa nhơn đức nói ra cho người khác nghe, khiến lòng họ thấy vui thích trong câu chuyện rất đúng ý mà đem lòng yêu kính nể nang ở lời nói của mình. Nhân đó mình dẫn họ từ câu chuyện thế gian đến câu chuyện Phật pháp, làm cho họ nhìn nhận lời ấy hữu lý, tất nhiên họ không ngần ngại sẽ qui Phật tu hiền.

Ái ngữ có bốn cách:

1- Cách thứ nhứt là Thành thật ngữ


Lúc nào mình cũng dùng lời thành thật để nói với người, khiến người đem lòng tin tưởng ở lời của mình đã nói, từ câu chuyện nầy đến câu chuyện khác vẫn được đúng đắn không sai chạy, không điêu ngoa, không hề dối gạt họ để thủ lợi, làm hại đến sanh mạng tài sản của họ. Như thế, từ đó trở đi mình có thể dùng lời Phật Pháp nói với họ, họ sẽ đủ lòng tin tưởng và vui vẻ đặt chơn trên đường đạo đức lo việc tu hành như mình.

2- Cách thứ hai là Hòa thích ngữ


Lúc nào mình cũng dùng lời lẽ hòa nhã thích hợp tâm trạng, hoàn cảnh của người mình muốn độ, khiến họ vui nghe câu chuyện của mình nói và hăng hái làm những điều của mình khuyên.
Được thế sẽ làm cho lời của mình nói bao nhiêu cũng không làm cho người nghe chán nản và từ đó trở đi họ sẽ nắm tay với mình làm việc đạo đức đúng theo giáo điều của Phật
pháp.

3- Các thứ ba là Thông minh ngữ


Mình muốn giải bày một câu chuyện nào cũng cần được rành mạch và đầy ý nghĩa báu quí trong ấy. Từ việc nầy đến việc khác, về sự cũng như về ý, phân tách đâu đó đúng đắn phù hợp, khiến người nghe nhận rõ điều phải điều quấy, đâu là có nghĩa, đâu là không nghĩa, làm cho họ để ý. Sau đó mình sẽ nhấn mạnh những chỗ nên làm chơn chánh ích lợi cho mọi người, khiến họ thấy việc ấy rất cần thiết không phải chuyện huyễn để vui theo và làm theo.

4- Cách thứ tư là Tỷ dụ ngữ


Trong lúc nói chuyện với người khác thấy rằng không thể dùng lấy câu chuyện suôn sẻ cảm hóa họ được, thì mình nên tìm đủ cách ví dụ, hoặc đem người làm ví dụ, hoặc đem vật làm ví dụ cốt làm sao người ấy thấy rõ việc lợi hại, nên hư rất có nhiều bằng chứng mà người khác đã máng ấy rồi, khiến họ không còn ngần ngại để theo những việc làm của mình đã chỉ bảo. Bắt đầu từ đó mình đã thêm được một người đồng môn, một người thiện hữu trên con đường Phật Pháp.

LỢI HÀNH NHIẾP HÓA


Có nghĩa chúng ta nên dùng tất cả những lợi ích cho mọi người về mặt tinh thần hay vật chất. Việc làm ấy có mục đích làm cho người cảm mến lòng tốt của chúng ta, khiến cho họ thấy rõ chúng ta lúc nào cũng chú tâm đến đời sống, đến trí não của họ, hầu đặt cho họ một đức tin rất tốt đối với chúng ta. Bắt đầu từ đó chúng ta sẽ lần lượt đem lời đạo lý chỉ bảo họ, khuyến tấn họ bỏ được điều dữ, làm được điều lành, và những hành động tội lỗi của họ, họ tự biết hổ thẹn để cải sửa.

Lợi hành có ba cách:

1- Cách thứ nhứt là thân tác lợi


Mình đích thân làm được những lợi ích cho người, không phải nhờ tay người khác làm thay, để cho người của mình muốn cứu giúp, thấy rõ lòng mình thành thật giúp đỡ họ, giúp một cách tận tụy, giúp một cách trực tiếp, khiến họ càng thấy mình thành thật giúp đỡ họ chừng nào họ lại càng đem lòng cảm mến mình chừng nấy. Chẳng những lòng họ cảm mến với nghĩa cử quá tốt đẹp của mình, lại họ còn tin tưởng mạnh mẽ ở việc làm của mình nữa.Nếu họ tin tưởng việc làm của mình chính đáng tốt đẹp, đó là một cơ hội quí báu để mình tiến tới khuyên nhủ họ trở lại con đường tu hành đạo đức.

2- Cách thứ hai là phương pháp lợi


Thấy rằng chúng ta không thể đích thân đi làm thay cho người việc ấy được, vì không phương tiện; thì chúng ta hãy chỉ họ những phương pháp vừa với hoàn cảnh và có đủ phương tiện cho họ thực hiện được việc lợi ích. Lợi ích ấy, hoặc chữa sửa trí óc của họ từ chỗ dốt nát trở nên thông hiểu, hoặc bảo trợ đời sống của họ từ chỗ nghèo ngặt trở nên nở nang. Những điều khác cũng như thế, khi người ấy nhận được phương pháp quí đáng của chúng ta, họ đem thật hành có kết quả, cố nhiên họ không quên ơn chúng ta, mặc dù chúng ta không nhắc nhở hay nghĩ đến ơn ấy. Khi họ nhận mình là vị ân nhân của họ, lúc đó mình có thể nói cho họ nghe, bảo cho họ làm những điều đạo đức chơn chánh, nhứt là cần giúp họ hiểu luật nhơn quả báo ứng. Từ đó, mình mới có cơ hóa độ họ và làm cho họ tự biết sửa chữa cái lầm lỗi ở mỗi ngày.

3- Cách thứ ba là Tấn đức lợi


Đối với người đã hiểu biết đạo đức, hoặc sâu, hoặc cạn, hoặc lâu, hoặc mau, hoặc đã nhiều ngày hay mới đầu hôm sớm mai chẳng hạn, chúng ta cảm thấy cần phải làm cho đức trí của họ được mở mang sáng tỏ, thì nên gần gũi họ, hoặc chỉ họ những yếu pháp để tự trao luyện cho mau tỏ ngộ; và những điều nào có thể làm lớn công đức, sáng trí não mà chúng ta đã làm rồi, thấy có thực nghiệm nên chỉ dạy ngay cho họ, chớ nên ích kỷ để riêng mình làm, nghĩa là nên đem chỉ cho người khác những bí quyết của mình đã thấy rõ hiểu rõ. Bởi sự tu của mình không những tự độ lấy thân mà còn độ được kẻ khác, cố nhiên phải chỉ bảo kẻ khác cách nào cho họ chóng tỏ đạo tâm, đến giải thoát.
Được như thế, chúng ta tự thấy trong một ngày gần đây sẽ được thêm một ngọn đuốc thứ hai trong việc phổ hóa chúng sanh. Ngọn đuốc ấy, là người mà chúng ta vừa chỉ cho bí quyết đó.

ĐỒNG SỰ NHIẾP HÓA


Có nghĩa khi chúng ta muốn hóa độ một người nào mà chúng ta thấy rằng không thể đứng xa để độ họ được, thì chúng ta cứ hy sinh vào ở chung với họ, ngày nầy tháng nọ luôn luôn treo một mảnh gương trong sáng tốt lành cho họ soi vào để tự sửa chữa những vết đen đúa trong thân tâm. Hoặc giả trong lúc gần gũi họ, chúng ta sẽ giúp đỡ họ những gì còn thiếu kém và an ủi họ những khi gặp phải đau khổ, khiến cho họ nhận thấy đạo đức của chúng ta rất xứng đáng và tinh thần rất siêu việt, nghĩa là có một tinh thần cao cả hơn người thường tục, thế là họ tự cảm thấy: nếu họ cứ lăn xả, trong trường đời, chỉ chuốc lấy những điều tội lỗi và đứng mãi chốn bùn trịn hôi tanh cho đến chết cũng chẳng ra gì, chi bằng qui đầu theo Phật pháp lo việc tu hành, sẽ hưởng được khoái lạc ở ngày mai hậu. Như thế là chúng ta đã cứu độ được một linh hồn rồi vậy.

Đồng sự có bốn cách:

1- Cách thứ nhứt là Sĩ đồng sự


Sau khi mình dùng đạo nhãn thấy rằng: cần phải độ được giới quan trường, nghĩa là hạng người đang làm việc trong các cơ quan hành chánh hay quân sự thì mình nên vào ngay trong cơ sở ấy để làm chung với họ. Trong khi gần gũi họ mình sẽ đem hết lý lẽ siêu mầu của Phật pháp, biểu lộ tư cách con người hữu đạo, để họ thấy mình là bực mô phạm và chơn lý của đạo Phật là tuyệt đối, hơn nữa nó có một ý nghĩa đặc tôn, chủ trương lẽ từ bi hỉ xả trên hết tất cả chủ nghĩa. Chủ trương ấy rất bình đẳng không những với loài người mà luôn cả loài vật, không còn thành kiến nhơn ngã, sắc màu, chỉ đặt vào một tình từ bi bác ái. Khi họ nhận thấy như thế, tức nhiên họ phải quay lại con đường đạo đức như mình và chắc chắn họ sẽ thân mật kính mến mình, sẽ cùng chen vai thích cánh với mình trên đường tu hành đạo đức:

2- Cách thứ hai là Nông đồng sự


Cảm thấy cần phải hóa độ kẻ ruộng rẫy tơ tằm, mà chúng ta thấy rằng không thể đứng xa để độ họ được, thì nên vào làm việc ruộng rẫy tơ tằm như họ. Trong lúc đó nếu mình đủ sức thì cung cấp cho họ vốn liếng, giống má, canh cụ, hoặc ruộng đất để giúp cho họ trong sự gặt hái nông thóc được nhiều, đời sống được no cơm ấm áo, cả gia đình được vui vẻ sống còn. Thế thì bắt đầu từ đó họ tự thấy lòng họ nặng ơn đối với mình, tức thì mình đã có cơ hội chỉ bảo họ những lời đạo đức, mà mình tin rằng họ không thể từ chối. Hơn nữa, họ đã quá tin tưởng mình và nhận lời mình vừa phát biểu với họ là một việc lợi ích cho họ, tức nhiên họ nhận làm ngay. Thế là mình đã xui họ vào con đường đạo đức rồi.

3- Cách thứ ba là Công đồng sự


Khi mình muốn hóa độ kẻ làm công thợ, nếu phương tiện thì hãy nên vào ngay trong xưởng, ngay trong sở, ngay trong chỗ của họ đang làm để ngày nầy tháng nọ cùng đi làm với họ, từ câu chuyện thân mật lần lượt dẫn đến câu chuyện đạo đức, vì đã hiểu nhau nhiều và có cảm tình lẽ cố nhiên câu chuyện của chúng ta đưa ra họ sẽ nhận lấy. Khi họ nhận lấy câu chuyện đạo đức của mình là đúng đắn, thì họ sẽ thật hành theo từ chỗ tin tưởng yếu ớt lần hồi họ đến chỗ tu tỉnh mạnh mẽ, sau rốt họ sẽ trở nên một người tín đồ hoàn toàn tốt đẹp như chúng ta.

4- Cách thứ tư là Thương đồng sự


Thấy cần phải hóa độ được hạng người buôn bán,thì mình phải phương tiện vào làm việc buôn bán để đi lại giao hàng đặt hàng, và đàm luận những điều hay lẽ phải với họ nhiều lần, để gây cho họ một mối cảm tình và sự hiểu biết đối với mình; rồi lần lần giải bày cho họ hiểu được đạo lý, khiến họ biết việc làm nào tội, việc làm nào phước. Tội phải như thế nào? Phước phải như thế nào? Làm cho họ biết sợ nể luật nhân quả, và rất chán ngán sự luân hồi. Khi đó chúng ta sẽ nói mạnh thêm vấn đề Phật pháp, làm họ cảm nhiễm mà hăng hái tu hành, đồng thời họ sẽ chỉ lại cho người trong nhà họ cùng lo tu hành hết cả.

Để kết luận, bốn pháp nhiếp hóa nầy, căn cứ trên tấm lòng từ bi hỉ xả, vì muốn hóa độ thảy các giới chúng sanh mà phải phương tiện, hoặc đem của cải giúp đỡ người trước, rồi sau lần hồi độ họ; hoặc dùng lời lẽ hiền hòa dịu ngọt tiếp đãi họ hằng ngày cho họ cảm mến trước, rồi sau phương tiện độ họ; hoặc tự làm cho họ được lợi ích, để gây cho họ một tin tưởng trước, rồi sau phương tiện hóa độ họ; hoặc giả vào ngay chỗ họ đang làm, để làm chung với họ, để trong lúc gần gũi thường ngày đặng thuyết hóa họ theo con đường tu hành đạo đức. Những việc làm nầy không phải theo thói thường, mà là cần phải hy sinh đời mình để dám chết vì việc nghĩa, hay hủy bỏ đời mình vì Phật pháp và nhận lấy lời cay tiếng đắng, nhận lấy sự thử thách của đời, mới có thể độ được người đời. Có độ được người mới giúp cho cả thế hệ, cả xã hội ấy được thêm ánh sáng tốt lành. Đó là một điều lợi ích, mà cả Phật tử không một người nào từ khước cả.

HẾT
1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hóa (đang xem)
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT



Đánh giá bài viết

4.98/32 rates

Print Friendly and PDF
0

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật