TAM TÙNG VÀ TỨ ĐỨC


TAM TÙNG VÀ TỨ ĐỨC
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)

  • Tam Tùng - Tứ Đức
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ

Đặc tánh của đạo tam tùng tứ đức dành cho hàng phụ nữ. Thánh hiền dạy phụ nữ phải biết tam tùng tứ đức, nó là căn bản của khách thuyền quyên thục nữ; thiếu nó thì giá danh phải hư hỏng. Chính nó là phương thuốc chữa bịnh hư hèn của đám phụ nữ thời nầy để trở nên con người có hạnh đức thuần mỹ.

TAM TÙNG

Đạo tam tùng gồm có: tùng phụ, tùng phu, tùng tử.

1. Tùng Phụ

Phận gái trong lúc chưa xuất giá, là lúc có thể làm thay cha mẹ mọi việc trong nhà, nào lo chăm nom cơm nước cho cha mẹ và lúc nào cũng siêng năng trong công việc làm.

Nếu cơ hội ấy (tức lúc chưa chồng) mà không để ý đến ơn cha mẹ, bằng những việc làm lợi ích cho cha mẹ, để qua rồi khó kiếm lại được.

Bất tất việc chi cũng cần đãi lịnh cha mẹ, chỉ trừ việc thương thức của phận gái thì khỏi hỏi. Ngoài ra những việc bất thường, nhứt là việc có quan hệ đến gia tộc thì luôn luôn thưa lại cha mẹ. Khi cha mẹ cho phép rồi sẽ thi hành, cũng không quyền quyết định lấy. Lại nữa người con lúc nào cũng phải biết bảo trọng thân danh của cha mẹ và phẩm hạnh của mình, cần tập sửa nết na đầm thấm, không học theo phường ong bướm làm những việc tủi nhục tông môn.

Kỳ dư đối với các việc làm, dù việc nhỏ cũng phải khéo léo, gọn gàng nhưng không hấp tấp; và phải nhớ ăn ở cần mẫn tiết kiệm. Lúc nào cũng ấy lòng trinh bạch làm quí, nếu vì sự vui thú nhứt thời để thất thân thì dễ bị thói quen tánh liều, hèn hạ suốt đời lại còn gieo sự tủi nhục Tổ tiên cha mẹ. Cần nhứt bỏ tánh tham ăn, mê ngủ, nên thức khuya dậy sớm lo làm phận sự được chu đáo. Đó là tùng phụ.

2.Tùng Phu

Sau khi có chồng mọi việc chi đều do chồng dạy bảo. Điều khéo léo của người phụ nữ biết thờ chồng là xem cái nào chồng ưa để tuân theo cái nào chồng không ưa để chừa lánh, chồng ưa lẽ chánh nên nung đúc, còn ưa việc tà thì tìm cách khuyên lơn ngăn cản cho chồng hối cải. Người vợ biết khuyên chồng chừa việc sái quấy, nung đúc chồng làm điều chánh chơn cũng có thể đem lại nhiều vinh diệu.

Thuở xưa có người đánh xe cho Án Tử nước Tề, anh tỏ vẻ mặt vênh váo hách dịch, vợ của anh thấy vậy mới khuyên rằng: Án Tử vóc giạc bé nhỏ còn làm quan Đại phu và ông không có vẻ gì tự đắc, còn chàng có hình tướng vạm vỡ chỉ đi đánh xe cho người mà không biết thẹn lại còn ra vẻ dương dương đắc ý được ư?)

Nghe vợ chỉ trích thế, bữa sau anh không còn tánh ấy nữa, ông Án Tử thấy lạ liền hỏi tại sao hôm nay anh không có cử chỉ như bữa trước? Anh liền kể chuyện của vợ anh nói cho Án Tử nghe, ông liền cất nhắc anh làm quan, từ đó rất vinh hiển. Đó là một trong số người vợ khéo khuyên chồng lập nên địa vị.

Mỗi việc chi nếu có tánh cách hệ trọng cần cho chồng biết không nên giấu giếm, giấu giếm chồng là còn ý riêng không tốt.

Cả mọi việc trong nhà thuộc phần người vợ đảm nhiệm, việc ở ngoài do người chồng cáng đáng, những việc thường thức như đường kim mối chỉ, nồi cơm trách mắm nhứt nhứt phải chu đáo không làm phiền đến chồng những việc nhỏ mọn, trong nhà luôn luôn xếp đặt có ngăn nắp, vén khéo và sạch sẽ. Cũng đừng vì chồng quá yêu mà ra tuồng ỏng ảnh khinh lờn.

Lúc chồng đi vắng gặp bạn của chồng đến thăm phải giữ lễ độ nghiêm chỉnh chào hỏi tử tế, nhưng cẩn thận từ cử chỉ nói năng, nằm ngồi đều phân biệt ngôi chủ khách rõ rệt, không được nói cười lả lơi khiến người khác trông vào sanh nghi mà mang tiếng thất tiết. Đó là tùng phu.

3.Tùng Tử

Sau khi chồng qua đời, muốn trọn tiết với chồng thì nên ở vậy nuôi dưỡng con cái lớn khôn, nếu không được cũng phải đợi mãn kỳ tang khó rồi sẽ tái giá.

Trong thời gian góa bụa thường gặp sự thử thách trêu bẹo ở xung quanh, người quả phụ phải đủ lòng can đảm lướt qua. Khi con lớn lên cho nó học tập. Không nên ấp ủ để nó dốt nát. Tạo cho con nghề nghiệp chánh đáng để bảo thân. Khi muốn cưới vợ gả chồng cho con chẳng nên cò kè kén chọn chỗ giàu có, hãy lựa nơi cha lành con thảo có đạo lý đức hạnh để gây lấy sự tốt đẹp về sau cho chúng nó.

Bổn phận làm mẹ lúc nào cũng treo gương tốt lành cho con học theo, nghĩa là việc làm phải chánh đáng lời nói cho chơn thật, để con bắt chước lối ấy mà làm theo. Cứ thế cho đến ngày mình nhắm mắt theo chồng thì không có cái đẹp nào bằng.

Trái lại người chồng thác chưa lạnh mồ vì lòng dục vọng vội vã cải tiết thì:

- Lẽ thứ nhứt lỗi việc hương khói Tổ Tiên

- Lẽ thứ hai lỗi tiết với chồng.

- Lẽ thứ ba làm cho con bắt chước thói hư hèn sẽ làm khổ cho chúng nó sau nầy. Như thế chẳng đáng người làm vợ và làm mẹ có gương mẫu trong giới nữ lưu.

TỨ ĐỨC 

– Gồm có: công, dung, ngôn, hạnh là việc làm hằng ngày của giới phụ nữ.

1.Công

Tức là công việc làm thường ngày của phụ nữ không ngoài việc nấu nướng vá may. Tuy các việc ấy không lớn lao, song phải khéo léo lẹ làng. Đến việc làm lụng khác cũng vậy, không được làm dối mị thùa tháo.

2.Dung

Tức là dung mạo. Dung mạo phải đoan nghiêm, mỗi bước đi, đứng khoan thai chẫm rãi; không được chưa đi mà chạy; ngồi đứng phải chỗ, nằm phải nơi, nghĩa là dòm ngó trước sau cẩn thận rồi sẽ ngồi hay nằm cho lễ phép và kín đáo; không nên nằm chỗ trống trải quá hay nằm trước người tuổi tác. Lúc ngồi đứng cũng vậy tránh đừng ẹo lưng, dựa ngửa

3.Ngôn

Tức là ngôn ngữ. Lời nói phải được dịu dàng êm ái, muốn trình bày với ai nhứt là người lớn hơn mình thì phải thưa, khi người gọi đến phải dạ, trong câu chuyện của mình muốn nói phải nói cho rõ ràng. Người đời thường cho phụ nữ hay nói thêm bớt, nên cần nói lời chín chắn, không được chửi rủa tục tằn, bày lời điêu xảo.

4.Hạnh

Tức là hạnh nết. Về hạnh nết cần phải hiền hậu chơn chất, hay giúp đỡ kẻ hoạn nạn, cung cấp người thiếu hụt, chốn khuê phòng thường treo cao tấm gương trinh bạch, không nên học thói ong bướm lả ơi, nhứt là không xem sách tiểu thuyết hoa nguyệt để tránh sự mơ mộng xấu xa có hại trí não. Còn việc giao thiệp với chị em bạn gái cần phải lựa người tốt lành trinh chánh, có thể học hỏi thêm những cái hay tránh những cái dở. Nếu gần gũi kẻ lả lơi trây trúa khiến cho người khác cho mình cũng là một phồn với kẻ xấu xa ấy mà chịu sự chê bai khinh miệt.

Cư xử với ông bà, cha mẹ, anh em, xóm diềng phải luôn luôn giữ lễ độ khiêm cung không nên ỷ mình lanh lợi khéo léo mà hống hách điêu ngoa. Nếu người phụ nữ giữ được bốn đức nầy, thì không thẹn với người thượng cổ, lại còn xứng đáng người tín đồ Phật giáo.

HẾT
1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng Và Tứ Đức (đang xem)
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT

Post a Comment

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật