Tự Trị

TỰ TRỊ
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)

  • TỰ TRỊ
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
Về đức tánh việc tự trị là đứng đầu. Nó có mãnh lực làm cho con người tránh được lỗi lầm.
Vả lại người biết tự trị lấy mình hẳn không bị người khác trị. Con người sống để người khác trị là kẻ bạc nhược quá đê tiện, thiếu giác ngộ dễ bị đàn áp.

“Coi rồi phải thân mình tự trị.
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”.

Câu ấy Đức Thầy bảo chúng ta sau khi nghe một lời, một tiếng kệ phải hiểu ý nghĩa mà tự trị lấy mình, nhược bằng không trị lấy mình tức mình không độ được mình thì Đức Phật cũng khó mà tiếp dẫn cho.
Khi xét mình còn vạy tà ô trược, cần gấp rút ngăn ngừa chừa bỏ không tái phạm để đúng người lương thiện chơn chánh tức là kẻ biết tự trị.
Và mỗi khi thấy mình có những xấu xa vạy vò mà biết trừ bỏ không để nó sanh nở ra nhiều thì người ấy mới đeo đuổi theo được ý nguyện cao cả và sẽ trở nên người có đủ nhân cách của bực trượng phu quân tử.
Còn những hạng người trí thức, được nghe nhiều học rộng nhưng họ không để ý trừ bỏ cái quấy nơi họ, thì cái trí thức ấy không có giá trị và họ sẽ đưa thân đến chỗ chán chê của thiên hạ. Đến những người có địa vị cao sang trong xã hội hay đang kiêm chức vụ quan trọng trong xứ sở mà không biết ngăn ngừa chừa bỏ những điều phi nghĩa vô liêm, nghĩal à họ không tự trị lấy thân thì địa vị hay chức vụ ấy có ngày bị đánh rơi,đổi lại người (bạch đinh) bần quẫn trong thôn dã. Trái lại kẻ nghèo mà biết tự trị không phạm đến tội lỗi lại được nhiều người kính trọng và tin dùng ở nhiều trường hợp. Do đó mà họ từ chỗ thân cô bạch thủ sẽ dần dần bước lên chỗ cao quí trong xã hội.
Các trường hợp kể trên ai có xem kinh sử đều thấy vua Trụ vua Kiệt, vua Lệ các ông là hàng thiên tử đương quyền chưởng quản bốn cõi, vì các ông để tâm hồn phóng túng theo cảnh dục lạc, địa vị của các ông mới bị sụp đổ, thành lũy tan nát, lưu lại tiếng nhơ đến đời hậu tấn. Đối lại ông Nhan Tử là người nghèo nàn ăn mặc rách rưới, nơi thân vỏn vẹn một bầu nước, đai cơm mà giữ được đức hạnh thanh cao, tinh thần sáng suốt, đương tiền ai cũng kính phục, sau khi thác người đời còn nhắc nhở và noi gương theo. Như thế bực giàu sang của các bạo chúa đâu sánh bằng cái nghèo của ông Nhan Tử.
Được đọc thấy và nghe hiểu con người thiếu tự trị thường đưa thân đến chỗ nhuốc nhơ, chúng ta là kẻ học đạo, hiểu đạo cần phải biết cách tự trị lấy thân để tránh mọi tai hại ấy. \
Tự trị có ba cách:

TỰ TRỊ THÂN THỂ

– Cách trị thân thể là chúng ta luôn luôn ngăn ngừa mọi việc làm tội lỗi; không ngay thẳng, không hợp ý, trái ngược đạo lý, chạm đến luật pháp hay quyền lợi của người khác phải bị người sỉ nhục, công lý trừng trị quá cay khổ, nên bảo trọng thân danh của mình đừng để cho kẻ khác vày vò hành phạt làm đau lòng cha mẹ. Thánh nhơn có nói: “Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương hiếu chi thỉ giã”. Nghĩa là: hình vóc của ta bởi cha mẹ sanh ra, ta chẳng để người khác giày đạp nó vô cớ đó là kẻ hiếu. Vì xác thịt của chúng ta đang mang đó là cha mẹ sanh sản nuôi nấng, thân chúng ta có chút thương tích gì thì cha mẹ luôn luôn ràng rịt chăm nom, sợ sệt từ hồi có việc không may đến tánh mạng của đứa con. Như thế há để thân thể mình bị người chà đạp được ư?
Và người có tự trị thì lúc nào cũng cần giữ việc làm chánh đáng, tránh việc đụng chạm mọi người và không phạm pháp luật đó là phương pháp bảo thân tối diệu.
Tự trị thân thể còn giữ cho thân mình được đoan trang, dung nghi ngay ngắn vẻ người đằm thắm, từ tiếng nói, giọng cười được hòa nhã êm đềm và biểu lộ nét vui tươi, đó là điều tốt nhứt của đạo làm người mà dù ai cũng phải kính yêu học hỏi.

TỰ TRỊ TÂM TÁNH 

– Cách trị tâm tánh của ai nấy biết. Bởi tâm tánh vốn không hình tướng , không thấy được, không rờ đụng, nó là ông chủ của con người. Tâm tánh phát ra lời nói, việc làm, nói tóm lại mọi điều gì cũng do tánh xúi giục. Và nó làm cho con người biết phân biệt điều vinh nhục hơn kém vui mừng phải quấy, nhưng phân biệt để làm phải thì ít, còn làm quấy thì nhiều, thế nên kẻ được giác ngộ việc làm đầu tiên là tự trị tâm tánh. Nhưng sự tự trị tâm tánh là một điều không phải dễ, lúc nó ra cũng không thấy, khi nó vào cũng không hay vì nó không phải hình ảnh.
(Sách có câu: Tọa mật nhất như thông cù, ngự thốn tâm như lục mã.) Nghĩa là: Tuy ngồi trong nhà kín, có vách ngăn che, nhưng nhìn kỹ lại như ngồi ngoài ngả ba đường cái, chỗ nào nó cũng đến được cả. Còn muốn ngăn che cái tâm, không khác ngăn giữ sáu con ngựa, hễ bắt con nầy con kia chạy, bắt con kia con nọ chạy. Thế nên ta phải kềm giữ cái tâm, nhược bằng ta không kềm giữ nó được để nó mơ mộng trụy lạc vào đường tội lỗi; nhơ nhớp, gian xảo thì không tránh khỏi tai hại. Lại nữa, nếu không tự trị được tâm tánh dầu bực vua quan cũng sụp đổ dễ dàng và bị đánh rơi ngày nào cũng được.
Vả lại tâm tánh của người thanh tịnh mới có trí huệ, có trí huệ mới chứng đắc đạo quả. Sở dĩ đạo chưa phát vì tâm tánh còn xao động, lượn sóng vô minh cứ tràn ngập mãi mà thành tối tăm.( Mỗi ngày phải xét mình như thế dầu hạng bạch đinh cũng có ngày xứng đáng, tài đức chẳng kém bậc vua quan.)

TỰ TRỊ LỜI HỨA

Ngoài việc tự trị thân thể, tâm tánh còn phải biết tự trị lời hứa. Lời mình hứa với ai đều phải giữ đúng, trước khi muốn nói cần phải chọn lọc thật kỹ không cười đùa, nói bỡn vô ích. Vì lời nói đánh giá con người. Nó biểu lộ ít nhiều sự thật của tâm tánh, nếu trong sự giao tiếp với người khác, mình dùng lời khiêm từ, tao nhã sẽ khiến cho họ cảm tình và trọn lòng tin tưởng ở mỗi câu chuyện của mình. Thế nên lời hứa hẹn dù khó khăn gì cũng phải giữ đúng, chớ để sai thất.
Hơn nữa, chẳng những lời nói quan hệ đến đời sống của người mà nó cũng ảnh hưởng tinh thần của người rất to tác như tiếng của Đức Phật Thích Ca thuyết ra cả 49 năm từ trước tới giờ lời ấy vẫn còn hiệu lực dắt chúng sanh đến con đường giải thoát và vãng sanh Cực lạc vô số kể. (Trái lại lời nói trong những loại sách đầu độc dân chúng chỉ làm cho con người sa vào chỗ tối tăm vô ích cũng chẳng xiết lường.) Chúng ta là kẻ học đạo chỉ yếu con đường cao siêu chơn chánh lẽ cố nhiên phải học theo câu nói của Đức Phật. Nghĩa là chúng ta chỉ nên nói những lời ích lợi cho mọi người mà dù trải qua bao nhiêu thời gian nó cũng còn giá trị và thích ứng với tâm trạng và phong hóa của người mãi.

“Kết luận: Về mặt tự trị gồm có tự trị thân thể, tâm tánh và lời hứa. Tự trị tâm tánh cốt làm cho sạch hết những điều vọng tưởng sái quấy chỉ thuần ý nghĩ tốt lành: tự trị thân thể khéo làm cho thân xác đoan nghiêm việc làm chơn chánh; tự trị lời hứa là đem câu chuyện gì nói ra với người đều giữ chắc không để sai thất. Được vậy khiến kẻ khác đầy lòng tin tưởng vào việc làm và lời nói của ta, thì việc lớn đến đâu cũng có thể thực hiện được.”

HẾT
1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị (đang xem)
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy pháp giác tri
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT

إرسال تعليق

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật