Bảy Pháp Giác Chi

Ông Thanh Sĩ,Chú Nghĩa Thanh Sĩ,Bảy Pháp Giác Chi, Thất Bồ Đề Phần

BẢY PHÁP GIÁC TRI
(Trích Chú Nghĩa Thanh Sĩ Trong PGHH)


  • BẢY PHÁP GIÁC TRI
  • Chú Nghĩa Thanh Sĩ
Thất Bồ Đề Phần

1- Thứ nhứt, Trạch pháp giác chi: Tự hiểu mình đã chọn được đạo pháp chánh, nhưng không hề khởi một ý niệm khinh khi, ngạo báng những đạo pháp tà, đến những người ở trong đạo pháp ấy mình cũng vẫn lấy lẽ khiêm tốn lễ độ đối với họ, tránh những lời có thể làm họ hiểu lầm mình xiên xỏ họ, chỉ nên tìm cách khéo léo làm cho họ tự thấy đang ở trong đạo pháp bất chính để quay theo đạo pháp chơn chính như mình. Đạo pháp không chơn chính tức đạo pháp đi sai chơn ý của Đức Phật đã vạch sẵn, nói rõ hơn là nó không đưa người đến mức cứu cánh giải thoát.

2- Thứ hai, Tinh tấn giác chi: Tự biết mình trong chỗ tu hành rất tinh tấn nhưng không hề khởi một ý niệm câu chấp theo pháp tu khổ hạnh: không ăn uống, không nói năng, nằm hoài, ngồi hoài, chôn nửa thân dưới đất, hoặc phơi nắng ngoài trời.v.v... Chỉ nên làm theo chánh pháp của Phật, không chấp nê những hình tướng bên ngoài, chỉ cần trau sửa tâm hạnh, trừ mê si đổi lại trí huệ, trừ hung tàn đổi lại hiền lương, trừ ý nghĩ phàm phu đổi lại tâm niệm thánh đức, thế mới đạt thành kỳ nguyện siêu suất tam đồ lục giới.

3- Thứ ba, Hỷ giác chi: Tự biết mình được tỏ ngộ, được chứng đắc đạo pháp, nhưng không lấy đó làm vui mừng thái quá, chỉ để lòng khi đắc pháp cũng như lúc chưa đắc pháp vẫn thản nhiên, thế là cái pháp ấy mới được viên mãn. Vì rằng nếu mình được tỏ ngộ mà lòng cứ nơm nốp vui mừng làm cho thần trí điên đảo, thì không khỏi lạc vào tà kiến. Vả lại khi đắc pháp lòng mình còn háo danh tự phụ, khoe khoang tự đắc, thì dù có thần thông trí huệ cũng không bao lâu sẽ trở lại mê si, như lúc chưa đắc pháp. Chỉ nên khởi lòng mừng, là mừng cho mình có đủ điều kiện hóa độ quần sanh và mừng cho mình sắp thực hiện được lòng từ bi bác ái trong một ngày gần đây. Như thế cái mừng ấy chỉ đặt trên nền tảng từ bi, trên phương diện cứu đời, không lấy gì làm tội lỗi.

4- Thứ tư, Trừ giác chi: Tự biết mình đã trừ xong các nghiệp phiền não: tham lam, giận dữ, mê si, nghi ngờ , nhạo báng và bao nhiêu lỗi lầm khác, nhưng không hề khởi một ý niệm cho rằng mình đã trừ diệt được phiền não tội lỗi.
Nếu sanh lòng chấp rằng mình đã trừ diệt được phiền não thì mình đã lọt trong cảnh phiền não, vì trong khi mình khởi lòng nghĩ mình trừ diệt được phiền não, là mình đã có nghĩ đến cái phiền não rồi. Thế thì đâu gọi mình đã trừ xong phiền não. Hơn nữa, trong khi mình cho rằng mình đã không còn phiền não thì đâu khỏi đem lòng khinh khi những người mà mình cho họ còn phiền não. Nếu còn khinh khi người là còn phân biệt nhơn ngã, còn phân biệt nhơn ngã thì còn tranh chỗ hơn thua vinh nhục. Như thế thì mình đánh một vòng trở lại gốc phiền não sanh tử như cũ rồi, sẽ làm một việc lầm lạc, một điều tai hại cho mình ở ngày kia vậy. Do đó mà dù mình đã diệt được phiền não cũng không hề vọng chấp mình đã được.

5- Thứ năm, Xã giác chi: Tự biết thân tâm mình đã giũ sạch hết thảy những tánh tình luyến ái các vật trong nhơn gian, nhưng không khởi lòng chê cái nầy ghét cái nọ, mà vẫn giữ lòng bình đẳng như như, đối với người nào cũng thương yêu rất mực, xem mọi kẻ khác như thân bằng quyến thuộc của mình, biết nhận rõ các vật trên đời là giả hợp, dù không bỏ cũng không còn, mà đã bỏ được cũng là một sự thường, cần gì phải chấp. Chỉ nên đem những phương pháp nào mà mình đã dùng trừ diệt được tội lỗi, dứt bỏ được sai lầm, để chỉ lại cho người khác thật hành có kết quả như mình, đó mới là một việc làm giá đáng không ngằn và một gương mẫu cao cả trong vòng từ bi bác ái.

6- Thứ sáu, Niệm giác chi: Tự biết đầu óc của mình lúc nào cũng niệm tưởng những điều chánh không hề xen một niệm tà, tuy nhiên lòng vẫn tự ti tự tốn chẳng hề phô phang với người khác rằng: Tối ngày tôi không hề khởi một niệm quấy, vì nếu trong lúc mình niệm chánh mà mình đem khoe với người khác, hay tự cho mình đã niệm chánh, trong lúc đó mình đã sanh lòng phân biệt đến cái niệm tà rồi, chẳng khác nào người khởi lòng nhớ đến màu trắng, thì họ đã tự thấy trong đầu óc đang đối chiếu với màu đen vậy. Chỉ nên thấy mình niệm chánh thì cần giữ cho cái niệm ấy được tròn đủ, thì sẽ đem lại kết quả như ý.

7- Thứ bảy, Định giác chi: Tự biết thân tâm của mình được an tịnh chơn chánh, nhưng không hề khởi lòng phân biệt rằng mình lúc nào cũng trụ vào chỗ chánh, vì nếu mình chấp rằng mình đã định chánh mà mình còn khởi lòng phân biệt, tức trong lúc khởi lòng đó đã sanh loạn rồi, nghĩa là lúc phân biệt ấy mình đã đem cái cảnh loạn vào đầu óc mình, để đối đầu với cái định thì trở thành loạn động rồi chớ đâu còn gọi là định nữa. Nhược bằng lòng mình đã định mà không khởi tâm chấp trước vào cái định đó thế mới giữ còn mãi cái định ấy được và gọi là chánh định.

Hành được pháp nầy, sẽ có một năng lực giúp đỡ cho người trở nên giác ngộ, đầy đủ về phương diện chọn lựa chánh pháp đến phương diện hăng hái vui mừng, dứt bỏ, xa lìa, ghi nhớ và an định mỗi mỗi đều được chơn chánh mà không khoe khoang không phân biệt, không tự cho mình làm được cái nầy, bỏ được cái nọ, khiến cho tâm trí lúc nào cũng được bình đẳng không sự câu chấp, không sanh phiền não nhờ đó mà được hoàn toàn trở lại bản tâm rỗng không sáng suốt đến mức giải thoát cùng tột.
HẾT
1. Đạo Làm Người
2. Tam Tùng và Tứ Đức
3. Tự Trị
4. Đức Hạnh
5. Hiếu Thảo
6. Lễ Độ
7. Công Chánh
8. Khiêm Nhượng
9. Khoan Dung
10. Thanh Bạch
11. Kiệm Tiết
12. Trung Thành
13. Kiên Trinh
14. Điềm Tĩnh
15. Suy Xét
16. Cương Quyết
17. Ôn Hoà
18. Nhẫn Nhục
19. Hổ Thẹn
20. Cần Mẫn
21. Đạo Phật
22. Tại sao chúng tôi đặt đức tin nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ ?
23. Đại lược vài khoảng về sứ mạng Đức Thầy
24. Mục đích đạo Phật Giáo Hoà Hảo
25. Yếu pháp của Phật Giáo Hoà Hảo
26. Lịch Sử Phật Thích Ca
27. Thái Tử tham thiền và thành đạo
28. Tứ Ân
29. Thập Ác
30. Chừa Thập Ác được những công đức
31. Bát Chánh
32. Hành Bát Chánh được những lợi ích
33. Tứ Diệu Đề - Đức Thầy
34. Tứ Diệu Đề của Đức Phật
35. Ngũ Uẩn (hay Ngũ Ấm)
36. Lục Căn với Lục Trần
37. Trừ Tánh Nhơn Ngã
38. Phá Vô Minh
39. Luật Nhơn Quả
40. Lý Luân Hồi
41. Bốn Pháp Nhiếp Hoá
42. Sự Tích Phật A Di Đà
43. Gấp niệm Phật
44. Phương Pháp niệm Phật
45. Lợi ích của niệm Phật
46. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
47. Bốn pháp niệm xứ
48. Bốn pháp chánh cần
49. Bốn pháp như ý túc
50. Năm pháp căn
51. Năm pháp lực
52. Bảy Pháp Giác Tri (đang xem)
53. Tám pháp đạo phần
54. Đại khái pháp tu thường ngày của một tín đồ P.G.H.H

HẾT

Đăng nhận xét

Cảm ơn Đạo Hữu đã đóng góp. Chúc Đạo Hữu một ngày an lạc! A Di Đà Phật